Khám thai ở những mốc tuần quan trọng luôn là việc mà các mẹ bầu quan tâm. Kịp thời nắm bắt tình trạng sức khỏe của bản thân, sự phát triển của thai trong những giai đoạn đặc biệt này sẽ giúp mẹ chủ động hơn, vừa phòng tránh những biến chứng thai kỳ, vừa cải thiện được những gì còn thiếu sót. Buổi khám thai tuần 24 là buổi khám quan trọng. Thực tế, mẹ bầu thường được bác sĩ Sản khoa nên tiến hành kiểm tra sức khỏe thai kỳ từ tuần 24 đến 28.
Bạn đang đọc: Mẹ bầu khám thai tuần 24 cần thực hiện những gì?
1. Thai nhi và mẹ bầu có những thay đổi như thế nào từ tuần 24?
Thai được 24 tuần tuổi đồng nghĩa với việc mẹ bầu đã đi tới tháng thứ 6 của thai kỳ. Vì vậy, cơ thể của cả mẹ và em bé trong bụng đều có những thay đổi nhất định.
1.1. Thai nhi thay đổi như thế nào ở tuần 24?
Từ tuần 24, chiều dài của thai nhi đã đạt tới 32cm hoặc có thể hơn. Cân nặng của bé rơi vào khoảng 600 đến 700g. Giai đoạn này, não của thai nhi cũng đang trong quá trình phát triển để có thể nhanh chóng hoàn thiện.
Cùng với sự phát triển của não bộ, các giác quan, phản xạ của em bé cũng có sự thay đổi rõ rệt hơn. Đầu tiên, các khớp thần kinh bắt đầu hình thành. Thai nhi di chuyển nhiều, chuyển động rõ ràng hơn. Các phản xạ về mắt cũng trở nên nhanh nhẹn hơn, thai đã có thể mở, nhắm mắt.
Từ tuần 24, thai nhi có thể lớn nhanh hơn, hoàn thiện cấu trúc não bộ, các cơ quan trong cơ thể nhiều hơn
Vị giác cũng đang hình thành và các nhánh phổi ngày càng phát triển hơn. Các tế bào đặc biệt, các nhánh chính của phổi dần hình thành và kích thích sản sinh chất hoạt động bề mặt surfactant, là chất giúp cho phế nang có thể phồng lên. Vì vậy, việc thai nhi có đủ thời gian và điều kiện phát triển trong bụng mẹ rất có lợi cho hệ hô hấp do phổi đã có đủ thời gian để hoàn thiện.
1.2. Thai phụ thay đổi như thế nào từ tuần 24?
Do thai nhi có nhiều sự thay đổi nên cơ thể người mẹ cũng có những thay đổi nhất định. Kích thước thai nhi phát triển cũng khiến cho tử cung của người mẹ to ra, chèn ép các cơ quan khác. Hoạt động của đường ruột, của trực tràng cũng từ đây mà bị ảnh hưởng, gây ra tình trạng táo bón.
Cơ thể mẹ giãn ra theo sự phát triển của thai nhi. Phần da bụng, da ngực bị kéo căng, dẫn đến việc bị rạn và có cảm giác ngứa ngáy. Bên cạnh đó, dưới tác động của các hormone, thai phụ còn có thể cảm thấy da khô hơn. Tình trạng phù nề, giãn tĩnh mạch cũng sẽ xuất hiện ở một số thai phụ, tạo cảm giác khó chịu ngày càng rõ.
Thai phụ sẽ gặp một số triệu chứng bất thường cho thấy sự thay đổi của cơ thể trong tuần 24, vì vậy cần chú ý tập luyện để cải thiện
Chỉ còn khoảng hơn 3 tháng nữa mẹ sẽ đối diện với cơn chuyển dạ. Vậy nên, ở thời điểm này, những cơn gò sinh lý xuất hiện với tần suất thường xuyên hơn. Những cơn có thể khiến cho tử cung của người mẹ phải chịu nhiều áp lực. Mẹ sẽ thường xuyên bị đau bụng dưới, đau từ thắt lưng trở xuống. Đặc biệt, điều này khiến các mẹ gặp nhiều khó khăn trong quá trình sinh hoạt, đi đứng hàng ngày.
2. Mẹ bầu đi khám thai, kiểm tra tình trạng sức khỏe thai kỳ từ tuần 24 cần thực hiện những gì?
Một trong những mốc khám thai quan trọng mà các mẹ bầu không thể bỏ lỡ là mốc từ 24 đến 28 tuần. Ở mốc tuần này, khi tới khám thai tại các cơ sở y tế, thai phụ sẽ được hướng dẫn thực hiện một số hạng mục khám cần thiết để đảm bảo sức khỏe ổn định, thai nhi phát triển bình thường và phần nào tiên lượng được phương pháp sinh nở phù hợp.
2.1. Mẹ bầu khám thai tuần 24 cần thực hiện những bước khám, hạng mục nào?
Ở mốc tuần 24 – 28, thai phụ có thể tiến hành kiểm tra sức khỏe thai kỳ chi tiết hơn. Qua những xét nghiệm cần thiết, các mẹ sẽ nhận định rõ ràng hơn về tình trạng sức khỏe thai kỳ của bản thân, từ đó có sự điều chỉnh kịp thời, cải thiện đáng kể để chuẩn bị cho ngày “vượt cạn”.
Bên cạnh việc xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu thường tiến hành như thường lệ tại các mốc tuần thai khác, có một loại xét nghiệm sàng lọc mà các mẹ bầu không thể bỏ qua ở mốc khám thai tuần 24 đến 28 – xét nghiệm sàng lọc nguy cơ tiểu đường thai kỳ.
Xét nghiệm nguy cơ tiểu đường thai kỳ hay còn gọi là nghiệm pháp dung nạp Glucose đường uống được thực hiện với mục đích đánh giá mức độ sử dụng Glucose của thai phụ, phát hiện và tiến hành dự phòng sớm nguy cơ tiểu đường thai kỳ.
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu tầm soát ung thư tiêu hóa cho người lớn tuổi
Các mẹ có thể bắt đầu tiến hành nghiệm pháp dung nạp đường để sàng lọc nguy cơ tiểu đường thai kỳ trong buổi khám thai tuần 24
Do tâm lý chủ quan, lơ là trong việc kiểm soát chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ mà ngày càng có nhiều mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ, đặc biệt trong những tuần cuối của quá trình “mang nặng, đẻ đau”. Nếu tình trạng này không được phát hiện từ sớm và kiểm soát tốt, nguy cơ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của mẹ, sự phát triển của con là rất cao.
Đối với thai phụ: Tiểu đường thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ huyết áp cao, tiền sản giật, sản giật, viêm hoặc nhiễm khuẩn đường tiết niệu, dẫn đến tình trạng đa ối, nguy cơ sinh non,…
Đối với thai nhi: Ảnh hưởng đầu tiên của bệnh lý tiểu đường thai kỳ tới thai nhi là khiến thai dễ phát triển nhanh hơn so với tuổi thai, thai to, khó sinh thường. Tiếp đó, thai dễ bị lưu, dễ gặp phải một số dị tật về não (thông liên thất, thông liên nhĩ, não úng thủy,…), bệnh tim bẩm sinh và một số bệnh lý khác như vàng da, hội chứng suy hô hấp,…
Tiểu đường thai kỳ hầu như không biểu hiện qua bất cứ triệu chứng gì đặc biệt. Vậy nên, các mẹ bầu chỉ có thể phòng ngừa nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ thông qua làm nghiệm pháp dung nạp đường huyết. Đặc biệt, với những mẹ bầu thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao như: Mang thai ngoài 30 tuổi, gia đình có người thân, ruột thịt bị đái tháo đường type 2 hay mẹ bầu đã có tiền sử tiểu đườn thai kỳ từ lần thai trước, người thừa cân, cân nặng thay đổi thất thường trong thai kỳ, chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp,… thì càng cần lưu ý thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường
Ngoài thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường, ở mốc khám thai này, thai phụ còn được lưu ý thực hiện các bước khám, kiểm soát sức khỏe thai kỳ khác như siêu âm 4D khảo sát hình thái thai nhi, hạn chế việc bỏ sót các dị tật dễ xuất hiện trong giai đoạn này; xét nghiệm mẫu máu, nước tiểu, tiêm phòng uốn ván.
2.2. Thai phụ cần lưu ý những gì khi khám thai tuần 24?
Khám thai định kỳ rất quan trọng, vậy nên các mẹ bầu cũng cần lưu ý một số vấn đề để quá trình khám được thuận lợi, cho kết quả chính xác.
– Trang phục đi khám: Các mẹ nên chú ý trang phục trước khi đi khám. Ở mốc khám thai tuần 24 đến 28, thai đã khá lớn và bụng của mẹ cũng đã khá to. Vậy nên để có thể di chuyển thoải mái trong quá trình khám thai, các mẹ nên mặc quần áo rộng, thoáng. Tốt nhất mẹ nên mặc váy bầu rộng để các bác sĩ dễ thao tác trong quá trình khám, siêu âm.
– Trước siêu âm:
Từ tuần 24 đến 28, khi đi siêu âm thai, bước chuẩn bị sẽ có một chút thay đổi. Thay vì phải uống nhiều nước và nhịn tiểu trước siêu âm thì ở lần khám này, các mẹ cần đi tiểu hết rồi mới thực hiện siêu âm để có thể nhìn thấy thai nhi rõ hơn.
>>>>>Xem thêm: Cùng bạn tìm hiểu về tầm soát ung thư tử cung
Thai phụ cần chú ý hơn tới những lời dặn mà bác sĩ chuyên khoa đã căn dặn trước khi thực hiện buổi khám
– Về vấn đề ăn uống:
Trước khi thực hiện buổi khám thai tuần 24 đến 28, các mẹ cần nhịn ăn và không uống bất cứ loại đồ uống nào ngoài nước lọc. Thời gian nhịn ăn, uống cần đảm bảo tối thiểu đủ 8 tiếng. Như vậy, kết quả xét nghiệm máu, nước tiểu và đặc biệt là kết quả thực hiện nghiệm pháp tiểu đường thai kỳ mới đảm bảo độ chính xác cao.
– Về giấy tờ tùy thân:
Khi đi khám thai, các mẹ cần nhớ mang theo căn cước công dân hoặc sổ theo dõi thai định kỳ. Bởi trong buổi khám, bác sĩ Sản khoa sẽ cần nắm bắt thông tin sức khỏe của mẹ, bé ở những mốc tuần thai trước để tiện đánh giá và so sánh với những thay đổi của mốc tuần thai này và đưa ra lời khuyên, sự tư vấn phù hợp.
– Vấn đề vệ sinh trước buổi khám:
Trước buổi khám thai tuần 24, các mẹ bầu nên vệ sinh sạch sẽ thân thể, đặc biệt là vùng kín. Bác sĩ Sản khoa có thể sẽ cần kiểm tra vùng phụ khoa của các mẹ, xác định một số vấn đề như viêm nhiễm, bệnh có khả năng lây qua cơ quan sinh dục,…
Trên đây là những kiến thức cần rõ về tuần thai thứ 24, những hạng mục khám thai cần thực hiện và một số lưu ý khi đi khám thai tuần 24 đến 28. Ngoài những vấn đề trên, chị em có thể lưu ý, tham khảo kỹ những địa chỉ khám thai uy tín, an toàn, có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm để được hỗ trợ nhanh chóng suốt quá trình khám và theo dõi thai kỳ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.