Viêm nhiễm nấm Candida âm đạo là 1 bệnh lý phụ khoa phổ biến ở phụ nữ và là tác nhân chính gây viêm âm đạo. Bệnh ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của chị em, đặc biết nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể biến chứng nặng gây nên hậu quả nghiêm trọng như vô sinh.
Bạn đang đọc: Nấm Candida âm đạo – Nguyên nhân và cách điều trị
1. Bệnh viêm nhiễm nấm Candida âm đạo là gì?
Nhiễm nấm Candida hay được gọi với tên khác là nhiễm trùng nấm men là một loại nhiễm khuẩn do nấm Candida gây nên. Nấm Candida là loại nấm phổ biến hay gặp trên cơ thể người, thường trú ngụ ở bộ phận sinh dục, hệ tiêu hóa (ruột) và ở miệng. Khi cơ thể khỏe mạnh, môi trường pH của vùng kín ở mức cân bằng thì nấm Candida sẽ không hoạt động và không gây hại nhưng khi sự cân bằng này bị xáo trộn thì nấm candida sẽ phát triển mạnh mẽ và gây nên tình trạng nhiễm trùng nấm men.
Nhiễm nấm candida âm đạo là bệnh lí phụ khoa phổ biến ở phụ nữ
Sự bùng phát quá mức của nấm Candida sẽ gây ra kích ứng, viêm ngứa, tiết nhiều dịch ở vùng kín. Trên thực tế, 80% phụ nữ đều có ít nhất một lần trong đời bị nhiễm trùng nấm men. Bệnh không khó điều trị nhưng rất dễ tái phát, đặc biệt nếu không được chữa trị đúng cách và dứt điểm dễ dẫn đến các bệnh lí khác như nhiễm khuẩn huyết, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.
2. Nguyên nhân gây bệnh viêm nhiễm nấm âm đạo
Hiện nay có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh viêm nhiễm nấm âm đạo, một số nguyên nhân phổ biến chị em cần chú ý đến như:
– Hormone thay đổi: Sự thay đổi về hormone trong quá trình phụ nữ mang thai và cho con bú, dùng thuốc tránh thai hoặc tiền mãn kinh có thể làm xáo trộn sự cân bằng trong môi trường âm đạo.
– Do sử dụng thuốc kháng sinh liều cao: Việc sử dụng thuốc kháng sinh liều cao hoặc dùng kháng sinh trong nhiều ngày sẽ vô tình tiêu diệt các loại vi khuẩn có lợi, tạo điều kiện cho nấm candida phát triển.
– Khả năng đề kháng kém: Trường hợp người dương tính với HIV, phụ nữ mang thai hoặc rối loạn các hệ thống miễn dịch khác sẽ có nguy cơ bị nhiễm nấm cao hơn người có thể trạng khỏe mạnh.
– Gây viêm nhiễm qua đường quan hệ tình dục
– Người mắc bệnh đái tháo đường: Nếu chỉ số đường huyết không được kiểm soát tốt đồng nghĩa với việc lượng đường trong màng nhầy của âm đạo cũng gia tăng và đây chính là môi trường thuận lợi để nấm men phát triển gây viêm âm đạo.
– Ngoài ra một số thói quen sinh hoạt hàng ngày như vệ sinh vùng kín không đúng cách, sử dụng đồ lót quá chật, không thoáng khí, lạm dụng dung dịch vệ sinh chứa hóa chất cũng là nguyên nhân gây nên bệnh nấm âm đạo ở phụ nữ.
3. Các dấu hiệu thường gặp của bệnh nhiễm nấm âm đạo
Nếu thấy một trong những biểu hiện này, chị em hãy đi khám ngay vì rất có thể đó là những triệu chứng đầu tiên của bệnh viêm nhiễm âm đạo:
– Bộ phận sinh dục có dấu hiệu sưng mẩn đỏ và cảm giác nóng
– Tiểu buốt hoặc tiểu rắt
– Ngứa râm ran phần âm hộ
– Âm đạo tiết nhiều dịch, có thể vón cục thành màu trắng đục.
– Đau rát khi quan hệ tình dục
Lưu ý khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm nấm âm đạo thì nam giới có thể bị lây nhiễm và phát triển thành bệnh viêm quy đầu với các biểu hiện như ngứa rát, xuất hiện nhiều dịch nhầy trắng.
4. Các biện pháp điều trị khi nhiễm nấm candida âm đạo
Khi có các dấu hiệu của việc nhiễm nấm âm đạo, chị em cần tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị đúng cách. Việc chữa nấm âm đạo còn phụ thuộc vào mức độ phát triển của bệnh và số lần tái nhiễm của bệnh nhân.
Tìm hiểu thêm: Mẹo giải quyết phù chân khi mang thai
Điều trị nấm âm đạo tại Thu Cúc TCI
Với trường hợp bệnh đang ở mức độ nhẹ và trung bình, tần suất tái nhiễm ít thì bác sĩ sẽ kê kem chống nấm, thuốc mỡ hoặc viên đạn để điều trị bệnh viêm nhiễm nấm men. Thời gian sử dụng thuốc bôi có thể kéo dài từ 3 – 7 ngày tùy mức độ. Trong một số trường hợp bác sĩ có thể kê thêm thuốc chống nấm đường uống. Với phụ nữ có thai thì việc sử dụng các loại thuốc bôi hoặc thuốc đạn là an toàn nhất.
Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn và tái phát nhiều lần, bạn cần đi tái khám, lúc này bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị chuyên biệt như:
4.1 Thuốc uống đa liều
Thay vì thuốc bôi, bác sĩ có thể kê toa cùng lúc hai hoặc ba liều thuốc chống nấm qua đường uống để tiêu diệt nấm candida. Tuy nhiên phương pháp này không được khuyến cáo dùng cho phụ nữ có thai.
4.2 Thuốc uống dài ngày
Thuốc sử dụng đường uống được bác sĩ kê toa sử dụng hàng ngày trong tối đa 2 tuần sau đó lặp lại một tuần một lần trong 6 tháng để ngăn ngừa tình trạng nấm tái phát.
4.3 Thuốc chống nấm kháng Azole
Người bệnh không được tự ý dùng thuốc kháng nấm Azole mà cần có chỉ đinh của bác sĩ. Tác dụng phụ của thuốc này là buồn nôn, tiêu chảy, phát ban, đau đầu, chóng mặt. Thuốc có thể gây tử vong nếu sử dụng qua đường uống và chỉ được dùng để đặt đưa vào âm đạo.
5. Biện pháp phòng tránh viêm nhiễm nấm candida âm đạo
Bệnh nấm âm đạo gây ngứa rát, khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của nhiều chị em, đặc biệt nguy cơ tái phát bệnh rất cao vì chỉ cần môi trường pH thay đổi thì nấm âm đạo có thể bùng phát bất kì lúc nào. Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm nấm, chị em nên thực hiện đúng các biện pháp sau:
– Khám phụ khoa tổng quát 6 tháng/ lần để nắm bắt kịp thời tình trạng phụ khoa. Nếu thấy vùng kín có những thay đổi bất thường như ngứa, rát vùng kín, khí hư ra nhiều hơn bình thường, thay đổi về màu sắc khí hư, tiểu buốt… thì chị em cần đến ngay các phòng khám chuyên khoa hoặc bệnh viện uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.
– Đảm bảo vùng kín luôn được vệ sinh sạch sẽ, khô thoáng để ngăn cho nấm candida âm đạo không có cơ hội gia tăng và phát triển.
– Hạn chế mặc đồ lót quá chật vì rất dễ làm vùng kín bị bí bách, cọ sát nhiều gây nên mẩn ngứa
– Sử dụng băng vệ sinh có độ thấm hút cao, mỏng nhẹ. Trong kì kinh nguyệt cần thay băng thường xuyên từ 3 – 4 tiếng/ lần
– Có chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lí, uống nhiều nước, hạn chế đồ ngọt, các loại chất kích thích
>>>>>Xem thêm: Xét nghiệm Pap và HPV trong tầm soát ung thư cổ tử cung
Chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm nấm candida âm đạo
– Tuyệt đối không quan hệ tình dục khi vùng kín đang bị viêm nhiễm nấm. Trong trường hợp cả vợ và chồng cùng nhiễm nấm thì cần phải điều trị triệt để cả hai vì khi giao hợp các vi khuẩn nấm sẽ bám trên bao quy đầu của người chồng và rất dễ gây tái nhiễm nấm âm đạo cho vợ.
– Không sử dụng thuốc kháng sinh dài ngày khi không cần thiết.
– Tránh thụt rửa âm đạo nhiều lần vì việc làm này sẽ vô tình loại bỏ những vi khuẩn có lợi trong môi trường âm đạo.
Bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin về bệnh nhiễm nấm candida âm đạo ở nữ giới. Nếu bạn đang có một trong những dấu hiệu của căn bệnh này thì hãy liên hệ ngay qua tổng đài của Thu Cúc TCI để được hỗ trợ đặt lịch thăm khám và tư vấn miễn phí.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.