Viêm khớp thái dương hàm là bệnh xảy ra phổ biến ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Tuy bệnh không gây tử vong nhưng có thể khiến bệnh nhân mất khả năng hoạt động miệng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Bạn đang đọc: Viêm khớp thái dương hàm: Những điều cần biết
1. Viêm khớp hàm thái dương và những điều bạn cần biết
Trước khi nói về bệnh viêm tại khớp hàm thái dương, bạn cần hiểu khớp thái dương hàm là gì? Khớp thái dương hàm là khớp động thuộc sọ mặt. Khớp thái dương hàm có vai trò vô cùng quan trọng, phối hợp cùng các bộ phận khác thực hiện đóng, mở hàm một cách dễ dàng.
Viêm khớp hàm thái dương (rối loạn khớp thái dương hàm) là tình trạng các khớp hàm bị rối loạn chức năng. Đây là một bệnh lý có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, các bé gái đang dậy thì hoặc phụ nữ mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh cao hơn các đối tượng khác.
Viêm khớp tại hàm thái dương dương là tình trạng rối loạn chức năng các khớp hàm
2. Nguyên nhân thường gặp gây viêm khớp hàm thái dương
Rối loạn khớp hàm thái dương có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các nguyên nhân chính gây nên bệnh lý này bao gồm:
– Các bệnh xương khớp: Các bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, nhiễm khuẩn khớp, thoái hóa khớp,… là nguyên nhân chính dẫn đến viêm khớp hàm thái dương. Thoái hóa khớp thường bắt đầu từ các khớp tay hoặc khớp gối, sau đó lan đến khớp thái dương hàm. Đối tượng bị viêm khớp hàm thái dương do thoái hóa khớp chủ yếu là những người lớn tuổi.
– Hàm bị chấn thương: Vùng hàm bị chấn thương do va chạm mạnh, tai nạn giao thông cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm khớp hàm thái dương.
– Thói quen cử động miệng sai cách: Hàm cử động liên tục, há miệng quá rộng khi ăn, ngáp hoặc nhổ răng khiến khớp hàm tổn thương.
– Răng mọc lệch: Răng khôn mọc lệch hàm, chèn ép các răng khác có khả năng gây viêm khớp hàm.
3. Nhận biết rối loạn khớp hàm thái dương qua dấu hiệu cơ thể
3.1. Dấu hiệu nhận biết của bệnh viêm khớp thái dương hàm
Người bị rối loạn khớp hàm thái dương có các biểu hiện cụ thể như sau:
– Đau khớp: Đau khớp là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh rối loạn khớp thái dương hàm. Đau có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên khớp hàm và thường là đau mạn tính. Cơn đau tăng lên khi nhai, ăn, ngáp hoặc mở miệng to.
– Sưng: Khớp hàm có thể sưng và căng khi bị tác động bởi viêm nhiễm. Sưng thường diễn ra ở các vùng gần tai hoặc xung quanh khớp hàm.
– Hạn chế chức năng: Bệnh rối loạn khớp thái dương hàm có thể gây ra hạn chế chức năng của khớp hàm, khiến cho việc mở miệng, nhai và nói trở nên khó khăn.
– Đau đầu: Đau tại vùng thái dương, má hoặc đầu.
– Mệt mỏi và khó ngủ: Một số bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi và gặp khó khăn trong việc ngủ do ảnh hưởng bởi các cơn đau.
– Phát ra tiếng tại khớp hàm khi cắn hoặc há miệng.
Thông thường các cơn đau có thể tự khỏi nếu bệnh ở mức nhẹ. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn biến nghiêm trọng hơn với các biểu hiện:
– Bệnh nhân bị các cơn đau dữ dội “hành hạ” khi cắn và nhai.
– Đau tai, thái dương thường xuyên.
– Đóng, mở miệng một cách khó khăn.
– Gương mặt mất cân đối.
Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân gây đau lưng mất ngủ & biểu hiện của bệnh lý
Đau hàm khi nhai, ngáp, mở miệng to là dấu hiệu cho thấy bạn bị viêm khớp hàm thái dương
3.2. Biến chứng khó lường của viêm khớp thái dương hàm
Viêm khớp hàm thái dương thường bị xem nhẹ do không gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, đây là bệnh lý tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm không ngờ như giãn khớp, trật khớp, dính khớp với đầu xương. Với những người bị dính khớp, bệnh có thể tiến triển gây nên thủng đĩa khớp. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ mất khả năng cử động miệng.
4. Điều trị rối loạn khớp hàm thái dương có khó không?
Mỗi bệnh nhân sẽ có phương pháp điều trị phù hợp dựa trên nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các biện pháp thường được sử dụng bao gồm:
– Điều trị rối loạn khớp hàm thái dương do bệnh lý xương khớp: Bao gồm sử dụng thuốc hoặc vật lý trị liệu. Bệnh nhân sẽ được chỉ định các loại thuốc kháng viêm, thuốc giãn cơ hoặc thuốc giảm đau,… Các phương pháp trị liệu như xoa bóp cơ, massage, chiếu tia hồng ngoại cũng được áp dụng điều trị đồng thời. Nên hạn chế cử động khớp hàm, lựa chọn đồ ăn mềm để quá trình chữa bệnh đạt hiệu quả tốt nhất.
– Với các bệnh nhân thoái hóa khớp, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bệnh bằng nhiều phương pháp kết hợp như uống thuốc, đeo máng cắn hỗ trợ và phẫu thuật. Người bệnh cần được phẫu thuật ngay nếu bệnh diễn tiến khiến khớp hàm mất khả năng đóng/mở.
– Với các bệnh nhân viêm khớp hàm do sai khớp cắn, mọc răng sai lệch, các chuyên gia sẽ can thiệp thông qua các phương pháp ngoại khoa. Các phương pháp được sử dụng phổ biến như phẫu thuật, phục hình thẩm mỹ răng, chỉnh khớp cắn đúng, nhổ răng mọc lệch.
Việc điều trị rối loạn khớp hàm thái dương cần được thực hiện theo chỉ dẫn của chuyên gia. Bệnh có thể khỏi chỉ sau một thời gian ngắn nếu bệnh nhân phát hiện sớm và điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Ngược lại, tự ý uống thuốc hoặc điều trị tại các cơ sở không uy tín dễ sinh ra tác dụng phụ hoặc làm bệnh trở nên trầm trọng.
>>>>>Xem thêm: Biểu hiện thoát vị đĩa đệm ở hông, nguyên nhân và cách điều trị
Điều trị viêm khớp hàm thái dương phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh
5. Phòng bệnh viêm khớp thái dương hàm như thế nào?
Có thể ngăn chặn bệnh rối loạn khớp hàm thái dương bằng các phương pháp sau:
– Hạn chế ăn các thức ăn quá cứng, dai.
– Không mở miệng quá rộng khi ngáp, cắn thức ăn.
– Thay đổi thói quen nghiến răng khi ngủ (nếu có).
– Đi khám chuyên khoa khi thấy khớp cắn lệch hoặc phát hiện các dấu hiệu mắc bệnh lý răng miệng.
– Thay đổi hàm nhai thường xuyên, không nhai tập trung một bên hàm.
– Bỏ các thói quen xấu gây ảnh hưởng khớp hàm như chống cằm, cắn móng tay.
– Đánh răng thường xuyên, bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Rối loạn khớp thái dương hàm không phải là bệnh lý nguy hiểm nếu bạn hiểu và biết cách phòng tránh bệnh đúng. Nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám để nhận thức đúng tình trạng sức khỏe bản thân. Bởi việc tự ý điều trị có thể khiến bệnh trở nên nghiêm trọng và gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.