Thoái hóa khớp gối là bệnh lý ngày càng phổ biến và gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình thoái hóa khớp gối chiếm khoảng 20% dân số ở mỗi quốc gia. Hiện nay không chỉ người lớn tuổi mà cả người trẻ cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này. Cùng tìm hiểu về tình trạng thoái hóa ở khớp gối và cách chẩn đoán, điều trị trong bài viết sau đây.
Bạn đang đọc: Tổng quan về bệnh thoái hóa khớp gối
1. Kiến thức chung về khớp gối và bệnh thoái hóa khớp gối
1.1 Khớp gối có đặc điểm và vai trò gì?
Khớp gối là khớp lớn nhất và phức tạp nhất trong cơ thể, gồm đầu dưới xương đùi, đầu trên mâm chày, xương bánh chè. Khớp này có vai trò như một “bản lề”, hoạt động nhờ sự phối hợp của hệ thống gân, cơ, dây chằng, sụn khớp và bao khớp. Có vai trò quan trọng nhưng đây cũng là bộ phận dễ bị tổn thương.
Sụn khớp gối có thể bị mài mòn theo thời gian gây thoái hóa.
1.2 Thoái hóa khớp gối là gì?
Thoái hóa khớp gối hay thoái hóa sụn khớp gối là tình trạng sụn khớp – lớp đệm tự nhiên bảo vệ giữa các khớp – bị mài mòn. Điều này gây cọ xát với giữa các khớp và dẫn đến đau, sưng, cứng khớp, giảm khả năng di chuyển. Tình trạng này kéo dài thậm chí gây hình thành các gai xương ở vùng đầu gối.
Bệnh lý cơ xương khớp này chiếm khoảng 20% dân số trung bình ở mỗi quốc gia (theo WHO). Theo thống kê đầy đủ, tại Việt Nam tỷ lệ người bị thoái hóa khớp gối (ở người trên 40 tuổi) chiếm trên 23%.
2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây thoái hóa khớp gối
2.1 Tuổi tác
Tuổi tác là nguyên nhân chính khiến khớp gối bị thoái hóa. Theo thời gian, sụn khớp ngày càng bị bào mòn. Cùng với đó quá trình tổng hợp của sụn có xu hướng suy giảm, khiến các tế bào gần bị bào mòn và không được tái tạo lại làm sụn khớp bị thoái hóa nhanh chóng.
Nguy cơ thoái hóa khớp thường tăng dần theo độ tuổi. Thống kê cho thấy, chỉ có 10% người dưới 26 tuổi có khớp gối thoái hóa. Nhưng từ tuổi 27- 45 tỷ lệ này là 25,5% và độ tuổi 46 – 60 , nguy cơ thoái hóa khớp đầu gối lên tới 50%.
Thoái hóa khớp gối xảy ra nhiều nhất ở người cao tuổi (từ 60 – 80 tuổi). Tuy nhiên, tình trạng thoái hóa khớp trong đó có khớp gối ngày càng trẻ ngày càng trẻ hóa.
2.2 Thừa cân, béo phì
Ở những người bị thừa cân – béo phì, tải trọng cơ thể quá lớn sẽ làm tăng áp lực lên các khớp, đặc biệt là đầu gối. Nghiên cứu cho thấy mỗi khi tăng 0,45kg cân nặng thì trọng lượng trên đầu gối cũng tăng 1,35 – 1,8kg. Điều này khiến khớp gối nhanh bị bào mòn và biến dạng hơn, đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp này. Đặc biệt ở phụ nữ thừa cân béo phì trên tuổi 40, nguy cơ thoái hóa khớp gối cao gấp 6 lần so với người bình thường.
2.3 Giới tính
Theo các nghiên cứu, phụ nữ từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ bị thoái hóa ở khớp gối cao hơn nam giới. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do phụ nữ thường xuyên đi giày cao gót, trải qua quá trình mang thai và không được bổ sung gầy đủ canxi…
2.4 Di truyền
Một số đột biến di truyền khiến bạn có khả năng bị viêm xương khớp ở đầu gối từ khi còn trẻ. Hình dạng bất thường của xương bao quanh khớp này cũng có thể khiến lớp sụn khớp dễ bị thoái hóa.
Tìm hiểu thêm: Đau thần kinh tọa là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Tuổi tác là yếu tố hàng đầu gây thoái hóa khớp.
2.5 Chấn thương vùng gối thường xuyên
Những chấn thương mà trong sinh hoạt, tai nạn lao động, tai nạn giao thông cũng ảnh hưởng đến khớp gối. Trong đó, các chấn thương gây tổn thương xương bánh chè, dây chằng, đầu dưới khớp đùi… thường khiến sụn bị tổn thương nghiêm trọng, gây thoái hóa. Nếu không điều trị sớm, tình trạng thoái hóa có thể nặng lên nhanh chóng và gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm.
Ngoài ra, việc thường xuyên thực hiện các động tác gây áp lực cho khớp như quỳ, ngồi xổm hoặc nâng các vật nặng khiến khớp gối có nguy cơ bị thoái hóa cao hơn.
2.6 Đặc thù nghề nghiệp
Vận động viên hay những người hay chơi bóng đá, quần vợt, điền kinh, cầu lông thường phải vận động khớp gối nhiều nên có nguy cơ cao bị yếu khớp này. Bên cạnh đó, những người thường xuyên phải mang vác nặng, đi giày cao gót nhiều cũng dễ mắc bệnh này.
2.7 Một số bệnh cơ xương khớp khác
Những người bị viêm khớp dạng thấp, rối loạn chuyển hóa (thừa sắt, dư thừa hormone tăng trưởng) cũng dễ mắc bệnh thoái hóa khớp.
3. Các giai đoạn và triệu chứng thoái hóa ở khớp gối
Thoái hóa khớp gối có 4 giai đoạn, biểu hiện triệu chứng ở mỗi giai đoạn sẽ khác nhau, cụ thể:
3.1 Giai đoạn 1
Ở giai đoạn 1, bệnh nhân thường không có biểu hiện rõ ràng và không cảm thấy khó chịu do sự mài mòn xảy ra giữa các thành phần của khớp là không đáng kể.
3.2 Giai đoạn 2
Đây là giai đoạn bệnh nhẹ, không gian giữa các xương chưa bị thu hẹp và các xương không bị cọ xát với nhau (khi xem hình ảnh trên phim chụp X-quang). Chất lỏng hoạt dịch lúc này vẫn được duy trì đủ để khớp vận động bình thường.
Tuy nhiên, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng đầu tiên: đau đầu gối sau khi đi bộ hoặc chạy cả ngày, cứng khớp nhiều hơn khi không cử động trong vài giờ, đau khi quỳ hoặc cúi.
3.3 Giai đoạn 3
Trong giai đoạn này, thoái hóa ở mức độ trung bình. Các sụn có dấu hiệu tổn thương rõ ràng, không gian giữa các xương ngày càng thu hẹp lại. Các triệu chứng thường gặp ở giai đoạn 3 của thoái thoái hóa sụn khớp gối:
– Đau thường xuyên, đặc biệt là khi đi bộ, chạy, cúi, quỳ
– Bị cứng khớp sau khi ngồi trong một khoảng thời gian dài hoặc khi mới thức dậy vào buổi sáng
3.4 Giai đoạn 4
Giai đoạn này khá nghiêm trọng, bệnh nhân cảm thấy rất đau và khó chịu mỗi khi đi bộ hoặc khi cử động khớp. Không gian giữa các xương bị thu hẹp đáng kể, các sụn hầu như không còn nguyên vẹn, khớp bị cứng, thậm chí có lúc trở nên bất động. Lúc này, lượng chất lỏng hoạt dịch trong khớp cũng ít đi và khả giảm ma sát giữa các khớp cũng giảm.
>>>>>Xem thêm: Cách giảm đau thần kinh tọa khi mang thai 3 tháng đầu
Chụp cộng hưởng từ MRI là một trong những phương pháp chẩn đoán các vấn đề ở khớp gối.
4. Phương pháp chẩn đoán bệnh
Để chẩn đoán tình trạng khớp gối, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử của bạn cùng các triệu chứng gặp phải gần đây, tiền sử gia đình…
Sau khi thăm khám ban đầu, dựa vào tình trạng bệnh thực tế, bạn có thể được chỉ định thực hiện một số chẩn đoán cận lâm sàng như: chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI)…
Trong trường hợp có sưng khớp, bệnh nhân có thể được siêu âm khớp hoặc chọc hút thăm dò nếu có đủ điều kiện vô trùng tuyệt đối.
5. Các biện pháp điều trị thoái hóa khớp đầu gối
Trên cơ sở chẩn đoán bệnh, tùy vào mức độ bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
5.1 Sử dụng thuốc
Phổ biến là thuốc giảm đau, kháng viêm, giãn cơ, thuốc chống thoái hóa khớp,… Phương pháp này có hiệu quả giảm đau nhanh nhưng nhiều tác dụng phụ, bệnh nhân cần phải tuân thủ quy trình sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tránh lạm dụng thuốc.
5.2 Điều trị không dùng thuốc
– Giảm cân nếu bị thừa cân
– Tập thể dục thường xuyên
– Sinh hoạt đúng tư thế
– Vật lý trị liệu
– Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu PRP hoặc chất nhờn nhân tạo Acid Hyaluronic
5.3 Phẫu thuật
Thường được chỉ định trong những trường hợp bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối nặng có biến dạng khớp, đau cứng khớp, thoái hóa kèm viêm bao hoạt dịch… Một số cách phẫu thuật được sử dụng phổ biến hiện nay như: mổ nội soi khớp, cắt sụn, cấy ghép tế bào sụn, sửa trục khớp, thay khớp…
Nếu cần Thu Cúc TCI tư vấn phương pháp chẩn đoán và điều trị nào hoặc có nhu cầu đặt lịch khám, bạn vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được hỗ trợ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.