Gãy xương đòn là một chấn thương thường gặp do các tai nạn khi bị tác động một lực mạnh vào vùng bả vai. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho bạn những thông tin cơ bản về phương pháp sơ cứu gãy xương đòn đúng cách.
Bạn đang đọc: Hướng dẫn sơ cứu gãy xương đòn
1. Gãy xương đòn là gì?
Xương đòn là hai xương dẹt, dài, nằm tiếp giáp với hai đầu xương ức và xương vai. Xương đòn có vai trò gánh trọng lực của cả cánh tay và rất dễ bị chấn thương nếu bị tác động mạnh vào.
Gãy xương đòn thường gặp trong tai nạn giao thông hay tai nạn lao động, tập luyện thể thao, khi bị ngã và đập vai xuống đất. Xương đòn tuy dễ gãy nhưng cũng dễ lành, nhưng vẫn cần được sơ cứu gãy chính xác để hạn chế những tổn thương thứ phát do gãy xương đòn gây ra.
Gãy xương đòn thường gặp trong tai nạn giao thông hay tai nạn lao động, tập luyện thể thao, khi bị ngã và đập vai xuống đất
2. Dấu hiệu gãy xương đòn
Khi bị gãy xương đòn, người bệnh có biểu hiện sưng, bầm ở vị trí gãy. Khi sờ hoặc ấn nhẹ vào vị trí này có cảm giác đau nhói, thấy đầu xương gãy gồ lên ở dưới da và nghe thấy tiếng lạo xạo. Lúc này, người bệnh rất khó để nâng cánh tay lên, chức năng vận động của vai cũng bị giảm đi hoặc mất hoàn toàn. Khi quan sát sẽ thấy vùng xương quai xanh bị biến dạng, lệch trục so với bên lành.
3. Các cách sơ cứu gãy xương đòn
Khi nghi ngờ người bệnh bị gãy xương đòn, người sơ cứu cần giữ bình tĩnh và đồng thời thực hiện quy trình sơ cứu. Trước khi thực hiện cố định xương đòn bị gãy, cần xác định tình trạng người bệnh bằng cách kiểm tra dấu hiệu sinh tồn và tình trạng chấn thương.
Trong quá trình sơ cứu gãy xương, cần đảm bảo các chỉ số sinh tồn của người bệnh luôn nằm trong mức ổn định. Các cách sơ cứu cố định xương đòn bị gãy như sau:
3.1. Cách 1: Sơ cứu gãy xương đòn bằng nẹp chữ T
Đối với cách này, người sơ cứu cần chuẩn bị nẹp chữ T đảm bảo đủ độ dài và cứng, dải băng hoặc dây vải để cố định nẹp với cơ thể người bệnh một cách chắc chắn. Người sơ cứu hướng dẫn bệnh nhân ngồi với tư thế ưỡn ngực, hai vai hướng về phía sau. Sau đó, sử dụng nẹp chữ T áp vào sau vai người bệnh, sao cho chiều dọc của nẹp xuôi theo cột sống xuống quá thắt lưng, còn chiều ngang áp sát vào vai.
Cố định nẹp chữ T vào vai bằng cách quấn băng lần lượt từ nách qua vai và buộc nút ở bả vai để cố định. Bên vai còn lại cũng làm tương tự để cố định như vậy. Sau khi cố định nẹp ngang, tiếp tục dùng băng hoặc dây vải quấn quanh thắt lưng để cố định nẹp dọc. Lưu ý, các vị trí thắt nút cố định cần được thắt sao cho phù hợp, tránh gây khó chịu và bất tiện cho người bệnh.
3.2. Cách 2: Sử dụng phương pháp băng treo để cố định xương đòn gãy
Trong trường hợp không có nẹp chữ T, người sơ cứu có thể sử dụng phương pháp băng treo để cố định xương đòn bị gãy. Phương pháp này đòi hỏi người sơ cứu phải chuẩn bị những vật dụng như cuộn vải hoặc giấy mềm, khăn tam giác và dải băng to bản.
Đầu tiên, đặt vải hoặc giấy mềm vào hõm nách của bên bị gãy xương của người bệnh. Đưa bàn tay bị chấn thương của người bệnh đặt sang phía vai bên lành, đồng thời dùng khăn tam giác hoặc mảnh vải luồn qua khuỷu tay để treo cố định cánh tay bị thương lên trên cổ. Cuối cùng, dùng một dải băng bản to để cố định cánh tay đó của người bệnh vào ngực, đảm bảo xương đòn bị gãy của người bệnh đã được bất động.
Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân gây đau lưng cấp tính
Trong trường hợp không có nẹp chữ T, người sơ cứu có thể sử dụng phương pháp băng treo để cố định xương đòn bị gãy
3.3. Cách 3: Phương pháp băng số 8 để sơ cứu gãy xương đòn
Đối với phương pháp này, người sơ cứu chỉ cần chuẩn bị vải đệm lót và một cuộn băng thun to bản để băng cố định xương đòn gãy cho người bệnh.
Người sơ cứu hướng dẫn người bệnh ngồi trong tư thế ưỡn ngực, đồng thời chống hai tay vào hai bên hông. Trong trường hợp vai người bệnh bị mất hoặc giảm khả năng vận động nhiều, cần sự hỗ trợ của người khác để đưa nhẹ hai cánh tay nạn nhân về phía sau. Lưu ý, cần đệm lót ở hai bên hố nách của người bệnh bằng vải để giảm khả năng gây ma sát cũng như làm đau người bệnh trong quá trình cố định. Bên cạnh đó, lực kéo của người hỗ trợ cần đảm bảo vừa phải trong suốt quá trình thực hiện sơ cứu.
Khi hai cánh tay của người bệnh đã hướng về phía sau, người sơ cứu thực hiện băng bó kiểu số 8 qua hai nách để cố định xương đòn. Băng vòng qua trước ngực và luồn xuống dưới nách, qua sau lưng về phía cánh tay bị thương để tạo thành số 8. Cứ băng như vậy và tiến dần cho đến khi kín hết và cố định được vết thương.
>>>>>Xem thêm: Thể dục và tập luyện cho người bị thoái hóa đốt sống cổ
Đối với phương pháp này, người sơ cứu chỉ cần chuẩn bị vải đệm lót và một cuộn băng thun to bản để băng cố định xương đòn gãy cho người bệnh.
3.4. Sau khi sơ cứu xong
Sau khi thực hiện cố định xong xương đòn bị gãy, người thân cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ xử lý kịp thời. Lưu ý, biến chứng nguy hiểm nhất của gãy xương đòn là đầu gãy của xương chọc vào phổi và khiến người bệnh có thể tử vong. Do đó, đảm bảo người bệnh luôn ở tư thế cố định trong quá trình di chuyển là một điều vô cùng quan trọng và cần hết sức lưu tâm. Trong trường hợp tốt nhất, nên di chuyển người bệnh đến cơ sở y tế bằng cáng, tránh di chuyển bằng những phương tiện khác dễ bị xóc như xe máy, xe đạp…
Gãy xương đòn là tình trạng chấn thương nguy hiểm và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử lý đúng cách. Trong bài viết này, chúng tôi đã giới thiệu về cách sơ cứu gãy xương đòn nhằm hạn chế tối đa biến chứng. Việc đưa bệnh nhân đến bệnh viện là cách tốt nhất để chẩn đoán và điều trị gãy xương đòn, giúp người bệnh nhanh chóng được hồi phục.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.