Đau là một triệu chứng thường gặp ở những bệnh nhân thoát vị đĩa đệm. Bị thoát vị đĩa đệm đau ở đâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí thoát vị, các dây thần kinh bị chèn ép… Cùng tìm hiểu về tình trạng đau do thoát vị đĩa đệm và cách cải thiện qua bài viết sau đây
Bạn đang đọc: Thoát vị đĩa đệm đau ở đâu và cách cải thiện
1. Đau nhức, hạn chế vận động – Tình trạng phổ biến ở những người bị thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý cơ xương khớp thường xảy ta ở độ tuổi từ 30 – 60. Đặc trưng là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra ngoài bao xơ, lệch ra khỏi vị trí vốn có.
Đau nhức cột sống là một trong những triệu chứng thường gặp nhất của các bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm. Nguyên nhân là do phần nhân nhầy tràn ra khỏi bao xơ, chèn ép vào ống sống hay các rễ dây thần kinh, hoặc khiến các đốt sống mất đi phần đệm, dẫn đến kẹp các dây thần kinh và gây đâu. Cơn đau do thoát vị đĩa đệm có thể chỉ xuất hiện ở vùng đĩa đệm bị thoát vị nhưng cũng có thể xảy ra ở nhiều vị trí trên cơ thể, có thể âm ỉ hoặc dữ dội phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Thoát vị đĩa đệm lưng thường gây tình trạng đau nhức âm ỉ hoặc dữ dội vùng lưng, có thể lan tỏa ra xung quanh hoặc dọc theo dây thần kinh tọa.
2. Thoát vị đĩa đệm đau ở đâu? Những yếu tố quyết định
2.1 Thoát vị đĩa đệm đau ở đâu phụ thuộc vào vị trí thoát vị
Tình trạng thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể như cổ, cổ ngực, ngực, lưng ngực, thắt lưng. Trong đó cột sống cổ và cột sống thắt lưng là 2 vị trí thường gây tình trạng đau nhức do thoát vị đĩa đệm nhiều hơn cả bởi các vị trí này chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ thói quen sinh hoạt hằng ngày.
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Các triệu chứng thường gặp ở những người bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ gồm:
– Đau, căng cứng vùng cổ, vai gáy, có thể lan đến 2 bả vai.
– Nhức mỏi dọc theo vùng gáy.
– Đau nhức, tê bì ở ngón tay cái của bàn tay, cổ tay, có thể kèm theo mất cảm giác các vùng.
– Đau nhức, nặng vùng đầu, chóng mặt.
– Suy nhược cơ bắp tay khiến cử động của cánh tay kém linh hoạt, gây khó khăn trong việc cầm nắm đồ vật.
Các cơn đau và triệu chứng kể trên có thể xảy ra dữ dội hoặc âm ỉ, liên tục hoặc ngắt quãng. Đau tăng lên khi nghiêng, xoay, cúi, ưỡn, ngửa cổ, khi bệnh nhân hắt hơi, ho, làm việc nhiều hoặc lái xe.
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Biểu hiện đau ở những người bị thoát vị cột sống thắt lưng có thể đa dạng như sau:
– Đau một cách đột ngột và dữ dội ở vùng thắt lưng.
– Cảm giác đau âm ỉ và lan tỏa ở vùng thắt lưng.
– Cũng có thể đau buốt từng cơn.
– Gặp bất tiện khi cử động, giảm khả năng ưỡn lưng, gặp khó khăn khi cúi thấp.
– Đau thắt lưng dọc theo dây thần kinh tọa.
– Đau có thể lan theo hình vòng cung ra phía trước ngực, dọc khoang liên sườn.
– Tê yếu 2 chi, ở phần mu bàn chân và mông, ngón chân cái khó gấp – duỗi.
Thông thường cảm giác đau tăng lên khi bệnh nhân ngồi, nằm nghiêng, ho, hắt hơi, đại tiện, vận động mạnh. Để giảm đau nhức, người bệnh thường có xu hướng đứng vẹo một bên gây cong vẹo cột sống.
Tìm hiểu thêm: Cảnh giác với chứng đau lưng dưới ở phụ nữ
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có thể gây đau, cứng cổ, đau hơn khi xoay cổ, vận động mạnh…
2.2 Thoát vị đĩa đệm đau ở đâu phụ thuộc vào mức độ chèn ép dây thần kinh
Khi thoát vị đĩa đệm chèn ép rễ thần kinh có thể gây ra các triệu chứng bao gồm:
– Đau, yếu vận động chi dưới.
– Thay đổi cảm giác ở da.
– Giảm phản xạ của gân xương.
– Cảm giác căng tức khi ấn dọc đường đi của dây thần kinh.
3. Làm sao để cải thiện các cơn đau do thoát vị đĩa đệm gây ra?
Muốn cải thiện được tình trạng đau do thoát vị đĩa đệm, đầu tiên, người bệnh cần được thăm khám lâm sàng để xác định vị trí và mức độ tổn thương. Một số chẩn đoán cận lâm sàng thường được dùng trong chẩn đoán các cơn đau do thoát vị có thể được chỉ định gồm: chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT scan), X-quang cột sống…
Dựa vào kết quả chẩn đoán, các bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị phù hợp gồm:
3.1 Dùng thuốc
Các loại thuốc thường dùng để cải thiện triệu chứng đau do lệch đĩa đệm có thể kể đến như thuốc giảm đau acetaminophen, thuốc chống viêm non-steroid hoặc corticosteroid, thuốc giãn cơ, thuốc chống đau thần kinh… Những loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ như chóng mặt, buồn nôn, dị ứng, viêm loét dạ dày, loãng xương, giảm chức năng gan thận,… Do vậy, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
3.2 Vật lý trị liệu
Bên cạnh việc dùng thuốc, các bài tập vật lý trị liệu cũng giúp khắc phục các cơn đau, hạn chế tình trạng chèn ép các dây thần kinh do sai tư thế trong lao động, sinh hoạt. Đây là phương pháp không xâm lấn, giúp nâng cao hiệu quả điều trị giảm đau, giảm nguy cơ phải phẫu thuật sớm.
Tuy nhiên các bác sĩ khuyến cáo người bệnh không nên tự lý tập luyện bởi việc tập luyện sai cách có thể khiến những tổn thương cột sống trở nên trầm trọng hơn. Thay vào đó nên thực hiện vật lý trị liệu tại các trung tâm uy tín, trang bị đầy đủ hệ thống máy móc hiện đại, dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ trực tiếp của các chuyên gia giỏi chuyên môn giàu kinh nghiệm.
>>>>>Xem thêm: Triệu chứng đau dây thần kinh liên sườn khi mang thai
Tùy vị trí và mức độ tổn thương do thoát vị đĩa đệm, bệnh nhân sẽ được điều trị một cách phù hợp.
3.3 Phẫu thuật
Trong trường hợp các phương pháp trên không đem lại hiệu quả, các bác sĩ có thể chỉ định phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm gồm mổ hở, mổ nội soi, tiêu hủy nhân nhầy bằng men chymopapain… Tuy có thể khắc phục các triệu chứng do thoát vị đĩa đệm gây ra tuy nhiên các phương pháp này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, dị ứng với men tiêu nhân nhầy, liệt dây thần kinh, thậm chí tử vong. Do vậy cần được cân nhắc kỹ càng trước khi thực hiện và cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Như vậy, thoát vị đĩa đệm gây đau ở đâu còn phụ thuộc vào vị trí thoát vị, mức độ chèn ép dây thần kinh và khả năng chịu đựng của người bệnh. Những thông tin về bệnh thoát vị đĩa đệm trên đây hi vọng đã giúp bạn có thêm kiến thức về căn bệnh này và biết cách điều trị cũng như phòng tránh hiệu quả. Nếu gặp tình trạng đau nghi ngờ do thoát vị đĩa đệm và các vấn đề cơ xương khớp khác, bệnh nhân vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được tư vấn và đặt lịch khám, giúp cải thiện các triệu chứng hiệu quả và điều trị chính xác từ nguyên nhân.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.