Viêm khớp dạng thấp là tình trạng viêm ở các khớp, thường xảy ra ở độ tuổi trung niên, chủ yếu ở phụ nữ. Bệnh có thể gây đau nhức, sưng tấy, hạn chế vận động. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây dạng viêm khớp này và cách điều trị bệnh qua bài viết sau.
Bạn đang đọc: Viêm khớp dạng thấp: Nguyên nhân và triệu chứng
1. Các nguyên nhân làm khởi phát bệnh viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp (viêm đa khớp dạng thấp) là một trong những dạng viêm khớp phổ biến nhất, xảy ra do rối loạn hệ miễn dịch. Cụ thể, sự rối loạn của hệ miễn dịch khiến cơ thể tự tấn công vào các mô xương – khớp, gây ảnh hưởng trực tiếp đến niêm mạc, tức là bao hoạt dịch của khớp. Điều này có thể gây phù, cứng khớp và đau nhức và cuối cùng là xương bị bào mòn, dẫn đến biến dạng và lệch khớp.
Ngoài ra, các nhà khoa học cho rằng, loại bệnh viêm khớp này có thể liên quan đến yếu tố di truyền. Theo đó, một số gen đặc biệt có thể khiến cơ thể nhạy cảm hơn với các yếu tố môi trường, gây khởi phát dạng viêm khớp dạng thấp. Bên cạnh đó nhiễm khuẩn cũng là nguyên nhân dễ gây khởi phát bệnh.
Các khớp bị viêm thường là khớp nhỏ, có tính chất đối xứng như: cổ tay, bàn ngón tay, khuỷu, háng, gối, cổ chân, khớp nhỏ bàn chân, vai,…
Đây là bệnh thường gặp ở độ tuổi trung niên, tỷ lệ mắc ở nữ giới nhiều hơn nam giới.
Tình trạng sưng viêm các khớp thường do rối loạn hệ miễn dịch
2. Các giai đoạn tiến triển của bệnh viêm khớp này
Theo thời gian, bệnh viêm đa khớp dạng thấp trải qua 4 giai đoạn tiến triển:
– Giai đoạn 1: Hệ miễn dịch chưa tấn công nhiều, chưa gây hậu quả nghiêm trọng cho niêm mạc khớp. Người bệnh bị viêm màng trên khớp, tình trạng đau, sưng khớp không thường xuyên. Lượng tế bào miễn dịch lúc này tăng cao trong dịch khớp.
– Giai đoạn 2: Tình trạng viêm trong mô đã xuất hiện và có dấu hiệu lan rộng. Mô xương phát triển gây ảnh hưởng tới khoang khớp và trên sụn, có thể phá hủy sụn khớp.
Các sụn dần mất đi, song chưa dẫn đến dị dạng khớp.
– Giai đoạn 3: Sụn khớp đã bị mất đi gây tổn thương khớp nghiêm trọng, các triệu chứng của bệnh xuất hiện rõ, gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của người bệnh như: đau, sưng tấy khớp, cứng khớp, dẫn đến hạn chế vận động.
– Giai đoạn 4: Tình trạng viêm đã giảm đi nên người bệnh thấy ít sưng đau hơn nhưng tổn thương xương khớp đã không thể phục hồi, khớp biến dạng và ngừng chức năng.
3. Bệnh viêm đa khớp dạng thấp có triệu chứng gì?
Triệu chứng viêm khớp bao gồm triệu chứng cơ năng, triệu chứng tại khớp và triệu chứng ngoài khớp.
2.1 Triệu chứng cơ năng của bệnh viêm khớp dạng thấp
– Đau, sưng khớp: Cơn đau có thể kéo dài liên tục cả ngày, tăng lên về đêm và gần sáng, nghỉ ngơi không đỡ. Đau có tính chất đối xứng và lan tỏa, đặc biệt là ở các khớp nhỏ và nhỡ.
– Cứng khớp buổi sáng, thời gian thường kéo dài trên 1 giờ.
– Cơ thể mệt mỏi, suy nhược, chủ yếu khi tình trạng viêm khớp kéo dài.
– Có thể sốt nhẹ hoặc không sốt trong suốt thời gian bệnh.
2.2 Triệu chứng tại khớp
Sưng, đau, nóng tại các khớp là triệu chứng điển hình của loại viêm khớp này. Tình trạng tấy đỏ thường ít gặp hơn.
Sưng tại khớp có thể do tổn thương phần mềm hoặc do tràn dịch khớp. Bệnh nhân có thể bị viêm cột sống cổ bán trật khớp đội trục gây chèn ép tủy cổ nếu bệnh nặng.
Nếu không được điều trị sớm, các khớp có thể bị dính và biến dạng do tổn thương phá hủy khớp, gân, dây chằng. Các kiểu biến dạng thường gặp là: cổ tay hình lưng lạc đà, bàn tay gió thổi, ngón tay người thợ thùa khuyết, ngón tay hình cổ cò, hội chứng đường hầm cổ tay…
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu cơ chế bệnh thoái hóa khớp
Tình trạng viêm có thể gây đau, sưng, cứng khớp, dẫn đến khó vận động.
2.3 Các triệu chứng ngoài khớp
– Hạt thấp dưới da: Triệu chứng này thường gặp ở những người viêm khớp dạng thấp nặng, tiến triển bệnh nhanh, thể huyết thanh dương tính. Tỷ lệ gặp triệu chứng này là 10-15%, các hạt thường xuất hiện ở dưới da các vùng tỳ đè nhiều như khuỷu, cạnh ngón tay, ngón chân, vùng chẩm, gân Achilles, kích thước từ vài mm đến 2 cm, mật độ chắc, ít di động do gắn dính với màng xương hoặc gân.
– Tổn thương mắt: Thường gặp nhất là viêm khô kết mạc, có thể viêm củng mạc và nhuyễn củng mạc thủng khi bệnh tiến triển nặng.
– Tổn thương phổi: Gồm nốt dạng thấp ở nhu mô, xơ phổi kẽ lan tỏa, viêm phế quản hay tắc nghẽn đường hô hấp, viêm phổi, viêm màng phổi hoặc tràn dịch màng phổi…
– Tổn thương tim mạch: Thường gặp là viêm màng tim, viêm cơ tim, bệnh van tim, rối loạn nhịp tim, nhiễm bột và viêm mạch.
– Hội chứng Felty: Các biểu hiện gồm giảm bạch cầu hạt, lách to, tình trạng nhiễm khuẩn tái phát, hội chứng Sjogren…
– Tổn thương thần kinh: Trường hợp này rất hiếm gặp.
3. Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm đa khớp dạng thấp như thế nào?
3.1 Cách chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp
Các triệu chứng của viêm khớp thường biểu hiện theo từng giai đoạn tiến triển. Dựa vào đó, bác sĩ có thể phán đoán tình trạng bệnh và đưa ra những chỉ định phù hợp giúp chẩn đoán chính xác, bao gồm:
– Xét nghiệm máu: Kiểm tra tình trạng viêm qua chỉ số bạch cầu.
– Tăng tốc độ máu lắng và CRP: Đánh giá tình trạng viêm và theo dõi đáp ứng điều trị.
– Yếu tố dạng thấp (Rheumatoid Factor – RF): Đánh giá tiên lượng nặng của bệnh.
– Kháng thể kháng CCP (anti-cyclic citrulinated peptide antibodies – antiCCP): Độ đặc hiệu cao (98%) trong chẩn đoán loại viêm khớp này.
– Các phương pháp thăm dò, chẩn đoán hình ảnh khác.
>>>>>Xem thêm: Khám và điều trị bệnh thoái hóa khớp gối
Nếu các biểu hiện nghi ngờ viêm khớp, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng.
3.2 Phương pháp điều trị
Nếu phát hiện và điều trị sớm từ giai đoạn đầu, bệnh có thể được kiểm soát, các cấu trúc xương khớp được bảo vệ tốt hơn. Hiện nay vẫn chưa có biện pháp điều trị khỏi thấp khớp. Các phương pháp điều trị hỗ trợ nhằm: cải thiện triệu chứng, giảm tổn thương xương khớp và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Tùy vào tình trạng bệnh, các phương pháp điều trị viêm khớp sau đây có thể được chỉ định:
– Điều trị bằng thuốc
Các thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp thường được chỉ định là: thuốc chống viêm không Steroid NSAID, Corticosteroid, thuốc chống thấp khớp thay đổi bệnh, thuốc sinh học…
– Điều trị bằng phẫu thuật
Phương pháp này có thể được cân nhắc sử dụng nếu người bệnh không đáp ứng điều trị tốt với thuốc nhằm khôi phục chức năng khớp, giảm đau hiệu quả.
Ngoài 2 phương pháp chính, bệnh nhân có thể được hướng dẫn sử dụng cụ hỗ trợ đi lại nhằm giảm giảm gánh nặng cho khớp, tập các bài tập vật lý trị liệu giúp phục hồi chức năng xương khớp, tập vận động để chống co rút gân, teo cơ, dính khớp.
Như vậy, viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý phổ biến và nguy hiểm có thể gây tàn phế nếu không được điều trị sớm. Khi có các triệu chứng nghi ngờ, người bệnh nên chủ động đi khám chuyên khoa Cơ xương khớp để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.