Bệnh viêm bờ mi thường gặp ở rất nhiều người hiện nay, ảnh hưởng không nhỏ tới thị lực cũng như sinh hoạt của người bệnh. Cùng tìm hiểu về dấu hiệu và cách điều trị của bệnh để có thể chủ động thăm khám, điều trị sớm giúp ngăn ngừa nguy cơ biến chứng.
Bạn đang đọc: Bệnh viêm bờ mi: Dấu hiệu nhận biết và nguyên tắc điều trị
1. Bệnh viêm bờ mi là gì?
Bệnh viêm bờ mi là hiện tượng viêm nhiễm xảy ra ở biểu bì của bờ tự do mi mắt. Đây là bệnh thường gặp, liên quan tới mi mắt và sự phát triển của lông mi. Viêm bờ mi chủ yếu hình thành do tăng tiết bã nhờn khiến vi khuẩn và các tác nhân có hại dễ dàng trú ngụ gây bệnh. Các tuyến bã nhờn ở mắt bị bít tắc sẽ gây kích ứng và ngứa ở vùng mắt.
Ngoài ra, bệnh cũng có thể hình thành do sự ảnh hưởng của khuẩn Staphylococcus, khiến vùng bã nhờn và mi mắt bị tổn thương nghiêm trọng.
Viêm và các biểu hiện của bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe mắt và còn có thể cản trở tầm nhìn. Nếu tổ chức viêm sưng nề to thì sẽ gây mất thẩm mỹ của khuôn mặt và làm giảm sự tự tin khi giao tiếp của mọi người.
Bệnh viêm bờ mi là hiện tượng viêm nhiễm xảy ra ở biểu bì của bờ tự do mi mắt
2. Nguyên nhân gây viêm bờ mi
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính gây viêm bờ mi được xác định là do các yếu tố như vi khuẩn, khô mắt hoặc rối loạn chức năng tuyến bã nhờn ở mắt… Cụ thể:
– Vi khuẩn: Các loại vi khuẩn gây bệnh thường là Staphylococcus, virus như herpes simplex, varicella zoster… tấn công vào vùng bờ mi mắt khi gặp các điều kiện thuận lợi. Chúng lợi dụng khi cơ thể suy giảm đề kháng, vệ sinh kém để tấn công và trú ngụ ở vùng bờ mi mắt. Viêm khiến mắt sưng và đỏ tấy, cộm mắt và cản trở tầm nhìn.
– Rối loạn tuyến bã nhờn: Các tuyến bã nhờn nằm sâu trong các tấm sụn mi của mí mắt, đảm nhiệm chức tiết dầu của màng trước mắt. Lớp dầu sẽ giúp ngăn nước mắt bay hơi và giảm sức căng bề mặt của nước mắt. Nhờ có tuyến bã nhờn, mắt được bôi trơn để hoạt động, chớp, mở mắt bình thường. Khi tuyến bã nhờn này bị rối loạn, tình trạng viêm nhiễm ở bờ mi có thể xảy ra khiến người bệnh thường xuyên khó chịu vì sưng, ngứa.
– Ngoài ra, dị ứng cũng có thể là nguyên nhân hình thành bệnh, đặc biệt là khi sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng bởi vùng mắt khá nhạy cảm.
– Phản ứng phụ của các loại thuốc điều trị bệnh toàn thân cũng có thể khiến bờ mi mắt dễ bị kích ứng và viêm nhiễm.
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp cụ thể để điều trị viêm bờ mi giúp cho quá trình điều trị diễn ra nhanh và đạt hiệu quả cao hơn.
3. Dấu hiệu viêm bờ mi
Bệnh lý viêm bờ mi xảy ra ở vùng bờ mi mắt nên mọi người thường có các dấu hiệu khi mắc bệnh như:
– Đau, rát mí mắt
– Đau lan sang cả mắt
– Mắt cộm
– Đóng vảy ở mí mắt
– Cảm giác dị vật ở mắt
– Ngứa, khó chịu ở mắt
– Sưng to bờ mi
– Mắt khó nhìn, nhìn mờ
– Nhạy cảm với ánh sáng
– Đỏ mắt, chảy nước mắt
– Lông mi dễ gãy rụng…
Tìm hiểu thêm: Bé bị lác mắt: Dấu hiệu và cách chẩn đoán
Sưng tấy, đau rát mí mắt là dấu hiệu thường thấy ở những người mắc viêm bờ mi
Để chẩn đoán xác định chính xác bệnh, các bác sĩ thăm khám kỹ càng vùng mí mắt và lông mi. Nếu không điều trị sớm, viêm bờ mi sẽ tiến triển thành mạn tính, ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt của người bệnh. Đồng thời, việc điều trị cũng sẽ phức tạp và tốn kém thời gian cũng như chi phí.
Vì vậy, mọi người cần đi khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu kể trên. Nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, quy tụ đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giỏi, hệ thống máy móc hiện đại để đảm bảo an toàn, hiệu quả.
4. Điều trị viêm bờ mi mắt
4.1 Viêm bờ mi nhẹ
Nguyên tắc điều trị bệnh viêm bờ mi mắt ở giai đoạn đầu, thể nhẹ cụ thể như sau:
– Vệ sinh mắt để loại bỏ bụi bẩn và giảm bớt tác nhân gây bệnh ở vùng bờ mi. Bác sĩ sẽ sử dụng gạc sạch và nước muối sinh lý để lau nhẹ vùng bờ mi.
– Massage nhẹ vùng mí mắt và chườm ấm bằng đầu ngón tay để kích thích mạch máu lưu thông, tăng bài tiết giúp giảm thiểu tình trạng viêm bờ mi. Lưu ý, cần vệ sinh tay thật sạch trước khi massage bờ mi mắt.
– Nhỏ nước mắt nhân tạo có thể cải thiện tình trạng khô mắt, giảm nóng rát, chảy nước mắt… Nước mắt nhân tạo nên được sử dụng khi có sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả cao nhất.
Nếu điều trị bằng các phương pháp trên mà vẫn không thuyên giảm thì cần tới ngay các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Bác sĩ có thể chỉ định bằng phương pháp chuyên sâu và phức tạp hơn để cải thiện tình trạng viêm bờ mi. Tuy vậy, càng để lâu thì khả năng phục hồi sau khi điều trị càng giảm, do vậy mọi người nên thăm khám sớm để đạt hiệu quả điều trị tốt.
4.2 Viêm bờ mi trung bình – nặng
Đối với bệnh ở mức độ từ trung bình đến nặng, bác sĩ thường sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc. Các loại thuốc được dùng để điều trị bệnh viêm bờ mi thường là thuốc mỡ kháng sinh, kháng sinh đường uống, thuốc chống viêm, thuốc nhỏ mắt kê đơn…
Những loại thuốc này có thể làm giảm tình trạng viêm nhiễm một cách hiệu quả nhưng cần lưu ý là chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự uống thuốc tại nhà. Ngoài ra, người bệnh cần sử dụng thuốc đúng cách theo thời gian và liều lượng như đã hướng dẫn. Nếu phát hiện các dấu hiệu dị ứng, phản ứng với các thành phần của thuốc thì cần phải báo ngay với bác sĩ để được xử trí đúng cách.
>>>>>Xem thêm: Đi khám vì mỏi mắt, tá hỏa phát hiện đục thủy tinh thể độ 3
Điều trị viêm bờ mi tuỳ theo mức độ cũng như thể trạng của người bệnh và được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa
Ngoài ra, người bệnh cũng cần xây dựng một chế độ sống lành mạnh, vệ sinh và chăm sóc mắt đúng cách để có thể tăng khả năng hồi phục trong quá trình điều trị bệnh viêm bờ mi. Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường như nóng rát ở mắt, chảy nhiều nước mắt, đau mắt dữ dội, thị lực suy giảm nghiêm trọng thì cần phải đi khám ngay để được bác sĩ xử trí đúng cách.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.