Thoái hóa khớp vai là bệnh lý xương khớp phổ biến, gây đau nhức và hạn chế vận động ở cánh tay, bả vai. Bệnh gây khó chịu và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ các thông tin về triệu chứng và cách điều trị thoái hóa khớp ở vai.
Bạn đang đọc: Triệu chứng và cách điều trị thoái hóa khớp vai
1. Thoái hóa khớp vai và các triệu chứng của bệnh
1.1. Thoái hóa khớp vai là gì?
Thoái hóa khớp ở vai là tình trạng khớp vai bị bào mòn lớp sụn và làm suy giảm chức năng hoạt động của bộ phận này. Vai được tạo thành từ 2 khớp bao gồm khớp acromioclavicular (AC) và khớp glenohumera (GH). Trong đó khớp AC là điểm nối giữa xương đòn và xương bả vai. Còn khớp GH là điểm nối giữa đỉnh xương cánh tay và xương bả vai. Thoái hóa khớp thường xảy ra ở khớp AC nhiều hơn.
Thoái hóa khớp ở vai gây ra tình trạng đau nhức từ âm ỉ đến dữ dội
1.2. Triệu chứng của thoái hóa khớp vai
– Đau khớp vai: người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức, đau âm ỉ đến dữ dội khi vận động mạnh hoặc bê những đồ vật nặng. Đau nhức xảy ra ở khớp vai rồi lan dần xuống bả vai, cổ và vùng ức.
– Khớp vai sưng: tình trạng viêm ở khớp vai làm cho các bộ phận xung quanh khớp cũng bị tổn thương, gây ra tình trạng sưng, đỏ, nóng ran ở các mô lân cận. Người bệnh có thể dễ dàng nhận biết tình trạng sưng khi ấn nhẹ vào vai.
– Khớp vai bị cứng: bệnh nhân bị thoái hóa khớp vai còn gặp phải tình trạng cứng khớp, làm suy giảm khả năng vận động và nặng hơn là bất động. Người bị viêm khớp vai dễ dàng nhận biết triệu chứng này khi xoay bả vai, nhấc cánh tay và cảm thấy đau nhức, tê cứng.
– Vai phát ra tiếng kêu: khi xoay bả vai sẽ phát ra tiếng “lục khục”. Đó là do sụn ổ khớp, dịch ổ khớp đã bị hao mòn nên xương không được bảo vệ, tạo ra sự ma sát nên phát ra tiếng kêu.
– Vai yếu, cơ teo: nếu bị gặp vấn đề với khớp ở vai, bạn sẽ cảm giác vai mình yếu hơn trước. Nếu không được điều trị sẽ gây ra tình trạng teo cơ.
2. Cách điều trị thoái hóa khớp ở vai
2.1. Các nguyên nhân gây ra viêm khớp vai
Để xây dựng được phác đồ điều trị thoái hóa khớp ở vai hiệu quả, người bệnh cần xác định được được nguyên nhân gây bệnh. Các nguyên nhân chủ yếu gây viêm khớp vai gồm:
– Chấn thương: thoái hóa sụn khớp vai có thể xảy ra với những người thường xuyên phải thực hiện những động tác ở vai, ví dụ chơi bóng chày, tennis, bóng chuyền,… Ngoài ra tình trạng này có thể là hệ lụy từ chấn thương vai trước đó như: gãy xương, trật khớp, biến chứng sau phẫu thuật.
– Độ tuổi: khi già đi, sức khỏe xương khớp sẽ suy giảm và dễ bị tổn thương, thoái hóa.
– Các bệnh viêm khớp tự miễn: viêm khớp dạng thấp, bệnh gout hay viêm khớp nhiễm trùng là các bệnh tác động đến khớp vai, làm đẩy nhanh quá trình bào mòn lớp sụn khớp tại đây.
– Giới tính: các nghiên cứu cho thấy bệnh viêm khớp có xu hướng xảy ra nhiều hơn ở phụ nữ.
– Béo phì: tình trạng thừa cân béo phì tạo điều kiện cho các phản ứng viêm toàn thân xảy ra và góp phần thúc đẩy quá trình thoái hóa.
– Di truyền: mặc dù không phải là nguyên nhân phổ biến nhưng thoái hóa khớp vai cũng có thể xảy ra do yếu tố di truyền.
– Dị tật bẩm sinh cũng là nguyên nhân tăng nguy cơ trật khớp vai, từ đó góp phần dẫn đến thoái hóa.
Tìm hiểu thêm: Triệu chứng nào cảnh báo bệnh Gout
Béo phì là một trong những nguyên nhân gây bệnh.
2.2. Cách điều trị thoái hóa khớp ở vai hiệu quả
Khi đi khám, bệnh nhân sẽ được chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để xác định chính xác tình trạng bệnh và có phương án điều trị bệnh phù hợp. Các phương pháp chẩn đoán tình trạng viêm khớp vai bao gồm:
– Chụp X-quang
– Chụp cộng hưởng từ
– Chụp CT
– Siêu âm
– Xét nghiệm máu
Sau khi đã được thăm khám, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng của từng bệnh nhân. Dưới đây là các phương pháp phổ biến để cải thiện và điều trị tình trạng viêm khớp vai hiện nay:
– Chăm sóc tại nhà: chườm nóng để cải thiện tình trạng cứng khớp và chườm lạnh khi có hiện tượng sưng khớp, mục đích để giảm sưng.
– Vật lý trị liệu: khi tình trạng thoái hóa khiến khớp vai trở nên cứng, đau, bác sĩ sẽ chỉ định một số bài tập chuyên biệt giúp tăng cường khả năng vận động, giảm đau. Tất cả bài tập phải được chỉ định bởi bác sĩ, không nên tự tập vì có thể khiến tình trạng đau nhức nghiêm trọng hơn.
– Điều trị bằng thuốc: một số loại thuốc có thể được sử dụng như thuốc giảm đau, thuốc chống viêm và thuốc giãn cơ. Tất cả các loại thuốc phải được dùng theo đơn của bác sĩ, bệnh nhân không tự ý uống bất kỳ loại thuốc nào.
– Phẫu thuật: một số trường hợp đặc biệt sẽ phải chỉ định phẫu thuật.
>>>>>Xem thêm: Viêm xương tủy có nguy hiểm không?
Mỗi tình trạng thoái hóa, viêm khớp vai sẽ có một phương pháp điều trị khác nhau
3. Thoái hóa khớp ở vai có gây ra biến chứng nguy hiểm không?
Nếu không được điều trị sớm và kiểm soát ngay từ đầu, lớp sụn khớp vai bị bào mòn và kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm với người bệnh như:
– Phá hủy lớp sụn khớp vai hoàn toàn: lớp sụn khớp có vai trò bảo vệ xương khỏi ma sát khi vai cử động. So với khớp gối và khớp háng, sụn khớp vai mỏng hơn nên dễ bị bào mòn hơn. Do đó khiến các đầu xương cọ xát với nhau gây đau nhức và ảnh hưởng đến chức năng của vai.
– Tổn thương xương: khi phần sụn mất đi đồng nghĩa các đầu xương bên dưới cũng bị tổn thương. Khi đó những mô xương khỏe mạnh có thể bị thay thế bởi các mô bất thường và hình thành những khối u. Khối u ít nhiều sẽ gây đau nhức xương khớp.
– Yếu và teo cơ: bệnh nhân đau nhức vùng vai nói chung thường né tránh các động tác cần dùng đến vai do tình trạng đau nhức và cứng khớp. Tuy nhiên việc này lại có thể gây suy yếu và thậm chí teo cơ. Bệnh nhân hoàn toàn có thể thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng để cải thiện tình trạng.
Ngoài ra, tình trạng thoái hóa này có thể gây ra một số biến chứng như viêm gân, cơ, dây chằng; biến dạng xương và rối loạn giấc ngủ.
Hi vọng bài viết trên đây đem đến nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc về bệnh thoái hóa khớp ở vai. Nếu có bất kỳ triệu chứng của bệnh, người bệnh nên đến khoa Cơ xương khớp để được thăm khám nhanh chóng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.