Dấu hiệu thoái hóa khớp háng dễ nhận biết nhất là đau nhói, khó khăn trong vận động đi lại và làm việc hằng ngày.
Bạn đang đọc: Dấu hiệu thoái hóa khớp háng cần lưu ý
1. Thoái hóa khớp háng là gì?
Thoái hóa khớp háng là bệnh thường xảy ra ở người cao tuổi. Bệnh là hậu quả của tuổi tác và do tình trạng mài mòn khớp kéo dài. Dấu hiệu thoái hóa khớp háng thường biểu hiện ở các cơn đau kéo dài, biến đổi cấu trúc khớp, thậm chí tàn phế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống, tăng thêm gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, nếu thăm khám và chẩn đoán sớm, người bệnh sẽ được điều trị giúp bệnh phát triển chậm lại, giảm đau đớn và nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm.
Thoái hóa khớp háng biểu hiện ở tình trạng đau nhức và khó cử động đi lại
2. Cấu tạo, vai trò của khớp háng
Về mặt sinh lý học, cấu tạo khớp háng gồm 2 phần chính là: Chỏm xương đùi hình cầu và ổ cối xương chậu hình lõm. Trong đó, phần ổ cối được bao bởi lớp sụn viền cấu trúc dạng sợi, chịu trách nhiệm phòng phân tách mặt khớp, giúp duy trì lượng dịch trong khớp, đảm bảo cho khớp háng chắc chắn hơn.
Khớp háng là nơi tiếp giáp giữa xương đùi với xương chậu, đóng vai trò trụ đỡ phần thân trên của cơ thể. Đây cũng là điểm trụ trung tâm của các động tác, cử động của cơ thể, nhất là các động tác gập và duỗi. Bên cạnh đó, khớp háng còn chống đỡ trọng lượng cơ thể và hấp thụ lực lên cơ thể khi đứng hay chạy nhảy. Nếu khớp háng suy yếu, những chức năng này cũng mất dần và khiến người bệnh gặp khó khăn trong vận động thường ngày.
3. Dấu hiệu thoái hóa khớp háng cần lưu ý
3.1. Dấu hiệu thoái hóa khớp háng thường gặp
Bệnh nhân thoái hóa khớp háng thường đi lại khó khăn, khập khiễng do chịu trọng lực cơ thể nhiều nhất. Người bệnh thường đau vùng bẹn, sau đó lan xuống đùi và khớp gối, ra sau mông hay vùng mấu chuyển xương đùi. Cơn đau ngày càng tăng khi người bệnh cử động nhiều hoặc đứng lâu.
Người bệnh thường xuyên thấy mỏi, tê cứng khi vận động hay co duỗi khớp háng. Giảm biên độ vận động, ảnh hưởng đến các động tác hằng ngày như ngồi xổm, buộc dây giày, đi vệ sinh… Những cơn đau nhói cũng xảy ra khi vận động xoay người, gập người, dạng háng. Tuy nhiên cơn đau sẽ chấm dứt khi người bệnh nghỉ ngơi.
Ở những giai đoạn sau, các cơn đau xuất hiện dồn dập vào buổi sáng, ngay khi vừa thức dậy và đau mỏi nặng hơn về tối và đêm. Cơn đau chủ yếu xuất hiện khi người bệnh đổi tư thế từ ngồi sang đứng và khi di chuyển. Sau một thời gian, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau kể cả khi nghỉ ngơi, nhất là khi thời tiết chuyển mùa.
Tìm hiểu thêm: Viêm cột sống dính khớp là gì và thông tin tổng quan
Cơn đau ngày càng tăng khi người bệnh cử động nhiều hoặc đứng lâu.
3.2. Một số dấu hiệu thoái hóa khớp háng khác
Bên cạnh những triệu chứng kể trên, bệnh còn kéo theo một số biểu hiện khác như:
– Cứng khớp: diễn ra vào sáng sớm hoặc do ngồi quá lâu, có thể giảm khả năng vận động của khớp.
– Khô khớp: Khi cử động khớp sẽ phát ra âm thanh lạo xạo, lục cục.
– Gặp khó khăn trong sinh hoạt: Người bệnh gần như không thể thực hiện các hoạt động đơn giản như đi lại, cúi người, bước lên xe…
Thông thường, dấu hiệu thoái hóa khớp háng sẽ tiến triển dần theo thời gian. Cơn đau phát sinh đột ngột có thể là dấu hiệu cảnh báo chấn thương hay bệnh lý khác. Ngoài ra, nếu có biểu hiện sưng, nóng khớp, bệnh nhân phải đến bệnh viện ngay vì khớp có khả năng đã nhiễm trùng.
4. Nguyên nhân xảy ra bệnh thoái hóa khớp háng
Bên cạnh yếu tố lão hóa, thoái hóa khớp háng còn có thể liên quan đến các vấn đề khác như:
– Cấu tạo khớp háng dị dạng bẩm sinh, nguy cơ cao gây ra các vấn đề như loạn sản, trật khớp và tình trạng thoái hóa.
– Gãy xương hông, rách sụn chêm hay chấn thương khác tại khu vực này đều khiến khớp háng suy yếu và dễ bị bào mòn hơn.
– Vận động thể dục thể thao với cường độ cao, liên tục trong thời gian dài có thể tác động xấu đến khớp háng.
– Di truyền cũng là yếu tố có thể gây ra thoái hóa khớp háng. Ước tính, di truyền chiếm 60% trường hợp thoái hóa khớp háng.
– Thừa cân góp phần thúc đẩy bệnh tiến triển nặng hơn.
– Sinh non hoặc nhẹ cân khi sinh có thể liên quan đến dị tật nhỏ ở cấu trúc khớp háng, dễ làm phát sinh thoái hóa.
Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng xuất hiện những yếu tố gây bệnh trên. Một số trường hợp dù không có bất kỳ yếu tố nào vẫn có khả năng gặp vấn đề sức khỏe khớp háng.
5. Điều trị thoái hóa khớp háng
Thực tế, bệnh không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Mục tiêu của các phương pháp điều trị chủ yếu nhằm: kiểm soát tình trạng đau khớp, duy trì khả năng đi lại, giảm nguy cơ tàn phế, cải thiện chất lượng cuộc sống, hạn chế độc tính và tác dụng phụ của thuốc.
Hiện nay, những phương án điều trị bệnh hiệu quả thường được bác sĩ áp dụng có thể kể đến như:
5.1. Sử dụng thuốc
Thuốc giảm đau là lựa chọn chữa trị đầu tiên của các bệnh nhân khi phải chịu đựng cơn đau dai dẳng, khó chịu do thoái hóa khớp. Người bệnh có thể chọn dùng thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs) như naproxen, ibuprofen… Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ gây ảnh hưởng đến dạ dày, tim mạch và thận. Do đó, người bệnh nên đảm bảo dùng thuốc đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
>>>>>Xem thêm: Đau khớp ngón tay trỏ có phải bệnh gout?
Người bệnh nên thăm khám sớm khi gặp những cơn đau nhức ở vùng háng, chân.
Ngoài ra, với những trường hợp nặng, bệnh nhân cần dùng đến thuốc kê toa như duloxetine hay tramadol. Tramadol là một số ít thuốc giảm đau opioid được kê đơn. Những loại thuốc khác trong nhóm này thường có tính gây nghiện cao, nên không được sử dụng.
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định tiêm steroid cho bệnh nhân giúp giảm sưng, đau. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án tạm thời bởi thuốc có thể dẫn tới một số tác động tiêu cực đối với cơ thể nếu sử dụng lâu dài. Khi mắc bệnh viêm, chấn thương hoặc bị tật bẩm sinh ở khớp háng, người bệnh cần tích cực điều trị càng sớm càng tốt nhằm hạn chế nguy cơ thoái hóa khớp khi về già.
5.2. Phẫu thuật
Nếu điều trị bằng thuốc không đem lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định tiến hành phẫu thuật giúp cải thiện tình trạng đau nhức và khó chịu do thoái hóa. Các loại phẫu thuật thường được áp dụng gồm:
– Phẫu thuật thay khớp háng
– Kỹ thuật thay khớp háng SUPERPATH
– Tái tạo vùng bề mặt chỏm xương đùi
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.