Bệnh thoái hóa đốt sống cổ rất phổ biến và thường xảy ra ở người cao tuổi. Bệnh lý này liên quan đến quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay không ít người trẻ cũng đang mắc phải tình trạng thoái hóa. Vậy làm thế nào để phòng ngừa và điều trị cũng là vấn đề được nhiều người trẻ quan tâm.
Bạn đang đọc: Cách phòng ngừa bệnh thoái hóa đốt sống cổ
1. Tổng quan về bệnh lý
Thoái hóa đốt sống cổ xảy ra khi các đốt sống cổ có hiện tượng hư khớp tại các diện thân của đốt. Dần dần về sau bắt đầu xuất hiện hiện tượng thoái hóa gây ra các cơn đau nhức tại vùng cổ, đặc biệt khi bạn hoạt động quay, lắc, ngửa cổ.
Tình trạng này được đánh giá là một trong những tình trạng phổ biến hay gặp trong cuộc sống hiện nay. Điển hình là việc, bệnh không chỉ còn xuất hiện ở người cao tuổi, mà tỷ lệ mắc ở người trẻ cũng đang ngày một tăng cao. Vì đây là đối tượng thường xuyên làm việc ở một tư thế, ít vận động, thể dục, từ đó gây ra các tác động không nhỏ tới vùng cổ.
Những dấu hiệu điển hình có thể nhận thấy như:
– Đau cứng ngắc, khó vận động vùng cổ.
– Đau từ trên đốt trên cùng ở cổ rồi lan dần xuống bả vai.
Bên cạnh đó còn là các cơn đau xuất hiện bất ngờ, không rõ nguyên nhân. Bệnh lý này thường gây ra nhiều vấn đề khó khăn trong sinh hoạt và lao động của người bệnh. Về giới tính thì tỷ lệ nam và nữ mắc bệnh là gần như tương đương nhau và không có quá nhiều chênh lệch.
Số lượng người trẻ bị thoái hóa đốt sống cổ đang ngày một tăng cao
2. Thoái hóa đốt sống cổ nguy hiểm thế nào?
Bệnh lý này sẽ khiến các khớp biến dạng, sưng đau và hạn chế vận động. Bệnh có thể dẫn đến một số hệ lụy như:
– Chèn ép lên dây thần kinh làm đau dọc từ cổ xuống, ngoài ra còn gây đau đầu và hai vùng hốc mắt.
– Hội chứng đau dây thần kinh chẩm; đau vai, gáy; hội chứng vai và cánh tay.
– Rối loạn thần kinh thực vật tại vùng cổ, bả vai, tay.
– Mắc hội chứng tuần hoàn gây hẹp lỗ ngang, gây ra hẹp động mạch đốt sống. Từ đó gây ra các biểu hiện như: ù tai, hoa mắt, chóng mặt, thiếu máu lên não thường xuyên.
– Bệnh lý này có thể làm bại liệt một hoặc cả hai bên cánh tay.
– Hội chứng chèn ép lên tủy, gây rối loạn cảm giác ở tứ chi.
Đặc biệt nếu bệnh tình kéo dài và không được điều trị kịp thời có thể làm hạn chế khả năng cung cấp máu lên não rất nguy hiểm.
3. Đối tượng và cách phòng ngừa bệnh thoái hóa đốt sống cổ
Qua những thông tin về mức độ nguy hiểm của bệnh càng khiến chúng ta quan tâm hơn tới đối tượng nào có nguy cơ cao mắc bệnh. Và từ đó sẽ có những phương pháp phòng ngừa nào hiệu quả.
3.1. Đối tượng dễ mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ
– Tuổi: tuổi tác là một trong những yếu tố hàng đầu, người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh này cao nhất. Thoái hóa sẽ thường xuất hiện ở độ tuổi trung niên từ 40 – 55. Do quá trình lão hóa khiến cho các đĩa đệm liên đốt, thân đốt tưới máu kém dần đi.
– Nghề nghiệp: đối tượng thường làm việc ở tư thế cúi, cử động vùng cổ nhiều và cường độ lao động lớn. Đặc biệt là những người làm các công việc như đi cấy, thợ sơn, thợ xây, cắt tóc, nha sĩ, diễn viên xiếc. Bên cạnh đó còn một phần lớn bệnh nhân là nhân viên văn phòng. Do nhân viên văn phòng phải thường xuyên ngồi làm việc ở một tư thế quá lâu, ít vận động và thời gian nghỉ ngơi chưa hợp lý.
– Các chấn thương tại đốt sống ở cổ: Những chấn thương này sẽ làm tăng nguy cơ bị mắc thoái hóa ở người bệnh.
– Yếu tố có thể từ di truyền trong gia đình. Những người có người thân đã từng bị mắc thoái hóa sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn.
– Những người thường xuyên uống rượu bia, đồ uống có ga, cồn và hút thuốc.
Tìm hiểu thêm: Hỏi đáp về đau lưng sau khi quan hệ
Nhân viên văn phòng là đối tượng dễ mắc bệnh này.
3.2. Cách phòng ngừa với bệnh thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý chịu khá nhiều từ yếu tố nghề nghiệp gây nên. Do đó phòng ngừa bệnh cũng sẽ dựa trên những vấn đề này. Các biện pháp phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ gồm:
– Thường xuyên xoa bóp, chăm sóc vùng đốt sống cổ bị tổn thương. Không nên thực hiện các động tác, hoạt động quá sức ở vùng cổ. Nên cân đối về thời gian làm việc và nghỉ ngơi sao cho hợp lý. Hạn chế tối đa các tác động không tốt đến cổ.
– Đối với những nhân viên văn phòng, khi làm việc cả ngày với máy tính thì cần chú ý thiết lập các thói quen để bảo vệ sức khỏe xương khớp ngay tại văn phòng. Cụ thể là việc luyện tập nhẹ nhàng và thay đổi tư thế thường xuyên trong lúc làm việc và kết hợp với một chế độ ăn uống khoa học.
– Không gian và môi trường làm việc cũng cần được quan tâm và chú ý. Ghế làm việc cần căn chỉnh độ cao phù hợp với chiều cao của bản thân. Giữ khoảng cách không quá xa, không quá gần giữa ghế và bàn làm việc. Nên sử dụng máy làm việc với màn hình lớn để giúp cho cơ ở cổ không bị căng, mỏi. Ngồi làm việc hoặc học cách màn hình tối thiểu 50 – 65cm.
– Không nên thường xuyên có các động tác bẻ cổ đột ngột khi đang mỏi, bởi các động tác đó sẽ khiến gia tăng khả năng thoái hóa.
– Thay đổi tư thế khi nằm nghỉ, thường xuyên đổi tư thế, tránh nằm cố định từ 1-2 tư thế trong suốt cả đêm ngủ. Không nên nằm sấp, vì tư thế này làm cho cổ bị gập xuống và dễ gây ra thoái hóa.
– Lên kế hoạch cho việc rèn luyện thể dục thế thao hợp lý. Vận động thể dục thường xuyên giúp tăng độ dẻo dai cho xương khớp và ngăn ngừa thoái hóa.
– Yoga cũng được đánh giá là một trong những giải pháp hàng đầu trong cải thiện tình trạng thoái hóa.
>>>>>Xem thêm: Đau thần kinh tọa và những điều cần biết
Yoga giúp tăng độ dẻo dai cho xương khớp.
Như chúng ta biết, thoái hóa đốt sống là tình trạng không thể chữa dứt điểm hoàn toàn. Nếu đã xuất hiện thoái hóa người bệnh chỉ có thể cải thiện và hạn chế sự phát triển bệnh. Vì vậy cách tốt nhất đó là phòng ngừa để có thể ngăn ngừa bệnh xuất hiện quá sớm.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.