Trị hóc xương cá ở cổ là việc cần thực hiện sớm nhằm tránh cảm giác khó chịu, phòng các nguy cơ dị vật biến chứng, nhất là những nguy cơ thủng mạch máu, thực quản khi bị những xương sắc, to nhọn gây hóc. Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều cách tự xử lý hóc nguy hiểm và để lại nhiều hệ quả cho chính người bệnh.
Bạn đang đọc: Áp dụng ngay cách này khi trị hóc xương cá ở cổ
1. Xử trí đúng cách khi bị hóc xương cá
Hóc xương cá ở cổ là một tai nạn rất dễ xảy ra trong ăn uống, khiến xương cá bị nuốt xuống và mắc lại ở cổ họng, có thể gây ra sự khó chịu và những nguy hiểm nhất định. Hóc xương cá thường do việc bất cẩn khi ăn uống gây nên, không loại bỏ hết xương cá, khiến những mẩu xương bị chúng ta vô tình nuốt phải có thể mắc lại họng, gây tình trạng nuốt vướng, đau họng. Nhiều trường hợp hóc xương cá nguy hiểm có thể khiến bệnh nhân nghẹt thở, thậm chí là ngưng thở, có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu như không được cấp cứu kịp thời.
Khi bị hóc xương cá, các chuyên gia cho rằng: cần áp dụng, xử lý đúng cách trong mỗi tình huống.
Mỗi tình huống hóc có thể có cách xử trí khác nhau
1.1. Với bệnh nhân hóc xương cá nguy kịch
Với các trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng, cần những người xung quanh sơ cứu nhanh đẩy dị vật xương cá khỏi khu vực đang làm tắc nghẽn đường thở để cứu sống bệnh nhân. Bên cạnh đó, cần gọi cấp cứu gấp để được hướng dẫn xử lý kịp thời, đồng thời, chuẩn bị để đội ngũ y tế sẵn sàng hỗ trợ người bệnh.
1.2. Với trường hợp người bị hóc tỉnh táo
Với trường hợp bệnh nhân hóc xương cá có thể hô hấp thông thường, cần thực hiện theo các bước:
– Ngừng việc ăn uống đang dang dở, cần bình tĩnh để kiểm tra vấn đề. Đặc biệt, với trẻ nhỏ, cần trấn an trẻ, dỗ trẻ ngừng khóc để tránh tình trạng xương cá bị kẹt sâu hơn.
– Cần một người kiểm tra cổ họng cho người bị hóc xương cá. Nên sử dụng đèn pin với độ sáng tốt để soi và kiểm tra. Trong quá trình này, nếu nhìn thấy xương cá mắc trong cổ họng người bệnh, không được dùng tay lấy xương cá. Nếu có dụng cụ kẹp y tế, hãy dùng chúng để gắp xương cá một cách khéo léo cho người bệnh, tránh tình trạng xương cá gắp ra đâm vào thành họng hay các bộ phận khác gây viêm nhiễm hoặc đau đớn hơn cho người bệnh.
Trong trường hợp trẻ em bị hóc xương, do khó hợp tác với các bé trong khi điều trị, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở tai mũi họng để bác sĩ sử dụng thiết bị, dụng cụ phù hợp để lấy xương cá ra đúng cách.
Tìm hiểu thêm: Giải đáp chi tiết: Nuốt phải xương cá có sao không?
Thăm khám bác sĩ để được chữa hóc xương nhanh chóng và đúng cách
Nếu soi đèn pin vào họng người bị hóc không thể xác định được vị trí xương hóc, nên đến các cơ sở y tế để được trợ giúp, xác định đúng vị trí xương hóc và được gắp xương cá đúng cách.
– Sau khi gắp xương cá xong, nên kiểm tra lại bằng cách thử uống nước. Nếu việc nuốt vẫn khó khăn, bệnh nhân cần sớm đến các cơ sở y tế để được kiểm tra lại, tránh để tình trạng còn sót xương cá trong cổ họng.
2. Cảnh báo những sai lầm dễ mắc phải khi chữa hóc xương cá
Một số người khi chữa hóc xương cá thường sử dụng những mẹo hoặc xử trí một cách cảm tính nhằm lấy xương cá ra hoặc nuốt xương cá xuống dạ dày. Điều này sẽ gây những nguy hiểm mà chúng ta không ngờ tới, thậm chí, gây nguy hiểm cho tính mạng. Các chuyên gia cảnh báo, khi bị hóc xương cá, không nên làm theo những cách như:
– Cố gắng ăn nhiều hơn, nuốt cơm, khoai, bánh mì,… để nuốt xương cá. Điều này có thể khiến xương cá thành dị vật đường tiêu hóa.
– Vỗ lưng hoặc vuốt ngực cho người bị hóc sai cách.
– Sử dụng các mẹo dân gian lưu truyền để chữa hóc và không tiếp nhận điều trị.
– Không kiểm tra tình trạng sót xương cá còn bị hóc sau khi hết cảm giác đau và nuốt vướng do bị hóc.
– Không chữa hóc xương cá ngay mà để lâu ngày, gây tình trạng nhiễm trùng do xương gây nên.
3. Hướng dẫn thực hiện một số sơ cứu cho người bị hóc xương cá
3.1. Đẩy xương cá bị hóc cho trẻ dưới 2 tuổi
Với trẻ em dưới 2 tuổi, có thể áp dụng hình thức vỗ lưng ấn ngực để đẩy xương cá ra khỏi hầu họng. Việc thực hiện thủ thuật này khá đơn giản bằng cách: để trẻ nằm úp trên cánh tay của người thực hiện thủ thuật với chân trẻ dọc cánh tay và phần đầu, phần cổ của trẻ trên bàn tay, đặt trẻ ở tư thế dốc đầu tầm 30 độ. Sau đó, dùng gót tay vỗ vào lưng trẻ với lực đủ mạnh (chú ý lực đủ). Vị trí vỗ lưng là khu vực giữa của 2 xương bả vai của trẻ. Thực hiện vỗ lưng trẻ 5 lần liên tiếp, dứt khoát, đồng thời, xem phản ứng của trẻ và kiểm tra xương hóc đã bị đẩy lên trên miệng trẻ hoặc ra khỏi miệng trẻ chưa.
Nếu xương cá chưa ra, người thực hiện thủ thuật hãy dùng tay còn lại đỡ trẻ nằm ngửa dọc cánh tay của mình với tư thế dốc nghiêng tầm 45 độ, đầu ở điểm cao. Khi đó, hãy dùng ngón trỏ và ngón giữa của tay còn lại, thực hiện ấn ngực ở vị trí dưới xương ức của trẻ. Lực ấn ngực trẻ đủ mạnh và theo hướng lên trên để đẩy dị vật ra ngoài. Thực hiện thao tác này tầm 5 lần.
>>>>>Xem thêm: Hướng dẫn xử trí hóc dị vật kịp thời, đúng cách
Kỹ thuật sơ cứu hóc cho trẻ nhỏ
3.2. Đẩy xương cá bị hóc cho trẻ dưới 2 tuổi
Với trẻ từ 2 tuổi trở nên và người lớn, có thể áp dụng nghiệm pháp Heimlich để đẩy xương cá bị hóc ra khỏi hầu họng và tránh những biến chứng mà xương cá có thể gây ra. Phương pháp này dựa trên nguyên lý về việc áp dụng lực đẩy lên vùng thượng vị nhằm đẩy dị vật ra khỏi khu vực đường thở. Ở dạng cơ bản, có thể thực hiện bằng cách đứng sau lưng người bị hóc xương cá, vòng tay ôm bụng với tay nắm chặt được đặt ở vị trí thượng vị, sau đó tác dụng lực ấn từ nắm tay lên vị trí này theo hướng sâu vào trong và hướng lên trên. Thực hiện động tác dứt khoát, liên tục khoảng 10 lần.
Cũng cần chú ý rằng, các thủ thuật chữa hóc xương cá trên đây thường được áp dụng tại các cơ sở y tế, với người thực hiện là các chuyên viên đã được đào tạo và thành thạo kỹ năng. Do đó, thông thường, người hỗ trợ thực hiện thao tác này với trẻ nhỏ và người khác thường là trong trường hợp sơ cứu hóc dị vật đường thở ở bệnh nhân trong quá trình chờ cấp cứu, nhằm đẩy vị vật ra khỏi vị trí làm nghẹt đường thở và duy trì tình trạng thở cho người bệnh. Vì vậy, nếu trong trường hợp người bệnh còn có thể thở bình thường khi hóc xương cá, nên được đưa đến các bệnh viện Tai Mũi Họng để được thăm khám và kiểm tra, trị hóc xương cá ở cổ đúng cách.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.