Viễn thị, cận thị hay loạn thị đều là những bệnh lý quá quen thuộc trong đời sống hiện nay ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Khác với cận thị hoặc loạn thị, viễn thị thường ít được nhắc tới hơn ở những đối tượng ít tuổi vì hay bị nhầm lẫn với lão thị và được gắn liền với người lớn tuổi. Sự thật thì bệnh viễn thị cũng có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, thậm chí là bẩm sinh. Vậy tật viễn thị hình thành do đâu?
Bạn đang đọc: Bệnh viễn thị hình thành do đâu?
1. Nguyên lý tạo nên tật viễn thị và những biểu hiện thường gặp
Bệnh viễn thị là một trong số 3 tật khúc xạ mắt thường gặp, bao gồm cận thị, viễn thị và loạn thị. Tình trạng này ảnh hưởng đến khoảng 10-30% dân số thế giới.
1.1 Đặc điểm cấu tạo mắt của người bệnh viễn thị
Mắt bị bệnh viễn thị có tiêu điểm ảnh nằm sau võng mạc
Thông thường ở đôi mắt khỏe mạnh, giác mạc mỗi cá nhân sẽ luôn có độ cong nhất định và độ dài trục nhãn cầu phù hợp để khi ánh sáng đi vào mắt thì tiêu điểm hình ảnh sẽ xuất hiện ở vị trí đúng trên võng mạc. Từ đó tạo nên hình ảnh sắc nét, rõ ràng của vật thể. Chính vì vậy, chúng ta có thể hiểu rằng chỉ cần 2 yếu tố không đúng chuẩn là độ cong giác mạc (cong quá hoặc dẹt quá) và độ dài trục nhãn cầu (quá ngắn hoặc quá dài) thì sẽ gây nên các tật khúc xạ khác nhau với các mức độ khác nhau.
Cụ thể trong trường hợp người bệnh bị viễn thị, độ cong của giác mạc thường thấp hay còn được gọi là tình trạng giác mạc dẹt và trục nhãn cầu ngắn. Lúc này khi ánh sáng đi vào mắt, điểm hội tụ của tia sáng (tiêu điểm của hình ảnh) sẽ nằm phía sau của võng mạc. Vì thế người bệnh viễn thị sẽ gặp nhiều khó khăn, không thể thấy rõ nét khi tập trung nhìn những sự vật ở gần, mà lại có thể nhìn rất rõ những vật thể đang ở xa. Tóm lại về cơ bản, bệnh viễn thị hoàn toàn ngược lại với cận thị, tuy nhiên cả 2 tật này khi để lâu ngày đều có thể dẫn đến tình trạng nhược thị.
1.2 Khi nào được coi là bị bệnh viễn thị?
Viễn thị là tình trạng bệnh lý có biểu hiện rất đặc trưng là khiến cho người bệnh nhìn mờ những vật ở ngay gần như đọc sách, nhìn các chi tiết trên đồ vật,…, nhưng lại có thể nhìn rõ nét những sự vật ở khoảng cách xa.
Mỗi người bệnh sẽ có thể gặp phải những triệu chứng bệnh khác nhau. Tuy nhiên, dưới đây là những triệu chứng tiêu biểu, thường gặp nhất của tình trạng viễn thị:
– Thường phải nheo mắt khi làm việc, đọc chữ ở khoảng cách gần nhưng họ vẫn có thể nhìn xa rất tốt.
– Hay có cảm giác nhức mỏi mắt khi tập trung nhìn vật ở gần.
– Đau nhức vùng hốc mắt, thậm chí có thể phát triển thành đau đầu.
– Ở một số trường hợp có thể xảy ra hiện tượng lòng đen quay vào trong, lé trong.
Về những con số cụ thể và mang tính đo lường trong điều trị và chẩn đoán, mắt được coi là bị bệnh viễn thị khi có khúc xạ cầu ≥ +2,0D sau liệt điều tiết (chỉ số
Các độ viễn và mức độ tương ứng:
– Nhẹ: ≤ +2,75D
– Vừa: +3,0D – +4,75D
– Nặng: ≥ +5,00D
Trẻ em bị viễn thị từ nhẹ đến vừa có thể nhìn xa mà không cần đeo kính vì các cơ và thấu kính ở mắt có thể nhìn rất tốt và có thể khắc phục được.
2. Viễn thị và lão thị là 2 loại bệnh khác nhau
Tìm hiểu thêm: Giải đáp: Rách giác mạc bao lâu thì khỏi hẳn?
Mọi lứa tuổi đều có thể bị viễn thị, ngay cả trẻ sơ sinh
Hầu hết chúng ta đều hay có quan niệm bệnh viễn thị là bệnh của người già, càng lớn tuổi càng dễ bị viễn thị. Sự thật là mặc dù có biểu hiện gần như tương tự nhau nhưng viễn thị và lão thị là 2 bệnh khác nhau và có cơ chế hình thành bệnh khác nhau.
Đối với viễn thị như chúng ta đã đề cập bên trên, đây là một tật khúc xạ gây ra do sự sai lệch trong cấu tạo mắt. Nhưng lão thị lại khác, đây là một bệnh lý xuất hiện do sự lão hóa tự nhiên của mắt. Mặc dù chưa có cơ chế cụ thể như viễn thị, qua nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng chính việc lão hóa, xơ cứng của thủy tinh thể làm giảm sự đàn hồi, khiến mắt khó có thể điều tiết là nguyên nhân gây nên tình trạng này.
Không như lão thị xuất hiện do lão hóa mắt nên độ tuổi bị bệnh thường gặp là từ 40 tuổi trở lên, đôi khi có trường hợp mắc bệnh sớm hơn hoặc muộn hơn, nhưng không quá nhiều, viễn thị có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và có thể bị bẩm sinh. Hầu hết trẻ em khi mới sinh đều mắc tật viễn thị, tuy nhiên lớn dần lên thì tật này sẽ cải thiện dần và trở thành mắt chính thị. Trẻ khi lớn đến 2 – 3 tuổi, độ viễn khoảng 3 độ nhưng có một số trường hợp ở tuổi này, mắt trẻ không hoặc ít phát triển thì trẻ sẽ tiếp tục bị viễn thị còn gọi là viễn thị bẩm sinh.
3. Viễn thị và một số cách điều trị
Riêng ở trường hợp viễn thị ở trẻ nhỏ thì không cần điều trị vì mắt của trẻ còn khá linh hoạt nên tình trạng viễn thị sẽ được cải thiện dần dần theo thời gian. Lúc này trẻ cần được khuyến khích các hoạt động liên quan đến thị giác để tăng độ khúc xạ của thể thủy tinh từ đó giảm độ viễn thị (cận thị hóa viễn thị), như vẽ tranh, tô màu, đọc truyện tranh, truyện chữ.
Đối với người lớn bị bệnh viễn thị, có khá nhiều cách có thể giúp người bệnh cải thiện thị lực từ tạm thời đến vĩnh viễn:
– Đeo kính gọng/kính áp tròng thường: đây là phương pháp cải thiện thị lực đơn giản, tiết kiệm và phổ biến nhất nhưng chỉ có tác dụng tạm thời ngay tại thời điểm sử dụng, không có giá trị điều trị bệnh lý.
>>>>>Xem thêm: Bí quyết bảo vệ cho đôi mắt luôn sáng khỏe
Cơ chế của kính Ortho-K
– Đeo kính áp tròng Ortho-K: đây là phương pháp khá mới trong cải thiện và điều trị tật khúc xạ. Người bệnh đeo loại kính áp tròng đã được thiết kế phù hợp trong khi ngủ để điều chỉnh độ cong giác mạc. Khi ngủ dậy và tháo kính, tình trạng viễn thị đã được khắc phục tạm thời và duy trì trong suốt cả ngày mà không cần sử dụng thêm bất cứ loại kính nào khác.
– Phẫu thuật: đây là phương pháp giúp điều trị hoàn toàn tật viễn thị, tuy nhiên chi phí cao hơn các phương pháp khác.
Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin cơ bản mà bạn đang tìm kiếm. nếu có thắc mắc, cần tư vấn hay đặt lịch thăm khám mắt, hãy liên hệ Thu Cúc TCI để được hỗ trợ nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.