Thoái hóa hoàng điểm được biết đến với 2 phân loại là thể ướt và thể khô. Bệnh không quá nguy hiểm đối với người mắc nhưng lại gây cản trở tầm nhìn và về lâu dài có thể khiến người bệnh suy giảm thị lực. Tuy vậy nếu được phát hiện và chữa trị sớm thì có thể đem lại kết quả hồi phục tốt. Vậy làm cách nào để chẩn đoán và điều trị thoái hóa hoàng điểm?
Bạn đang đọc: Phương pháp chẩn đoán và điều trị thoái hóa hoàng điểm
1. Bệnh lý thoái hóa hoàng điểm (điểm vàng)
Thoái hóa hoàng điểm hay còn gọi là thoái hóa điểm vàng là bệnh lý về mắt đa số xảy ra ở người cao tuổi do sự lão hóa tự nhiên khiến tế bào nhạy cảm ánh sáng (tế bào cảm quang) tại điểm vàng bị tổn thương và chết đi. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò thu nhận hình ảnh, giúp nhận biết màu sắc và quyết định độ sắc nét hình ảnh của hoàng điểm, làm cho thị lực trung tâm bị ảnh hưởng.
Nhìn đường thẳng thành cong là triệu chứng đặc trưng của thoái hóa hoàng điểm
Bệnh không bao giờ dẫn tới mù hoàn toàn nhưng lại gây nên những triệu chứng khó chịu cho người bệnh:
– Khó đọc sách, báo vì gặp hiện tượng đọc chữ bị nhòe, mờ, không rõ nét, khó khăn khi lái xe…
– Giảm khả năng nhận biết, phân biệt độ đậm nhạt của màu sắc và hình ảnh thu được kém chi tiết.
– Xuất hiện vùng bị mờ ở trung tâm thị giác, vùng này lớn dần và tối dần theo thời gian.
– Khó nhìn rõ, nhận dạng được khuôn mặt của người đối diện.
– Giảm thị lực trung tâm ở một bên mắt bệnh hoặc ở cả hai mắt.
– Khó nhìn trong điều kiện thiếu sáng, cần nhìn gần sự vật hơn hoặc cần ánh sáng mạnh hơn khi đọc.
– Nhìn sự vật bị biến dạng, bóp méo, từ thẳng thành cong….
– Suy giảm thị lực đột ngột, nhanh chóng và mức độ nghiêm trọng cao.
Bệnh được phân thành 2 thể là thoái hóa hoàng điểm thể khô có tỉ lệ mắc cao nhưng ít nguy hiểm và thoái hóa hoàng điểm thể ướt hiếm gặp nhưng nguy hiểm cho thị lực người bệnh.
2. Tiến trình phát triển của thoái hóa điểm vàng
Mặc dù thoái hóa hoàng điểm phân ra thành 2 thể là khô và ướt với các mức độ nguy hiểm và thời gian phát bệnh khác nhau nhưng cả 2 thể đều trải qua 3 giai đoạn phát triển.
– Giai đoạn đầu: Đây là giai đoạn chớm bắt đầu của bệnh, hầu hết các dấu hiệu tại thị lực đều chưa xuất hiện rõ rệt, thị lực người bệnh vẫn đảm bảo. Chính vì vậy rất khó để người bệnh phát hiện sự bất thường và dễ bỏ qua các dấu hiệu nhẹ.
– Giai đoạn giữa: Bước sang giai đoạn giữa, các triệu chứng bệnh có thể xuất hiện nhưng chưa quá nghiêm trọng như mắt mờ nhưng sẽ hết ngay khi có ánh sáng mạnh hơn, hình ảnh nhìn thấy không sắc nét, chi tiết hoặc nhận biết màu sắc kém hơn.
– Giai đoạn cuối: Đây là giai đoạn bệnh đã trở nên nghiêm trọng nhất. Tình trạng giảm thị lực trở nên nặng hơn với các biểu hiện nguy hiểm như tầm nhìn méo mó, hình ảnh bị biến dạng, xuất hiện điểm mù tại vùng trung tâm thị giác, thấy ảo giác…
3. Phương pháp xác định thoái hóa điểm vàng
Người mắc thoái hóa điểm vàng ngoài việc nhận biết được sự bất thường của thị lực thì gần như không có cơ sở cụ thể nào để xác định chắc chắn rằng mình mắc bệnh. Nếu cảm thấy nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh cần đến các cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa mắt để được bác sĩ kiểm tra bằng các phương pháp chuyên môn và đưa ra chẩn đoán chính xác.
3.1 Kiểm tra cơ bản
– Kiểm tra thị lực: Bác sĩ sẽ sử dụng bảng đo thị lực để kiểm tra khả năng nhìn của mắt ở khoảng cách cố định với các đối tượng có kích thước khác nhau.
– Kiểm tra đáy mắt có giãn đồng tử: Ở phương pháp này bác sĩ nhãn khoa sẽ nhỏ thuốc giãn đồng tử vào mắt và sử dụng một công cụ đặc biệt để soi đáy mắt, tìm kiếm sự xuất hiện của các đốm màu vàng bên dưới võng mạc.
Tìm hiểu thêm: Khám mắt cho trẻ sinh non tại Thu Cúc TCI
Kiểm tra đáy mắt giúp bác sĩ có thể thấy rõ các điểm bất thường
– Đo nhãn áp: Bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ đặc thù giúp đo áp suất bên trong mắt.
– Dùng lưới Amsler (Amsler grid): Phương pháp kiểm tra này là phương pháp đặc trưng và cơ bản khi khám thoái hóa điểm vàng. Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân che một mắt để nhìn vào chấm đen ở giữa một tờ giấy có ô caro như một bàn cờ. Nếu nhìn thấy các đường thẳng trong hình bị cong, lượn sóng hoặc một số đường bị thiếu thì nguy cơ cao bệnh nhân đã bị thoái hóa điểm vàng..
3.2 Chụp mạch đáy mắt
– Chụp mạch huỳnh quang: Với kỹ thuật này bác sĩ sẽ tiêm thuốc nhuộm y tế vào tĩnh mạch trên cánh tay của bệnh nhân. Thuốc nhuộm sẽ di chuyển theo mạch máu và phân phối lên các mạch tại mắt, có tác dụng làm nổi bật các mạch máu trong đáy mắt. Sau đó hình ảnh các đường mạch ở mắt sẽ được chụp lại, nếu bệnh nhân có xuất hiện rò rỉ chất lỏng từ mạch máu hoặc sự thay đổi của võng mạc đều có thể hiển thị trên ảnh.
– Chụp mạch xanh indocyanine: Phương pháp này có cơ chế và phương thức thực hiện tương tự như chụp mạch huỳnh quang. Tuy nhiên chụp mạch xanh indocyanine có thể xác định các mạch máu bất thường trong võng mạc sâu hơn do với chụp mạch huỳnh quang.
3.3 Chụp cắt lớp đáy mắt
– Chụp cắt lớp kết hợp quang học: Đây là phương pháp không xâm lấn, có tác dụng cho hình ảnh hiển thị các mặt cắt chi tiết của võng mạc. Nó giúp bác sĩ xác định được các khu vực mỏng đi hoặc dày lên hoặc sưng tấy ở võng mạc. Phương pháp này cũng được áp dụng để bác sĩ theo dõi sự phản ứng của võng mạc với các phương pháp điều trị bệnh.
– Chụp cắt lớp vi tính quang học (OCT): Đây cũng là phương pháp không xâm lấn nhưng hiện đại hơn và thường được sử dụng trong một số trường hợp nhất định, thường là với mục đích nghiên cứu, tuy nhiên hiện đã trở nên phổ biến hơn trong thăm khám. Phương pháp này cho phép bác sĩ phát hiện các mạch máu bất thường trong điểm vàng.
4. Điều trị thoái hóa hoàng điểm cần thực hiện sớm
Vì bệnh thoái hóa hoàng điểm gây ảnh hưởng nhiều và cản trở thị lực người bệnh, thậm chí gây mất thị lực nếu để lâu dài nên người bệnh cần chủ động đi khám ngay khi thấy có dấu hiệu hoặc nghi ngờ mắc bệnh để được điều trị kịp thời.
Tuy nhiên hiện tại vẫn chưa có phương pháp để điều trị thoái hóa hoàng điểm hoàn toàn. Các phương pháp điều trị phần nào sẽ giúp ngăn ngừa sự suy giảm thị lực của người bệnh và làm chậm quá trình phát triển của bệnh một cách đáng kể.
4.1 Điều trị thoái hóa hoàng điểm thể khô
Hiện tại, không có phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn thoái hóa điểm vàng thể khô. Bác sĩ nhãn khoa thường chỉ có thể tư vấn bệnh nhân bổ sung kẽm, beta carotene, vitamin C, E với liều cao nhằm giúp hạn chế sự phát triển và trở nặng của bệnh.
4.2 Điều trị thoái hóa hoàng điểm thể ướt
Tương tự như thể khô, không có phương pháp điều trị nào đảo ngược những tác động của thoái hóa điểm vàng thể ướt, tuy nhiên ở điều trị thoái hóa hoàng điểm thể ướt có một số phương pháp giúp ngăn bệnh phát triển nghiêm trọng hiệu quả và cụ thể hơn như:
– Dược phẩm: có ba loại thuốc là pegatanib, ranibizumab và aflibercept được dùng để ức chế và ngăn chặn sự phát triển của các tân mạch.
>>>>>Xem thêm: Cần làm gì khi bị lẹo ở mắt? Nguyên nhân và cách điều trị
Tiêm thuốc điều trị là phương pháp khá phổ biến trong điều trị thoái háo hoàng điểm thể ướt
– Tiêm thuốc: Tiêm thẳng loại thuốc chống nhân tố kích thích sự tăng trưởng của các tân mạch bất thường vào mắt bệnh. Phương pháp điều trị này cần nhiều mũi tiêm, thường là phải tiêm lại mỗi tháng.
+ Liệu pháp quang động học: Sử dụng laser lạnh kết hợp với thuốc cảm quang nhẹ verteporfin, giúp khép các tân mạch bất thường mà không để lại sẹo.
+ Liệu pháp quang đông: Cũng sử dụng chùm laser nhưng năng lượng cao để phá hủy các tân mạch bất thường.
+ Phẫu thuật.
Vì các ảnh hưởng của bệnh gây nên đối với thị lực, nên việc đi khám sớm ngay khi thấy những bất thường để bác sĩ có biện pháp điều trị, ngăn ngừa ảnh hưởng của thoái hóa hoàng điểm lên thị lực người bệnh là điều vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, không nên chủ quan trước bất cứ biểu hiện nào khi quan sát mà cần chủ động thăm khám chuyên khoa mắt để tự kiểm soát tốt sức khỏe thị giác của chính mình.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.