Tật khúc xạ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, học tập và lao động của người bệnh. Nếu như trước đây, để người bệnh cải thiện thị lực chỉ có giải pháp đeo kính gọng, kính áp tròng hoặc phẫu thuật thì nay đã có thêm giải pháp cải thiện thị lực mà vẫn đảm bảo thẩm mỹ, đó là kính Ortho K. Nhờ phương pháp này, thị lực của người bệnh sẽ đươc cải thiện tức thì, duy trì trong suốt cả ngày mà không cần phải đeo bất cứ loại kính hỗ trợ nào khác. Cùng tìm hiểu giải pháp vượt trội này nhé!
Bạn đang đọc: Kính Ortho K – cải thiện tật khúc xạ ngay trong lúc ngủ!
1. Sự vượt trội so với các loại kính cải thiện thị lực khác
Kính Ortho K có thể điều chỉnh các tật khúc xạ gồm viễn thị, loạn thị và chủ yếu là cận thị.
Cuộc sống càng phát triển, hiện đại với sự tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị điện tử ngay cả khi làm việc hoặc giải trí khiến cho số lượng người mắc tật khúc xạ ngày càng tăng. Điều này dấy lên nhu cầu tìm kiếm giải pháp cải thiện thị lực hiệu quả, nhanh gọn mà vẫn tiết kiệm.
Trước đây, chúng ta từng quá quen thuộc với việc đeo kính gọng hoặc hiện đại hơn là đeo kính áp tròng. Các kính này đều có ưu điểm là chi phí rẻ, tuy nhiên rất vướng víu và đôi lúc còn gây phiền cho người sử dụng: kính gọng gây mất thẩm mỹ, còn kính áp tròng không được đeo quá lâu vì có thể làm khô mắt.
Mặc dù cũng cải thiện tật khúc xạ tạm thời nhưng Ortho-K là giải pháp mới giúp khắc phục được một số nhược điểm mà các loại kính đã nêu bên trên mắc phải. Không còn mất thẩm mỹ và vướng víu như kính gọng, vẫn thoải mái suốt cả ngày không khiến mắt nhạy cảm hay phải tháo ra khi bơi lội như kính áp tròng mềm
Người bệnh chỉ cần đeo kính Ortho K đi ngủ trong ít nhất là 7 – 8 tiếng, trong thời gian này kính sẽ giúp điều chỉnh lại giác mạc theo đúng khuôn kính đã được chế tạo riêng. Khi ngủ dậy và tháo kính, mắt bạn sẽ có được thị lực 20/20, duy trì suốt cả ngày mà không cần phải đeo kính hỗ trợ nên cực kì tiện lợi và giúp bạn tự tin hoạt động hết mình.
2. Những đặc trưng nổi bật của kính Ortho K
– Chỉ cần đeo vào ban đêm
Ngược lại với kính áp tròng mềm thông thường, kính áp tròng cứng Ortho-K được chỉ định đeo khi ngủ với giấc ngủ kéo dài ít nhất 7 tiếng để đem lại hiệu quả điều chỉnh thị lực và không cần phải đeo vào ban ngày.
– Cần thời gian ổn định để đạt hiệu quả tối đa
Khi mới đeo kính Ortho-K lần đầu, người bệnh sẽ chưa thể đạt được thị lực 20/20 ngay mà cần một khoảng thời gian khoảng từ 1 đến 4 tuần để định hình giác mạc một cách ổn định. Thời gian để giác mạc thích nghi lâu hay nhanh tùy thuộc vào độ khúc xạ ban đầu của mắt, đối với mắt có độ cận thấp, thị lực có thể đạt mức tối đa chỉ sau vài ngày.
– Tính khả hồi
Không như phẫu thuật là mang tính điều trị vĩnh viễn, kính Ortho K chỉ có tác dụng điều chỉnh giác mạc tạm thời, tuy nhiên thời gian duy trì sẽ kéo dài lên đến hơn 12 giờ sau khi tháo kính và sau đó thị lực sẽ kém dần về độ khúc xạ ban đầu theo thời gian, do vậy bệnh nhân sẽ cần đeo kính Ortho-K đều đặn hàng tối để mắt luôn có thị lực tốt mỗi ngày.
– Hiệu quả nhất với độ khúc xạ từ nhẹ đến trung bình
Tùy thuộc vào các hãng kính khác nhau, ngưỡng điều trị của Ortho-K có thể lên tới -10 diop cận thị và -3 diop loạn thị. Tuy nhiên, kính sẽ phát huy hiệu quả tối ưu với mắt có độ cận từ -1 diop đến -4 diop và loạn thị không quá -1 diop.
3. Cơ chế cải thiện thị lực của kính Ortho K
3.1 Khả năng định hình giác mạc
Tìm hiểu thêm: Giải đáp thắc mắc khi cắt kính loạn: Loạn 2 độ có nặng không?
Cơ chế định hình giác mạc của kính Ortho K
Kính Ortho-K hay còn gọi là Orthokeratology, là loại kính áp tròng cứng có khả năng thấm khí được thiết kế với độ cong đặc biệt cho từng tình trạng mắt của mỗi người bệnh. Chất liệu để làm nên những chiếc kính này cần đủ độ cứng, để định hình lại giác mạc, nhưng cũng cần phải thấm khí, cho phép oxy đi xuyên qua để đảm bảo mắt luôn khỏe mạnh. Tựu chung, kính được đảm bảo mọi yếu tố để có thể đeo vào ban đêm, trong suốt thời gian ngủ và tháo ra vào sáng hôm sau.
Cơ chế hoạt động của kính áp tròng cứng này là như một chiếc khuôn, định hình lại giác mạc bị cong quá mức theo hình dạng được thiết sẵn, làm phẳng trung tâm giác mạc, từ đó giúp ánh sáng hội tụ vào đúng vị trí trên võng mạc. Nhờ đó khi tháo kính ra, người bệnh có thể nhìn thấy rõ ràng mọi vật trong một khoảng thời gian nhất định mà không cần phụ thuộc vào bất cứ loại kính hỗ trợ nào khác.
Để tạo nên một đôi kính Ortho K dành riêng cho bạn, các bác sĩ nhãn khoa sẽ chụp hình bản đồ địa hình giác mạc, đo các thông số bề mặt của giác mạc bằng giác mạc kế và sau đó thiết kế một kính riêng biệt, phù hợp với độ khúc xạ mắt của bạn. Quá trình thăm khám này không tiếp xúc trực tiếp với mắt và cũng không gây đau đớn, khó chịu cho người bệnh.
3.2 Mục đích hàng đầu của kính Ortho K
Mục đích đầu tiên của việc sử dụng bất kì loại kính điều chỉnh khúc xạ nào cũng là để cải thiện thị lực cho mắt và Ortho K cũng vậy. Nhờ những ưu điểm vượt trội mà Ortho K hiện nay là phương pháp được nhiều người bị tật khúc xạ, nhất là những người bệnh ở độ tuổi còn trẻ lựa chọn.
>>>>>Xem thêm: 6 thực phẩm giúp cải thiện thị lực. Bạn đã biết?
Kính Ortho K giúp người bệnh không còn phải phụ thuộc vào kính gọng, kính áp tròng suốt cả ngày
Ngoài ra, Ortho K còn được nhiều chuyên gia nhãn khoa khuyến nghị sử dụng để kiểm soát sự tiến triển cận thị cho trẻ em. Đeo kính áp tròng cứng định hình giác mạc đều đặn đem lại tác dụng ức chế quá trình tăng trưởng của cận thị, rất phù hợp với các trường hợp trẻ em có tiển triển cận thị nhanh. Việc hạn chế tăng độ cũng sẽ giúp đôi mắt non nớt của trẻ giảm nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm khi bị tật khúc xạ nặng như bong võng mạc, nhược thị, thoái hoá hoàng điểm,…
Phương pháp này cho hiệu quả cao và giúp làm chậm quá trình tăng độ cận từ 50 – 90% nhưng nếu ngừng sử dụng thì tật khúc xạ của người bệnh vẫn trở lại trạng thái cũ.
3.3 Đối tượng phù hợp sử dụng kính Ortho K
– Người có độ cận, loạn thị nằm trong ngưỡng có thể điều trị của kính Ortho-K (dưới 10 độ cận và dưới 3 độ loạn).
– Các trường hợp có tiến triển cận thị nhanh nhưng chưa đủ tuổi để phẫu thuật, có thể dùng Ortho K để ngăn việc tăng độ.
– Trẻ em từ 7 tuổi trở lên bị tật khúc xạ, đủ khả năng chủ động và phối hợp tốt với bố mẹ, bác sĩ khi thăm khám.
– Người mắc phải bệnh lý giác mạc chóp.
– Trẻ em có độ khúc xạ cao, cần hạn chế tăng độ để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm sau này.
– Người bị tật khúc xạ có thị lực chỉnh kính thấp.
– Người bị cận thị/viễn thị lệch dùng kính để giảm mức độ chênh lệch giữa 2 mắt.
– Người bị tật khúc xạ không đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật hoặc đã từng phẫu thuật điều trị tật khúc xạ.
Hy vọng những thông tin trên đây về kính Ortho K đã phần nào cung cấp thêm cho bạn một giải pháp mới hữu ích trong điều trị tật khúc xạ. Để xác định mình có đủ điều kiện thực hiện phương pháp này không, hãy đến ngay bệnh viện chuyên khoa mắt để được thăm khám chi tiết nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.