Phụ nữ sau sinh mất ngủ do đâu? Có thể cải thiện không?

Sau sinh mất ngủ là tình trạng khá phổ biến ở hầu hết các sản phụ. Nếu tiếp tục kéo dài, đây có thể là tiền đề dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của người phụ nữ. Vậy nguyên nhân của vấn đề này là gì và mất ngủ sau sinh có thể cải thiện được không?

1. Tình trạng mất ngủ sau sinh và nguyên nhân, biểu hiện của nó

Mất ngủ khiến cơ thể suy nhược, ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động của các cơ quan. Vì vậy, tình trạng mất ngủ là vấn đề mà không ai muốn gặp phải, đặc biệt là những sản phụ vừa trải qua quá trình sinh nở.

1.1. Thế nào là sau sinh mất ngủ?

Khoa học đã chứng minh cơ thể của con người hoạt động tốt nhất khi giấc ngủ được đảm bảo. Người trưởng thành cần từ 7 đến 8 tiếng để ngủ. Như vậy, các cơ quan trong cơ thể mới có đủ thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo chức năng, hoạt động sau cả một ngày dài.

Tình trạng mất ngủ là khi chúng ta không thể dễ dàng đi vào giấc ngủ một cách tự nhiên, thường xuyên trằn trọc, ngủ không sâu giấc, dễ bị đánh thức bởi những tiếng động dù là nhỏ nhất. Những trường hợp nghiêm trọng hơn, mất ngủ có thể là thức trắng, không thể đi vào giấc ngủ, từ đó khiến cho cơ thể suy nhược nghiêm trọng, tinh thần luôn mệt mỏi.

Phụ nữ sau sinh mất ngủ do đâu? Có thể cải thiện không?

Tình trạng sau sinh mất ngủ khiến các mẹ bỉm kiệt sức

Mất ngủ sau sinh là triệu chứng phổ biến ở nhiều sản phụ. Thực tế cho thấy, ở tuần đầu sau sinh, chị em chỉ có thể ngủ sâu trong khoảng 6 giờ. Nhiều trường hợp thậm chí không ngủ đủ giấc suốt một thời gian dài, có khi là vài tháng, tạo thành bệnh mất ngủ mãn tính.

1.2. Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng sau sinh mất ngủ?

Tình trạng mất ngủ sau sinh là tình trạng xảy ra ở nhiều phụ nữ. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này ở mỗi người lại khác nhau.

– Thay đổi nội tiết tố: Hoạt động của hệ nội tiết thay đổi ngay sau quá trình sinh nở, dẫn đến nhiều biến động về nội tiết tố. Cụ thể, nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể giảm xuống đột ngột kể từ khi nhau thai được tách ra, em bé chào đời. Từ đó, hormone oxytocin điều khiển cảm xúc được sản sinh, bù đắp cho sự thiếu hụt của hormone nội tiết, khiến sản phụ luôn có cảm giác lo lắng, khó chịu, trằn trọc. Đỉnh điểm, tình trạng này dẫn đến mất ngủ sau sinh, thậm chí là trầm cảm ở nhiều sản phụ.

Phụ nữ sau sinh mất ngủ do đâu? Có thể cải thiện không?

Các hormone nội tiết có sự thay đổi, từ dó dẫn tới hiện tượng mất ngủ sau sinh

– Ra nhiều mồ hôi, bốc hỏa vào ban đêm: Phụ nữ sau sinh thường bị rối loạn nội tiết. Nồng độ các hormone lúc này cũng tương tự như ở phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh. Vì vậy, tình trạng bốc hỏa ban đêm cũng có thể xảy ra ở phụ nữ giai đoạn đầu sau sinh nở, khiến chị em thường xuyên mất ngủ.

– Tâm trạng diễn biến xấu đi: Phụ nữ sau sinh thường có tâm trạng không tốt do nhiều yếu tố tác động như: Con quấy khóc nhiều, áp lực từ việc chăm con, những cơn đau hành hạ sau sinh,… Những cảm xúc này không chỉ đơn giản là nguyên nhân dẫn đến mất ngủ mà còn là biểu hiện của hội chứng trầm cảm sau sinh hay rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

– Dỗ trẻ, cho bú: Có rất nhiều sản phụ không được may mắn khi con của họ liên tục quấy khóc nhiều về đêm. Chính vì vậy, người mẹ thường xuyên phải bỏ dở giấc ngủ vào ban đêm, tỉnh giấc giữa đêm để chăm con. Chưa kể, nhiều bé sau khi chào đời, đề kháng kém, thường xuyên ốm vặt cũng khiến các mẹ rất vất vả. Tình trạng này diễn ra liên tục sẽ dẫn đến việc mẹ bị mất ngủ và không thể ngủ theo đúng đồng hồ sinh học.

Phụ nữ sau sinh mất ngủ do đâu? Có thể cải thiện không?

Việc phải thường xuyên thức dậy cho con bú khiến các mẹ khó ngủ

– Những cơn đau sau sinh: Những cơn đau là thứ sẽ đi theo các mẹ cho tới hết thời gian ở cữ. Bởi vậy, lúc này chúng có thể là nguyên nhân khiến mọi hoạt động của mẹ gặp khó khăn, kể cả việc đi ngủ. Ở những mẹ đẻ mổ, cơn đau tại vết mổ đẻ sẽ cực kỳ khó chịu, thậm chí cản trở các mẹ trong việc lựa chọn tư thế ngủ thoải mái. Với những mẹ đẻ thường, cơn đau sẽ tới từ vùng chậu, vết rạch tầng sinh môn. Những cơn đau này khiến các mẹ khó chịu, đặc biệt khi nằm, từ đó gây ra tình trạng khó đi vào giấc ngủ hơn.

– Thiếu sắt dẫn đến ảnh hưởng giấc ngủ của mẹ: Những mẹ bầu cần bổ sung sắt trong quá trình mang thai để phù hợp với việc cân bằng cho cả mẹ và em bé. Bên cạnh đó, trong quá trình sinh, các mẹ cũng sẽ bị mất máu, dù nhiều dù ít, bởi vậy sẽ gặp tình trạng thiếu máu, thiếu sắt. Sắt là một trong những khoáng chất cần thiết cho quá trình tái tạo tế bào máu, lưu thông khí huyết, giúp cải thiện hệ thần kinh. Bởi vậy, thiếu hụt sắt càng khiến cho cơ thể mệt mỏi và dễ dẫn tới mất ngủ sau sinh.

1.3. Biểu hiện của tình trạng sau sinh mất ngủ

Sau sinh chị em bị mất ngủ, triệu chứng điển hình là khó ngủ, trằn trọc, dễ tỉnh giấc. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu khác xung quanh vấn đề này:

– Ban đêm thường không ngủ được, khó đi vào giấc ngủ.

– Tỉnh giấc nhiều lần.

– Thức dậy giữa đêm hoặc tờ mờ sáng.

– Không ngủ lại được hoặc khó đi vào giấc ngủ trở lại một khi đã thức dậy.

– Tỉnh giấc trong trạng thái mệt mỏi.

– Tinh thần luôn không tỉnh táo, dễ cáu gắt, căng thẳng, suy nghĩ tiêu cực.

– Khó tập trung, thường xuyên đờ đẫn, thất thần khi làm một việc gì đó.

– Bồn chồn, bất an và khó đi vào giấc ngủ.

2. Mất ngủ sau sinh có thể dẫn tới những hệ quả như thế nào?

Sau sinh mất ngủ, người phụ nữ sẽ phải đối diện với nhiều hệ lụy về sức khỏe, cả thể chất lẫn tinh thần. Nếu để tình trạng này tiếp tục kéo dài, làm ảnh hưởng tới chất lượng của giấc ngủ thì việc chữa trị, thiết lập lại thói quen ngủ đủ giấc sẽ rất khó khăn.

Thường xuyên mất ngủ, ngủ không sâu giấc sẽ dẫn đến loạt hệ quả như: suy nhược cơ thể, sức đề kháng kém, thể lực tụt dốc, ảnh hưởng tới sinh lý, tạo tiền đề cho nhiều bệnh lý khác. Đồng thời, việc sức khỏe của mẹ sụt giảm, sinh lý không ổn định cũng sẽ khiến cho quá trình tiết sữa không diễn ra đều đặn, khiến mẹ có thể bị mất sữa, tắc sữa.

Phụ nữ sau sinh mất ngủ do đâu? Có thể cải thiện không?

Sau sinh mất ngủ, người phụ nữ sẽ phải đối diện với nhiều hệ lụy về sức khỏe

Ngoài ra, mất ngủ sau sinh còn ảnh hưởng tiêu cực tới tinh thần và tâm trạng của người phụ nữ, dẫn tới trạng thái mệt mỏi, ủ rũ, chán chường, thậm chí dễ cáu gắt, nóng nảy. Nhiều trường hợp mất ngủ sau sinh, sụt giảm hormone còn dẫn tới trầm cảm, hội chứng rối loạn lo âu.

3. Cách cải thiện tình trạng sau sinh mất ngủ

Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, tình trạng mất ngủ sau sinh không thể kéo dài và sản phụ hoàn toàn có thể chủ động trong việc cải thiện vấn đề này bằng các cách sau:

– Chỉnh đốn lại giấc ngủ: Không có gì tốt hơn việc cải thiện giấc ngủ bằng cách thay đổi đồng hồ sinh học của cơ thể bạn. Hãy tập cho mình thói quen đi ngủ và thức dậy vào những khung giờ cố định. Như vậy, cơ thể sẽ dần dần được điều chỉnh theo thói quen đó và giúp các mẹ dễ đi vào giấc ngủ hơn. Bạn cần đảm bảo ngủ đủ 7 tới 8 tiếng mỗi ngày và có thể ngủ bất cứ khi nào có thời gian rảnh.

– Chia sẻ việc chăm con với người thân, gia đình: Các mẹ bỉm cần sự hỗ trợ của người thân, gia đình trong những ngày đầu chăm sóc con. Bởi lẽ, mẹ cần thời gian nghỉ ngơi và tạo cho mình thói quen ngủ đủ giấc để có sữa cho con bú.

Phụ nữ sau sinh mất ngủ do đâu? Có thể cải thiện không?

Mẹ bỉm được chăm sóc tốt, tinh thần luôn được thoải mái sẽ hạn chế tình trạng mất ngủ sau sinh

– Tránh để bản thân quá căng thẳng: Để tránh việc căng thẳng quá mức do lo lắng vấn đề chăm sóc con, các mẹ bỉm có thể thư giãn bằng cách nghe nhạc, trò chuyện cùng bạn bè, đi dạo hay đọc sách. Quan trọng nhất, chị em cần biết tự thả lỏng bản thân và có thể trao đổi thẳng thắn với người thân về vấn đề của mình để được hỗ trợ, chia sẻ gánh nặng.

– Điều chỉnh không gian phòng ngủ: Một không gian đủ thoải mái và yên tĩnh sẽ giúp phụ nữ sau sinh hạn chế được việc bị mất ngủ, trằn trọc, khó vào giấc. Hãy cố gắng tạo ra một không gian ngủ thoáng khí, yên tĩnh, riêng tư, giúp bản thân luôn cảm thấy thoải mái.

– Thay đổi chế độ ăn uống, dinh dưỡng: Một chế độ ăn uống với đầy đủ nhóm chất dinh dưỡng lành mạnh giúp cải thiện rất nhiều vấn đề sức khỏe, cũng giúp cho chị em có thể vào giấc ngủ dễ dàng hơn. Quan trọng, chị em nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa hoặc bác sĩ dinh dưỡng, hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, cay nóng hay chất kích thích vì chúng không tốt cho hệ tiêu hóa, đường ruột và cả hệ thần kinh. Lúc này, chị em khó có thể đi ngủ.

– Tập hít thở sâu và cách để cơ thể thư giãn: Các kỹ thuật thở trong yoga, thiền giúp chị em tĩnh tâm, có thể kích thích hệ thần kinh, làm cho cơ thể được thả lỏng và dần đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

– Massage, tắm nước ấm trước khi đi ngủ: Massage, bấm huyệt tại những vị trí kích thích hệ thần kinh trung ương trên cơ thể có thể giúp đẩy lùi mệt mỏi. Massage giúp kinh lạc được lưu thông, cơ thể được thả lỏng hơn, tăng khả năng ngủ sâu, ngủ ngon giấc.

– Tập luyện thể dục, vận động: Một số bài tập được thiết kế dành riêng cho việc kích thích hệ thần kinh, cải thiện giấc ngủ rất có lợi cho các mẹ trong thời gian này. Chính vì vậy, chị em có thể áp dụng những bài tập này một cách đều đặn, cải thiện giấc ngủ và từ đó cũng giúp tâm trạng khoan khoái hơn, thư giãn hơn, giảm được những cơn đau sau sinh nhanh hơn.

– Tư thế ngủ: Việc chọn tư thế ngủ rất quan trọng vì có thể giúp các mẹ tránh được việc bị tổn thương những vùng như vết mổ đẻ, tầng sinh môn. Tư thế phù hợp nhất để đi vào giấc ngủ một cách thoải mái là sản phụ nằm ngửa hoặc nghiêng góc 45 độ. Ngoài ra, hiện cũng có rất nhiều loại gối ôm dành cho mẹ bỉm, giúp chị em cảm thấy thoải mái, dễ ngủ hơn.

– Bổ sung các loại khoáng chất: Magie và sắt không chỉ được sử dụng để điều hòa khí huyết, chúng còn giúp máu lưu thông, cải thiện sự quá mẫn của hệ thần kinh, giúp an thần, giảm stress, từ đó giúp chị em có giấc ngủ trọn vẹn hơn. Việc sử dụng các loại thực phẩm chức năng để bổ sung các chất này, chị em cũng cần chia sẻ rõ ràng với bác sĩ để nhận sự tư vấn phù hợp.

Trên đây là những thông tin xoay quanh tình trạng sau sinh mất ngủ. Chị em cần lưu ý việc cải thiện giấc ngủ càng sớm sẽ giúp cho khả năng phục hồi thể trạng sau sinh được tốt hơn, từ đó nâng cao hiệu quả thời gian ở cữ của sản phụ, giúp mẹ hạn chế được nhiều vấn đề. bệnh lý hậu sản.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *