Loãng xương là một vấn đề sức khỏe phổ biến ảnh hưởng đến sự linh hoạt của hệ xương khớp và làm gia tăng nguy cơ gãy xương. Tình trạng này xảy ra khi mật độ xương giảm, làm cho xương trở nên yếu và dễ gãy. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta có thể áp dụng nhiều biện pháp để phòng ngừa và chữa loãng xương hiệu quả.
Bạn đang đọc: Tổng hợp cách chữa loãng xương hiệu quả hiện nay
1. Loãng xương là gì và có chữa được không?
Loãng xương là tình trạng suy giảm cả về chất lượng và khối lượng của xương. Điều này làm tăng nguy cơ gãy xương, đặc biệt là ở người cao tuổi. Loãng xương thường xảy ra khi quá trình tạo mới không cân đối với quá trình phá hủy mô xương. Người bị loãng xương rất dễ bị gãy xương dù chỉ gặp những chấn thương rất nhỏ. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có thể xuất hiện các triệu chứng như tê mỏi tay chân, ê buốt, thoái hóa xương khớp,… Loãng xương nếu không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng teo cơ, liệt chi và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
Tuy nhiên, loãng xương có thể được kiểm soát hiệu quả nếu phát hiện sớm và sử dụng các biện pháp điều trị thích hợp. Trong trường hợp nặng, các bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị loãng xương bằng cách kết hợp giữa phương pháp nội khoa (dùng thuốc) và các biện pháp không dùng thuốc.
Loãng xương là tình trạng suy giảm cả về chất lượng và khối lượng của xương
2. Phương pháp cải thiện tình trạng loãng xương không dùng thuốc
2.1. Điều chỉnh chế độ ăn uống giúp chữa loãng xương hiệu quả
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị và làm giảm nguy cơ loãng xương. Dưới đây là những nguyên tắc chung về chế độ ăn uống cho người bị loãng xương:
– Protein: Protein là thành phần quan trọng trong việc tái tạo và bảo vệ mô xương. Bạn nên bổ sung protein từ nguồn thực phẩm như thịt gia cầm, hải sản, đậu và các sản phẩm từ đậu.
– Kali: Kali có thể giúp giảm quá trình bài tiết canxi qua nước tiểu. Người bệnh nên tăng cường sử dụng các loại trái cây như chuối, cam, dứa và các loại rau xanh như rau chân vịt và rau bina.
– Tránh tiêu thụ quá nhiều cafein: Người bị loãng xương cần hạn chế tiêu thụ đồ uống chứa cafein như cà phê, trà và nước ngọt có ga để tránh làm mất canxi trong cơ thể.
– Giảm lượng muối: Lượng muối trong cơ thể luôn ở mức cao có khả năng làm mất canxi. Vì vậy, người bệnh nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa hàm lượng natri cao như thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn và một số loại gia vị.
– Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều axit oxalic: Rau bina, củ cải và cải xoăn chứa nhiều axit oxalic, có thể gây khó khăn cho quá trình hấp thụ canxi. Tuy nhiên, không cần loại bỏ hoàn toàn các loại thực phẩm này khỏi chế độ ăn uống. Thay vào đó người bệnh nên cân bằng và đa dạng hóa chế độ ăn.
Tìm hiểu thêm: Sái quai hàm có tự khỏi được không? Chữa như thế nào?
Người bị loãng xương nên bổ sung protein, kali và tránh các thực phẩm chứa nhiều axit oxalic
2.2. Tăng cường bổ sung canxi và vitamin D
Canxi là một khoáng chất quan trọng trong xương, giúp xương trở nên chắc khỏe và chống lại quá trình giảm mật độ xương. Tăng cường canxi là một trong những biện pháp hàng đầu để chữa loãng xương hiệu quả.
Nguồn canxi tự nhiên có thể được bổ sung vào cơ thể qua những thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày. Dưới đây là một số thực phẩm giàu canxi phổ biến và dễ tiếp cận có thể bổ sung vào chế độ ăn cho người bị loãng xương:
– Sữa và sản phẩm từ sữa: Sữa tươi, sữa chua, sữa đậu nành là các nguồn canxi giàu chất lượng. Việc uống một ly sữa vào buổi sáng hoặc sử dụng các sản phẩm từ sữa trong khẩu phần ăn hàng ngày giúp cung cấp lượng canxi cần thiết cho cơ thể.
– Các loại hạt: Hạt chia, hạt bí, hạt lanh và hạt óc chó là những nguồn canxi phong phú. Người bệnh có thể thêm hạt vào các món ăn hoặc chế biến thành đồ uống hàng ngày.
– Các loại cá: Cá là một nguồn giàu canxi và chất béo omega-3 có lợi cho sức khỏe tim mạch. Các loại cá như cá hồi, cá trắm, cá cơm là những lựa chọn tốt để bổ sung canxi vào chế độ ăn.
Ngoài việc bổ sung canxi từ chế độ ăn uống, quan trọng nhất là đảm bảo cơ thể hấp thụ canxi một cách hiệu quả. Để đạt được điều này, hãy kết hợp việc bổ sung vitamin D. Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi từ thực phẩm và duy trì mật độ xương. Bạn có thể tìm thấy vitamin D trong các nguồn như cá hồi, cá thu, mỡ cá, trứng.
2.3. Kết hợp vận động, tập thể dục giúp chữa loãng xương hiệu quả
Vận động và tập thể dục là cần thiết trong việc điều trị loãng xương. Vận động đều đặn và thích hợp giúp tăng cường sức khỏe xương, cải thiện sự linh hoạt và giảm nguy cơ gãy xương. Bệnh nhân nên bắt đầu với những bài tập nhẹ nhàng. Lưu ý, trước khi bắt đầu bất kỳ chế độ tập thể dục nào, bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia để đảm bảo chọn được những bài tập phù hợp.
>>>>>Xem thêm: Thoái hóa khớp, vấn đề không chỉ gặp ở người cao tuổi
Vận động đều đặn giúp tăng cường sức khỏe xương, cải thiện sự linh hoạt
3. Chữa loãng xương hiệu quả bằng phương pháp nội khoa
Đối với những trường hợp loãng xương nghiêm trọng hoặc khi các biện pháp tự nhiên không đạt hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc để cải thiện tình trạng loãng xương. Một số loại thuốc có tác dụng hỗ trợ điều trị loãng xương như:
– Canxi và Vitamin D: Canxi và vitamin D thường được kê đơn riêng hoặc kết hợp sử dụng với các loại thuốc khác để cung cấp lượng canxi cần thiết cho cơ thể. Trong đó, vitamin D hỗ trợ quá trình hấp thụ canxi từ thực phẩm tốt hơn.
– Bisphosphonat: Bisphosphonat là nhóm thuốc có tác dụng ngăn chặn quá trình loãng xương, giảm tỷ lệ phân huỷ và làm tăng mật độ xương. Bisphosphonat có thể được sử dụng dưới dạng thuốc uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
– Hormone thay thế: Đối với phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh, hormone thay thế được khuyến cáo sử dụng để cải thiện mật độ xương và ngăn chặn quá trình loãng xương.
– Raloxifene: Raloxifene là một loại thuốc chống estrogen được sử dụng để điều trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh. Thuốc có tác dụng giảm nguy cơ gãy xương và tăng mật độ xương.
Việc sử dụng các loại thuốc điều trị loãng xương chỉ cho tác dụng tốt nhất khi có sự hướng dẫn và giám sát của bác sĩ. Nếu có triệu chứng nghi ngờ loãng xương, bạn nên đi khám để được đánh giá đúng tình trạng bệnh và chỉ định loại thuốc phù hợp nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.