Viêm âm đạo là căn bệnh phụ khoa không hiếm gặp ở chị em. Nguyên nhân gây ra bệnh chủ yếu là do chị em vệ sinh âm đạo chưa đúng cách hoặc do lây nhiễm từ bạn tình qua đường tình dục. Tuy là căn bệnh phổ biến nhưng phần lớn nữ giới đều chưa có nhiều kiến thức về viêm nhiễm âm đạo, tâm lý ngại ngùng và lo sợ đi khám dẫn tới những biến chứng nguy hiểm về sau.
Bạn đang đọc: Viêm âm đạo và những kiến thức chị em nên biết
1. Tìm hiểu đôi nét về tình trạng viêm âm đạo
Viêm âm đạo là hiện tượng âm đạo bị viêm nhiễm dẫn tới ngứa, tiết dịch và đau. Nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng này là do bị nhiễm trùng, sự mất cân bằng của vi khuẩn âm đạo hoặc giảm nồng độ Estrogen sau thời kỳ mãn kinh.
Viêm nhiễm âm đạo cũng có thể là do lây nhiễm qua đường tình dục hoặc do những hiểu biết sai lầm về cách vệ sinh cá nhân âm đạo (sử dụng các chất khử trùng, xà phòng có tính tẩy rửa mạnh, chất tạo mùi,…). Tuy là căn bệnh phổ biến nhưng nhiều chị em vẫn chưa nắm rõ kiến thức về viêm nhiễm âm đạo.
Đôi khi, nữ giới còn cố gắng chịu đựng và ngại ngần chần chừ chưa đi khám khiến bệnh tiến triển nhanh chóng và để lại những hệ quả đáng tiếc. Do đó, chị em cần phải nắm rõ những kiến thức cơ bản về viêm nhiễm âm đạo để có phương pháp phòng ngừa và biết cách xử trí kịp thời nếu mắc bệnh.
Viêm âm đạo là căn bệnh phụ khoa nhiều chị em gặp phải
2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm âm đạo ở chị em
2.1. Do vi khuẩn
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh viêm nhiễm âm đạo ở chị em. Thông thường, Lactobacilli là loại vi khuẩn được tìm thấy nhiều nhất trong âm đạo của phụ nữ. Nếu vi khuẩn Anaerobes nhiều hơn Lactobacilli sẽ làm đảo lộn sự cân bằng gây ra bệnh phụ khoa viêm nhiễm âm đạo.
Loại bệnh này thường liên quan tới quan hệ tình dục, nhất là nếu chị em có bạn tình mới hoặc nhiều bạn tình. Tuy nhiên, viêm nhiễm âm đạo do vi khuẩn cũng có thể xảy ra ở những người chưa từng quan hệ tình dục.
2.2. Do nhiễm nấm men
Nguyên nhân này xảy ra khi nấm Candida Albicans phát triển quá mức trong âm đạo. Loại nấm này cũng có thể gây nhiễm trùng ở những khu vực ẩm ướt khác trên cơ thể chị em, như nếp gấp dưới da, móng tay, trong miệng,…
Ngoài ra, nấm Candida Albicans cũng có thể gây hăm tã. Thông thường, loại nấm này hay xuất hiện ở những người phụ nữ đang mang thai hoặc mắc bệnh tiểu đường.
Bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc kháng sinh cũng khiến các vi khuẩn cộng sinh có ích trong âm đạo bị tiêu diệt và tạo điều kiện thuận lợi cho nấm Candida Albicans phát triển. Trên thực tế, bệnh phụ khoa do nấm Candida ít lây qua đường quan hệ tình dục nhưng nếu bệnh tái phát nhiều lần, chị em nên điều trị song song cùng với bạn tình.
2.3. Do trùng roi Trichomonas
Trùng roi Trichomonas Vagis gây ra bệnh viêm nhiễm âm đạo trong quá trình quan hệ tình dục với người bị nhiễm trùng. Ở phụ nữ, Trichomonas Vagis thường lây lan vào âm đạo và có thể gây ra một số triệu chứng. Bên cạnh đó, loại vi khuẩn này này cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác ở nữ giới.
2.4. Do vệ sinh âm đạo chưa đúng cách
Thụt rửa, thuốc xịt âm đạo, chất tẩy rửa có mùi thơm, xà phòng thơm và những sản phẩm diệt tinh trùng có thể gây dị ứng hoặc kích thích các mô âm đạo, âm hộ. Bên cạnh đó, những vật thể lạ như tampon hoặc giấy lụa bị lãng quên trong âm đạo cũng có thể làm kích ứng các mô âm đạo.
2.5. Do bị teo âm đạo
Nồng độ Estrogen giảm sau thời kỳ mãn kinh hoặc phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng có thể khiến niêm mạc âm đạo mỏng đi. Đôi khi dẫn tới kích thích âm đạo, khô và nóng rát.
2.6. Do bệnh lậu
Lậu là một trong các bệnh xã hội có tốc độ lây lan vô cùng nhanh chóng qua đường tình dục. Lậu cầu khuẩn có dạng như hạt cà phê, xếp thành từng cặp.
Tìm hiểu thêm: 4 phương pháp tầm soát ung thư tai mũi họng phải biết
Có nhiều nguyên nhân khiến chị em bị viêm nhiễm âm đạo
3. Phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả bệnh viêm âm đạo
Ngay khi xuất hiện triệu chứng bị viêm nhiễm phụ khoa, chị em cần phải nhanh chóng đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị tốt nhất. Để chẩn đoán tình trạng viêm nhiễm âm đạo, bác sĩ thường tiến hành thăm khám theo những bước sau:
– Xem lại tiền sử bệnh: Bác sĩ sẽ hỏi chị em về tiền sử nhiễm trùng âm đạo hoặc những bệnh lây truyền qua đường tình dục mà các bạn từng mắc phải.
– Tiến hành thăm khám phụ khoa: Bác sĩ sử dụng mỏ vịt để xem trong âm đạo, vùng kín của chị em có bị viêm và dịch tiết có bất thường hay không. Chị em nên lưu ý một điều rằng, không nên quan hệ tình dục, sử dụng băng vệ sinh hoặc thụt rửa trước buổi khám để bác sĩ có thể đánh giá tình trạng dịch tiết âm đạo một cách chính xác nhất.
– Thu thập mẫu để làm xét nghiệm: Trong quá trình thăm khám phụ khoa, bác sĩ có thể thu thập mẫu dịch tiết âm đạo hay cổ tử cung để tiến hành làm xét nghiệm. Kết quả sẽ giúp bác sĩ xác định được loại viêm âm đạo mà chị em đang mắc phải.
– Kiểm tra độ pH âm đạo: Bác sĩ sẽ dùng que thử độ pH hoặc giấy đo độ pH ở thành âm đạo. Độ pH tăng cao có nghĩa là khả năng chị em bị nhiễm trùng âm đạo do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng đơn bào Trichomonas. Tuy nhiên, bác sĩ thường khuyên chị em nên làm thêm những xét nghiệm khác trước khi đưa ra chẩn đoán cuối cùng.
Tùy thuộc vào loại viêm âm đạo, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất với từng trường hợp cụ thể. Theo đó, thuốc điều trị viêm nhiễm âm đạo có thể dùng tại chỗ hoặc theo đường uống.
Viêm nhiễm âm đạo là căn bệnh phụ khoa khó nói của nữ giới. Do đó, chị em cần phải chủ động đi khám nếu xuất hiện triệu chứng bệnh hoặc chủ động đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/ lần để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
>>>>>Xem thêm: Các dấu hiệu chuyển dạ mẹ bầu nên “thuộc lòng”
Chị em nên đi khám bác sĩ nếu có biểu hiện bị viêm nhiễm âm đạo
Quy tụ đội ngũ bác sĩ Sản Phụ khoa giàu kinh nghiệm và hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại, Hệ thống Y Tế Thu Cúc TCI là địa chỉ thăm khám, tư vấn, chăm sóc, điều trị các bệnh phụ khoa hiệu quả cho chị em. Ngoài viêm âm đạo, Thu Cúc TCI còn điều trị những bệnh phụ khoa khác như u xơ tử cung, viêm lộ tuyến cổ tử cung, rối loạn kinh nguyệt, lạc nội mạc tử cung, bệnh ở tuyến vú,…
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.