Việc chẩn đoán và điều trị hội chứng ống cổ tay là vô cùng cần thiết và nên được tham vấn bởi các chuyên gia y tế để đạt được hiệu quả tốt nhất. Đây là hội chứng thường gặp ở những người có yêu cầu công việc cần sự linh hoạt, tỉ mỉ và hoạt động cổ tay liên tục.
Bạn đang đọc: Chẩn đoán và điều trị hội chứng ống cổ tay
1. Những người cần thận trọng với hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay (hội chứng đường hầm cổ tay) là tình trạng thường gặp do dây chằng bên trong ống cổ tay bị viêm hoặc chịu áp lực lớn. Bệnh nhân có triệu chứng như đau, khó chịu trong vùng cổ tay, tê bì chân tay hoặc khó cầm nắm. Đây là một vấn đề phổ biến và có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của nhiều người.
Hội chứng này thường gặp ở những nhóm người sau đây:
– Người làm công việc đòi hỏi sử dụng tay và cổ tay một cách lặp đi lặp lại như nhân viên văn phòng, công nhân công nghiệp, nhà văn, đầu bếp,…
– Vận động viên hoặc những người thường xuyên tham gia các hoạt động thể thao (tennis, bóng chuyền, cầu lông).
– Phụ nữ mang thai (do dịch bị ứ đọng dẫn đến tăng áp lực kẽ trong ống cổ tay gây chèn ép dây thần kinh giữa).
– Người mắc các bệnh lý như gout, viêm khớp dạng thấp, suy giáp.
Nhân viên văn phòng, nhà văn, đầu bếp, vận động viên tennis là những người dễ bị mắc hội chứng đường hầm cổ tay
2. Các phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán hội chứng ống cổ tay, các bác sĩ thường sử dụng một số phương pháp sau:
– Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng và tiến hành các thử nghiệm vật lý để xác định phạm vi chuyển động và mức độ đau tại vùng cổ tay.
– Siêu âm: Biện pháp siêu âm thường được sử dụng để kiểm tra cấu trúc bên trong cổ tay như dây chằng và dây thần kinh, để xác định tình trạng viêm hoặc tổn thương.
– Chụp X-quang: Đây là phương pháp thường được dùng để loại trừ các vấn đề xương khớp khác như gãy hoặc dị dạng.
– Chụp cộng hưởng từ MRI: Biện pháp chụp chiếu này giúp các chuyên gia xác định mức độ tổn thương, viêm nhiễm hoặc bất thường tại xương khớp dễ dàng hơn thông qua hình ảnh chi tiết của cổ tay và cấu trúc mềm xung quanh.
Tùy tình trạng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp chẩn đoán khác nhau. Tuy nhiên, để kết luận chính xác nhất về hội chứng ống cổ tay, các chuyên gia thường dùng kết hợp nhiều cách khác nhau. Từ đó xác định mức độ viêm, đau và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp, hiệu quả cao.
Tìm hiểu thêm: Giải đáp: Thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không?
Để kết luận chính xác nhất về hội chứng ống cổ tay, bệnh nhân thường được thăm khám lâm sàng kết hợp với các phương pháp xét nghiệm, chụp chiếu
3. Biện pháp trị hội chứng ống cổ tay hiệu quả
Hội chứng đường hầm cổ tay có thể gây ra những biến chứng như mất cảm giác, nặng hơn là teo cơ, giảm khả năng vận động và tính linh hoạt của bàn tay. Bệnh nhân cần có biện pháp xử trí kịp thời để ngăn những mối nguy hại cho sức khỏe.
3.1. Điều trị hội chứng ống cổ tay bằng phương pháp nội khoa
Phương pháp nội khoa là cách trị liệu được sử dụng rộng rãi để giảm triệu chứng ở người bị hội chứng đường hầm cổ tay. Bác sĩ có thể gợi ý việc sử dụng thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs) hoặc thuốc chống viêm để cải thiện triệu chứng. Một số bệnh nhân sẽ được khuyến nghị tiêm corticoid trực tiếp vào vùng cổ tay để giảm viêm đau tức thời.
Bên cạnh đó, người bệnh nên kết hợp với các bài tập hoặc biện pháp vật lý trị liệu để hỗ trợ quá trình điều trị đạt kết quả tốt hơn.
Các chuyên gia cũng khuyên rằng người mắc hội chứng đường hầm cổ tay nên cẩn trọng cả trong chế độ ăn uống và sinh hoạt để tăng cường sức khỏe xương khớp, phòng ngừa bệnh tiến triển nặng hơn.
>>>>>Xem thêm: Những điều cần biết về viêm cân gan bàn chân
Uống thuốc là biện pháp được sử dụng rộng rãi để giảm triệu chứng ở người bị hội chứng đường hầm cổ tay
3.2. Dùng nẹp cổ tay
Nẹp cổ tay là một biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả cho những người bị hội chứng ống cổ tay. Sử dụng nẹp giúp giữ cổ tay ở vị trí thẳng giúp giảm áp lực lên dây chằng. Từ đó cải thiện chức năng và tăng sự linh hoạt cho cổ tay.
Bệnh nhân nên đeo nẹp vào ban đêm hoặc khi làm việc (với những trường hợp nẹp không gây cản trở tới những hoạt động cần thiết).
3.3. Giảm áp lực lên cổ tay
Để giúp quá trình điều trị đạt kết quả tốt nhất, bệnh nhân cần lưu ý trong các hoạt động thường ngày để giảm áp lực lên cổ tay như:
– Tạo sự cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi: Nếu công việc của bạn đòi hỏi sử dụng cổ tay liên tục, hãy chia nhỏ công việc thành nhiều đợt. Ở những bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu ngừng làm việc để đảm bảo thời gian nghỉ ngơi, giúp cổ tay phục hồi.
– Thực hiện các bài tập giãn cơ: Điều này góp phần giảm căng thẳng và áp lực cho cổ tay. Người bệnh nên thực hiện các bài tập này đều đặn và trong các khoảng thời gian ngắn theo sự hướng dẫn của các chuyên gia.
– Sử dụng đồ bảo hộ: Đây là biện pháp giúp duy trì tư thế vận động đúng và giảm căng thẳng trong cổ tay.
– Massage: Nếu muốn giảm đau nhanh chóng, bệnh nhân có thể massage cổ tay và bàn tay. Tuy nhiên, nên tham khảo cách thực hiện từ người có chuyên môn để tránh gây chấn thương ngoài ý muốn.
– Tránh các hoạt động mạnh: Hãy cố gắng tránh hoặc giảm tối đa các hoạt động có thể gây chấn thương hoặc tăng áp lực lên các vùng viêm, đau. Bệnh nhân cần giảm thời gian sử dụng điện thoại di động, tránh bê vác nặng, xoay gập cổ tay sai cách và tuân thủ các nguyên tắc về sử dụng công cụ hoặc thiết bị khi làm việc.
3.4. Trị hội chứng ống cổ tay bằng phương pháp ngoại khoa
Trong một số trường hợp nặng hoặc không phản ứng tốt với các phương pháp điều trị trên, bác sĩ có thể đề xuất các biện pháp ngoại khoa để điều trị hội chứng ống cổ tay. Phương pháp này phụ thuộc vào mức độ nặng của triệu chứng và tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân. Trước khi quyết định phẫu thuật, bác sĩ sẽ thảo luận và đánh giá kỹ lưỡng với người bệnh để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.
Hội chứng ống cổ tay gần như không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị sớm, bệnh nhân có nguy cơ cao bị tàn phế do tổn thương dây thần kinh mạch máu. Do đó, chuyên gia khuyến cáo người bệnh không nên chủ quan với những biểu hiện bất thường và đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, can thiệp kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.