Tê cứng, ngứa như kiến bò ở phần cổ tay và bàn tay là những biểu hiện điển hình của hội chứng cổ tay. Thường ở giai đoạn đầu, bệnh nhân sẽ khá chủ quan và ít quan tâm. Khi bệnh đã trở nặng và gây ảnh hưởng tới các vận động ở tay thì mới được chú ý. Bài viết sẽ phần nào giúp bạn hiểu rõ hơn về cách điều trị và phòng ngừa căn bệnh này.
Bạn đang đọc: Tìm hiểu về hội chứng cổ tay: điều trị và phòng ngừa
1. Những thông tin cơ bản về hội chứng cổ tay
Hội chứng cổ tay là bệnh lý có tỷ lệ mắc ngày càng cao trong xã hội hiện nay. Lý do tới từ nhu cầu trong công việc, đòi hỏi sự tinh tế, linh hoạt và tỉ mỉ thường xuyên ở phần cổ tay. Việt Nam hiện nay chưa có số liệu thống kê cụ thể về tình trạng của bệnh lý này. Tuy nhiên, ở Mỹ theo ước tính hàng năm có khoảng 50/1000 người mắc phải hội chứng này (nhóm nguy cơ cao lên tới 500/1000).
Đây là hội chứng: dây thần kinh giữa bị chèn ép khi đi ngang qua cổ tay dẫn đến tê, viêm hoặc mất cảm giác, teo cơ. Tình trạng này có thể tác động làm giảm các chức năng vận động vốn có ở bàn tay bởi chi phối của dây thần kinh giữa.
Hội chứng ống cổ tay sẽ gây khá nhiều ảnh hưởng tới các cử động ở tay với người bệnh
Theo giải phẫu, dây thần kinh giữa đi cùng gân cơ gấp ở các ngón tay trong ống cổ tay. Do nằm ở phần cấu trúc khó co giãn nên khi các phần viêm lớn lên sẽ gây ra lực chèn ép tới các mạch máu nhỏ sát bên dây thần kinh. Từ đây dẫn tới tình trạng bị thiểu dưỡng.
2. Biến chứng nguy hiểm từ hội chứng ống cổ tay
Cơ chế của hội chứng này là do các chèn ép trên phần dây thần kinh giữa. Khi đó, các chức năng sẽ dần bị hạn chế và gây ra những triệu chứng điển hình của bệnh. Tình trạng nếu cứ tiếp tục kéo dài sẽ ngày một nặng và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
2.1. Biến chứng về chức năng cảm giác của hội chứng cổ tay
Dây thần kinh giữa nắm giữ chức năng cảm nhận các cảm giác ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và áp út. Vì vậy, khi bị chèn ép sẽ khiến người bệnh cảm thấy những ngón tay như bị sưng, phồng lên. Dần dần sẽ thấy rõ ràng hơn qua các cơn tê bì, ngứa, nóng rát và đau đớn, thậm chí có thể lan cả tới vai.
Những cơn tê, ngứa và râm ran khi đầu chỉ xuất hiện khi người bệnh làm việc hay cử động gấp, duỗi tay. Về sau, các triệu chứng này sẽ xảy ra thường xuyên hơn và hình thành biến chứng: đau bàn tay, cổ tay mạn tính. Cơn đau còn có thể kèm theo loạn trương lực giao phản xạ. Điều này gây ra rất nhiều bất tiện trong các cử động hàng ngày.
Biến chứng do bệnh lý gây ra đôi khi không chỉ dừng lại tại cơ quan gây bệnh. Nó còn có thể ảnh hưởng đến cả dây thần kinh trung ương và gây đau mạn tính toàn thân. Điều này gây ra nhiều lo âu, căng thẳng, khó chịu, chán ăn, mất ngủ,… ở người bệnh.
2.2. Biến chứng về vận động của hội chứng cổ tay
Ngoài các vai trò về cảm giác như trên, dây thần kinh giữa còn có vai trò vận động cho các cơ xung quanh gốc ngón tay cái. Khi bị chèn ép quá lâu, người bệnh sẽ thấy cử động tay bị vụng về hơn. Những cơn đau, chuột rút khi làm việc cũng tăng lên nhiều hơn.
Lâu dài, khả năng vận động cũng sẽ không còn được đảm bảo tốt nữa. Bệnh nhân thậm chí sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện các động tác cơ bản: cầm nắm đồ, cài áo, dùng điện thoại,… Cuối cùng, khi các cơ dần yếu và liệt hoàn toàn làm tay gần như không còn sức trong cử động nữa.
Tìm hiểu thêm: Đau cứng cổ là do đâu? cử động cổ trở nên khó khăn
Bệnh nhân sẽ luôn thấy tê bì, ngứa ran, nóng rát khi hoạt động hay làm việc
2.3. Biến chứng về chức năng dinh dưỡng
Giống với các sợi thần kinh ngoại biên, dây thần kinh giữa cũng có chức năng nuôi dưỡng các nhóm cơ. Khi đã bị chèn ép ở ống cổ tay, những chất cần thiết để cung ứng cho cơ cũng dần hạn chế. Lúc này chức năng nuôi dưỡng không còn được đảm bảo. Hệ quả là các cơ của ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và áp út sẽ dần teo lại. Các sợi cơ khi đó cũng dần lỏng lẻo và mất đi độ dẻo dai.
3. Các cách điều trị hội chứng cổ tay
Trong điều trị, bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng hiện tại của bệnh nhân để đưa ra các phương pháp hợp lý. Có thể kể tới các phương pháp thường được áp dụng như:
– Sử dụng nẹp để nẹp phần cổ tay và gần cổ tay.
– Điều trị bảo tồn thông qua các loại thuốc kháng viêm: NSAIDs hoặc tiêm corticoide tại vùng đau.
– Phẫu thuật: giảm các áp lực thông qua việc cắt dây chằng ngang cổ tay. Sau đó sẽ điều chỉnh những khối xương trật để cổ tay không còn hẹp và đè vào dây thần kinh nữa.
– Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu (khi bệnh ở giai đoạn đầu). Mục đích nhằm tăng mức độ tuần hoàn máu và giảm phù. Từ đó làm giảm triệu chứng và cải thiện mức độ linh hoạt của tay.
4. Phòng ngừa hội chứng ống cổ tay bằng cách nào?
Bên cạnh điều trị thì phòng ngừa cũng là vấn đề được mọi người chú ý tới ở hội chứng. Dù có phẫu thuật cũng không thể đảm bảo tình trạng sẽ hoàn toàn không tái phát lại. Vì vậy, để hạn chế các cơn đau cho cổ, bàn tay, bạn nên chú ý:
– Cố gắng giữ bàn tay thẳng với cẳng tay trong lúc làm việc (song song với phần bàn phím).
– Giảm các áp lực và thả lỏng cơ tay khi làm việc, gõ bàn phím, thao tác với máy tính,…
– Luôn có thời gian nghỉ ngơi và xoa bóp cổ tay từ 5-10 phút trong quá trình làm việc.
– Không uốn, duỗi hay cử động mạnh, quá sức ở phần cổ tay, bàn tay.
– Chú ý về tư thế ngồi khi làm việc, hạn chế đẩy vai và cổ về trước quá nhiều. Điều này có thể làm dây thần kinh ở cổ bị chèn ép và ảnh hưởng đến cổ tay, bàn tay, ngón tay.
– Thời tiết lạnh nên chú ý giữ ấm ở cổ tay và có thể đeo găng trong quá trình làm việc.
>>>>>Xem thêm: Bị tê đầu ngón tay NÊN đi khám ở đâu? Bệnh viện nào TỐT Nhất?
Cần dành thời gian thư giãn và cử động tay nhẹ nhàng sau thời gian dài làm việc
Khi bạn phát hiện bất cứ các dấu hiệu bất thường nào ở cổ tay, bàn tay hãy đến các cơ sở y tế tin cậy để thăm khám sớm. Việc chuẩn đoán và điều trị sớm giúp nâng cao tỷ lệ khỏi và phục hồi hiệu quả hơn cho người bệnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.