Ý nghĩa xét nghiệm kiểm tra chức năng tuyến giáp

Các bất thường trong hoạt động tuyến giáp gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và ngoại hình người bệnh. Xét nghiệm kiểm tra chức năng tuyến giáp là cần thiết nhằm phát hiện sớm bệnh lý, giúp bác sĩ đưa ra hướng xử trí phù hợp. Vậy ý nghĩa của xét nghiệm này là gì và gồm các loại xét nghiệm nào. Bài viết sau đây của Thu Cúc TCI sẽ cung cấp thông tin đến bạn. 

Bạn đang đọc: Ý nghĩa xét nghiệm kiểm tra chức năng tuyến giáp

1. Tổng quan về tuyến giáp

Tuyến giáp là tuyến nội tiết nằm ở trước cổ, có nhiệm vụ sản xuất các hormone điều hòa nhiều hoạt động của cơ thể, bao gồm quá trình trao đổi chất và tăng trưởng.

Người mắc các rối loạn về tuyến giáp có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe như:

Cường giáp: là tình trạng tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone, đẩy nhanh quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Người mắc cường giáp thường có các triệu chứng như tim đập nhanh, run tay, khó ngủ, đổ nhiều mồ hôi, thường xuyên lo âu, cáu gắt, bốc hỏa, giảm cân đột ngột, rối loạn kinh nguyệt…

Bệnh suy giáp: là hệ quả khi tuyến giáp không bài tiết đủ hormone, làm chậm quá trình trao đổi chất. Bệnh dẫn đến các dấu hiệu: phì đại tuyến giáp, mệt mỏi, tăng cân, suy giảm trí nhớ, không chịu được lạnh, da và tóc khô, táo bón, rối loạn kinh nguyệt, thậm chí vô sinh.

Bướu cổ: hình thành do tự phát triển bất thường của tế bào tuyến giáp hoặc kích thước tuyến giáp gia tăng. Các triệu chứng thường thấy gồm: sưng ở cổ, khó thở, khó nuốt, khàn tiếng.

Ung thư tuyến giáp: xảy ra khi tế bào tuyến giáp biến đổi thành các tế bào ác tính (ung thư). Người bệnh có thể gặp phải các dấu hiệu như nổi u vùng cổ, nổi hạch, đau phía trước cổ, khàn giọng, khó thở, khó nuốt…

Ý nghĩa xét nghiệm kiểm tra chức năng tuyến giáp

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở phía trước cổ.

2. Ý nghĩa xét nghiệm kiểm tra chức năng tuyến giáp

Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là xét nghiệm máu giúp đánh giá hoạt động của tuyến giáp cũng như các hormone giáp trạng. Việc xét nghiệm chức năng tuyến giáp có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán và điều trị các rối loạn, bệnh lý liên quan đến tuyến giáp. Từ đó, giúp người bệnh cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Các xét nghiệm chức năng tuyến giáp phổ biến bao gồm: đo nồng độ hormone kích thích tuyến giáp TSH, đo nồng độ hormone tuyến giáp T4 và đo nồng độ hormone tuyến giáp T3. Một số xét nghiệm chức năng tuyến giáp khác có thể được chỉ định như: đo định lượng T3 toàn phần, T4 toàn phần, TBG, các tụ kháng thể, thyroglobulin (Tg)…

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ các hormone này quá cao hoặc quá thấp so với ngưỡng bình thường, bạn có thể đang mắc bệnh lý tuyến giáp.

Tìm hiểu thêm: Những lưu ý khi tuyến giáp bị sưng

Ý nghĩa xét nghiệm kiểm tra chức năng tuyến giáp

Xét nghiệm kiểm tra chức năng tuyến giáp rất quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

3. Hiểu về các phương pháp xét nghiệm chức năng tuyến giáp

3.1 Xét nghiệm kiểm tra chức năng tuyến giáp – đo nồng độ hormone kích thích tuyến giáp TSH

TSH (Thyroid stimulating hormone) là hormon tuyến yên chịu trách nhiệm điều chỉnh lượng hormone do tuyến giáp tiết ra. Khi tuyến yên phát hiện có ít hormone tuyến giáp trong máu, TSH được sản xuất nhiều hơn nhằm thúc đẩy tuyến giáp sản xuất nhiều hormone. Ngược lại, tuyến yên sẽ giảm sản xuất TSH nếu nhận thấy có nhiều hormone tuyến giáp trong máu, từ đó cũng giảm sản xuất hormone tuyến giáp.

Xét nghiệm TSH thường được chỉ định trong trường hợp cần chẩn đoán tình trạng chức năng tuyến giáp, theo dõi kết quả điều trị tuyến giáp, phân biệt suy giáp do nguyên nhân tại tuyến giáp hay ngoài tuyến.

Người bình thường có chỉ số TSH ở ngưỡng ~ 0.4 – 5 mIU/L.

Kết quả TSH cao cho thấy tuyến giáp không sản xuất đủ hormone tuyến giáp, người bệnh có nguy cơ suy giáp.

TSH thấp chỉ ra tuyến giáp đang tạo ra quá nhiều hormone, người bệnh dễ bị cường giáp.

Mặt khác, TSH thấp có thể là hệ quả của sự bất thường tại tuyến yên khiến tuyến này không sản xuất đủ TSH để kích thích tuyến giáp (Người bệnh bị suy giáp do nguyên nhân ngoài tuyến giáp).

3.2 Xét nghiệm kiểm tra chức năng tuyến giáp – đo nồng độ hormone T4 trong máu

Hormone T4 (thyroxine) là dạng chính của hormon tuyến giáp trong máu. Hầu hết T4 gắn với protein, một phần nhỏ còn lại không liên kết với protein là FT4 (Free T4). Trong đó, xét nghiệm TF4 thường được sử dụng nhiều hơn do không bị ảnh hưởng bởi tình trạng tăng nồng độ protein trong huyết tương. Kết quả TF4 khi được xem xét cùng TSH có thể chẩn đoán tình trạng chức năng tuyến giáp.

Ở ngưỡng bình thường, T4 toàn phần (gắn với protein) ~ 45.2 – 110 ng/ml, FT4 ~ 8.6 – 17.9ng/l.

Khi TSH tăng cao và FT4 thấp, người bệnh có thể bị suy giáp do nguyên nhân tại tuyến giáp.

Khi TSH thấp và FT4 thấp, người bệnh bị suy giáp do liên quan đến bệnh tại tuyến yên.

Khi TSH thấp và FT4 tăng cao, xảy ra tình trạng cường giáp do bệnh lý tại tuyến giáp hoặc bổ sung hormon giáp quá liều.

Ý nghĩa xét nghiệm kiểm tra chức năng tuyến giáp

>>>>>Xem thêm: Điều trị sỏi mật: khó hay dễ do chính bạn quyết định

Phương pháp xét nghiệm chức năng tuyến giáp được chỉ định dựa trên từng trường hợp cụ thể để đưa ra kết quả chính xác và tối ưu chi phí cho người bệnh.

3.3 Xét nghiệm hormone T3 (Triiodothyronine)

Thường được chỉ định khi bệnh nhân có triệu chứng cường giáp nhưng kết quả FT4 ở mức bình thường. Khi này xét nghiệm hormone T3 nhằm đánh giá chức năng tuyến giáp và chẩn đoán các trường hợp cường giáp do T3.

Tương tự T4, T3 tồn tại trong máu dưới dạng T3 toàn phần (gắn với protein) và FT3 (Free T3).

Người bình thường có chỉ số T3 toàn phần ~ 0.6 -1.84 μg/l và FT3 ~ 2.31 – 4.29 ng/l.

Người bệnh có TSH thấp, FT4 bình thường nhưng T3 cao vẫn được kết luận mắc cường giáp. Xét nghiệm T3 hiếm khi hữu ích trong chẩn đoán suy giáp.

4. Khi nào cần xét nghiệm kiểm tra chức năng tuyến giáp?

Xét nghiệm máu kiểm tra chức năng tuyến giáp được khuyến cáo nên thực hiện cho nam giới trên 65 tuổi và phụ nữ trên 35 tuổi sau mỗi 5 năm. Ngoài ra, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm với người bệnh được nghi ngờ mắc bệnh lý tuyến giáp, đặc biệt là cường giáp và suy giáp.

Một số trường hợp có yếu tố nguy cơ cao cần thực hiện xét nghiệm thường xuyên hơn bao gồm:

– Người từ 70 tuổi trở lên

– Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh tuyến giáp hoặc có người thân trong gia đình mắc bệnh.

– Phụ nữ mang thai hoặc đã sinh con (trong vòng 6 tháng từ thời điểm sinh)

– Những người có tiền sử mắc các bệnh tự miễn.

Trên đây là những thông tin liên quan đến xét nghiệm kiểm tra chức năng tuyến giáp. Hệ thống Đa khoa Quốc tế Thu Cúc (TCI) với hệ thống máy móc, thiết bị y tế hiện đại, liên tục được cập nhật và đội ngũ y bác sĩ chuyên môn giỏi, tận tâm là địa chỉ khám và điều trị bệnh lý nội tiết uy tín. Người bệnh có thắc mắc cần được giải đáp, hãy liên hệ ngay để được các nhân viên y tế tư vấn và hỗ trợ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *