Khám thai tuần 16 là một mốc khám quan trọng trong hành trình mang bầu của mẹ. Bởi trong giai đoạn này, cả mẹ và em bé đều có những sự thay đổi và phát triển rõ ràng hơn giai đoạn trước. Cùng nhau tìm hiểu những thông tin này tại bài viết của Thu Cúc TCI ngay dưới đây nhé.
Bạn đang đọc: Mẹ bầu cần lưu ý điều gì ở lần khám thai tuần 16?
1. Khám thai tuần 16 có ý nghĩa quan trọng như nào?
Trong suốt hành trình thai kỳ của mẹ bầu, các lần khám thai đều mang ý nghĩa rất quan trọng, trở thành tiền đề đem lại sức khỏe thai kỳ tốt nhất. Trong số các mốc tuần đó thì khám thai tuần thứ 16 cũng được coi là một trong những mốc quan trọng nhất. Bởi ở tuần thai này, cả mẹ bầu và thai nhi đã có sự thay đổi, phát triển rõ rệt hơn. Vào lúc này, em bé đã lớn hơn so với giai đoạn trước đó, cấu trúc cơ thể cũng như hình thái bên ngoài đã rõ ràng hơn. Tất cả những điều này có thể quan sát và theo dõi được thông qua siêu âm thai.
Bên cạnh đó, ở lần khám thai này, các bác sĩ sẽ kiểm tra và đưa ra cho mẹ những chẩn đoán về tình hình sức khỏe thai kỳ của cả hai mẹ con. Đồng thời, bác sĩ có thể chỉ định mẹ thực hiện một số xét nghiệm quan trọng nhằm mục đích tầm soát các dị tật hay xảy ra ở thai nhi. Điều này đóng vai trò thiết yếu cho việc đảm bảo mẹ bầu và em bé có một sức khỏe tốt, đủ điều kiện để bước vào các giai đoạn sau này.
Ở lần khám thai này, các bác sĩ sẽ kiểm tra và đưa ra cho mẹ những chẩn đoán về tình hình sức khỏe thai kỳ của cả hai mẹ con.
Ngoài ra, tuần 16 cũng là thời điểm lý tưởng để kịp thời phát hiện một số dị tật về tim thai, bộ não cũng như một số bất thường về lượng nước ối của mẹ.
Do vậy, các mẹ bầu không nên bỏ lỡ mốc khám thai 16 tuần này. Thay vào đó, mẹ nên đi thăm khám theo đúng chỉ định và lịch biểu bác sĩ đưa ra, đồng thời nên lưu giữ các kết quả của mọi lần khám để làm căn cứ cho các giai đoạn khám thai sau này.
2. Mẹ bầu và em bé thay đổi như thế nào ở lần khám thai tuần 16?
2.1. Một số sự phát triển của em bé ở lần khám thai tuần 16
– Tuần thứ 16 trở đi, thai nhi sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển. Vào lúc này, thai 16 tuần nặng 160gram và dài khoảng 13,5cm. Đầu thai nhi sẽ hơi dựng thẳng hơn, tai và mắt ở vị trí thích hợp cuối cùng. Diện mạo của em bé đã trở nên dễ thương hơn trước rất nhiều.
– Bộ phận tim của em bé sẽ bơm khoảng 25 lít máu mỗi ngày.
– Tóc của em bé đang mọc tốt mặc dù chưa thể nhìn thấy vì đó chỉ là những sợi lông tơ.
– Dây rốn đã phát triển hoàn thiện.
– Thính giác bắt đầu phát triển, do đó đây là thời điểm tốt để bố mẹ trò chuyện với em bé trong bụng.
– Vị giác dần hình thành đầy đủ, em bé đã được tiếp xúc với các hương vị khác nhau thông qua nước ối. Do vậy, những thức ăn mà mẹ bầu sử dụng ở thời điểm này sẽ ảnh hưởng tới khẩu vị của em bé sau khi ra đời.
– Nếu em bé là bé gái thì hàng trăm ngàn trứng đang được hình thành tại buồng trứng. Nếu em bé là bé trai thì tuyến tiền liệt đang hình thành và phát triển.
Tìm hiểu thêm: Khi bị tắc tia sữa làm thế nào để xử lý ngay lập tức?
Tất cả những thay đổi của em bé có thể quan sát và theo dõi được thông qua siêu âm thai.
– Bé bắt đầu biết cho tay vào miệng, mút ngón tay. Về phần tăng trưởng, bé cũng phát triển rất đáng kể. Bộ xương dần chuyển từ dạng sụn dẻo sang các xương cứng. Điều này cho thấy em bé đang phát triển tốt. Vì vậy, mẹ bầu nên chủ ý bổ sung thêm canxi và thực đơn dinh dưỡng tốt cho bà bầu ở giai đoạn này rất quan trọng.
– Thai 16 tuần tuổi cũng là thời điểm mẹ bầu cảm nhận rõ ràng hơn về sự có mặt của em bé thông qua những chuyển động nhẹ nhàng trong bụng. Tuy nhiên, sự phát triển của mỗi em bé khác nhau nên cảm nhận của mẹ cũng sẽ khác nhau.
– Mang bầu tuần thứ 16, tháng thứ 4 của thai kỳ, em bé cũng sẽ bắt đầu hình thành các cơ quan nội tạng , cấu trúc cơ thể. Do đó, nếu mẹ không ăn uống đầy đủ có thể dễ gây ra một số dị tật bẩm sinh.
2.2. Sự thay đổi của mẹ bầu ở lần khám thai tuần 16
Sau tuần thai thứ 15 chuyển sang giai đoạn này, thai của mẹ bầu đã tăng từ 2,5kg lên 3kg. Lúc này, với những mẹ sinh con so (con đầu lòng) sẽ có thân hình gọn hơn hẳn so với những mẹ sinh con thứ.
Vào tuần mang bầu thứ 16, mẹ bầu sẽ cảm nhận rõ ràng việc tử cung gần với rốn. Lúc này, tử cung của mẹ bầu sẽ phát triển to bằng hình dạng một quả dưa lưới nhỏ. Vậy nên bụng dưới sẽ nặng hơn và bắt đầu chèn lên khung xương chậu.
Các vết rạn da ở vùng bụng, bắp tay, bắp chân, mông sẽ bắt đầu xuất hiện. Mặc dù các vết rạn này không nguy hiểm tới sức khỏe tuy nhiên sẽ phần nào làm mẹ bầu cảm thấy mất tự tin. Để khắc phục tình trạng này, mẹ có thể sử dụng một số loại kem trị rạn có chiết xuất thảo dược, lành tính, không chứa hóa chất gây hại cho mẹ bầu và thai nhi.
Hiện tượng ngủ ngáy sẽ bắt đầu xuất hiện ở mẹ bầu tuần thai thứ 16. Để duy trì một giấc ngủ chất lượng, mẹ không nên cố nằm ngủ ngửa hay ngủ sấp, mà nên thay đổi tư thế sang ngủ nghiêng, chân gác lên cao để giúp máu huyết lưu thông tới thai nhi và dễ ngủ hơn.
Vào giai đoạn này trở đi, mẹ có thể sẽ cảm thấy đói bụng nhanh do lúc này thai nhi đã phát triển lớn hơn. Lời khuyên dành cho mẹ là mẹ nên chuẩn bị sẵn một số loại thức ăn nhẹ trong tủ. Nên lựa chọn các loại thực phẩm ít chất béo, ít ngọt để hạn chế việc tăng quá nhiều cân và gây ra tiểu đường thai kỳ.
3. Một số lời khuyên dành cho mẹ bầu ở lần khám thai tuần 16
3.1. Mẹ bầu nên ăn uống như thế nào ở lần khám thai tuần 16?
Bổ sung canxi đúng cách
Một số loại thực phẩm giàu canxi có thể kể đến là: tôm đồng, sữa bò, sữa dê, cà rốt, súp lơ, sữa đậu nành,…Tuy nhiên tùy vào cơ thể mỗi mẹ mà sự hấp thu canxi từ những thực phẩm này sẽ ít hoặc nhiều.
>>>>>Xem thêm: Lựa chọn thuốc với phụ nữ cho con bú
Mẹ nên bổ sung chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe thai kỳ cho cả mẹ và bé.
Bổ sung vitamin A
Vitamin A giúp thúc đẩy sự phát triển toàn diện của thai nhi. Vitamin có nhiều trong các loại thực phẩm: trứng, cá, sữa, gan các loại động vật, các loại rau củ có màu đậm: rau muống, rau khoai lang, rau dền, khoai lang,…
Vitamin nhóm B
Vitamin này giúp tăng khả năng thèm ăn, giúp kích thích tiêu hóa tốt hơn. Đồng thời, vitamin này cũng giúp phát triển hệ bài tiết sữa của mẹ trong khi mang thai. Một số loại thực phẩm nên bổ sung như: bột mì, ngũ cốc, các loại đậu, thức ăn có nguồn gốc động vật,…
Vitamin C
Là một trong những chất quan trọng trong việc chống oxy hóa, vitamin C giúp xây dựng hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Mẹ nên bổ sung khoảng 85 miligram vitamin C mỗi ngày.
Vitamin D3
Giúp mẹ bầu hấp thụ canxi tốt hơn, tổng hợp được vitamin D trong ánh nắng mặt trời.
Ngoài ra, mẹ cũng nên bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt, kẽm. Nên tránh xa các loại đồ ăn sống, tái chín.
3.2. Một số lưu ý khác mẹ bầu cần ghi nhớ
– Nên trò chuyện hoặc hát cho em bé nghe để gia tăng sự liên kết tình cảm giữa hai mẹ con.
– Thăm khám thai định kỳ theo các mốc quan trọng mà bác sĩ chuyên khoa đề ra.
– Tham gia một số lớp học tiền sản để có các kiến thức về mang thai và sinh con.
– Có thể tập một số bài tập nhẹ nhàng giúp thư giãn và khỏe mạnh như Yoga.
– Mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ chứ không nên tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc nào.
Trên đây là những thông tin mẹ bầu cần biết về khám thai tuần 16. Nếu mẹ có bất cứ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy liên hệ với Thu Cúc TCI để được tư vấn nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.