Tuổi tác càng cao thì nguy cơ mắc bệnh loãng xương càng tăng lên. Loãng xương tuy diễn biến âm thầm nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống và tuổi thọ của người bệnh. Cùng tìm hiểu tỷ lệ mắc bệnh loãng xương ở người cao tuổi hiện nay, nguyên nhân, hậu quả và phương pháp chẩn đoán tình trạng loãng xương.
Bạn đang đọc: Bệnh loãng xương ở người cao tuổi rất nguy hiểm
1. Loãng xương và mức độ phổ biến hiện nay
1. Loãng xương ở người cao tuổi là gì?
Loãng xương là tình trạng giảm mật độ chất khoáng của xương và tổn thương giáng hóa cấu trúc tổ chức xương. Đây là bệnh lý do rối loạn chuyển hóa của bộ xương.
Loãng xương được phân ra gồm 2 loại là:
– Loãng xương nguyên phát: Loại loãng xương này chiếm tỷ lệ đa số các bệnh nhân. Chủ yếu hay gặp ở phụ nữ sau mãn kinh (loãng xương typ I) và loãng xương người già (loãng xương typ II).
– Loãng xương thứ phát: do dùng thuốc (thường gặp nhất là các loại thuốc có chứa corticosteroid) hoặc do một số bệnh lý,…
Xương bình thường (phía bên trái) và loãng xương (phía bên phải).
2. Loãng xương ở người cao tuổi ngày càng phổ biến
Bệnh lý loãng xương ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở người cao tuổi. Theo nghiên cứu ở Việt Nam có khoảng 20% phụ nữ trên 60 tuổi bị mắc bệnh loãng xương, đàn ông ở độ tuổi này có tỷ lệ mắc là khoảng 10%.
Loãng xương thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, đặc biệt là phụ nữ từ 60 tuổi trở lên, phụ nữ sau mãn kinh. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người trẻ tuổi (đặc biệt là phụ nữ trẻ) bị loãng xương.
2. Loãng xương ở người cao tuổi nguy hiểm như thế nào?
Loãng xương là bệnh lý diễn biến âm thầm trong một khoảng thời gian dài. Trước đây, bệnh được ít người quan tâm bởi nhu cầu sống cũng như cuộc sống của người dân còn khó khăn. Nhưng xã hội ngày càng phát triển, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, các kiến thức về bệnh loãng xương cũng như hậu quả nghiêm trọng mà loãng xương gây ra cũng được phổ cập rộng rãi đến với nhiều người.
Các biến chứng nguy hiểm mà loãng xương gây ra có thể kể đến như:
– Suy giảm khả năng lao động do sức chịu đựng của xương kém
– Gãy xương: thường gặp nhiều nhất là gãy cổ xương đùi và xương cột sống. Gãy xương gây ra cơn đau cấp tính và mạn tính. Nếu không được điều trị kịp thời dễ kéo theo các biến chứng nguy hiểm như biến dạng xương, tàn phế, thậm chí tử vong.
– Biến dạng xương
– Tàn phế
– Thậm chí có thể tử vong
Loãng xương không chỉ khiến người bệnh bị suy giảm chất lượng cuộc sống, dễ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội mà còn làm giảm tuổi thọ của người bệnh.
Phần lớn người bệnh loãng xương hiện nay chưa được chẩn đoán, chưa được điều trị đầy đủ và theo dõi trong thời gian dài nên đa số bệnh nhân bị loãng xương nhập viện trong tình trạng nặng và đã có biến chứng.
Tìm hiểu thêm: Xương mác chân nằm ở đâu? Vì sao xương mác dễ bị gãy?
Loãng xương nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng gãy xương, biến dạng khớp, thậm chí tàn phế.
3. Nguyên nhân gây bệnh loãng xương
Hiểu một cách đơn giản thì loãng xương là sự mất cân bằng giữa quá trình tạo xương và hủy xương. Trong đó, quá trình phá hủy xương diễn ra nhanh hơn là quá trình tạo xương. Khiến khối lượng xương giảm dần, cùng với những thay đổi thoái giáng trong mô xương khiến xương dễ bị gãy.
Sau đây là một số các yếu tố nguy cơ chính khiến quá trình phá hủy xương diễn ra nhanh hơn:
Tuổi cao, giới tính: người cao tuổi đặc biệt là từ 60 tuổi trở lên, phụ nữ có nguy cơ loãng xương cao hơn nam giới.
Tiền sử gia đình có cha, mẹ bị loãng xương hoặc gãy xương sớm.
Thể trạng cơ thể nhỏ bé (BMI
Ít hoạt động thể lực, bất động lâu ngày do bệnh tật hoặc nghề nghiệp
Có thói quen lạm dụng rượu, bia, cà phê, thuốc lá,…
Thiểu năng sinh dục nam và nữ, mãn kinh sớm; hội chứng hoặc bệnh Cushing
Sử dụng dài hạn một số thuốc: corticosteroid, thuốc chống động kinh, thuốc tiểu đường, kháng đông (heparin), thuốc chống ung thư, …
Các bệnh viêm mạn tính: viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, lupus
Mắc một số bệnh lý khác có nguy cơ mất xương cao như: cường giáp, cường cận giáp trạng, bệnh mạn tính đường tiêu hóa, suy thận mạn, bệnh lí huyết học, ung thư phổi,…
Chế độ dinh dưỡng và tập luyện chưa khoa học.
4. Các dấu hiệu loãng xương ở người cao tuổi
Loãng xương ban đầu thường diễn biến âm thầm, ít có biểu hiện triệu chứng cụ thể. Các triệu chứng nếu có thường chỉ biểu hiện khi đã có biến chứng hoặc là biểu hiện của bệnh lý gãy xương thứ phát.
Cụ thể như:
Đau nhức mỏi (cột sống lưng, xương đùi hoặc xương đầu gối) có thể cấp tính hoặc mạn tính.
Biến dạng cột sống: gù, vẹo cột sống, giảm chiều cao,… do thân các đốt sống bị gãy.
Đau ngực, khó thở chậm tiêu,… do ảnh hưởng tới lồng ngực và thân các đốt sống.
Gãy xương: các vị trí thường bị gãy là đầu dưới xương quay, cổ xương đùi, các đốt sống, … Đặc trưng của gãy xương này là thường xuất hiện sau chấn thương rất nhẹ, tai nạn sinh hoạt, thậm chí không rõ chấn thương.
>>>>>Xem thêm: Bí quyết giảm đau mỏi lưng khi ngồi
Đo mật độ loãng xương giúp đánh giá chính xác tình trạng loãng xương tại Thu Cúc TCI.
5. Chẩn đoán loãng xương bằng cách nào?
Để chẩn đoán tình trạng loãng xương, hiện nay nhiều cơ sở y tế áp dụng phương pháp đo mật độ xương bằng máy chuyên dụng. Hay còn gọi là kỹ thuật DEXA hoặc DXA.
Máy sử dụng tia X kép có năng lượng thấp, chiếu đi qua vùng xương cần đo mật độ xương. Khi tia X kép này đi qua mô mềm và mô xương sẽ bị hấp thu nên mô xương nào có độ đậm càng cao thì tia X đi xuyên qua càng thấp và ngược lại (nếu mật độ xương thấp thì tia X xuyên qua cao).
Loãng xương là vùng có mật độ xương thấp tức là tia X đi qua nhiều.
Hiện nay, tại Thu Cúc TCI trang bị máy đo loãng xương hai bình diện DEXXUMT. Đây là kỹ thuật hiện đại hàng đầu, được công nhận có khả năng chẩn đoán tình trạng loãng xương với độ chính xác cao, lên tới 90%. Thực hiện dễ dàng, nhanh chóng, không xâm lấn, độ an toàn cao.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, cần đo mật độ xương thường quy cho phụ nữ có độ tuổi từ 60 tuổi trở lên để xác định tình trạng loãng xương. Phụ nữ trên 40 tuổi nên đo mật độ xương để kiểm tra và đánh giá về tình trạng xương của mình, từ đó có biện pháp phòng ngừa loãng xương sau này. Những đối tượng khác, căn cứ vào tiền sử gia đình, tình trạng bệnh lý, đặc thù nghề nghiệp,… khi đó bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định có đo mật độ xương hay không.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm một số chẩn đoán cận lâm sàng như:
Các xét nghiệm huyết học sinh hóa cơ bản như công thức máu, máu lắng, chức năng gan, thận, ion đồ và calci máu, CRP, tổng phân tích nước tiểu,…
Chụp X-Quang: phổi, cột sống ngực, thắt lưng; các vị trí khác khi nghi ngờ có gãy xương.
Các xét nghiệm, thăm dò khác: có thể được chỉ định tùy thuộc tình trạng lâm sàng, nhằm xác định nguyên nhân gây gãy xương thứ phát, để chẩn đoán phân biệt, hoặc đánh giá bệnh lý phối hợp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.