Hóc dị vật đường thở là một trong những tai nạn nguy hiểm nhất không chỉ trẻ em mà cả người trưởng thành cũng có thể gặp phải. Không những thế, tai nạn này lại rất phổ biến. Chính vì vậy, nắm được cách xử trí khi hóc dị vật đường thở là việc tất cả chúng ta đều nên làm để bảo vệ sức khỏe gia đình. Trong bài viết sau, Thu Cúc TCI xin chia sẻ cẩm nang xử trí hóc dị vật đường thở, đọc ngay bạn nhé!
Bạn đang đọc: Cẩm nang xử trí khi hóc dị vật đường thở
1. Dấu hiệu nhận biết tình trạng hóc dị vật đường thở
Dị vật đường thở là thuật ngữ y tế được sử dụng để chỉ các dị vật rơi và mắc trong thanh, khí, phế quản. Dị vật đường thở được phân loại thành dị vật vô cơ và dị vật hữu cơ. Cả 2 loại dị vật này đều gây ra các triệu chứng ho, khó thở,…; riêng dị vật hữu cơ, ngoài những triệu chứng đó, còn gây ra các triệu chứng nhiễm trùng, nhiễm độc.
Nếu là một trường hợp điển hình, tình trạng hóc dị vật đường thở sẽ biểu hiện thông qua 2 hội chứng là hội chứng xâm nhập và hội chứng định khu.
1.1. Mô tả chi tiết hội chứng xâm nhập
Xảy ra ngay sau khi dị vật rơi vào đường thở, hội chứng xâm nhập là kết quả của việc dị vật mắc trong khe giữa hai dây thanh – chỗ hẹp nhất của đường thở. Hội chứng xâm nhập bao gồm 2 phản xạ: Phản xạ co thắt, diễn ra nhằm ngăn dị vật tiếp tục rơi sâu hơn và phản xạ ho, diễn ra nhằm tống dị vật ra ngoài. Hai phản xạ này đưa đến cho người hóc dị vật đường thở các triệu chứng ho, tím tái, vã mồ hôi, co kéo cơ hô hấp, nghẹt thở, chảy nước mắt nước mũi,… Nếu dị vật lớn, phản xạ ho không thể tống dị vật ra ngoài, người hóc dị vật có thể tử vong. Nếu dị vật nhỏ, phản xạ co thắt không thể ngăn vị vật tiếp tục rơi, hội chứng xâm nhập sẽ kéo dài một vài phút rồi biến mất.
Phản xạ co thắt, diễn ra nhằm ngăn dị vật tiếp tục rơi sâu hơn.
1.2. Mô tả chi tiết hội chứng định khu
Tùy thuộc vị trí dị vật sau khi rơi vào đường thở, hội chứng định khu sẽ đưa đến các triệu chứng khác nhau:
– Dị vật thanh quản: Triệu chứng của tình trạng hóc dị vật tại thanh quản tiếp tục được phân loại theo vị trí của dị vật. Nếu dị vật mắc tại tiền đình thanh quản, người hóc dị vật sẽ khàn tiếng tăng dần, khó thở ngay lập tức (nếu dị vật lớn) hoặc khó thở tăng dần (nếu dị vật nhỏ). Nếu dị vật mắc tại hạ thanh môn, người bệnh sẽ khó thở tăng dần. Còn nếu dị vật mắc tại thanh môn, người bệnh sẽ khàn tiếng ngay lập tức, khó thở ngay lập tức (nếu dị vật lớn) hoặc khó thở tăng dần (nếu dị vật nhỏ).
– Dị vật khí quản: Người hóc dị vật có thể trở lại trạng thái bình thường sau hội chứng xâm nhập. Tuy nhiên, sau một thời gian, thỉnh thoảng, người hóc dị vật sẽ ho, khó thở, thở mạnh. Lúc này, dị vật có thể bị đẩy lên thanh môn và người hóc dị vật có thể tử vong.
– Dị vật phế quản: Người hóc dị vật trở lại trạng thái bình thường trong nhiều giờ sau hội chứng xâm nhập. Sau một thời gian, người hóc dị vật có triệu chứng viêm nhiễm hoặc triệu chứng xẹp phổi, triệu chứng khí phế thũng,…
2. Hướng dẫn cách xử lý khi hóc dị vật đường thở
2.1. Xử trí khi hóc dị vật đường thở đối với trẻ em dưới 2 tuổi
– Bước 1: Người sơ cứu đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay trái, đầu hướng xuống đất, giữ cổ và đầu trẻ thật chắc.
– Bước 2: Vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng, giữa 2 xương bả vai của trẻ bằng phần giao giữa bàn tay phải và cổ tay phải.
– Bước 3: Lật trẻ từ tư thế nằm sấp bên tay trái sang tư thế nằm ngửa bên tay phải. Quan sát xem trẻ đã hồng hào chưa, đã thở hay khóc chưa. Đồng thời kiểm tra xem miệng trẻ có dị vật nào không và lấy dị vật ra nếu có.
– Bước 4: Thực hiện biện pháp ấn ngực nếu dị vật chưa ra hoặc trẻ vẫn chưa thở. Ấn mạnh 5 cái từ trên xuống dưới vào vùng thượng bị – vùng trên rốn và dưới xương ức bằng 2 ngón tay.
– Bước 5: Kiểm tra xem trẻ đã thở hay khóc chưa. Nếu chưa, tiếp tục lặp lại biện pháp này cho đến khi xe cấp cứu tới.
Tìm hiểu thêm: Hỏi đáp: Có thể tự gắp dị vật trong họng không?
Người sơ cứu đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay trái, đầu hướng xuống đất, giữ cổ và đầu trẻ thật chắc.
2.2. Xử trí khi hóc dị vật đường thở đối với trẻ em trên 2 tuổi và người trưởng thành
2.2.1. Người hóc dị vật còn tỉnh
– Bước 1: Để người hóc dị vật đứng. Người sơ cứu đứng hoặc quỳ phía sau, choàng 2 tay ra phía trước, ngang thắt lưng người hóc dị vật.
– Bước 2: Nắm một tay, tay còn lại đặt lên tay đã nắm, 2 tay đặt ở vùng thượng vị của người hóc dị vật. Ấn mạnh 5 cái từ dưới lên.
– Bước 3: Lặp lại biện pháp này 6 – 10 lần nếu sau 5 cái, dị vật vẫn chưa ra.
2.2.2. Người hóc dị vật hôn mê, bất tỉnh
– Bước 1: Đặt người hóc dị vật nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ, 2 đầu gối đặt 2 bên đùi người hóc dị vật.
– Bước 2: Trước tiên, người sơ cứu phải hà hơi thổi ngạt cho người hóc dị vật 2 cái.
– Bước 3: Kết hợp hà hơi thổi ngạt với ấn xương ức. Biện pháp ấn xương ức được thực hiện như sau: Nắm 2 bàn tay, ấn mạnh đột ngột 5 cái vào dưới xương ức của người hóc dị vật.
– Bước 4: Lặp lại 2 biện pháp này cho đến khi dị vật ra hoặc trẻ khóc/thở được.
>>>>>Xem thêm: Nhiệt miệng dưới lưỡi và ung thư lưỡi: Cẩn thận kẻo nhầm lẫn
Người hóc dị vật đứng. Người sơ cứu đứng hoặc quỳ phía sau, choàng 2 tay ra phía trước, ngang thắt lưng người hóc dị vật.
Như vậy, bài viết đã chia sẻ với bạn cách xử trí khi hóc dị vật đường thở. Phương pháp xử trí tai nạn vô cùng phổ biến và nguy hiểm này khác nhau tùy thuộc đối tượng hóc dị vật cũng như tình trạng sức khỏe của đối tượng đó (tỉnh hay bất tỉnh). Cụ thể, nếu là trẻ em dưới 2 tuổi, chúng ta cần áp dụng phương pháp vỗ lưng ấn ngực. Còn nếu là trẻ em trên 2 tuổi và người trưởng thành, chúng ta cần áp dụng phương pháp Heimlich.
Hy vọng rằng với những thông tin trên, bạn sẽ bảo vệ được sức khỏe của không những trẻ mà cả gia đình. Nếu còn băn khoăn về cách xử trí tai nạn hóc dị vật đường thở, liên hệ Thu Cúc TCI ngay, để được giải đáp chi tiết, bạn nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.