Thay khớp háng nhân tạo là một phẫu thuật chấn thương chỉnh hình được thực hiện rộng rãi giúp người bệnh thoát khỏi những cơn đau khớp háng do thương tổn và phục hồi khả năng vận động, cải thiện chất lượng cuộc sống. Một trong những điều được mọi người quan tâm đó là, khớp háng nhân tạo có độ bền trong bao lâu? Hãy cùng tìm hiểu ngay.
Bạn đang đọc: Thay khớp háng nhân tạo có độ bền trong bao lâu?
1. Thay khớp háng nhân tạo là phẫu thuật gì?
Phẫu thuật thay khớp háng là kỹ thuật hiện đại giúp loại bỏ một phần hoặc toàn phần khớp háng bị tổn thương có thể do tai nạn hoặc do bệnh lý để thay thế bằng một thiết bị khớp háng nhân tạo. Sau phẫu thuật thay khớp háng sẽ giải quyết tốt vấn đề đau nhức người bệnh gặp phải trước đó, khôi phục khả năng vận động và giúp người bệnh trở lại cuộc sống sinh hoạt như bình thường.
Hiện nay, thực hiện thay khớp háng được áp dụng theo 2 kỹ thuật chính là phẫu thuật thay khớp háng toàn phần và phẫu thuật thay khớp háng bán phần. Đây là loại phẫu thuật có thời gian thực hiện khá lâu (thay khớp háng toàn phần sẽ lâu hơn thay bán phần). Vì vậy, người bệnh cần đảm bảo có một sức khỏe tốt để chịu được áp lực từ cuộc phẫu thuật kéo dài. Bác sĩ sẽ thăm khám và kiểm tra chi tiết tình trạng bệnh, tình trạng sức khỏe để đưa ra chỉ định điều trị thích hợp.
Phẫu thuật thay khớp háng giúp khôi phục lại khả năng vận động cho người bệnh.
2. Các loại khớp háng nhân tạo và đặc điểm khi sử dụng
Hiện nay, có khá nhiều loại khớp háng nhân tạo được sử dụng trong phẫu thuật. Dựa theo loại vật liệu và các thế hệ khớp háng có thể chia thành 3 loại cơ bản gồm: Chỏm Moore, khớp háng lưỡng cực và khớp háng toàn phần.
2.1. Chỏm Moore
Chỏm Moore có phần chui và chỏm được thiết kế dính liền một khớp. Đây là loại khớp háng nhân tạo thuộc thế hệ đầu tiên, được sử dụng trong các trường hợp gãy cổ xương đùi mà phần ổ cối của khung chậu vẫn còn tốt. Do chỏm nhân tạo làm từ vật liệu kim loại cứng nên việc ma sát lâu ngày với sụn khớp của ổ cối tạo ra sự bào mòn ổ cối. Theo thời gian sẽ khiến người bệnh bị đau nên không thể sử dụng lâu dài kể cả khi khớp chưa bị hỏng. Chỏm Moore hiện nay hiếm được sử dụng, chỉ dùng ở những người cao tuổi và không có chi phí thay các loại khớp háng nhân tạo khác.
2.2. Thay khớp háng nhân tạo lưỡng cực
Hay còn gọi là khớp Bipolar. Đây là loại khớp háng được thiết kế có phần chui và chỏm tách rời 2 khối riêng biệt, phần chỏm có thể di động linh hoạt quay quanh chui và ổ cối của xương chậu. Nhờ đó, sử dụng khớp háng lưỡng cực sẽ giảm tốc độ bào mòn ổ cối nên có thời gian sử dụng lâu hơn so với chỏm Moore. Tuy nhiên, quá trình bào mòn là không thể tránh khỏi, về lâu về dài người bệnh thay khớp háng lưỡng cực vẫn sẽ bị đau và hư ổ cối nên chỉ dùng loại khớp này trong các trường hợp bệnh nhân gãy cổ xương đùi thể không lành xương, trường hợp người cao tuổi mà ổ cối chưa bị biến dạng. Đối với người trẻ tuổi sẽ không thay loại khớp háng lưỡng cực này.
2.3. Thay khớp háng nhân tạo toàn phần
Đây là khớp háng nhân tạo thay cả phần chui, phần chỏm và cả phần mái ổ cối của xương chậu. Ổ cối nhân tạo được bắt ốc cố định với xương chậu. Loại khớp toàn phần giải quyết vấn đề ma sát làm bào mòn ổ cối vì sự ma sát chỉ xảy ra ở các bộ phận nhân tạo với nhau nên không gây đau và kéo dài tuổi thọ cũng như thời gian sử dụng khớp háng nhân tạo. Khớp háng toàn phần có thể được dùng cho cả người cao tuổi và người trẻ tuổi. Tuy nhiên, như đã đề cập trước đó, thay khớp háng toàn phần là một cuộc đại phẫu thuật có thời gian kéo dài nên chỉ thực hiện khi người bệnh đảm bảo về sức khỏe tốt để có thể chịu được áp lực từ phẫu thuật.
Tìm hiểu thêm: Cách chữa đau thần kinh tọa hiệu quả
Khớp háng nhân tạo toàn phần thể hiện nhiều ưu điểm hơn so với khớp háng nhân tạo bán phần.
3. Độ bền của khớp háng nhân tạo kéo dài trong bao lâu?
Trong trường hợp thay khớp háng nhân tạo đúng chỉ định và đúng kỹ thuật, phẫu thuật thực hiện thành công thì có thể duy trì tuổi thọ của khớp trong vòng từ 15 – 20 năm. Tuy nhiên, tuổi thọ này còn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như thể trạng, mức độ vận động, chế độ chăm sóc, các chấn thương phát sinh mà bệnh nhân có thể gặp sau phẫu thuật.
Ở các khớp háng nhân tạo thế hệ mới được thiết kế phù hợp với cơ chế sinh học của bệnh nhân, làm từ các vật liệu mới như gốm sinh học, hợp kim titan,… nên có độ bền cao cùng nhiều ưu điểm sử dụng. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, độ bền của khớp háng nhân tạo toàn phần với điều kiện tối ưu có thể đạt tới 20 – 25 năm. Sau thời gian này, các thành phần của khớp sẽ bị mòn dẫn tới hoạt động không còn được trơn tru như trước.
>>>>>Xem thêm: Xác định các dấu hiệu viêm khớp dạng thấp
Độ bền của khớp háng nhân tạo sẽ kéo dài trong khoảng 15-20 năm và còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác.
4. Sau phẫu thuật thay khớp háng bao lâu thì bệnh nhân dần phục hồi
Sau khoảng 3 ngày kể từ khi thực hiện thành công phẫu thuật thay khớp háng xong, bệnh nhân có thể ngồi dậy được, đi lại nhẹ nhàng theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Lúc này, bệnh nhân cần hết sức cẩn thận để không gây ảnh hưởng tới phần khớp nhân tạo vừa thay, tránh rủi ro lệch khớp.
Sau khoảng 7 ngày điều trị phục hồi chức năng tại viện, bệnh nhân có thể về nhà. Thời gian ở nhà cần nghỉ ngơi nhiều, tiếp tục luyện tập phục hồi chức năng theo đúng hướng dẫn và tập làm quen thích ứng tốt với khớp háng nhân tạo. Bệnh nhân thực hiện tái khám đều đặn 1 lần mỗi tháng để bác sĩ đánh giá tốt về tình trạng phục hồi, tư vấn về chế độ dinh dưỡng và chế độ luyện tập.
Như vậy, độ bền của mỗi loại khớp háng nhân tạo sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Khi người bệnh cần thực hiện thay khớp háng nhân tạo, hãy lựa chọn một đơn vị y tế uy tín, chủ động thăm khám để được bác sĩ đánh giá chi tiết tình trạng bệnh, chỉ định phẫu thuật cũng như loại khớp háng phù hợp, tiến hành điều trị thành công và trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.