Tuy chỉ có tỷ lệ mắc là 7/100.000 người, bệnh xuất huyết dịch kính vẫn là một trong những nguyên nhân phổ biến gây suy giảm thị lực trầm trọng ở người Việt Nam. Vậy, xuất huyết dịch kính là gì, nguyên nhân, tiến trình phát triển, dấu hiệu nhận biết, biến chứng và điều trị xuất huyết dịch kính ra sao? Thu Cúc TCI xin chia sẻ với bạn những thông tin ấy trong bài viết sau đây.
Bạn đang đọc: Bệnh xuất huyết dịch kính: Tiềm ẩn nguy cơ mù lòa vĩnh viễn
1. Khái niệm xuất huyết dịch kính
Dịch kính nằm phía sau thủy tinh thể, có thành phần 99% là nước, 1% là collagen và acid hyaluronic, kết hợp tạo thành một thể thống nhất gọi là dung dịch keo. Dung dịch này nằm trong khoang mắt, được nuôi dưỡng bởi hệ thống mạch máu của võng mạc. Xuất huyết dịch kính là tình trạng khoang chứa dịch kính bị máu xâm nhập.
Có 2 loại xuất huyết dịch kính là: Xuất huyết ngoài khối dịch kính và xuất huyết trong dịch kính.
1.1. Xuất huyết ngoài khối dịch kính
– Xuất huyết trước dịch kính: Là tình trạng xuất huyết dịch kính trong đó máu đọng trong khoang giữa thể thủy tinh và màng Hyaloid. Màng Hyaloid còn nguyên, máu không tràn vào trong dịch kính.
– Xuất huyết sau dịch kính: Là tình trạng xuất huyết dịch kính trong đó máu đọng giữa màng Hyaloid sau và màng ngăn trong võng mạc, tạo thành một bọc máu, trong giai đoạn sớm. Sau đó, khi màng Hyaloid vỡ, máu tràn vào buồng dịch kính.
1.2. Xuất huyết trong dịch kính
– Xuất huyết từng phần: Có thể soi đáy mắt qua phần dịch kính để tìm thấy nguyên nhân gây bệnh xuất huyết dịch kính,
– Xuất huyết toàn phần: Không thể soi đáy mắt, bởi toàn bộ buồng dịch kính đầy máu, gây hiện tượng nhồi máu dịch kính.
2. Nguyên nhân khởi phát bệnh xuất huyết dịch kính
Xuất huyết dịch kính có 3 nguyên nhân phát sinh chính, có thể kể đến như sau:
– Tổn thương mạch máu trong mắt: Mạch máu trong võng mạc bị tổn thương, máu từ những mạch máu tổn thương đó rò rỉ vào khoang mắt.
– Mạch máu bất thường tăng sinh: Một số bệnh lý khác (thoái hóa điểm vàng, đái tháo đường,…) có thể gây tăng sinh mạch máu bất thường. Những mạch máu này dễ vỡ, gây rò rỉ máu vào khoang mắt.
Tăng sinh mạch máu bất thường có thể gây xuất huyết dịch kính
– Xuất huyết bộ phận khác của mắt: Một bộ phần khác của mắt bị tổn thương và xuất huyết cũng có thể gây xuất huyết dịch kính. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh lý xuất huyết võng mạc phát sinh do nguyên nhân này rất thấp.
3. Diễn biến xuất huyết dịch kính
Máu trong dịch kính được làm sạch với tốc độ khoảng 1%/ngày, còn máu ngoài dịch kính thì được tiêu biến nhanh hơn. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tuổi tác bệnh nhân và nguyên nhân sinh xuất huyết võng mạc, tốc độ tiêu biến của máu sẽ khác nhau. Theo đó, tốc độ tan máu ở bệnh nhân trẻ tuổi nhanh hơn bệnh nhân cao tuổi. Và tốc độ tan máu ở bệnh nhân xuất huyết dịch kính do thoái hóa điểm vàng, đái tháo đường,… chậm hơn bệnh nhân còn lại.
4. Dấu hiệu nhận biết xuất huyết dịch kính
Dấu hiệu nhận biết bệnh xuất huyết dịch kính rất đa dạng. Tuy nhiên, nhìn chung chúng đều dễ nhận biết. Theo đó:
– Bệnh nhân xuất huyết dịch kính giai đoạn nhẹ thường thấy ruồi bay, mạng nhẹn hay sương mù, vệt đỏ,… trong tầm nhìn.
– Bệnh nhân xuất huyết dịch kính giai đoạn nặng sẽ suy giảm thị lực, đặc biệt vào buổi sáng. Bởi sau một đêm, máu trong mắt người bệnh lắng xuống, che phủ võng mạc và điểm vàng.
Tìm hiểu thêm: Điều trị bệnh lý viêm kết giác mạc sợi như thế nào?
Bệnh nhân xuất huyết dịch kính giai đoạn nhẹ thường thấy ruồi bay trong tầm nhìn
5. Biến chứng bệnh lý xuất huyết dịch kính
Bệnh lý xuất huyết dịch kính nếu không được phát hiện và điều trị trong vòng một năm, bệnh nhân có thể gặp phải những biến chứng sau:
– Bệnh nhiễm độc sắt: Đây là biến chứng nghiêm trọng của bệnh lý xuất huyết dịch kính. Tình trạng nhiễm độc sắt sẽ phá vỡ tế bào máu hemoglobin, sắt tồn động tại các bộ phận của mắt, như: Giác mạc, mống mắt, thủy tinh thể, võng mạc,… làm mống mắt biến đổi màu, khiến võng mạc rối loạn chức năng.
– Tăng sinh dịch kính võng mạc: Không kiểm soát hiệu quả sẽ gây sẹo võng mạc hoặc thậm chí là bong võng mạc.
– Tăng nhãn áp góc mở: Kênh thoát dịch bị tế bào máu trong khoang mắt bịt kín. Khi dịch không thoát được, sẽ làm tăng áp lực trong mắt, gây tăng nhãn áp góc mở.
6. Điều trị bệnh lý xuất huyết dịch kính
6.1. Chẩn đoán
Khi những dấu hiệu nhận biết bệnh xuất huyết dịch kính xuất hiện, bệnh nhân cần tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia ngay.
>>>>>Xem thêm: Dùng kháng sinh đau mắt đỏ: loại nào nên và không nên?
Bệnh nhân xuất huyết dịch kính cần tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia
Tại đó, trước hết, bệnh nhân sẽ được thăm khám bằng cách: Soi đáy mắt trực tiếp và gián tiếp kèm ấn đè củng mạc, soi góc tiền phòng, đo nhãn áp và siêu âm B toàn bộ bán phần sau.
6.2. Điều trị
Đối với trường hợp xuất huyết dịch kính mức độ nhẹ: Bệnh có thể biến mất sau một vài tuần mà không cần can thiệp y tế. Đối với trường hợp chuyên gia nhãn khoa đánh giá không thể tự phục hồi, người bệnh sẽ được điều trị bằng phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa.
6.2.1. Nội khoa
Điều trị nội khoa xuất huyết dịch kính bao gồm những chỉ định sau:
– Nằm nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường, đặt cao 30 – 45 độ, tạo điều kiện cho hồng cầu lắng đọng,
– Sử dụng kháng sinh để phối hợp điều trị chấn thương. Sử dụng corticoid chống viêm. Dùng dung dịch tra mắt chống dính đồng tử.
– Tái khám mỗi 2 – 5 ngày/lần để kiểm soát nguy cơ bong võng mạc. Sau đó, tần suất tái khám có thể giảm xuống 1 – 2 tuần cho đến khi tình trạng bệnh được kiểm soát.
6.2.2. Ngoại khoa
Trong 3 trường hợp sau, điều trị phẫu thuật bằng cắt dịch kính xuất huyết sẽ được chỉ định cho bệnh nhân: Xuất huyết dịch kính dày đặc, kéo dài, không có khả năng tự tiêu máu; xuất huyết dịch kính kèm bong võng mạc; xuất huyết dịch kính kèm tăng nhãn áp.
Như vậy, bệnh xuất huyết dịch kính là tình trạng mạch máu hoặc một bộ phần nào đó khác của mắt xuất huyết, huyết này rò rỉ vào dịch kính. Xuất huyết dịch kính không được kiểm soát tích cực, dễ dẫn đến suy giảm thị lực. Chính vì vậy, khi các triệu chứng bệnh xuất hiện, bạn cần đến ngay cơ sở y tế uy tín gần nhất để được hỗ trợ xử lý xuất huyết dịch kính sớm.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.