Chữa hóc xương cá cho trẻ cần khẩn cấp và thực hiện đúng thao tác. Cách chữa hóc cho trẻ cũng có nhiều khác biệt so với người lớn để phù hợp với thể trạng của trẻ. Hãy cùng tìm hiểu cách để giải quyết tình trạng hóc xương cá cho trẻ với bài viết dưới đây để có thể áp dụng khi cần thiết.
Bạn đang đọc: Tổng hợp các cách chữa hóc xương cá cho trẻ
1. Hóc xương cá ở trẻ – Tình trạng phổ biến đáng báo động
Hóc xương cá là hiện tượng khá phổ biến ở Việt Nam. Theo thống kê, tình trạng này có xu hướng phổ biến hơn ở các vùng nông thôn. Tình hình điều trị hóc xương cá tại các cơ sở y tế hiện cũng đang không được các bậc phụ huynh chú ý nhiều, mà hầu như chỉ đưa con đi khám khi tình trạng biến chứng hóc xương cá đã nặng. Điều này xuất phát từ sự chủ quan của cha mẹ. Nhưng một phần, cũng do việc không nhận biết kịp thời trẻ bị hóc xương cá.
Những loại xương cá dễ gặp trong tình huống hóc của trẻ như: Cá rô phi, cá trích, cá chép, cá hồi,… Những loại cá nhiều xương dăm, xương nhỏ sẽ có nhiều nguy cơ gây hóc cho trẻ hơn. Bên cạnh đó, với những trẻ bị hẹp ống thực quản, thì tình trạng hóc cũng dễ xảy ra hơn so với các đối tượng khác.
Hóc xương cá ở trẻ rất phổ biến
1.1. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị hóc xương cá
Với các bé có khả năng nhận thức và giao tiếp tốt, bé có thể thông báo trực tiếp đến cha mẹ. Bên cạnh đó, với những trẻ chưa thể nói, thậm chí là các bé đang ăn dặm, thì việc trẻ bị mắc xương cá phải được cha mẹ phát hiện. Nếu trong bữa ăn có cá của trẻ mà trẻ có những dấu hiệu sau, thì ba mẹ cần xem xét khả năng con bị hóc xương cá:
– Trẻ khó chịu và khóc bất ngờ, không chịu ăn tiếp.
– Biểu hiện muốn nôn, trớ.
– Trẻ nuốt rất khó.
– Trẻ ho nhiều, mặt đỏ.
– Trẻ đưa tay chỉ lên vùng họng, tự tay cho vào vùng miệng để móc hoặc thể hiện sự đau ở cổ họng. Với trẻ còn bé, các bé sẽ có dấu hiệu quơ tay, cho tay lên khu vực cổ họng.
– Ho ra máu. Biểu hiện này cho thấy xương cá đã đâm và làm tổn thương niêm mạc miệng, họng của bé.
1.2. Trẻ bị hóc xương cá có nguy hiểm không?
Tình trạng hóc xương cá có thể gây nguy hiểm cho trẻ trong một số trường hợp nhất định. Một số tình huống xương cá đâm vào niêm mạc họng của trẻ gây chảy máu, xuất huyết hoặc chèn ép đường thở có thể gây tình trạng khó thở, ngất hoặc thậm chí là ngưng thở. Khi đó, cha mẹ và những người xung quanh cần sơ cứu khẩn cấp để đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ.
Một số tình huống hóc xương cá ở trẻ không được cha mẹ xử lý ngay. Đó là khi tình trạng hóc của bé biểu hiện dữ dội trong khoảng thời gian ngắn, sau đó, cha mẹ không thấy các biểu hiện trẻ ói, ho như lúc ban đầu nên nghĩ là trẻ không còn bị hóc. Tuy nhiên, đó có thể là thời điểm xương cá nằm yên vị tại vị trí nào đó trong họng, nhưng vẫn đang bị mắc hóc.
Việc không tìm ra và xử lý ngay này sẽ khiến tình trạng viêm nhiễm, áp xe vùng niêm mạc họng bé dễ xảy ra. Viêm nhiễm lâu ngày cũng là nguyên nhân gây nhiều bệnh liên quan đến hô hấp hoặc nhiễm trùng máu nguy hiểm cho trẻ. Chính vì thế, khi con bị hóc xương cá, cha mẹ không nên chủ quan và coi nhẹ vấn đề này.
Tìm hiểu thêm: Bé bị viêm VA – Nhận biết và chăm sóc như thế nào?
Cha mẹ cần cẩn trọng khi con có biểu hiện hóc
2. Cách chữa hóc xương cá phù hợp cho trẻ
Việc chữa hóc xương cá được rất nhiều người quan tâm. Bên cạnh đó, cũng có nhiều lời đồn, mẹo liên quan đến việc này. Tuy nhiên, nguyên lý chung của việc điều trị hóc là cần lấy dị vật ra khỏi vị trí hóc. Do đó, cha mẹ cần xác định: phải gắp xương cá và loại bỏ dứt điểm xương cá gây hóc cho con mới là phương pháp an toàn và triệt để nhất.
2.1. Những mẹo giúp trẻ đỡ đau hơn khi bị hóc xương cá
Khi trẻ bị hóc xương cá, cha mẹ nên cố gắng để làm trẻ bình tĩnh. Trong đó, việc giúp trẻ cảm thấy đỡ đau hơn khi bị xương cá đâm cũng là điều rất cần thiết. Cha mẹ có thể ứng dụng những cách sau:
– Sử dụng dầu ô liu: Cha mẹ có thể cho con uống 1 thìa dầu ô liu khi con bị hóc. Giống như một chất bôi trơn, dầu ô liu giúp niêm mạc họng của bé dịu lại. Thêm nữa, cách này có khả năng làm xương cá mắc hóc trơn hơn, từ đó dễ ra khỏi vị trí hóc hơn.
– Dùng dấm táo hoặc chanh: Pha loãng giấm táo, thêm chút mật ong và cho trẻ uống 1-2 thìa. Hoặc cha mẹ cho con ngậm 1 chút chanh. Cách này có thể khiến xương cá mềm hơn và cảm giác đau trong họng trẻ cũng đỡ hơn. Tuy nhiên, cách này có lẽ không nên thực hiện với các em bé. Bởi, vị chua của giấm táo hay chanh sẽ làm cho các bé khó chịu và giãy giụa nhiều hơn. Ngoài ra, cha mẹ cũng lưu ý không nên lạm dụng cách này do có thể ảnh hưởng đến niêm mạc họng và vấn đề dạ dày của trẻ.
2.2. Thực hiện thủ thuật đẩy xương cá ra cho trẻ
Thủ thuật vỗ lưng – ấn ngực được sử dụng khá phổ biến trong cấp cứu hóc dị vật ở trẻ dưới 2 tuổi. Cần lưu ý làm nếu thực hiện thủ thuật này mà trẻ có dấu hiệu đau hơn thì nên ngừng lại. Điều này cần thiết để đề phòng xương cá dài nhọn đâm vào sâu trong họng của trẻ.
Cách thực hiện như sau:
– Cha mẹ hoặc người hỗ trợ đặt trẻ ở tư thế nằm sấp, và nằm trên cánh tay mình. Bàn tay người thực hiện thủ thuật ở vị trí giữ cổ và cằm trẻ.
– Xác định vị trí lưng chính giữa 2 xương bả vai của trẻ. Sau đó, dùng gót bàn tay càn lại vỗ lên lưng trẻ 5 lần. Thực hiện động tác dứt khoát.
– Ngửa trẻ lại và kiểm tra xem xương cá đã ra khỏi họng chưa. Nếu chưa, thực hiện tiếp phương pháp ấn ngực đẩy dị vật.
– Giữ trẻ ở tư thế ngửa trên tay người thực hiện thủ thuật. Sau đó, dùng 2 ngón tay ở tay còn lại ấn mạnh vào vùng giữa hai xương ức của trẻ. Lực tác động hướng đẩy lên. Thực hiện 5 lần. Giữa các lần thực hiện, hãy kiểm tra xem xương cá đã đẩy lên khoang miệng của bé chưa.
Ngoài ra, với các trẻ lớn hơn, có thể áp dụng thủ thuật Heimlich để đẩy xương cá.
2.3. Đưa trẻ đến cơ sở y khoa uy tín để chữa hóc xương cá
Việc đưa trẻ đến các cơ sở y khoa để chữa hóc xương cá là điều cần thiết và được khuyến khích. Bởi, không phải cha mẹ nào cũng có thể xử lý hóc xương cá cho con.
Thêm nữa, dù đã đẩy xương cá ra cho trẻ, cũng cần kiểm tra xem liệu còn xương cá hóc trong trẻ không. Đưa trẻ đến cơ sở y khoa cũng giúp kiểm tra tình trạng trẻ sau khi bị hóc, xác định xem cần điều trị chống viêm sau khi lại bỏ xương cá không.
>>>>>Xem thêm: Khàn tiếng và những câu hỏi thường gặp
Đến các cơ sở y khoa để kiểm tra tình trạng và gắp xương cá hóc cho trẻ
Tại các cơ sở y khoa, các bác sĩ sẽ kiểm tra hầu họng trẻ qua các cấp độ:
– Sử dụng đèn pin y tế kiểm tra họng trên để xác định xương cá. Khi đó, các bác sĩ sẽ dùng dụng cụ hỗ trợ cố định và dùng kẹp gắp xương cá.
– Nội soi với trường hợp xương cá ở khu vực hầu họng. Khi này, cần kết hợp nội soi để xác định vị trí và gắp xương cá đúng cách.
– Chụp X-quang nếu nội soi không xác định được vị trí xương cá ẩn khuất. Trong những tình huống khó, có thể cần sử dụng phương pháp phẫu thuật để lấy xương cá hóc.
Như vậy, chữa hóc xương cá cho trẻ rất quan trọng và không phải lúc nào cũng đơn giản. Để an toàn cho sức khỏe của con, cha mẹ nên liên hệ đến các cơ sở uy tín để con được thăm khám và xử lý hóc xương cá đúng cách. Đồng thời, đảm bảo vấn đề hóc xương cá không để lại biến chứng hay nguy hiểm khác cho con.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.