Bệnh viêm khớp dạng thấp diễn biến qua 4 giai đoạn. Bệnh gây ra triệu chứng sưng, đau, cứng khớp, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và khả năng vận động. Cùng đọc bài viết sau để nhận biết triệu chứng và cách phòng ngừa hiệu quả.
Bạn đang đọc: Viêm khớp dạng thấp diễn biến và cách phòng ngừa
1. Lý giải thế nào là bệnh viêm khớp dạng thấp?
Viêm khớp dạng thấp là bệnh mạn tính, do rối loạn tự miễn cơ thể. Bệnh gây nên tình trạng viêm sưng, xơ cứng khớp, phổ biến ở:
– Khớp lưng
– Khớp gối
– Khớp tay
– Khớp bàn chân
Nguy hiểm nhất là bệnh không chỉ ảnh hưởng đến hệ khớp mà còn gây biến chứng ở phổi, mắt, tim, da, mạch máu, …
Hiện nay, vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên một số nghiên cứu cho rằng các yếu tố sau đây có thể là nguyên nhân: nhiễm trùng, miễn dịch, yếu tố di truyền, hormone trong cơ thể, tác động của môi trường sống. Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng của lối sống, tâm lý cũng là tác nhân gây bệnh.
Bệnh viêm khớp dạng thấp phổ biến ở độ tuổi từ 20-40 với tỷ lệ mắc là 1-5/100 người trưởng thành. Đặc biệt, phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2-3 lần. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh gây ra nhiều biến chứng nặng nề với sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Vì vậy, việc điều trị cần được đặt lên hàng đầu. Ngày nay vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh đặc hiệu, song việc điều trị vẫn có ý nghĩa lớn trong việc làm giảm triệu chứng và ngăn bệnh tiến triển nặng, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở khớp bàn tay, gây ra triệu chứng sưng đỏ, đau nhức
2. Bệnh viêm khớp dạng thấp diễn biến như thế nào qua từng giai đoạn?
2.1. Viêm khớp dạng thấp diễn biến ở giai đoạn 1
Ở giai đoạn đầu tiên, người bệnh bắt đầu có cảm giác đau, cứng khớp, vùng khớp bị viêm sưng đỏ. Bên cạnh tình trạng viêm trong khớp khiến các mô bên trong sưng lên. Tuy không có tổn thương về xương nhưng màng hoạt dịch khớp đã thương tổn.
2.2. Viêm khớp dạng thấp diễn biến ở giai đoạn 2
Bước sang giai đoạn 2, màng hoạt dịch viêm nặng hơn, có thể khiến sụn khớp tổn thương. Sụn là mô bao phủ phần cuối của xương tại vị trí khớp. Khi nó tổn thương, người bệnh cảm nhận rõ những cơn đau nhức, một số người có thể hạn chế vận động.
2.3. Giai đoạn 3 của bệnh viêm khớp dạng thấp
Khi bệnh viêm khớp dạng thấp tiến triển đến giai đoạn 3, tình trạng bệnh bắt đầu nghiêm trọng. Tổn thương không chỉ dừng lại ở sụn mà bắt đầu ảnh hưởng đến xương. Khi lớp sụn giữa các xương bị bào mòn, xương cọ xát khiến cơn đau nặng nề hơn. Một số trường hợp yếu cơ hoặc mất hẳn khả năng vận động. Đó là lúc xương đã tổn thương thậm chí biến dạng.
2.4. Giai đoạn 4 của bệnh viêm khớp dạng thấp
Giai đoạn 4, các khớp đã ngừng hoạt động. Bệnh nhân đau, sưng, cứng khớp nghiêm trọng tệ nhất là mất khả năng vận động. Một số trường hợp bệnh biến chuyển nặng, các khớp có thể bị hỏng và gây ra biến chứng dính khớp.
Tìm hiểu thêm: Triệu chứng bệnh viêm tủy xương
Hình ảnh thể hiện viêm khớp dạng thấp ở tay
3. Các triệu chứng cảnh báo viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp có các triệu chứng đặc trưng, dễ nhận biết như:
– Sưng, đau khớp
– Đỏ, nóng da (vùng da bị viêm ấn vào thấy ấm)
Bên cạnh đó, bệnh có nhiều triệu chứng toàn thân và ngoài khớp, người bệnh có thể gặp một hoặc nhiều triệu chứng sau đây:
– Thể trạng gầy, mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng
– Ngủ không ngon
– Da và niêm mạc nhợt nhạt
– Xuất hiện các hạt ở gần khớp khuỷu tay, khớp gối và xung quanh khớp cổ tay. Các hạt nổi trên da, cứng, không gây đau.
– Bao khớp phình to
– Ban đỏ nổi ở gan bàn chân, lòng bàn tay
– Viêm gân và bao hoạt dịch quanh các khớp
– Dây chằng khớp viêm bị co kéo hoặc giãn, khiến các khớp lỏng lẻo
Ngoài ra, viêm khớp dạng thấp cũng gây ra một số triệu chứng ở các cơ quan khác như:
– Tràn dịch màng tim
– Tràn dịch màng phổi
– Xương mất chất vôi
– Rối loạn thần kinh thực vật
Tuy nhiên các triệu chứng này hiếm gặp hơn. Ngay khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng trên, người bệnh cần thăm khám để được điều trị phù hợp.
4. Các biện pháp ngăn ngừa viêm khớp dạng thấp
Bệnh có thể được phòng ngừa và kiểm soát bằng những biện pháp sau đây:
4.1. Bỏ thuốc lá
Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Theo các nghiên cứu, những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 1,3 – 2,4 lần so với người không hút. Không dừng lại ở đó, hút thuốc và khói thuốc lá khiến tiến triển của bệnh nhanh và nghiêm trọng hơn.
4.2. Duy trì cân nặng ở mức phù hợp
Những người thừa cân, béo phì thuộc nhóm khả năng cao mắc căn bệnh này. Giữ cân nặng ổn định không chỉ giảm nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp mà còn nhiều bệnh xương khớp khác. Khi đã mắc bệnh, giảm cân cũng là điều bắt buộc để kết quả điều trị khả quan. Một số phương pháp để duy trì cân nặng là:
– Tuân thủ chế độ ăn lành mạnh: tăng cường bổ sung chất xơ từ rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt. Ưu tiên ăn cá, gà nhiều hơn ăn thịt đỏ. Tránh ăn các món nhiều đường, muối, dầu mỡ, …
– Tăng cường vận động: kết hợp các bài tập sức mạnh như cardio, aerobic, tennis với những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe. Người đã bị viêm khớp dạng thấp cũng nên tập luyện thường xuyên. Tuy nhiên nên tham khảo bác sĩ điều trị để được tư vấn bài tập phù hợp, hạn chế bệnh tiến triển nặng.
4.3. Hạn chế tiếp xúc với các chất độc hại, ô nhiễm môi trường
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng tiếp xúc với một số chất ô nhiễm môi trường làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Do đó, hãy tránh xa amiang và silica. Nếu công việc đặc thù làm trong môi trường độc hại, hãy mặc đồ bảo hộ và thực hiện các biện pháp bảo vệ bản thân. Đồng thời cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên để xem bản thân có bị nhiễm độc hay không.
4.4. Thăm khám và điều trị kịp thời
Ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo, cần thăm khám tại chuyên khoa Cơ xương khớp để bác sĩ tư vấn điều trị phù hợp. Điều trị sớm giúp ngăn chặn bệnh tiến triển và hạn chế nguy cơ phát triển các tổn thương khớp nghiêm trọng.
>>>>>Xem thêm: Triệu chứng bệnh thoái hóa đốt sống cổ
Thăm khám và phát hiện sớm giúp nâng cao kết quả điều trị viêm khớp dạng thấp
Trên đây là một số thông tin tổng quan về viêm khớp dạng thấp. Hi vọng thông qua bài viết, bạn đọc có thêm kiến thức về bệnh để chăm sóc sức khỏe bản thân cũng như mọi người xung quanh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.