Sự chậm trễ và sai lầm trong điều trị viêm thanh quản có thể gây nhiều biến chứng, trong đó có nguy cơ khàn tiếng, mất giọng. Vậy, liệu bạn đã hiểu đúng và có cách xử trí phù hợp với bệnh lý này? Hãy cùng TCI tham khảo bài viết sau đây để an tâm nhận biết sớm, điều trị hiệu quả với bệnh viêm dây thanh quản.
Bạn đang đọc: Điều trị viêm thanh quản đúng cách, tránh nguy cơ mất giọng
1. Hiểu đúng về viêm thanh quản
Viêm thanh quản là tình trạng viêm nhiễm, phù nề nơi niêm mạc của thanh quản – ống dẫn không khí từ cổ họng đến phổi, khiến âm thanh phát ra bị ảnh hưởng, biến dạng. Những tác nhân gây bệnh chủ yếu là virus (Influenzae (cúm), APC…), vi khuẩn (phế cầu, Hemophilus influenzae,…) trực khuẩn bạch hầu (thường ít gặp hơn). Những yếu tố thuận lợi hình thành bệnh viêm thanh quản thường không khó gặp:
– Bệnh viêm đường hô hấp như viêm mũi xoang, viêm amidan, viêm họng, phổi,…
– Tác động từ hóa chất độc hại hoặc các chất kích thích, chất dị ứng từ môi trường gây kích ứng, viêm nhiễm niêm mạc thanh quản.
– Dùng giọng quá sức như nói nhiều, la hét,… gây áp lực lên thanh quản.
– Một số bệnh toàn thân như đái tháo đường, gan, béo phì, gout,….
– Hội chứng trào ngược.
Viêm thanh quản được nhận biết rõ nhất với các triệu chứng như ho, đau, khàn giọng, nuốt khó, sốt do nhiễm trùng,… Tuy nhiên, các triệu chứng này khá điển hình với bệnh đường hô hấp và dễ gây nhầm lẫn. Do đó, khi chẩn đoán, các bác sĩ cần kiểm tra các triệu chứng thực thể bằng việc khám họng, khám thanh quản, cận lâm sàng bằng xét nghiệm công thức máu, chụp X-quang tim phổi,… Khi chẩn đoán, các bác sĩ cũng sẽ căn cứ tình trạng, thời gian triệu chứng để xác định viêm thanh quản ở thể cấp tính (triệu chứng dưới 3 tuần) hay mạn tính (khàn tiếng trên 3 tuần) ở người bệnh để điều trị cho phù hợp.
Viêm thanh quản có thể hình thành từ nhiều nguyên nhân quen thuộc và triệu chứng điển hình là khàn, mất tiếng
2. Cách điều trị viêm thanh quản
Viêm thanh quản có thể gây nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Do đó, chẩn đoán phân biệt từ bác sĩ rất quan trọng để có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Tùy theo dấu hiệu, nguyên nhân và tình trạng bệnh lý mà các bác sĩ có thể cân nhắc các phương pháp khác nhau trong công tác chữa viêm thanh quản cho người bệnh.
2.1 Điều trị viêm thanh quản cấp tính
Với viêm thanh quản cấp, dựa theo triệu chứng viêm thanh quản khó thở hay không khó thở và theo từng cấp độ mà việc điều trị với người bệnh sẽ khác nhau. Với viêm thanh quản không khó thở, điều trị chủ yếu bằng phương pháp nội khoa: kháng sinh, giảm viêm, kháng histamin H1, giảm ho, long đờm,… Các hình thức điều trị tại chỗ kết hợp như: giảm viêm bằng corticoid, men tiêu viêm, …. Đặc biệt, cần nâng cao đề kháng, dinh dưỡng điều độ và kiêng nói, tránh lạnh. Với viêm thanh quản có khó thở, theo từng cấp độ I, II, III, mà chỉ định nội khoa, mở khí quản cấp cứu, mở khí quản cấp cứu kết hợp hồi sức tích cực được chỉ định.
Thuốc trị viêm thanh quản cấp bao gồm:
– Kháng sinh: chỉ định phù hợp với nhóm beta lactam (amoxicillin, cephalexin,…),nhóm macrolide (roxithromycin, clarithromycin…)
– Kháng viêm: chống viêm steroid, chống viêm dạng men,…
– Điều trị tại chỗ: khí dung, bơm thuốc thanh quản bằng hỗn dịch kháng viêm corticoid, kháng viêm dạng men, kháng sinh (gentamycin…), dung dịch sát khuẩn súc họng, giảm viêm tại chỗ,…
– Thuốc hạ sốt, giảm đau cần thiết bằng hình thức truyền dịch hoặc uống.
– Các hình thức bồi bổ cơ thể: tăng cường vi lượng, vitamin, sinh tố, đồ ăn dinh dưỡng.
Tìm hiểu thêm: Viêm tai ngoài là gì? – Hiểu đúng để cảnh giác
Việc điều trị sẽ được bác sĩ chỉ định dựa trên kết quả kiểm tra cụ thể
2.2 Điều trị viêm thanh quản mạn
Chữa viêm thanh quản mạn tính cũng trên nguyên tắc hạn chế dùng giọng nói, sử dụng các hình thức nội khoa điều trị tại chỗ, điều trị toàn thân, trị các bệnh lý liên quan, đồng thời kết hợp liệu pháp luyện giọng. Trong tình huống điều trị nội khoa không hiệu quả, viêm thanh quản có hạt xơ dây thanh, phương pháp phẫu thuật cần được tiến hành bởi các bác sĩ có kinh nghiệm và chuyên môn.
– Điều trị tại chỗ: dùng hình thức xông, khí dung hoặc làm thuốc thanh quản cho người bệnh
– Điều trị toàn thân với thuốc chống viêm steroid và chống viêm dạng men
– Luyện giọng: dựa theo tình trạng tổn thương của người bệnh, chuyên viên luyện giọng sẽ đưa ra các bài tập thích hợp.
– Phẫu thuật: được chỉ định nếu điều trị nội khoa không khỏi, người bệnh có các vấn đề như: phù Reinke, hạt xơ dây thanh, bệnh lý khối u thanh quản,… Hiện tại, vi phẫu điều trị được thực hiện dưới các hình thức như: soi thanh quản trực tiếp hoặc gián tiếp, qua ống mềm, hoặc soi treo thanh quản.
– Bồi bổ cơ thể với các yếu tố vi lượng, dinh dưỡng, vitamin,…
3. Phòng tránh viêm thanh quản
Viêm thanh quản là bệnh lý có thể hình thành từ nhiều nguyên nhân quen thuộc trong đời sống. Thêm vào đó, bệnh có tính phổ biến và nguy hiểm hơn với trẻ em. Do đó, cần luôn chủ động phòng ngừa bệnh cho trẻ trong nhà cũng như chính bản thân mình để tránh những vấn đề phức tạp và nguy hiểm mà bệnh lý này gây ra.
>>>>>Xem thêm: Những lưu ý về phẫu thuật mở rộng lỗ thông xoang hàm
Cần chủ động phòng bệnh viêm thanh quản đúng cách
Nhằm phòng viêm thanh quản, cần chú ý:
– Giữ ấm cẩn thận, nhất là trong điều kiện thời tiết lạnh và với trẻ em.
– Tránh tình trạng lạm dụng, sử dụng giọng nói quá sức.
– Tránh việc tiếp xúc với các loại khí, hóa chất độc hại.
– Điều trị hội chứng trào ngược phù hợp
– Tránh tiếp xúc với các cá nhân đang có hoặc đang nghi bị bệnh đường hô hấp trên, cảm cúm,…
– Nếu có hiện tượng đau họng, khó phát âm, nên hạn chế việc sử dụng giọng nói.
– Khi bị bệnh hô hấp xoang, mũi, họng hoặc viêm thanh quản cấp, cần xử lý sớm, đúng cách, triệt để.
– Theo dõi cẩn thận bệnh viêm thanh quản, nhất là viêm thể cấp ở trẻ để đề phòng biến chứng xấu.
Nhận định chung:
Viêm thanh quản thường gây khó khăn cho chúng ta trong việc tự chẩn đoán do bệnh dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Do đó, không nên tự ý đoán bệnh và điều trị viêm thanh quản theo cảm kính, kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cần có cách điều trị phù hợp với bệnh lý và thể trạng của bản thân để tránh việc kém hiệu quả và các biến chứng có thể xảy ra. Chính vì vậy, với bệnh viêm thanh quản, người bệnh nên sớm đến các cơ sở y tế để thăm khám, chẩn đoán và thực hiện chữa trị sớm theo chỉ định của bác sĩ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.