Viêm đường hô hấp là một trong những bệnh lý phổ biến chúng ta có thể mắc vào thời điểm giao mùa, khi mưa – nắng, nóng – lạnh thất thường. Trong rất nhiều bệnh lý viêm đường hô hấp chúng ta có thể mắc đó, có thể nói viêm phế quản là bệnh lý dễ xuất hiện và dễ khiến chúng ta khốn đốn nhất. Trong bài viết sau, Thu Cúc TCI xin tổng hợp toàn bộ thông tin cơ bản về viêm phế quản cấp. Để bảo vệ bản thân và gia đình an toàn trước bệnh lý này, đọc ngay bạn nhé.
Bạn đang đọc: Viêm phế quản cấp: Triệu chứng và hướng dẫn điều trị
1. Viêm phế quản cấp là gì?
Phế là phổi, quản là ống, phế quản là ống dẫn không khí từ họng xuống phổi. Phế quản của chúng ta là một hệ thống, giống như rễ cây, với nhiều nhánh từ lớn đến bé; trong đó, hai nhánh lớn nhất được gọi là phế quản gốc phải và phế quản gốc trái. Bao phủ bề mặt lòng phế quản là một lớp niêm mạc. Khi lớp niêm mạc này tổn thương, đi kèm với tình trạng các tổ chức bên dưới nó phù nề, các cơ trơn bên dưới các tổ chức co thắt, tiết dịch vào lòng ống phế quản thì ống phế quản được xác định là bị viêm. Nếu trước đó phế quản chưa có tình trạng này, thì tình trạng này được gọi là viêm phế quản cấp.
Phế là phổi, quản là ống, phế quản là ống dẫn không khí từ họng xuống phổi.
2. Đâu là nguyên nhân gây viêm phế quản cấp?
Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phế quản là virus, chủ yếu là Adenovirus, virus Cúm A/B, Metapneumovirus, RSV, Rhinovirus… Ngoài ra, viêm phế quản cũng có thể phát sinh do vi khuẩn như Chlamydia Pneumoniae, Mycoplasma Pneumoniae…, nhưng hiếm gặp hơn. Thời điểm giao mùa, nhất là giao mùa đông – xuân, virus, vi khuẩn phát triển mạnh mẽ hơn cả. Đây là lý do khiến viêm phế quản trở nên đặc biệt phổ biến trong khoảng thời gian này.
Giống các bệnh lý viêm đường hô hấp khác, viêm phế quản có thể lây. Và nó lây qua dịch tiết mũi, họng người bệnh giải phóng ra không khi khi ho, hắt hơi là chính.
3. Nhận biết viêm phế quản cấp như thế nào?
Viêm phế quản thường diễn tiến qua hai giai đoạn, mỗi giai đoạn lại viêm phế quản lại biểu hiện khác nhau. Cụ thể:
– Giai đoạn 1, giai đoạn viêm khô: Giai đoạn này kéo dài 3 – 4 ngày. Người bệnh có các triệu chứng sốt từ 38 độ C, đau đầu, đau cơ, có thể cảm thấy nóng rát phía sau xương ức, thở khó, thở rít, ho khan, ho thành cơn về đêm, mệt mỏi…
– Giai đoạn 2, giai đoạn xuất tiết: Giai đoạn này kéo dài 6 – 8 ngày. Các triệu chứng ở giai đoạn viêm khô thuyên giảm, người bệnh thường ho đờm, ho máu…
Tìm hiểu thêm: Hậu quả bệnh viêm tai giữa bạn chớ coi thường
Ho là một triệu chứng của viêm phế quản.
4. Viêm phế quản cấp nguy hiểm không?
Viêm phế quản cấp lơ là điều trị có thể dễ dàng tiến triển đến viêm phế quản mạn. Đây là biến chứng phổ biến nhất của viêm phế quản cấp, thường thấy ở trẻ nhỏ và người cao tuổi, là hai đối tượng mà hệ miễn dịch yếu hoặc suy giảm. Viêm phế quản mạn rất nguy hiểm, đặc biệt với trẻ nhỏ, bệnh lý này ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của đối tượng này.
Viêm phế quản cũng có thể tiến triển đến viêm phổi, là bệnh lý mà nếu không điều trị tích cực thì không thể tự khỏi.
Ngoài ra, viêm phế quản còn có thể tiến triển đến áp xe phổi. Áp xe phổi là tình trạng mà trong đó các mô xung quanh phổi sưng, phù nề, có mủ và có nguy cơ hoại tử. Đây là một biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh.
5. Thăm khám và điều trị viêm phế quản cấp ra sao?
5.1. Thăm khám viêm phế quản cấp
Khi có các triệu chứng viêm phế quản mục 3 bài viết đã liệt kê, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín gần nhất càng sớm càng tốt. Tại đó, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng kết hợp thăm khám cận lâm sàng (xét nghiệm máu, chụp X-quang, cấy đờm…) để chẩn đoán xác định viêm phế quản. Phương pháp điều trị viêm phế quản được bác sĩ chỉ định dựa trên chẩn đoán xác định đó.
5.2. Điều trị viêm phế quản cấp
Điều trị viêm phế quản chủ yếu là điều trị triệu chứng và chăm sóc.
– Sốt: Bạn có thể hạ sốt do viêm phế quản bằng một trong hai thuốc acetaminophen (paracetamol) và ibuprofen. Trong đó, ibuprofen chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Cả hai thuốc đều chỉ dùng khi sốt trên 38.5 độ C. Chườm lạnh không được khuyến cáo thường quy. Thay vào đó, hãy chườm mát (sử dụng nước có nhiệt độ thấp hơn thân nhiệt người bệnh 2 độ C để làm ẩm khăn).
– Ho: Ho là một phản xạ tự nhiên được thực hiện nhằm tống đờm và virus, vi khuẩn khỏi cơ thể. Tuy nhiên, khi ho nhiều đến nôn, mất ngủ… người bệnh nên áp dụng một số phương pháp để cải thiện triệu chứng này, như uống nhiều nước và dùng thuốc long đờm như acetylcystein, bromhexin, carbocystein…. Thuốc giảm ho người bệnh không nên sử dụng do thuốc này làm giảm bài tiết đờm, từ đó làm chậm quá trình phục hồi của người bệnh.
– Sổ mũi, nghẹt mũi: Người bệnh không dùng các thuốc kháng histamin cũng như các thuốc chống sung huyết để giảm sổ mũi, nghẹt mũi, do các thuốc này có nhiều tác dụng phụ. Thay vào đó, hãy vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý 0.9% và sử dụng máy tạo ẩm trong không gian nghỉ ngơi. Đối với trẻ em, khí dung nước muối hoặc thuốc giãn phế quản là không cần thiết nếu trẻ không có thở khò khè.
>>>>>Xem thêm: Người bị viêm họng kiêng gì để mau khỏi?
Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý 0.9% để cải thiện triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi.
Trong trường hợp viêm phế quản phát sinh do vi khuẩn, ngoài điều trị triệu chứng và chăm sóc như trên, người bệnh còn cần sử dụng thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh cũng được chỉ định trong một số trường hợp viêm phế quản đặc biệt khác, dù những trường hợp này có thể phát sinh do virus:
– Người có bệnh lý tim, phổi, thận, gan, thần kinh cơ…
– Người suy giảm miễn dịch
– Người trên 65 tuổi có ho kèm từ hai vấn đề sau: Nhập viện trong 1 năm trở lại đây, có đái tháo đường tuýp 1 hoặc tuýp 2, có tiền sử suy tim xung huyết, hiện đang dùng corticoid đường uống.
Phía trên là toàn bộ thông tin cơ bản về viêm phế quản cấp. Hy vọng rằng với chúng, bạn có thể bảo vệ bản thân và gia đình trước bệnh lý rất phổ biến, cũng có thể rất nguy hiểm này.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.