Những điều cần biết về hội chứng De Quervain

Hội chứng De Quervain hay viêm gân cơ duỗi ngón cái là vấn đề thường gặp ở các bà nội trợ, nhân viên văn phòng, phụ nữ đang mang thai hoặc người lớn tuổi. Nguyên nhân là do cổ tay phải vận động liên tục trong thời gian dài gây ra tình trạng viêm gân. Cùng tìm hiểu về hội chứng này qua bài viết sau đây.

Bạn đang đọc: Những điều cần biết về hội chứng De Quervain

1. Hội chứng De Quervain là gì?

Hội chứng De Quervain còn gọi là viêm bao gân hay viêm gân cơ duỗi ngón cái. Bình thường, các động tác duỗi và ngóc ngón cái thường được điều khiển nhờ vào hai gân ở cổ tay là gân dạng dài ngón cái và gân duỗi ngắn ngón cái. Tương tự như các gân khác, hai gân này cũng được bao bọc bên trong bao hoạt dịch. Việc thực hiện các động tác cầm vật nặng, xoay hoặc lắc cổ tay thường xuyên hoặc trong thời gian dài có thể khiến cho hiện tượng ma sát tại các gân này tăng lên.

Theo thời gian, lượng dịch bôi trơn giảm dần có thể khiến các dịch viêm tăng lên gây sưng, nóng, đỏ, đau ngay tại vị trí cổ tay. Sau đó, bao gân sẽ bị xơ cứng, trở nên dày hơn. Điều này khiến cho các hoạt động của gân bị hạn chế và gây nên những tác động không tốt cho hệ thần kinh.

Tình trạng này phổ biến ở nữ giới, nhất là các bà nội trợ hoặc nhân viên văn phòng. Những người phụ nữ đang mang thai hoặc những người lớn tuổi cũng có khả năng mắc phải hội chứng này.

Những điều cần biết về hội chứng De Quervain

De Quervain là tên một hội chứng tình trạng viêm bao gân cơ duỗi ngón tay cái.

2. Triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm bao gân

Để nhận biết hội chứng viêm bao gân cơ duỗi ngón cái, bạn có thể dựa vào một số triệu chứng sau đây:

2.1. Các triệu chứng cơ năng

Ở giai đoạn nhẹ, các triệu chứng mới bắt đầu xuất hiện và chưa nghiêm trọng, bao gồm:

– Đau nhức ở vị trí gốc của ngón tay cái, khu vực mỏm trâm quay, tức là phần mặt ngoài của cổ tay. Cơn đau do viêm bao gân có thể từ từ hoặc đột ngột.

– Đau nhiều hơn và lan theo cơ đi đến vùng ngoài của cẳng tay, đặc biệt khi bệnh nhân cử động nhiều. Cơn đau giảm đi khi bạn hạn chế những động tác nắm, duỗi phần ngón tay cái.

– Phù nề, tê bì ngón tay cái hoặc ngón tay trỏ.

Khi bệnh bước vào giai đoạn muộn, tình trạng viêm bao gân cơ duỗi ngón cái đã tiến triển nặng hơn với các triệu chứng:

– Phần gân bị xơ cứng gần như toàn bộ

– Có thể phát ra tiếng lục cục hoặc lạo xạo trong suốt quá trình vận động.

– Ngón cái bị dính lại hoặc bị giật cục khi thực hiện một vài thao tác. Lúc này người bệnh thường không thể điều trị bảo tồn mà phải phẫu thuật ngay.

2.2. Các triệu chứng thực thể

– Xuất hiện cơn đau nhói khi ấn vào vị trí điểm gốc của ngón tay cái (còn gọi là mỏm trâm quay).

– Cảm giác đau dữ dội ngay ở vị trí bị viêm bao gân khi người bệnh nắm chặt tay cái trong lòng bàn tay được kẹp bởi 4 ngón tay còn lại ( nghiệm pháp FINKELSTEIN).

Tìm hiểu thêm: Chữa viêm khớp dạng thấp ở đâu?

Những điều cần biết về hội chứng De Quervain

Đau nhức ở vị trí gốc của ngón tay cái là triệu chứng thường thấy ở người bị viêm gân cơ duỗi ngón cái.

3. Nguyên nhân gây nên chứng De Quervain

– Vận động cổ tay thường xuyên: Vận động cổ tay liên tục và lặp đi lặp lại các động tác ở cổ tay trong thời gian dài là nguyên nhân chủ yếu gây nên hội chứng De Quervain. Do đặc thù công việc, có khá nhiều người có thói quen liên tục xoay hoặc vặn phần cổ tay trong ngày. Thói quen tưởng chừng vô hại này cũng có thể gây ra tình trạng viêm ở phần bao gân cổ tay.

– Mang thai: Việc mang thai khiến cho khả năng vận động của người bệnh ít nhiều bị ảnh hưởng, khiến phụ nữ có tỷ lệ mắc hội chứng nhiều hơn. Khi đó, các hoạt động của người bệnh trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

– Tiền sử bệnh xương khớp: Người từng bị thoái hóa hoặc mắc bệnh thấp khớp cũng có khả năng cao gặp phải hội chứng này. Nếu đang mắc những bệnh lý kể trên, người bệnh cần phải theo dõi cũng như điều trị sớm, dứt điểm để bảo vệ sức khỏe xương khớp, gân, tránh mắc bệnh viêm bao gân cơ duỗi ngón tay.

4. Các phương pháp phổ biến được áp dụng để chẩn đoán De Quervain

Ngoài hỏi bệnh thông thường và sử dụng nghiệm pháp FINKELSTEIN, các bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp khác như:

– Siêu âm: Phương pháp không xâm lấn nhằm kiểm tra tình trạng dày bao gân, tụ dịch trong bao gân, tăng kích thước và phù nề của các gân duỗi ngón cái nếu có.

– Cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp rất nhạy, đặc hiệu và hữu ích để phát hiện De Quervain khi bệnh còn nhẹ khi mà siêu âm có thể không chẩn đoán được. Hình ảnh trên MRI có thể cho thấy chi tiết tình trạng viêm bao gân, dày, tụ dịch trong bao gân, phù nề quanh gân, viêm gân, rách dọc gân…

5. Điều trị hội chứng De Quervain

Để điều trị hội chứng này, bác sĩ có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau. Phác đồ điều trị tùy vào tình trạng bệnh nhân. Cụ thể như sau:

5.1 Điều trị hội chứng De Quervain không dùng thuốc

Đối với những trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể áp dụng các biện pháp cải thiện sau:

– Hạn chế hoặc ngừng việc vận động ở vùng cổ tay cũng như ngón cái trong khoảng 4 đến 6 tuần.

– Dùng băng nẹp cổ tay và vùng ngón cái từ 3 đến 6 tuần trong những trường hợp bị sưng đau nhiều. Tư thế như sau: Phần cổ tay sẽ được giữ nguyên, ngón cái được giữ dạng ra khoảng 45 độ so với trục xương quay, độ gấp khoảng 10 độ.

– Chườm lạnh để giảm đau ở khu vực viêm.

– Sử dụng tia laser màu, siêu âm hoặc phương pháp xung điện kích thích thần kinh qua da nhằm giảm đau và chống viêm.

5.2 Điều trị hội chứng De Quervain bằng thuốc

Một số loại thuốc có thể được bác sĩ chỉ định khi điều trị bệnh viêm bao gân gồm:

– Thuốc chống viêm không steroid bôi tại vùng viêm đau.

– Thuốc giảm đau có chứa acetaminophen (paracetamol).

– Thuốc uống chống viêm không có thành phần steroid.

Tiêm Corticoid vào bên trong bao gân dưới hướng dẫn của siêu âm là phương pháp giúp tổn thương mau lành nhưng chỉ những bác sĩ đã được đào tạo các lớp chuyên khoa khớp mới được thực hiện vì nếu làm không đúng có thể gây đứt gân hoặc nhiễm trùng qua vết tiêm.

Những điều cần biết về hội chứng De Quervain

>>>>>Xem thêm: Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em có triệu chứng gì?

Phương pháp siêu âm có thể giúp chẩn đoán tình trạng viêm bao gân cơ duỗi ngón cái.

5.3 Điều trị ngoại khoa trong trường hợp nào?

Trong trường hợp những phương pháp điều trị trên không mang lại hiệu quả như mong đợi, bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị ngoại khoa nhằm tạo ra một không gian lớn hơn để cho gân có thể hoạt động, hạn chế cọ xát vào gây tổn thương các vị trí khác. Tuy nhiên các phẫu thuật này cũng có thể tiềm ẩn rủi ro nên chỉ được thực hiện khi thực sự cần thiết.

Như vậy, hội chứng De Quervain thường không gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nhưng có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động, khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong sinh hoạt và công việc. Khi thấy các triệu chứng của bệnh này, bạn nên đi khám chuyên khoa cơ xương khớp để được chẩn đoán và điều trị.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *