Mắt lé do đâu? Làm sao để cải thiện?

Mắt lé là tình trạng về mắt không khó để bắt gặp, đặc biệt là ở trẻ em. Bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đến thị lực mà còn làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ trên khuôn mặt của người bệnh. Vậy, lé mắt là do đâu và làm sao để cải thiện? Nếu bạn đang quan tâm đến vấn đề này thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé!

Bạn đang đọc: Mắt lé do đâu? Làm sao để cải thiện?

1. Lé mắt là gì?

Bệnh lé (hay lác mắt) là tình trạng hai mắt khi nhìn không thẳng hàng (một mắt lệch so với mắt còn lại). Một mắt có thể nhìn thẳng, mắt kia nhìn vào trong, ra ngoài, xuống dưới hoặc lên trên. Sự chuyển hướng của mắt có thể là cố định hoặc tạm thời. Mắt nhìn thẳng và mắt nhìn lệch có khả năng thay đổi hoặc luân phiên nhau.

Lé mắt có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em nhiều hơn.

Mắt lé do đâu? Làm sao để cải thiện?

Lé mắt có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em nhiều hơn

Người bị lé thường rất dễ nhận biết thông qua các triệu chứng sau:

– Triệu chứng thực thể: Khi soi gương hoặc nhìn đối diện thấy con ngươi mắt bị lệch. (Tuy nhiên, cũng có trường hợp lé ẩn phải khám chuyên khoa mới phát hiện ra được)
– Triệu chứng chủ quan: Mỏi mắt thường xuyên; Nhìn tập trung kém; Hay vấp ngã; Làm việc không chính xác; Bên bị lé thường nhìn mờ hơn bên không lé; Hay nhìn nghiêng đầu; Nhìn song thị (nhìn 1 thành 2);…

2. Mắt lé do đâu?

Thông thường, mắt của chúng ta có 6 cơ chính làm nhiệm vụ điều chỉnh hoạt động của nhãn cầu. Các cơ này bao gồm: Cơ trực trong, trực ngoài, trực dưới, trực trên, cơ chéo lớn, cơ chéo bé. Mỗi cơ sẽ giúp nhãn cầu di chuyển theo một hướng tương ứng.

Khi các cơ này hoạt động bình thường, hai mắt sẽ được điều chỉnh cùng nhìn vào một điểm. Lúc này, nhãn cầu sẽ tổng hợp lại hình ảnh thu được từ cả hai bên mắt thành một ảnh 3 chiều duy nhất. Giúp chúng ta nhìn hình ảnh một cách tinh tế và sắc nét.

Tuy nhiên, khi bị lé, các cơ vận nhãn lúc này mất cân bằng. Điều này gây ra tình trạng hai mắt nhìn theo các hướng khác nhau. Một hoặc cả hai mắt nhìn theo hướng lệch vào trong hoặc lệch ra ngoài làm ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh.

Một số nguyên nhân gây ra lé mắt thường gặp nhất là:

– Lé bẩm sinh (thường gặp nhất): Từ khi sinh ra đã lé hoặc lé xuất hiện trong giai đoạn từ dưới 6 tháng tuổi.
– Lé thứ phát: Thường xảy ra ở người lớn nhiều hơn. Nguyên nhân xuất phát là do: Bệnh lý toàn thân (basedow, u, huyết áp, tiểu đường,…); Bệnh lý về mắt (đục thể thủy tinh, bất đồng khúc xạ, bệnh lý đáy mắt); Chấn thương vùng mặt hoặc đầu; Phẫu thuật mắt;…
– Lé di truyền (chưa được khẳng định)

Tìm hiểu thêm: Phương pháp điều trị bệnh đục thủy tinh thể hiệu quả

Mắt lé do đâu? Làm sao để cải thiện?

Lé mắt xảy ra do các cơ vận nhãn mất cân bằng

3. Cách cải thiện mắt lé

Theo nghiên cứu, tại Việt Nam có khoảng 2 – 3 triệu người bị lé mắt. Bệnh lý này nếu không được phát hiện sớm và khắc phục kịp thời có thể ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh. Đồng thời, gây ra sự tự ti khi giao tiếp do vấn đề về thẩm mỹ trên khuôn mặt.

Bên cạnh đó, nếu mắt lé xảy ra ở trẻ em đang trong giai đoạn phát triển thị giác có thể gây ra: Nhược thị (mất thị lực); Mất khả năng nhận thức chiều sâu; Khả năng nhận biết khoảng cách kém; Làm việc hậu đậu; Dễ mất tập trung; Dễ bước hụt;…

Ngoài ra, tình trạng lé còn có thể ảnh hưởng đến tương lai nghề nghiệp của người bệnh. Bởi thực tế, có nhiều ngành nghề đòi hỏi người lao động phải có thị lực tốt. VD: Nghề liên quan đến việc dùng kính hiển vi, lắp ráp máy móc, vận động viên thể thao,… Vì vậy, việc đi khám và khắc phục lé mắt từ sớm là vô cùng cần thiết.

Theo các chuyên gia, lé ở mắt là hoàn toàn có thể cải thiện được. Tuy nhiên, mức độ phục hồi và hiệu quả điều trị ở mỗi người là khác nhau. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh lý, thời gian kéo dài bệnh và độ tuổi của người bệnh.

Đối với nhãn khoa, mục tiêu chính của việc điều trị lé là để mang lại đôi mắt có thị lực tốt nhất cho người bệnh. Giúp người bệnh có thể nhìn được hình ảnh một cách sắc nét, thuận tiện cho cuộc sống, sinh hoạt và học tập hàng ngày.

Ngoài ra, ở một khía cạnh khác thì điều trị mắt lé cũng đem lại hiệu quả về mặt thẩm mỹ. Giúp mang lại sự tự tin, yêu đời cho người bệnh.

Điều trị lé ở trẻ em thường mang lại hiệu quả cao hơn so với điều trị ở người lớn tuổi. Mức độ phục hồi tốt nhất là ở giai đoạn dưới 3 tuổi. Vì vậy, các bậc phụ huynh khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị lé thì cần đưa trẻ tới gặp bác sĩ chuyên khoa ngay để được tư vấn điều trị sớm.

Tùy vào từng trường hợp bệnh sẽ có thể áp dụng một hoặc nhiều phương pháp khắc phục khác nhau. Các phương pháp điều trị mắt lé phổ biến nhất là:

– Luyện tập mắt: Tập quy tụ, tập liếc sang hướng ngược chiều lé
– Đeo kính: Sử dụng khi lé do quy tụ điều tiết hoặc kèm tật khúc xạ
– Che mắt: Khi mắt bị lé bị nhược thị
– Tiêm thuốc (thường là Botulium toxin): Dùng trong trường hợp lé thứ phát ở người lớn do liệt cơ vận nhãn, giải quyết tạm thời tình trạng song thị.
– Phẫu thuật: Điều chỉnh lại các cơ vận nhãn nhằm đưa hai mắt về thẳng trục

Để xác định phương pháp điều trị mắt lé phù hợp, người bệnh cần được khám nhãn khoa chuyên sâu. Đặc biệt là với trẻ em, quy trình thăm khám có thể cần trải qua nhiều lần để tìm ra phương án điều trị tối ưu nhất.

Ngoài ra, theo các bác sĩ chuyên khoa thì bệnh nhân và người nhà không nên tự ý điều trị mắt lé tại nhà. Dù là theo kinh nghiệm của bản thân hay theo các phương pháp truyền miệng. Việc không đi khám sớm có thể sẽ khiến người bệnh bỏ lỡ thời điểm vàng để điều trị lé (thường là dưới 3 tuổi đối với trường hợp lác bẩm sinh).

Mắt lé do đâu? Làm sao để cải thiện?

>>>>>Xem thêm: Mắt lên lẹo: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị

Để xác định phương pháp điều trị mắt lé phù hợp, người bệnh cần được khám nhãn khoa chuyên sâu

Như vậy, trên đây là những thông tin về bệnh mắt lé mà Hệ thống y tế Thu Cúc TCI muốn gửi đến bạn. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích mà bạn đang tìm kiếm. Để được tư vấn các vấn đề liên quan đến mắt lé nói riêng và bệnh về mắt nói chung, hãy liên hệ với chúng tôi sớm để được giải đáp nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *