Sốt xuất huyết là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với khả năng lây lan nhanh và gây ra nhiều biến chứng. Đặc biệt, người bệnh có nguy cơ tái mắc sau khi khỏi sốt xuất huyết, bởi vậy không nên chủ quan, lơ là các biện pháp phòng tránh.
Bạn đang đọc: Cẩn trọng với nguy cơ tái mắc sau khi khỏi sốt xuất huyết
1. Nguy cơ tái nhiễm sau khi khỏi sốt xuất huyết và mức độ nguy hiểm của tình trạng này?
1.1 Nguy cơ tái mắc sau khi khỏi sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm xảy ra do tác nhân gây bệnh là virus Dengue và tác nhân truyền bệnh là muỗi vằn Aedes Aegypti. Trong quá trình diễn tiến, bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như sốt cao liên tục, mệt mỏi, nôn, buồn nôn, đau mỏi cơ khớp, phát ban,… Bên cạnh đó là nhiều biến chứng nguy hiểm như hạ tiểu cầu, cô đặc máu, suy tim, gan, thận, tràn dịch màng phổi, sốc mất máu…
Hiện nay rất nhiều người cho rằng mỗi người chỉ mắc sốt xuất huyết một lần trong đời nên lơ là cảnh giác sau khi khỏi bệnh.
Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định người bệnh sốt xuất huyết có khả năng tái nhiễm. Bởi virus virus Dengue có tới 4 chủng là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. 4 chủng này giống nhau về khả năng gây bệnh sốt xuất huyết, nhưng khác nhau về kháng nguyên. Mỗi lần bị sốt xuất huyết thì người bệnh chỉ mắc 1 trong 4 chủng này. Sau khi khỏi sốt xuất huyết, cơ thể người bệnh cũng chỉ sản sinh ra kháng thể để chống lại chủng virus đó.
Như vậy, một người đã từng khỏi sốt xuất huyết vẫn có khả năng nhiễm các chủng Dengue còn lại. Cũng có nghĩa mỗi người có nguy cơ bị sốt xuất huyết tới 4 lần trong đời.
Sốt xuất huyết có nguy cơ tái mắc sau khi khỏi bệnh bởi có tới 4 chủng virus Dengue khác nhau nhưng mỗi lần cơ thể chỉ sản sinh ra kháng thể để chống lại 1 chủng virus.
1.2 Tái mắc sau khi khỏi sốt xuất huyết có nguy hiểm không?
Không phải ai cũng bị sốt xuất huyết tới 4 lần trong đời. Thực thế tỷ lệ này rất thấp. Thường một người chỉ bị sốt xuất huyết 3 hoặc 2 lần, thậm chí có những người không bị tái nhiễm lần nào. Nhưng vẫn không thể chủ quan trước tình trạng này. Sau khi khỏi sốt xuất huyết, người bệnh cần chủ động chăm sóc sức khỏe và phòng tránh sốt xuất huyết, đặc biệt trong những giai đoạn dịch bùng phát.
Không chỉ có nguy cơ tái mắc nhiều lần mà điều đáng nói là ở những lần mắc sau, bệnh thường sẽ nặng hơn lần trước đó.
Nguyên nhân là do sốt xuất huyết lần đầu thường do virus type DEN-1 gây ra. Đây là chủng virus cổ điển với những biểu hiện lâm sàng nhẹ như: người mệt mỏi, nhức đầu, phát ban, thời gian mắc bệnh ngắn. Tuy nhiên ở lần mắc sốt xuất huyết thứ 2 và các lần sau đó, bệnh nhân mắc bệnh do các chủng virus khác. Lúc này 2 loại kháng thể cùng tồn tại có thể xảy ra xung đột, gây nên các phản ứng nghiêm trọng.
Người bệnh có nguy cơ cao bị trụy mạch, choáng ngất, tăng nguy cơ đông máu và xuất huyết thành mạch,… gây nguy hiểm và dễ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và theo dõi tích cực.
1.3 Người Việt có dễ tái nhiễm sốt xuất huyết hay không?
Việt Nam là quốc gia thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều. Đây là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh (virus) và trung gian lây bệnh (muỗi, loăng quăng) sinh sôi, phát triển, đặc biệt là vào mùa mưa.
Lịch sử dịch tễ cho thấy cả 4 chủng virus đều đã xuất hiện và gây bệnh ở nước ta. Trong khi đó thuốc đặc trị và vắc-xin phòng bệnh này đều chưa có.
Đây cũng chính là nguyên nhân bệnh sốt xuất huyết ở Việt Nam có khả năng tái nhiễm và dễ bùng phát thành dịch.
Tìm hiểu thêm: Những điều nên biết về bệnh sởi
Bị sốt xuất huyết lần sau, các triệu chứng thường nặng hơn lần đầu nên cần thăm khám và điều trị sớm.
2. Mắc sốt xuất huyết lần 2 có biểu hiện như thế nào và điều trị ra sao?
Các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết lần 2 bao gồm:
– Người mệt mỏi, li bì, có cảm giác đau nhức toàn thân
– Cảm thấy bồn chồn, vật vã
– Đau bụng, buồn nôn, nôn
– Xảy ra xuất huyết niêm mạc như chảy máu cam, chảy máu chân răng; xuất huyết tiêu hóa như đau bụng, đi ngoài ra máu, nôn ra máu; xuất huyết não với tình trạng hôn mê, co giật…
Khi xét nghiệm sẽ thấy thấy thể tích khối hồng cầu tăng so với trước đó, tiểu cầu giảm….
Thông thường, người mắc sốt xuất huyết lần đầu có thể được điều trị khỏi tại nhà. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, sốt xuất huyết lần 2 thường nặng hơn và nguy hiểm hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm nên khi thấy các dấu hiệu sốt xuất huyết tái nhiễm, vì vậy bệnh nhân cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị và hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, cần có chế độ ăn uống hợp lý để tăng sức đề kháng và hỗ trợ quá trình điều trị. Cụ thể, nên uống nhiều nước, các loại nước trái cây, uống oresol, ăn nhiều hoa quả, ăn đồ ăn dễ tiêu,… để bù lượng dịch mất đi.
Đặc biệt cần theo dõi chặt chẽ đối với những bệnh nhân bị béo phì, tiểu đường, tim mạch, phụ nữ mang thai, trẻ em,… Nếu có dấu hiệu bệnh chuyển nặng, cần đưa bệnh nhân lên tuyến trên để được điều trị kịp thời.
3. Phòng ngừa tái mắc sốt xuất huyết
Để tránh nguy cơ tái nhiễm sốt xuất huyết, sau khi khỏi bệnh, không nên chủ quan lơ là mà cần chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe của mình và duy trì các biện pháp phòng tránh sốt xuất huyết ở nơi ở và nơi làm việc như:
– Đậy kín các vật dụng chứa nước để chặn nơi sinh sản của muỗi
– Tránh để nước tù đọng bằng cách úp ngược chum, vại khi không dùng đến, phát quang bụi rậm, xử lý rác thải
– Diệt muỗi bằng vợt muỗi, bình xịt, hương muỗi,…
– Phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành phun thuốc diệt muỗi tại nhà và quanh nơi sinh sống, làm việc
– Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng của cơ thể
>>>>>Xem thêm: Khoa Kiểm soát – Nhiễm khuẩn thuộc Hệ thống y tế Thu Cúc
Phun thuốc diệt muỗi xung quanh nơi ở, làm việc là biện pháp phòng ngừa tái mắc sốt xuất huyết hiệu quả.
Qua bài viết trên đây, hi vọng bạn đã nhận ra được nguy cơ và mức độ nguy hiểm của việc tái nhiễm sốt xuất huyết. Khi nghi ngờ mắc bệnh, bạn nên đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị đúng cách, kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.