Cá là một thực phẩm siêu bổ dưỡng. Tuy nhiên, ăn nó có thể là nỗi ám ảnh của nhiều người. Bởi xương cá là loại xương dễ hóc. Ngay cả những người cẩn thận nhất cũng có thể gặp nạn với loại xương này. Vậy, nếu chẳng may bị hóc xương cá thì xương cá có tự tiêu trong cổ họng không, nếu không thì phải xử lý như thế nào? Trong bài viết sau, Thu Cúc TCI xin được làm sáng tỏ hai vấn đề này, để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, đừng bỏ lỡ bạn nhé!
Bạn đang đọc: Giải đáp: Xương cá có tự tiêu trong cổ họng không?
1. Giải đáp chi tiết thắc mắc: Xương cá có tự tiêu trong cổ họng không?
Xương cá có thể tự tiêu trong cổ họng là hy vọng của nhiều người, đặc biệt là những người khó tiếp cận với các trợ giúp y tế. Thực tế thì đúng là xương cá có thể tự tiêu nhưng không phải trong trường hợp nào cũng vậy. Sự tự tiêu của xương cá có diễn ra hay không, chủ yếu phụ thuộc kích thước và cấu trúc xương cá. Theo đó, xương cá nhỏ và/hoặc có cấu trúc đơn giản (thẳng, mảnh),…. có thể tự tiêu trong vài giờ nhờ hoạt động của enzym. Còn xương cá lớn và/hoặc có cấu trúc phức tạp (cong, hình chữ Y, nhiều ngạnh,…) thì không.
Sự tự tiêu có diễn ra hay không, chủ yếu phụ thuộc kích thước và cấu trúc xương cá.
2. Nếu xương cá không tự tiêu thì phải xử lý như thế nào?
2.1. Sự nguy hiểm của tình trạng hóc xương cá
Nếu không thể tự tiêu, xương cá có thể đưa đến một số vấn đề sức khỏe rất tai hại. Ví dụ:
– Xương cá tại cổ họng: Làm áp xe cục bộ niêm mạc họng, gây tắc khí quản, khiến người bệnh ngạt thở và tử vong.
– Xương cá tại thực quản: Đâm thủng động mạch chủ.
Chính vì vậy, bạn tuyệt đối không được chủ quan với tai nạn này. Tốt nhất là, thay vì chỉ hành động khi xương cá không tự tiêu trong cổ họng, hãy xử lý ngay khi nghi ngờ bản thân hóc xương cá.
2.2. Hướng dẫn xử lý tình trạng hóc xương cá chi tiết
Trong hàng ngàn năm qua, dân gian ta đã lưu truyền vô vàn cách chữa hóc xương cá. Tiêu biểu trong số chúng là: Sử dụng Vitamin C hoặc các thực phẩm chứa Vitamin C, sử dụng các thực phẩm chứa Acid, sử dụng các thực phẩm có tính dẻo (như chuối, cơm, kẹo dẻo), sử dụng tỏi, sử dụng nước ngọt có gas,… Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, bạn cần tỉnh táo và hết sức thận trọng với những phương pháp chữa hóc xương cá dân gian này. Chỉ một số ít trong chúng thực sự hiệu quả. Hiệu quả của một số ít chúng cũng rất hạn chế. Nếu bạn tin tưởng và áp dụng những phương pháp đó một cách mù quáng, có thể đẩy xương cá vào “vị thế” khó xử lý hơn rất nhiều. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, bạn sẽ tự làm tăng nguy cơ áp xe cục bộ niêm mạc họng, tắc khí quản, thủng động mạch chủ,… của bản thân.
Tìm hiểu thêm: Hóc xương cá – Xử trí đúng cách để tránh nguy hại
Dân gian lưu truyền vô vàn cách chữa hóc xương cá, trong đó có cách nuốt kẹo dẻo.
Khi nghi ngờ bản thân hóc xương cá, đầu tiên, không nuốt bất cứ thứ gì, bao gồm cả những thứ được cho rằng có thể cứu bạn khỏi tình trạng hóc xương cá, như chuối, cơm, kẹo dẻo,… Cố gắng nôn ra là cách xử lý đúng hơn trong trường hợp này. Tuy nhiên, đừng cố quá. Bởi nôn nhiều thì Acid dạ dày trào lên thanh quản nhiều mà Acid dạ dày thì có thể đốt thanh quản, khiến nó sưng, phù nề, tổn thương nghiêm trọng. Ngoài ra, cũng đừng cố nôn bằng cách móc họng. Tay bạn có thể vô tình đẩy xương cá xuống sâu hơn trong cổ họng mà bạn không hề biết.
Nếu nôn không hiệu quả, tiếp theo, hãy thử ngậm Vitamin C. Theo chuyên gia, Vitamin C có tác dụng làm mềm xương cá, giúp xương cá dễ dàng di chuyển từ họng xuống dạ dày. Bạn có thể mua Vitamin C tại tất cả các quầy thuốc trên toàn quốc.
Nếu ngậm Vitamin C cũng không hiệu quả, bạn phải đến cơ sở y tế uy tín gần nhất ngay lập tức để được thăm khám và điều trị chuyên nghiệp bởi chuyên gia.
2.3. Lưu ý khác
Trước khi di chuyển thành công từ vị trí mắc trong cổ họng xuống dạ dày hoặc từ vị trí mắc trong cổ họng ra ngoài, xương cá có thể đã gây tổn thương cho họng, thực quản,… Chính vì vậy, xử lý xong tình trạng hóc xương cá chưa phải là đã hết. Nhiệm vụ tiếp theo của bạn là theo dõi cơ thể. Nếu thấy các biểu hiện bất thường như: Đau, châm chích niêm mạc họng; nuốt đau và nghẹn; ho nhiều và/hoặc ho ra máu; họng phù nề; sưng ngực; đau phía sau xương ức, đau lan lên vai và cổ;…; bạn phải nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín gần nhất.
>>>>>Xem thêm: Chữa viêm họng ở đâu nhiều lần kéo dài còn bị sốt
Sau khi hóc xương cá, nếu bạn có dấu hiệu bất thường, thăm khám với chuyên gia ngay.
3. Nuốt xương cá nguy hiểm ra sao?
Ngoài hóc thì bạn có thể gặp nạn với xương cá theo một kiểu khác. Đó là nuốt xương cá. Dù xương cá có thuận lợi di chuyển từ họng xuống dạ dày, chưa chắc bạn đã an toàn với chúng. Tại dạ dày và ruột non, cùng với thức ăn, xương cá nhỏ, mềm, có thể được tiêu hóa bởi Acid và các men. Phần không được cơ thể hấp thụ của nó sẽ di chuyển đến ruột già và ra khỏi cơ thể thông qua hậu môn, dưới dạng phân. Xương cá lớn, cứng, có cấu trúc phức tạp thì không “hiền lành” như thế. Chúng có thể đâm thủng dạ dày, ruột non, ruột già, làm nhiễm trùng nghiêm trọng ổ bụng,…
Chính vì vậy, ngay cả khi xương cá di chuyển thuận lợi từ họng xuống dạ dày, bạn vẫn phải đề phòng. Mọi biểu hiện bất thường của cơ thể đều có thể là dấu hiệu cảnh báo tổn thương do xương cá gây ra. Khi chúng xuất hiện, bạn phải thăm khám và điều trị với chuyên gia càng sớm càng tốt.
Tóm lại, chỉ có xương cá kích thước nhỏ và cấu trúc đơn giản mới có thể tự tiêu trong cổ họng. Tuy nhiên, khi nghi ngờ bản thân hóc xương cá, dù là xương cá nhỏ, cấu trúc đơn giản hay xương cá lớn, cấu trúc phức tạp, bạn cũng nên chủ động xử lý ngay, không chờ đợi xương cá tự tiêu. Cách xử lý tình trạng hóc xương cá đúng đắn nhất bạn có thể áp dụng bao gồm 3 bước: Đầu tiên là nôn. Tiếp theo là ngậm Vitamin C. Cuối cùng là thăm khám và điều trị với chuyên gia.
Hy vọng rằng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết này, bạn có thể bảo vệ được bản thân và gia đình trước tai nạn hóc xương cá.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.