Chăm sóc răng miệng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bảo vệ hơi thở thơm tho và sức khỏe răng miệng. Trong các vấn đề răng miệng phổ biến, cao răng là một trong những nguyên nhân chính trực tiếp gây sâu răng và bệnh nha chu. Để trị cao răng, nhiều người hy vọng có thể sử dụng kem đánh răng. Vậy có hay không kem đánh răng trị cao răng? Nếu bạn thắc mắc vấn đề này, đọc bài viết sau của Thu Cúc TCI để biết câu trả lời, bạn nhé!
Bạn đang đọc: Giải đáp chi tiết về kem đánh răng trị cao răng
1. Cao răng và một số thông tin cơ bản
1.1. Cao răng là gì?
Cao răng là một lớp cứng bám trên bề mặt răng và dưới viền nướu. Nó là kết quả của quá trình khoáng hóa mảng bám. Cao răng không chỉ ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ mà còn là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều vấn đề sức khỏe răng miệng như sâu răng, viêm nướu, bệnh nha chu.
Cao răng là kết quả của quá trình khoáng hóa mảng bám.
1.2. Sự hình thành của cao răng diễn ra như thế nào?
Quá trình hình thành cao răng diễn ra qua nhiều bước và liên quan đến sự tương tác giữa vi khuẩn, thức ăn và các thành phần hóa học trong nước bọt; dưới đây là các bước của quá trình này:
– Hình thành mảng bám: Tất cả bắt đầu từ mảng bám, một lớp mỏng các vi khuẩn và protein từ nước bọt bám trên bề mặt răng. Nếu mảng bám không được vệ sinh thường xuyên bằng bàn chải – kem đánh răng và chỉ nha khoa, nó sẽ tích tụ và phát triển, bao phủ khắp bề mặt răng và dưới viền nướu.
– Khoáng hóa mảng bám: Trong khi nước bọt giúp cân bằng acid trong miệng và bảo vệ răng bằng cách cung cấp khoáng chất, nó cũng chứa canxi và phosphate, các thành phần này có thể kết hợp với mảng bám tạo thành các tinh thể khoáng. Quá trình hình thành các tinh thể khoáng được gọi là khoáng hóa, khiến cho mảng bám cứng lại.
– Hình thành cao răng: Các tinh thể khoáng tích tụ và hình thành cao răng. Cao răng cứng và dày lên theo thời gian, tạo áp lực lên nướu và gây ra viêm nướu, bệnh nha chu nếu không được xử lý.
2. Giải đáp chi tiết thắc mắc: Có hay không kem đánh răng trị cao răng?
2.1. Kem đánh răng trị cao răng, có hay không?
Có hay không kem đánh răng trị cao răng. Câu trả lời là không, trên thị trường Việt Nam nói riêng và trên thị trường thế giới nói chung, không tồn tại kem đánh răng trị cao răng đã bám chặt trên bề mặt răng. Kem đánh răng chỉ có thể hỗ trợ ngăn ngừa tích tụ mảng bám, từ đó hạn chế hình thành cao răng.
Có nhiều loại kem đánh răng trên thị trường được thiết kế để ngăn ngừa tích tụ mảng bám hiệu quả. Các sản phẩm này thường chứa thành phần chính là fluoride, cùng với các thành phần phụ khác, giúp kiểm soát sự phát triển và loại bỏ mảng bám. Dưới đây là một số loại kem đánh răng phổ biến được khuyên dùng để ngăn ngừa mảng bám tích tụ:
Tìm hiểu thêm: Xét nghiệm tầm soát ung thư đại tràng và điều cần biết
Có nhiều loại kem đánh răng trên thị trường được thiết kế để ngăn ngừa tích tụ mảng bám hiệu quả.
– Kem đánh răng chứa Fluoride: Fluoride là thành phần không thể thiếu trong hầu hết các loại kem đánh răng vì nó giúp củng cố men răng và ngăn chặn sâu răng. Nó cũng giúp ngăn ngừa tích tụ mảng bám.
– Kem đánh răng chứa Triclosan: Triclosan là một chất kháng khuẩn mạnh mẽ có khả năng chống lại vi khuẩn gây ra mảng bám và viêm nướu. Tuy nhiên, sự an toàn của Triclosan đang gây tranh cãi và ở thời điểm hiện tại, nó đang bị hạn chế sử dụng ở một số quốc gia.
– Kem đánh răng chứa Zinc Citrate: Zinc Citrate là một thành phần khác thường được sử dụng trong kem đánh răng để giúp giảm mảng bám tích tụ. Không chỉ giúp giảm mảng bám tích tụ, Zinc citrate còn có tác dụng giảm khoáng hóa mảng bám, từ đó giảm hình thành cao răng.
– Kem đánh răng chứa Pyrophosphates: Các muối của Pyrophosphates giúp hạn chế sự lắng đọng khoáng chất trên bề mặt răng, từ đó giảm hình thành cao răng.
– Kem đánh răng có hạt mài mòn: Một số kem đánh răng có chứa hạt mài mòn nhỏ, giúp làm sạch sâu và loại bỏ mảng bám hiệu quả hơn.
Khi chọn kem đánh răng ngăn ngừa tích tụ mảng bám, quan trọng nhất là bạn phải lựa chọn sản phẩm đã được chứng nhận bởi các tổ chức y tế uy tín như Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA) hoặc các tổ chức y tế tương đương. Luôn tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất cũng rất cần thiết để đảm bảo kem đánh răng ngăn ngừa mảng bám tích tụ phát huy hiệu quả tối đa.
2.2. Làm thế nào để loại bỏ cao răng hiệu quả, nếu không sử dụng kem đánh răng trị cao răng
Cao răng là một lớp cứng và dày. Loại bỏ cao răng thường yêu cầu sự can thiệp của nha sĩ thông qua các phương pháp nha khoa chuyên nghiệp. Nếu bạn muốn xử lý cao răng đã hình thành, tốt nhất nên thăm khám với bác sĩ nha khoa để được lấy cao răng bằng dụng cụ nha khoa chuyên dụng, ví dụ như lấy cao răng bằng sóng siêu âm, sóng này sẽ phá vỡ cao răng mà không làm tổn thương men răng hay nướu.
>>>>>Xem thêm: Có phải ai cũng có thể niềng răng vẩu không?
Nếu bạn muốn xử lý cao răng đã hình thành, tốt nhất nên thăm khám với bác sĩ nha khoa.
Phía trên là câu trả lời cho câu hỏi có hay không kem đánh răng trị cao răng, Theo đó, sử dụng kem đánh răng chỉ có thể giúp bạn dự phòng cao răng, chứ không thể giúp bạn giải quyết chúng. Để trị cao răng hiệu quả, tốt nhất bạn nên đến phòng khám nha khoa uy tín để được nha sĩ hỗ trợ bằng dụng cụ nha khoa chuyên dụng. Sau khi lấy cao răng tại phòng khám nha khoa, bạn nên duy trì thói quen vệ sinh răng miệng cẩn thận để ngăn ngừa tích tụ mảng bám và tái hình thành cao răng.
Sử dụng một số kem đánh răng đặc biệt như kem đánh răng chứa Fluoride, kem đánh răng chứa Triclosan, kem đánh răng chứa Zinc Citrate, kem đánh răng chứa Pyrophosphates, kem đánh răng có hạt mài mòn… để hiệu quả ngăn ngừa mảng bám tích tụ là tối đa. Bằng cách chọn chính xác kem đánh răng và áp dụng đúng phương pháp vệ sinh răng miệng bằng nó, bạn không chỉ bảo vệ răng miệng khỏi các bệnh lý do cao răng gây ra mà còn góp phần giữ gìn nụ cười rạng ngời và hấp dẫn. Hãy đầu tư sản phẩm tốt và đừng quên thăm khám định kỳ để đảm bảo răng luôn khỏe mạnh!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.