Các bệnh lý liên quan đến đốt sống cổ ngày càng phổ biến và gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống, công việc của người bệnh. Vậy, đốt sống cổ có đặc điểm cấu tạo và chức năng ra sao, các bệnh lý thường gặp là gì, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Bạn đang đọc: Các bệnh thường gặp ở đốt sống cổ
1. Đặc điểm cấu tạo và chức năng của đốt sống cổ
Đốt sống cổ (cột sống cổ) là nhóm xương khớp được ghép lại với nhau bởi 7 đốt sống đầu tiên của cột sống, uốn hình chữ C và được ký hiệu từ C1 đến C7.
Dựa theo vị trí, cột sống cổ thường được chia thành 2 phần:
– Cột sống cổ cao: Tạo nên bởi 2 đốt sống cổ đầu tiên. Trong đó đốt số 1 gọi là đốt đội, bắt đầu ngay dưới xương sọ. Đốt số 2 gọi là đốt trục. Cấu tạo của 2 đốt này có sự khác biệt so với những đốt sống còn lại và chúng có nhiều trục xoay.
– Cột sống cổ thấp: Gồm 5 đốt sống còn lại, phía trước là thân đốt sống và phía sau là cung đốt sống.
Đặc điểm chung của các đốt sống ở cổ là thân dẹt, bề ngang phía trước lớn hơn phía sau. Cuống hình thành từ phần sau của mặt bên thân đốt sống. Phần mỏm gai với đỉnh tách làm hai củ.
Mỏm ngang dính vào thân và cuống, giới hạn tạo thành lỗ ngang. Đây là nơi để mạch đốt sống chui qua. Đỉnh của mỏm ngang tách làm 2 củ trước và sau đốt sống cổ. Mặt trên của mỏm ngang là rãnh thần kinh gai sống, diện khớp phẳng nằm ngang, diện trên hướng lên trên và ra sau, diện dưới hướng xuống dưới và ra trước. Lỗ đốt sống ở cổ có hình tam giác, rộng hơn ở các lỗ đốt sống ngực và thắt lưng.
Ngoài đặc điểm chung, mỗi đốt sống lại có những điểm khác nhau.
Cột sống cổ được tạo nên bởi 7 đốt sống với chức năng nâng đỡ, tạo các chuyển động vùng cổ.
2. Các bệnh thường gặp liên quan đến cột sống cổ
Do nằm ở vị trí nhạy cảm, có phạm vi vận động rất lớn nên các đốt sống cổ rất dễ bị tổn thương, gây ra các bệnh lý gồm:
2.1 Thoái hóa đốt sống cổ
Tình trạng vận động và tổn thương kéo dài có thể làm cho cột sống cổ bị suy giảm chức năng và dẫn đến thoái hóa. Thoái hóa đốt sống cổ thường bắt đầu từ những tổn thương khớp ở thân đốt, đĩa liên đốt, các màng, dây chằng,… Các đốt sống hay gặp thoái hóa nhiều nhất đó là ở các vị trí C4, C5 và C6.
Thoái hóa ở các đốt sống này thường gây cứng cổ, khiến cổ hoạt động không linh hoạt. Người bệnh thường cảm thấy đau khớp cổ, nhất là khi vận động vùng này. Đau có thể lan dần xuống vai. Đôi lúc bệnh nhân có thể đau đầu không rõ nguyên nhân… Thoái hóa cột sống cổ gây nhiều khó khăn cho người bệnh trong sinh hoạt và lao động. Đáng lo khi bệnh ngày càng trở nên phổ biến và có xu hướng trẻ hóa.
Cột sống cổ là nơi tập trung nhiều dây thần kinh và mạch máu cung cấp dưỡng chất và oxy nuôi não, truyền và nhận tín hiệu từ não. Tình trạng thoái hóa các đốt sống cổ có thể chèn dây thần kinh, hẹp động mạch. Quá trình tuần hoàn máu não bị gián đoạn, gây ra các tình trạng:
– Đau đầu
– Hạn chế hoạt động, đau, tê, cứng cổ
– Rối loạn tiền đình, chóng mặt, buồn nôn, nôn đặc biệt khi thay đổi tư thế
– Rối loạn cảm giác tứ chi, bại liệt 1 hoặc cả 2 bên cánh tay
– Đau nhức, tê hoặc gặp khó khăn khi cử động bàn tay
– Thiếu máu não
– Ù tai, giảm thính lực
– Mất ngủ, mệt mỏi
Tìm hiểu thêm: Xương mác chân nằm ở đâu? Vì sao xương mác dễ bị gãy?
Thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, gai các đốt sống vùng cổ có thể dẫn đến đau nhức, hạn chế vận động cổ.
2.2 Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Thoát vị đĩa đệm cổ là hiện tượng phần nhân nhầy nằm bên trong đĩa đệm cổ thoát khỏi vỏ bọc bao xơ, tràn ra khỏi vị trí ban đầu. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ quan nội tạng xung quanh nó. Giữa đốt C1 và C2 không có đĩa đệm, vì vậy bệnh lý đĩa đệm ở đây cũng ít xảy ra so với các đốt còn lại.
Các triệu chứng thoát vị đĩa đệm cổ gồm:
– Các cơn đau xuất hiện thường xuyên quanh cổ, với cường độ từ âm ỉ đến dữ dội. Đau ban đầu xuất hiện ở vị trí cột sống cổ, sau đó có thể lan dần sang cả bả vai, gáy, xuống đến bàn tay, bàn chân, ngón tay, ngón chân. Đau tăng mức độ khi người bệnh vận động mạnh.
– Đau cổ khi xoay ngang do xương cổ yếu. Các hoạt động cúi gập người hoặc ngửa lên bị hạn chế các hoạt động.
– Yếu cơ cánh tay, cơ duỗi cổ tay, bắp tay, ngón tay. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và sinh hoạt.
– Tê bì, ngứa ran lan tỏa khắp cơ tam đầu xuống cánh tay, bàn tay, ngón tay út.
– Táo bón, khó đi tiểu…
– Đau lồng ngực, khó thở.
Tuy bệnh không đe dọa đến tính mạng nhưng nếu không điều trị hiệu quả, để bệnh tiến triển thì có thể gây nên các biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe như: tình trạng thiếu máu não, hội chứng giao cảm cổ sau, liệt tay chân hoặc nửa người…
>>>>>Xem thêm: Những điều cần biết về thoát vị đĩa đệm cổ
Khi thấy đau mỏi cổ thường xuyên, cần thăm khám chuyên khoa cơ xương khớp sớm.
2.3 Gai đốt sống cổ
Khi quá trình thoái hóa diễn ra, sụn khớp sẽ hao mòn dần, các đĩa đệm xẹp xuống và thoát vị, khiến các dây chằng nối 2 đốt ống bị chùng giãn. Lúc này cơ thể sẽ tăng cường lượng canxi ở cấu trúc dây chằng, lâu dần hình thành nên các gai xương. Các mỏm xương này thường mọc ra như gai quanh vị trí đĩa đệm thoát vị. Theo thời gian chúng to dần có thể làm hẹp ống tủy, chèn ép rễ thần kinh, ảnh hưởng cấu trúc cơ gây ra các triệu chứng như:
– Đau cổ ê ẩm và liên tục.
– Đau vùng gáy, nhức mỏi bả vai.
– Tê, ngứa ran ở cánh tay, có thể lan xuống các ngón tay.
– Hạn chế vận động vùng cổ, cứng cổ, đặc biệt là khi thức dậy, người bệnh không quay đầu được mà phải xoay cả người.
– Đau nửa đầu, ê buốt đỉnh đầu.
– Chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ, mệt mỏi,…
Tình trạng gai xương kèm theo thoát vị đĩa đệm vùng cổ có thể gây chèn ép nặng các rễ thần kinh, dẫn đến bại liệt 1 hoặc cả 2 cánh tay. Nhiều trường hợp có dấu hiệu rối loạn cảm giác tứ chi thần kinh thực vật.
Như vậy, chúng ta vừa tìm hiểu về đặc điểm của đốt sống cổ và các bệnh lý thường gặp liên quan đến các đốt sống này. Nếu có các triệu chứng nghi ngờ hoặc muốn tầm soát các vấn đề của cột sống cổ, bệnh nhân vui lòng liên hệ tổng đài để được tư vấn và hỗ trợ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.