“Mẹ bầu cần làm những xét nghiệm gì khi mang thai” là một trong những câu hỏi thắc mắc của không ít mẹ bầu, đặc biệt đối với những mẹ lần đầu mang thai. Tuy nhiên, nhiều mẹ sinh em bé lần 2, lần 3 cũng thường thắc mắc do thời gian sinh em bé đã quá lâu rồi khiến mẹ không thể nhớ được chính xác. Vậy những xét nghiệm quan trọng khi mang thai là gì, hãy tìm hiểu cùng Thu Cúc TCI trong bài viết này nhé!
Bạn đang đọc: Mẹ bầu cần làm những xét nghiệm gì khi mang thai?
1. Vì sao mẹ cần làm xét nghiệm khi mang thai?
9 tháng 10 ngày mang thai quả thực là một trải nghiệm tuyệt vời cho những ai may mắn được thực hiện thiên chức làm mẹ. Tuy nhiên, để nuôi dưỡng một em bé phát triển khỏe mạnh cho đến giây phút chào đời không phải một điều dễ dàng. Bởi vì, bất kỳ một thay đổi nhỏ trên cơ thể người mẹ cũng sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của bé. Nếu như là tác động tích cực sẽ không có vấn đề gì, còn nếu như xảy ra tác động tiêu cực và không phát hiện sớm để điều trị kịp thời, sẽ có thể ảnh hưởng đến tương lai sau này của một đứa trẻ.
Và đó cũng chính là lý do để trả lời câu hỏi: “Vì sao mẹ cần làm xét nghiệm khi mang thai?”. Việc thực hiện xét nghiệm khi mang thai sẽ giúp bác sĩ đi sâu vào phát triển từng tế bào của cả mẹ và bé, vào từng mốc thai kỳ cụ thể. Từ đó, nhanh chóng biết được con có đang phát triển khỏe mạnh hay không, có mắc phải dị tật nào hay không và bản thân mẹ có cần phải điều chỉnh gì để giúp cho sự phát triển của bé tốt hơn hay không.
Việc thực hiện xét nghiệm khi mang thai sẽ giúp bác sĩ đi sâu vào phát triển từng tế bào của cả mẹ và bé, vào từng mốc thai kỳ cụ thể
2. Mẹ bầu cần làm những xét nghiệm gì khi mang thai?
Trong quá trình mang thai, những loại xét nghiệm mà mẹ bầu cần thực hiện đó là: xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm tầm soát dị tật thai nhi, xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Đây là những loại xét nghiệm rất quan trọng và mẹ bầu bắt buộc phải thực hiện.
Có một điều mẹ cần lưu ý đó là, hầu hết các xét nghiệm sẽ cần thực hiện vào một vài mốc thời gian xác định trong thai kỳ thì mới có thể giúp mẹ theo dõi thai kỳ được tốt nhất. Do đó, nếu như mẹ bỏ lỡ mốc tuần thai quan trọng và không thực hiện thì sẽ vô cùng nguy hiểm.
2.1 Xét nghiệm máu
Khi đặt ra câu hỏi mẹ bầu cần làm những xét nghiệm gì thì không ít mẹ bầu xem nhẹ việc thực hiện xét nghiệm máu. Bởi vì, nhiều mẹ nghĩ rằng nếu như quá trình diễn ra thuận lợi và mẹ không mắc phải bệnh lý nguy hiểm thì đó chỉ là một loại giấy tờ cần có trong thủ tục. Điều này hoàn toàn sai lầm, thực chất đây là một loại xét nghiệm hết sức quan trọng. Trong một vài trường hợp, kết quả xét nghiệm máu còn mang ý nghĩa sống còn. Những lợi ích của xét nghiệm này mang lại như là:
– Đầu tiên sẽ giúp mẹ xác định được nhóm máu của mình trước khi lâm bồn bởi không ít trường hợp mẹ sẽ cần phải truyền thêm máu trong quá trình vượt cạn. Nếu như đến lúc cần thiết mới xét nghiệm thì sẽ quá muộn, đặc biệt là đối với những người có nhóm máu hiếm.
– Giúp bác sĩ nhanh chóng phát hiện ra bất thường của mẹ như là sự thiếu hụt hàm lượng sắt trong cơ thể. Khi được phát hiện sớm, mẹ có thể nhanh chóng bổ sung được kịp thời. Ngoài ra, những bệnh lý khác như là rubella, HIV, viêm gan B,… cũng sẽ được tìm ra và bác sĩ sẽ đưa cho mẹ phác đồ điều trị phù hợp.
– Quá trình đẻ mổ sẽ trở nên phức tạp hơn nếu như mẹ gặp phải các vấn đề về máu không đông. Bởi vậy, nếu như mẹ đã xét nghiệm máu và biết trước được điều này, chúng ta mới có thể chủ động đối phó với nó.
Việc xét nghiệm máu hoàn toàn diễn ra vô cùng đơn giản và không gây ra cảm giác đau đớn trong suốt quá trình thực hiện. Do đó, nếu như trong các mốc khám trong thai kỳ yêu cầu cần thực hiện xét nghiệm máu thì mẹ hãy cố gắng thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ. Lưu ý, mẹ nên thực hiện xét nghiệm này vào buổi sáng và nhịn ăn tối thiểu 8 tiếng trước khi làm xét nghiệm.
Xét nghiệm máu giúp bác sĩ nhanh chóng phát hiện ra bất thường của mẹ như là sự thiếu hụt hàm lượng sắt trong cơ thể.
2.2 Xét nghiệm nước tiểu
Việc thực hiện xét nghiệm nước tiểu trước tuần thứ 12 của thai kỳ sẽ giúp mẹ phát hiện sớm những bệnh lý nguy hiểm như: nhiễm trùng đường tiết niệu dễ dẫn đến tiền sản giật, các bệnh lý liên quan đến đường tình dục,… Nhờ đó, bác sĩ sẽ có thể can thiệp kịp thời để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của mẹ và bé.
Ngoài ra, nếu như kết quả xét nghiệm cho thấy lượng đường trong nước tiểu cao cũng là một “chỉ dẫn” quan trọng để mẹ tiếp tục tiến hành xét nghiệm dung nạp đường huyết nhằm chẩn đoán bệnh lý tiểu đường thai kỳ.
Cách thức lấy nước tiểu vô cùng đơn giản. Mẹ sẽ được phát một chiếc cốc và một chiếc khăn lâu tiệt trùng. Sau khi mẹ đã rửa sạch tay, hãy sử dụng khăn tiệt trùng lau âm hộ từ trước ra sau, tiểu một vài giây vào bồn cầu rồi đặt cốc vào giữa dòng nước chảy cho đến khi lấy đủ mẫu.
Tìm hiểu thêm: Mỗi người cần biết: Tầm soát ung thư gan là gì?
Việc thực hiện xét nghiệm nước tiểu trước tuần thứ 12 của thai kỳ sẽ giúp mẹ phát hiện sớm những bệnh lý nguy hiểm như: nhiễm trùng đường tiết niệu dễ dẫn đến tiền sản giật, các bệnh lý liên quan đến đường tình dục,..
2.3 Xét nghiệm Triple test – tầm soát trước sinh
Triple test là xét nghiệm thường sẽ được thực hiện vào khoảng thời gian từ tuần 16-18 của thai kỳ, sử dụng máu của người mẹ để tìm ra nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Những dị tật có thể phát hiện được như là: dị tật ống thần kinh, dị tật Down và hội chứng Edwards. Tuy nhiên, xét nghiệm Triple test chỉ dừng ở khả năng dự báo cho mẹ nguy cơ chứ không mang tính khẳng định. Nếu như, bác sĩ nghi ngờ mẹ có nguy cơ cao sẽ tư vấn cho mẹ tiếp tục thực hiện những xét nghiệm xâm lấn.
Triple test là xét nghiệm thường sẽ được thực hiện vào khoảng thời gian từ tuần 16-18 của thai kỳ, sử dụng máu của người mẹ để tìm ra nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
2.4 Xét nghiệm tiểu đường khi mang thai
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng gia tăng đường huyết trong thời gian mang thai và sẽ tự động biến mất sau khi em bé chào đời. Bệnh lý này không chỉ dẫn tới nguy cơ thai to mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như là: mất ổn định đường huyết, tiền sản giật, thậm chí có thể dẫn đến sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu.
Các dấu hiệu của bệnh lý tiểu đường thai kỳ thường không rõ ràng, cho nên nếu như mẹ được bác sĩ chỉ định hãy đến các bệnh viện để thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường huyết vào tuần thứ 14-28 của thai kỳ.
Để thực hiện được xét nghiệm này, mẹ sẽ cần phải nhịn ăn từ tối hôm trước, lấy máu 3 lần và chờ đợi khoảng 3 tiếng. Xét nghiệm này sẽ được thực hiện vào buổi sáng, sau khi đã lấy máu lần 1 (lúc đói), người thực hiện xét nghiệm sẽ được 75g đường glucose trong khoảng thời gian 5 phút. Hai lần lấy máu còn lại sẽ được thực hiện lần lượt 1 và 2 giờ sau khi uống nước đường.
>>>>>Xem thêm: Sự thay đổi trước và sau khi niềng răng hô, răng móm, răng xấu
Thời gian mẹ cần thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ thường dao động từ tuần 14-28
Hy vọng rằng, bài viết này của Thu Cúc TCI đã giúp mẹ trả lời được câu hỏi: “Mẹ bầu cần làm những xét nghiệm gì khi mang thai?” và hiểu rõ được mẹ sẽ cần phải thực hiện những bước quan trọng như thế nào. Mang thai, sinh con sẽ luôn là một chặng đường dài và trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Mẹ hãy cố gắng duy trì cho mình một thai kỳ khỏe mạnh, gạt bỏ được mọi lo toan và luôn giữ vững cho mình một tinh thần tích cực để sẵn sàng cho cuộc vượt cạn đang chờ mẹ ở phía trước nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.