Bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp thường xuất hiện các triệu chứng đau, viêm và cứng khớp. Không chỉ vậy, viêm khớp dạng thấp biến chứng còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Bạn đang đọc: Cảnh báo nguy hiểm từ viêm khớp dạng thấp biến chứng
1. Tìm hiểu về bệnh viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý viêm xương khớp mạn tính, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Bệnh lý này hình thành do hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào mô xương khớp khỏe mạnh của cơ thể. Mặc dù các chuyên gia chưa đưa ra nguyên nhân cụ thể cho căn bệnh này, nhưng theo nghiên cứu, di truyền và môi trường là hai yếu tố có thể khiến bệnh viêm khớp dạng thấp hình thành và tiến triển nhanh chóng.
Viêm khớp dạng thấp thường gây ra các triệu chứng như đau, sưng và cứng khớp. Các khớp thường bị ảnh hưởng bao gồm khớp ngón tay, cổ tay, cổ chân và các khớp ngón chân. Viêm khớp dạng thấp gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày, khiến việc thực hiện các hoạt động cơ bản trở nên khó khăn và hạn chế khả năng làm việc nặng nhọc.
Viêm khớp dạng thấp gây ra các triệu chứng như đau, sưng và cứng khớp
2. Quá trình tiến triển của bệnh
Triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm khớp dạng thấp có thể phân thành các giai đoạn khác nhau.
– Giai đoạn đầu:
Trong giai đoạn đầu, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như đau, sưng và viêm khớp, mệt mỏi thường xuyên. Trong đó, đau khớp là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh. Ban đầu, cơn đau thường xuất hiện ở các khớp nhỏ như khớp ngón tay, khớp cổ tay và khớp ngón chân. Dấu hiệu này thường lặp đi lặp lại, thường xuyên vào buổi sáng và sau khi nghỉ ngơi.
– Giai đoạn trung bình:
Trong giai đoạn tiến triển của bệnh, triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn và lan rộng ra các khớp khác. Các biểu hiện bao gồm: đau và sưng khớp lan rộng ra các khớp lớn (khớp đầu gối, khớp cổ chân, khớp khuỷu tay và khớp vai), cứng khớp, suy giảm khả năng vận động. Điều này làm hạn chế sự di chuyển hoặc khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày.
– Giai đoạn nặng:
Khi không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh nhân có thể gặp phải những biến chứng nghiêm trọng khác. Ở giai đoạn này, người bệnh có nguy cơ bị biến dạng khớp, mất khả năng di chuyển và ảnh hưởng xấu đến tim, phổi và mạch máu. Lúc này, người bị viêm khớp dạng thấp thường mệt mỏi, giảm cân và sốt.
Tìm hiểu thêm: Mổ thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không?
Trong giai đoạn tiến triển của bệnh, các cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng hơn và lan rộng ra khớp gối, khớp cổ chân
3. Viêm khớp dạng thấp biến chứng nghiêm trọng như thế nào?
3.1. Viêm khớp dạng thấp biến chứng tim mạch
Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể gây ra các tác động tiêu cực đến hệ tim mạch. Tổn thương xung quanh mạch máu có khả năng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như viêm màng ngoài tim, viêm mạch và suy tim. Vì vậy, bệnh nhân cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc kiểm soát bệnh viêm khớp dạng thấp để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
3.2. Viêm khớp dạng thấp gây ảnh hưởng đến phổi
Một biến chứng nghiêm trọng khác của viêm khớp dạng thấp là tổn thương phổi. Viêm phổi và sẹo phổi có thể xảy ra do một số yếu tố như sử dụng các loại thuốc chống viêm. Bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như khó thở, ho khan và mệt mỏi.
3.3. Viêm khớp dạng thấp biến chứng loãng xương
Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể gây loãng xương, làm tăng nguy cơ gãy xương. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do bệnh nhân dùng các loại thuốc điều trị lâu dài có khả năng làm suy giảm mật độ xương. Điều này làm suy yếu xương, làm tăng nguy cơ giòn, gãy dù chỉ gặp những va chạm nhẹ.
>>>>>Xem thêm: Gãy xương mác bao lâu tập đi được và cách dùng nạng gỗ
Người bệnh có nguy cơ gặp biến chứng loãng xương nếu không được điều trị kịp thời
3.4. Nguy cơ nhiễm trùng, suy giảm thị lực và ung thư
– Nguy cơ nhiễm trùng:
Tình trạng viêm và tổn thương liên tục trong khớp có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Bên cạnh đó, một số loại thuốc điều trị cũng có thể gây tác dụng phụ làm suy giảm hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể.
– Suy giảm thị lực:
Một trong những biến chứng thường gặp ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp là viêm mạc, tức viêm của màng ngoại tâm mắt. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm mạc có thể dẫn đến tổn thương mắt và suy giảm thị lực.
– Ung thư:
Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa bệnh viêm khớp dạng thấp và nguy cơ mắc ung thư. Để giảm nguy cơ này, việc tầm soát ung thư định kỳ rất quan trọng đối với những người bị viêm khớp dạng thấp. Đồng thời, việc duy trì lối sống lành mạnh, không hút thuốc, hạn chế tiếp xúc với chất gây ô nhiễm và tuân thủ các chỉ định điều trị từ bác sĩ cũng có thể giúp giảm nguy cơ ung thư.
4. Lời khuyên từ chuyên gia giúp giảm nhẹ triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng
Dưới đây là một số lời khuyên từ chuyên gia giúp giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng do viêm khớp dạng thấp:
– Theo dõi và điều trị định kỳ: Bệnh nhân cần nghiêm túc thực hiện tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi triệu chứng và điều trị bệnh một cách hiệu quả.
– Sử dụng thuốc theo hướng dẫn: Đảm bảo sử dụng đúng loại thuốc và liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ. Đừng tự ý thay đổi hoặc ngừng dùng thuốc mà không có sự chỉ định của chuyên gia y tế.
– Tập thể dục: Vận động đều đặn và nhẹ nhàng có thể giúp giảm đau, cải thiện khả năng cử động và sự linh hoạt của khớp. Người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để bắt đầu chế độ tập thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe.
– Duy trì tâm trạng thoải mái: Stress có thể làm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng hơn. Hãy tham gia vào các hoạt động giải trí lành mạnh, cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi để giữ tinh thần thư giãn.
– Chế độ ăn lành mạnh: Một trong những điều cần thiết nhất để cải thiện sức khỏe xương khớp là ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng. Bệnh nhân nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm gây viêm như thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều đường.
Cần lưu ý rằng mỗi trường hợp bệnh sẽ có mức độ triệu chứng, tình trạng sức khỏe riêng. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.