Tầm soát thai kỳ là biện pháp hiệu quả nhất để sàng lọc, phát hiện kịp thời những vấn đề bất thường và dị tật trước sinh. Quá trình này sẽ được thực hiện theo từng mốc tuần thai, kết hợp với từng buổi khám thai để bác sĩ có thể đưa ra đánh giá, phân tích, nhận định và lời khuyên phù hợp với các mẹ bầu. Cùng tìm hiểu lý do mẹ cần phải thực hiện khám thai và những phương pháp thực hiện tầm soát thường được sử dụng qua những thông tin sau.
Bạn đang đọc: Tại sao mẹ bầu cần thực hiện tầm soát thai kỳ khi đi khám thai?
1. Tầm soát thai kỳ là gì?
Trong quá trình mang thai, người mẹ phải đối diện với rất nhiều nguy cơ bệnh lý, biến chứng hay dị tật thai nhi. Đặc biệt, nguy hiểm nhất là dị tật thai nhi. Đây cũng chính là vấn đề đáng ngại, là nỗi đau của nhiều gia đình và toàn xã hội.
Tầm soát thai kỳ giúp phát hiện sớm những dị tật ở thai nhi, vấn đề bệnh lý, sức khỏe của thai phụ bằng các phương pháp khác nhau. Những phương pháp này sẽ được ứng dụng ở từng mốc tuần thai quan trọng nhằm đảm bảo sàng lọc chi tiết nhất.
Cụ thể, những xét nghiệm cần thực hiện khi tầm soát gồm: Xét nghiệm sinh hóa, sàng lọc trước khi sinh, siêu âm kiểm tra hình thái thai nhi.
Thực hiện tầm soát thai kỳ, mẹ bầu cần tiến hành xét nghiệm sinh hóa, sàng lọc trước khi sinh và siêu âm kiểm tra hình thái thai nhi
Với những trường hợp có kết quả xét nghiệm sinh hóa hoặc siêu âm bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm các bước sàng lọc khác như chọc ối, sinh thiết gai nhau. Tuy nhiên, thực hiện các xét nghiệm này, mẹ bầu cần cực kỳ cẩn thận bởi đây đều là những xét nghiệm có xâm lấn và cũng có nguy cơ gây ra tình trạng nhiễm trùng, rỉ ối,…
Nhờ những xét nghiệm tầm soát thai nhi mà các bác sĩ Sản khoa có thể kịp thời phát hiện những vấn đề bất thường trong thai kỳ, dị tật thai, tiến hành đưa ra hướng can thiệp, xử lý sớm để trẻ có thể chào đời khỏe mạnh, tránh được những rủi ro trong quá trình sinh nở.
2. Tại sao mẹ bầu cần thực hiện tầm soát khi khám thai định kỳ?
Tầm soát thai kỳ được thực hiện cùng với những buổi khám thai định kỳ của các mẹ bầu. Quá trình này rất quan trọng vì nó không chỉ giúp hạn chế những vấn đề xảy ra trong thai kỳ mà còn giúp các mẹ có những quyết định đúng đắn về việc có nên giữ thai hay không.
Những trường hợp cần đặc biệt lưu ý về việc tầm soát gồm:
– Mẹ bầu có tiền sử bệnh lý, đặc biệt là các bệnh lý có liên quan đến yếu tố di truyền, nhiễm sắc thể, nhiễm trùng máu,… hoặc các bệnh mãn tính.
– Phụ nữ có thai ở độ tuổi ngoài 35.
– Mẹ bầu thường xuyên bị rối loạn nội tiết tố trước khi mang thai.
– Mẹ bầu nhiễm các loại virus cúm, Rubella trong thai kỳ.
– Mẹ bầu thường xuyên sử dụng các loại thuốc điều trị, chất kích thích.
– Mẹ bầu có tiền sử từng bị sảy thai, thai lưu,…
– Mẹ bầu thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại trong thai kỳ.
Tầm soát thai kỳ giúp các mẹ bầu hạn chế những vấn đề xảy ra trong thời gian mang thai và có hướng giải quyết, khắc phục những bất thường nghiêm trọng
Với những trường hợp này, việc khám thai định kỳ, tầm soát là vô cùng cần thiết và phải được đảm bảo thực hiện ở những mốc tuần thai quan trọng, giúp theo dõi sát lộ trình phát triển, hoàn thiện của thai nhi.
3. Những phương pháp tầm soát phổ biến, tầm soát thai có an toàn không?
Với sự phát triển của y học hiện đại, có rất nhiều phương pháp tầm soát thai kỳ được đưa vào lộ trình khám, theo dõi thai, giúp theo dõi toàn diện tình trạng của mẹ và thai nhi.
3.1. Những phương pháp tầm soát thai kỳ phổ biến
Những phương pháp tầm soát phổ biến được ứng dụng trong khám, kiểm tra thai định kỳ hiện nay gồm siêu âm hình thái, xét nghiệm sàng lọc sinh hóa. Cụ thể, mẹ bầu cần thực hiện:
– Siêu âm:
Phương pháp siêu âm được áp dụng trong hầu hết các buổi khám, theo dõi thai định kỳ. Đây là công nghệ sử dụng sóng âm có tần số cao để nắm bắt hình ảnh của thai nhi và các cơ quan sinh dục trong bụng mẹ. Nhờ vậy, bác sĩ có thể phát hiện sớm những dị tật bất thường ở thai hoặc những vấn đề sức khỏe sinh dục ở người mẹ, từ đó có biện pháp can thiệp nhanh chóng, chính xác.
Siêu âm được thực hiện dưới nhiều hình thức như siêu âm 2D, 3D, 4D và 5D. Ở mỗi mốc tuần thai, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu thực hiện công nghệ siêu âm phù hợp để nắm rõ những thông tin, chỉ số cần biết. Thực hiện siêu âm định kỳ không gây ra bất cứ ảnh hưởng nguy hại nào tới thai phụ và thai nhi và có thể thực hiện ở bất kỳ thời điểm nào mà mẹ muốn. Tuy nhiên bác sĩ cũng khuyến cáo mẹ không nên siêu âm quá nhiều.
Tìm hiểu thêm: Ung thư thận di căn: Biểu hiện và tiên lượng sống
Siêu âm là bước tầm soát quan trọng ở mỗi mốc tuần thai
Siêu âm thai sẽ giúp mẹ kiểm tra được tình trạng nhau thai, dây rốn, nước ối, tử cung, chiều dài cổ tử cung, xác định vị trí, ngôi thai, đo độ mờ da gáy,… rõ ràng nhất. Chất lượng hình ảnh hiện nay còn cho phép các mẹ có thể nhìn ngắm rõ những chi tiết biểu cảm của con yêu.
– Xét nghiệm sinh hóa máu các bất thường nhiễm sắc thể Double test và Triple test:
Double test và Triple test là những xét nghiệm sàng lọc dị tật thai nhi được áp dụng theo những mốc tuần thai quan trọng.
Xét nghiệm Double test được chỉ định thực hiện cho mẹ bầu vào giai đoạn tuần 11 đến 13 của thai kỳ. Xét nghiệm sẽ giúp định lượng β-hCG tự do và PAPP-A trong máu của thai phụ. Đây là hai chỉ số nhau thai tiết ra, có thể thay đổi liên tục trong cả quá trình mang thai.
Sàng lọc trước sinh Double test được thực hiện cùng phương pháp siêu âm đo độ mờ da gáy, xác định sự bất thường về nhiễm sắc thể của thai nhi. Những bất thường này có thể đi theo trẻ cả cuộc đời, khiến cho các bé không thể phát triển bình thường, toàn diện như bạn bè cùng trang lứa.
Những hội chứng điển hình sàng lọc qua Double test gồm: Hội chứng Down, Edwards, Patau,…
Cùng với xét nghiệm Double test, xét nghiệm Triple test cũng được thực hiện nhằm sàng lọc các dị tật liên quan tới nhiễm sắc thể ở thai nhi. Bên cạnh đó, xét nghiệm này cũng giúp phát hiện nguy cơ dị tật ống thần kinh, thai vô sọ từ sớm.
Triple test được thực hiện từ tuần thai 16 đến tuần thai 18, tầm soát dị tật ở thai và những bất thường thông qua sự tăng hoặc giảm của nồng độ AFP trong máu, Β-hCG và uE3.
– Chọc ối hoặc tiến hành sinh thiết gai nhau:
Bên cạnh những xét nghiệm trên, việc tầm soát thai kỳ còn có thể đưa ra kết quả cụ thể, đánh giá chi tiết hơn tình trạng thai nhi qua phương pháp chọc ối. Chọc ối thực chất là một xét nghiệm xâm lấn. Bác sĩ sẽ thực hiện chọc, lấy mẫu nước ối của mẹ bầu để tiến hành xét nghiệm.
Phương pháp này được thực hiện vào giai đoạn giữa của mốc tuần 15 đến 18.
Để thay thế, hỗ trợ cho phương pháp chọc ối, bác sĩ có thể chỉ định mẹ bầu sử dụng phương pháp sinh thiết gai nhau. Theo đó, một mẫu mô tại nhau thai sẽ được lấy và đưa đi xét nghiệm. Phương pháp sinh thiết gai nhau được thực hiện từ tuần 12 đến 14 của thai kỳ.
– Sàng lọc trước sinh, không tiến hành xâm lấn – xét nghiệm NIPT:
NIPT là phương pháp xét nghiệm không xâm lấn, hiện đại, được ứng dụng nhằm đảm bảo an toàn cho mẹ bầu trong quá trình tầm soát thai kỳ. Những bất thường về nhiễm sắc thể sẽ được phát hiện qua việc phân tích mẫu máu của thai phụ, cụ thể là phân tích các đoạn DNA tự do của thai nhi. Từ đó, bác sĩ có thể phát hiện sớm các hội chứng: Down, Patau, sứt môi, hở hàm ếch, Edwards, khuyết tật về chức năng vận động, trí não,…
Xét nghiệm sàng lọc NIPT sử dụng công nghệ giải trình tự gen, vì vậy đem lại kết quả chính xác tới 99,9%. Đặc biệt, thai phụ có thể thực hiện NIPT từ tuần thứ 9 của thai kỳ.
3.2. Thời điểm nào cần thực hiện tầm soát thai kỳ? Có an toàn không?
Tầm soát được thực hiện ở những mốc khám thai quan trọng, nhạy cảm. Bởi vậy, các mẹ cần nhớ rõ các mốc tuần thai này để thực hiện theo dõi thai kỳ cho hiệu quả.
– Thời điểm tuần thai thứ 12 đến 14: Đây là mốc khám thai mà mẹ đã có thế tiến hành sàng lọc các vấn đề dị tật ở thai nhi. Đặc biệt, đây cũng là mốc tuần thai tiến hành xét nghiệm Double test.
– Thời điểm tuần thai thứ 16 đến 18: Mốc tuần thai này, các mẹ sẽ được thực hiện sàng lọc một số dị tật ở thai nhi như hở hàm ếch, sứt môi, dị tật ở các cơ quan, bộ phận bên ngoài. Đây cũng là mốc thực hiện xét nghiệm Triple test nếu trước đó mẹ chưa thực hiện sàng lọc Double test.
>>>>>Xem thêm: Bệnh dạ dày có ảnh hưởng tới chuyện quan hệ tình dục?
Một số xét nghiệm cơ bản sẽ giúp đánh giá chi tiết tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi
– Thời điểm tuần thai thứ 22 đến 24: Ở tuần thai này, các mẹ sẽ được thực hiện sàng lọc các vấn đề về thai kỳ qua xét nghiệm nước tiểu và siêu âm thai. Đây cũng là giai đoạn mà thai nhi đang dần hoàn thiện, phát triển các cơ quan, bộ phận bên trong như tim, phổi, gan, hệ tiêu hóa, đường ruột, não bộ,… Vì vậy, siêu âm đánh giá hình thái thai, các cơ quan bên trong ở thời điểm này là rất quan trọng.
– Thời điểm tuần thai thứ 26 đến 30: Lần khám thai này, ngoài việc siêu âm đánh giá hình thái thai, các dị tật muộn, đánh giá tình trạng nhau thai, dây rốn, mẹ bầu còn được thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường uống. Đây là xét nghiệm giúp các mẹ phát hiện sớm nguy cơ tiểu đường thai kỳ, từ đó có hướng cải thiện chế độ ăn uống sao cho phù hợp.
– Thời điểm tuần thai thứ 30 đến 32: Ở tuần thai này, thai nhi đã hoàn thiện cấu trúc, hoạt động của tim và não bộ. Phương pháp siêu âm sẽ giúp đánh giá tình trạng phát triển của thai nhi, sàng lọc toàn bộ các cơ quan, bộ phận. Đồng thời, qua siêu âm, bác sĩ cũng sẽ nhận định phương án sinh nở phù hợp cho mẹ bầu qua vị trí ngôi thai và các vấn đề liên quan tới nhau thai, dây rốn.
Nhìn chung, các phương pháp tầm soát thai kỳ đều khá an toàn với mẹ bầu. Một số phương pháp xâm lấn có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng hoặc tổn thương nếu được thực hiện không đúng quy trình, không đảm bảo an toàn.
Quan trọng nhất, mẹ bầu vẫn nên lựa chọn theo dõi thai kỳ, tầm soát, sàng lọc những vấn đề trong quá trình mang thai theo một lộ trình rõ ràng tại những cơ sở uy tín.
Với hệ thống trang thiết bị hiện đại cùng nhiều cơ sở phục vụ quá trình tầm soát, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng của những mẹ bầu thông thái. Đội ngũ bác sĩ Sản khoa có kinh nghiệm, chuyên môn cao, có nhiều năm công tác tại những bệnh viện lớn luôn theo sát thai phụ trong suốt quá trình khám thai, quản lý thai kỳ, đưa ra những phương án giải quyết phù hợp, an toàn, hiệu quả.
Quá trình tầm soát thai kỳ được thực hiện theo từng buổi khám thai. Khi đăng ký dịch vụ Thai sản trọn gói của TCI, các mẹ sẽ được lên lộ trình thăm khám đầy đủ, có bộ xét nghiệm và khám thai không giới hạn với các bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, những quyền lợi, tiện ích nhận được trong quá trình sinh, lưu viện cũng khiến cho các mẹ cảm thấy an tâm hơn, có một trải nghiệm đi sinh trọn vẹn.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp các mẹ hiểu rõ hơn về việc tầm soát thai kỳ. Đồng thời, các mẹ cũng sẽ chủ động hơn trong việc nắm bắt những mốc khám thai quan trọng, thực hiện quản lý chất lượng thai sản hiệu quả hơn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.