Carcinoma tuyến giáp thể nhú có chữa được không?

Carcinoma tuyến giáp thể nhú là loại ung thư tuyến giáp phổ biến (chiếm 80-85% các trường hợp ung thư tuyến giáp). Vậy loại ung thư này có chữa được không, phương pháp điều trị như thế nào? Hãy cùng Thu Cúc TCI đi tìm câu trả lời thông qua bài viết dưới đây.

1. Hiểu về Carcinoma tuyến giáp thể nhú

Carcinoma tuyến giáp thể nhú (hay còn gọi là ung thư tuyến giáp thể nhú) là dạng tổn thương ác tính của tế bào biểu mô tuyến giáp.

Bệnh đặc trưng bởi sự xuất hiện của một khối u/ nhân không đau, không gây rối loạn chức năng tuyến giáp. Khối u thường có xu hướng bị bỏ qua ở giai đoạn đầu bởi các dấu hiệu nghèo nàn. Người bệnh chỉ phát hiện sự tồn tại của khối u khi đi khám định kỳ có siêu âm vùng cổ.

U ác tính có thể không có hạch hoặc có hạch kèm theo. Trường hợp xuất hiện hạch cổ, thường là hạch cùng bên với khối u (như khối u ở thuỳ trái tuyến giáp có thể gặp hạch di căn bên trái cổ). Tính chất hạch rắn, di động được (khi hạch chưa xâm lấn). Hạch phát triển kích thước lớn và xâm lấn thường khó di động.

Ngoài ra, người bệnh mắc carcinoma tuyến giáp thể nhú còn có thể gặp phải các triệu chứng như nuốt nghẹn, nuốt khó, khàn giọng. Đây là tình trạng được ghi nhận ở khoảng 20% các ca bệnh ung thư.

Carcinoma tuyến giáp thể nhú có chữa được không?

Carcinoma tuyến giáp thể nhú  là loại ung thư tuyến giáp thường gặp nhất và có tiên lượng tương đối tốt.

2. Carcinoma tuyến giáp thể nhú xảy ra do đâu?

Nguyên nhân hình thành ung thư thư tuyến giáp thể nhú đến nay vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia Nội tiết tin rằng nó có thể liên quan đến các yếu tố nguy cơ như:

2.1 Carcinoma tuyến giáp thể nhú hình thành do tiếp xúc với bức xạ

Những người có tiền sử tiếp xúc với bức xạ ion hoá được xác định có khả năng mắc ung thư tuyến giáp thể nhú cao hơn đáng kể so với người bình thường. Sự phơi nhiễm bức xạ có thể đến từ việc điều trị bằng xạ trị các bệnh lý vùng đầu cổ hoặc tiếp xúc với môi trường nhiễm bức xạ.

Thông thường, các khối u tuyến giáp thể nhú sẽ xuất hiện sau thời gian tiếp xúc với bức xạ từ 10-30 năm.

Carcinoma tuyến giáp thể nhú có chữa được không?

Tai nạn hạt nhân làm rò rỉ phóng xạ tại Chernobyl 1986 làm tăng nguy cơ mắc carcinoma tuyến giáp tăng từ 3-75 lần.

2.2 Yếu tố di truyền

Các hội chứng bệnh di truyền như: đa polyp tuyến gia đình, hội chứng Gardner, hội chứng Werner hay phức hợp Carney loại I… có thể liên quan đến việc hình thành khối u tuyến giáp thể nhú (chiếm 5% các trường hợp).

Bên cạnh đó, chế độ ăn thừa iod, có tiền sử bệnh tuyến giáp lành tính… cũng là các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

3. Carcinoma tuyến giáp thể nhú có chữa được?

Mặc dù là một bệnh lý ác tính song ung thư tuyến giáp thể nhú là loại ung thư có tiên lượng tốt nhất trong các dạng ung thư tuyến giáp. Bệnh có thể được điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Với nhóm đối tượng dưới 45 tuổi, điều trị Carcinoma tuyến giáp có thể cho tỷ lệ khỏi đến hơn 90% và tỷ lệ sống trên 10 năm lên tới 100%.

Tỷ lệ này sẽ giảm đi theo mức tăng của độ tuổi người bệnh, trong trường hợp bệnh được phát hiện và điều trị chậm trễ.

Để sớm phát hiện bệnh ung thư tuyến giáp thể nhú, cách tốt nhất là kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư. Sau khi được chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ tối ưu đối với từng trường hợp bệnh.

4. Điều trị Carcinoma tuyến giáp thể nhú

Căn cứ vào thể trạng của người bệnh và tình trạng khối u, bác sĩ có thể chỉ định một hoặc kết hợp nhiều phương pháp điều trị dưới đây:

4.1 Phẫu thuật điều trị Carcinoma tuyến giáp thể nhú

Phẫu thuật là phương pháp được áp dụng phổ biến trong điều trị ung thư tuyến giáp thể nhú.

Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp được chỉ định cho các trường hợp có tiền xử xạ trị vùng cổ; ung thư tuyến giáp giai đoạn 3,4; có tổn thương thuỳ đối bên; có hạch cổ di căn; di căn xa; ung thư tuyến giáp tái phát.

Phẫu thuật cắt 1 thùy tuyến giáp được cân nhắc cho người bệnh có u giáp ác tính kích thước

Trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể tiến hành vét hạch cổ dự phòng cho bệnh nhân để tránh di căn hoặc ngăn di căn tiếp tục.

Carcinoma tuyến giáp thể nhú có chữa được không?

Phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp thể nhú phần lớn được thực hiện bằng phương pháp mổ mở

4.2 Điều trị bằng iod phóng xạ (I-131)

Là phương pháp có thể được chỉ định sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp thể nhú, nhằm hạn chế tỷ lệ tái phát ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.

I-131 được sử dụng trong các trường hợp ung thư tuyến giáp đa ổ; ung thư giai đoạn 3,4; ung thư có di căn hạch, di căn xa; bệnh nhân có nồng độ hormone Tg trong máu tăng cao sau phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ.

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi điều trị ung thư tuyến giáp bằng iod phóng xạ (I-131) như: xơ phổi, phù não, viêm tuyến nước bọt, miệng khô… Trong một số trường hợp hiếm gặp có thể liên quan đến nguy cơ mắc bệnh bạch cầu, ung thư bàng quang, ung thư vú…

4.3 Sử dụng thuốc nội tiết

Người bệnh ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp cần phải sử dụng liệu pháp thay thế hormone suốt đời. Hormone được lựa chọn để trị liệu là levothyroxine (T4). Dựa vào đánh giá các chỉ số xét nghiệm nồng độ hormone tuyến giáp của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng thuốc phù hợp.

Hiệu quả của liệu trình sẽ được đánh giá lại sau từ 6-8 tuần.

4.4 Điều trị đích

Thường được áp dụng đối với các trường hợp di căn đa ổ, ung thư có triệu chứng rầm rộ hoặc sau khi điều trị bằng iod phóng xạ không đem lại hiệu quả. Đây là phương pháp giúp tăng cơ hội sống sót cho người bệnh, đồng thời làm thuyên giảm triệu chứng

4.5 Theo dõi sau điều trị

Ngay cả khi khối u ác tính đã được loại bỏ hoàn toàn, theo dõi sau điều trị vẫn là việc làm cần thiết giúp bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị, phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư tuyến giáp di căn xa hoặc khả năng u tái phát.

Việc theo dõi dựa trên việc thực hiện các xét nghiệm như: xét nghiệm máu đánh giá chức năng tuyến giáp, x-quang phổi phát hiện di căn, siêu âm và xạ hình tuyến giáp…

Các trường hợp không đặc hiệu có thể dùng PET/CT để tìm ra vấn đề chính xác.

Nói tóm lại, carcinoma tuyến giáp là tình trạng nghiêm trọng nhưng vẫn được đánh giá có tiên lượng tốt khi được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Người bệnh cần có kế hoạch thăm khám tầm soát bệnh, đồng thời có phương án điều trị sớm bởi trì hoãn trong điều trị có thể khiến người bệnh bỏ lỡ cơ hội chữa bệnh dứt điểm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *