Lác là một tật ở mắt có thể bắt gặp ở mọi lứa tuổi. Theo thống kê, có khoảng 3 – 4% trẻ mới sinh ra đã bị lác bẩm sinh. Nếu không điều trị kịp thời, khoảng 50% trẻ bị lác mắt có thể mất đi thị lực một phần do nhược thị. Vậy, bệnh mắt lác có chữa khỏi được không, và làm sao để cải thiện? Nếu đây là vấn đề bạn đang gặp phải thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé!
Bạn đang đọc: Bệnh lác mắt có chữa khỏi được không?
1. Bệnh lác mắt/lé mắt
Lác mắt (lé mắt) là tình trạng hai mắt nhìn nhưng không thẳng hàng, không nhìn về cùng một phía mà nhìn theo các hướng khác nhau. Một mắt có thể nhìn thẳng về trước, trong khi mắt kia có thể nhìn vào trong, ra ngoài, lên trên hoặc xuống dưới. Sự di chuyển hướng nhìn của mắt có thể là cố định hoặc tạm thời. Do đó, mắt nhìn thẳng và mắt nhìn lệch có thể sẽ luân phiên nhau.
Nguyên nhân dẫn đến lác là do có sự mất cân bằng giữa các cơ vận nhãn. Điều này có thể xảy ra do nhiều yếu tố khác nhau: Do di truyền, do cấu tạo bất thường của hệ vận động nhãn cầu, do tổn thương thần kinh, do bệnh lý, do sự co quắp điều tiết,…
Lác (lé) mắt là tình trạng hai mắt không nhìn về một hướng
Lác rất dễ để nhận biết khi người bệnh tự soi gương hoặc người khác nhìn thấy mắt lệch. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp lác ẩn thì cần phải thăm khám chuyên khoa mới có thể phát hiện. Khi bị lác, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng như:
– Hay mỏi mắt, tập trung kém
– Hậu đậu, làm việc thiếu chính xác
– Bên mắt bị lác nhìn mờ hơn bên không lác
– Có thói quen nghiêng đầu khi nhìn để thích nghi với lác
– Nhìn song thị (nhìn một thành hai)
– …..
2. Sự ảnh hưởng của mắt lác
Ảnh hưởng dễ thấy nhất của lác là làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ trên khuôn mặt. Điều này khiến người bệnh cảm thấy tự ti và thường không thoải mái khi giao tiếp.
Bên cạnh đó, tình trạng lác mắt còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị giác của người bệnh. Thị lực giảm, khả năng phân biệt khoảng cách kém, các cơ vận nhãn bị rối loạn và rất dễ dẫn đến nhược thị. Từ đó ảnh hưởng nhiều tới việc học tập và cuộc sống hàng ngày.
– Đối với trẻ em: Lác mắt làm cho thị giác của trẻ bị kém phát triển. Có khả năng gây ra nhược thị và mất khả năng nhìn bằng hai mắt.
– Đối với người lớn: Lác gây mất thẩm mỹ và là trở ngại lớn khiến người bệnh mất tự tin khi giao tiếp.
– Đối với người cao tuổi: Lác đột ngột có thể là báo hiệu của bệnh lý cấp tính ở hệ thần kinh vận động. Do đó, người bệnh nên đi khám sớm để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị.
Tìm hiểu thêm: Giải đáp bệnh tăng nhãn áp xử trí thế nào hiệu quả
Ảnh hưởng dễ thấy nhất của lác là làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ trên khuôn mặt
3. Lác mắt có chữa được không?
Với nền y học hiện đại ngày nay, mắt bị lác hoàn toàn có thể điều trị được. Tuy nhiên, kết quả sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp bệnh cụ thể. Việc điều trị ngay từ khi tuổi đời còn nhỏ thường sẽ mang lại cơ hội khỏi bệnh cao hơn.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu trẻ được điều trị lác từ trước 3 – 4 tuổi thì tỷ lệ điều trị thành công là 92%. Từ 6 – 8 tuổi thì tỷ lệ thành công đạt 62%. Để càng lâu, lác sẽ tiến triển thành tật dẫn đến khả năng phục hồi ngày càng kém hơn.
Tùy theo độ tuổi và từng loại lác, bác sĩ thường sẽ tư vấn cho người bệnh các hướng điều trị khác nhau.
3.1 Chỉnh kính
Đây là một khâu quan trọng trong điều trị mắt lác, đặc biệt là các trường hợp lác điều tiết thuần túy. Điều chỉnh kính giúp mắt nhìn hình ảnh một cách rõ nét hơn. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối hợp thị giác giữa hai mắt.
3.2 Điều trị nhược thị
Nhược thị do lác mắt có thể phục hồi nếu được phát hiện và điều trị từ sớm. Có nhiều phương pháp khác nhau để điều trị nhược thị như:
– Phương pháp bịt mắt: Đây là phương pháp đơn giản nhưng khá hiệu quả, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Theo đó, bịt một mắt lại và bắt buộc mắt kia phải làm việc để cải thiện thị lực. Thời gian bịt mắt sẽ phụ thuộc vào độ nhược thị và độ tuổi của bệnh nhân. Người bệnh có thể lựa chọn giữa các kiểu: Bịt mắt lành, bịt mắt lác, bịt mắt luân phiên, bịt mắt từng lúc, kết hợp luyện tập mắt.
– Gia phạt: Biện pháp dùng kính hoặc thuốc để mắt đạt được sự cân bằng không gian. Theo đó, một mắt chỉ nhìn xa, một mắt chỉ nhìn gần để tạo khả năng thị giác cho cả hai mắt. Một số phương pháp gia phạt phổ biến là: Nhỏ atropin đơn thuần, gia phạt xa, gia phạt gần, gia phạt toàn bộ.
– Điều trị chỉnh thị: Phương pháp này phù hợp với trẻ từ 5 tuổi trở lên chưa được điều trị bịt mắt hoặc đã bịt mắt mà không hết nhược thị. Bệnh nhân có thể tập tô, vẽ hoặc xâu hạt cườm mỗi ngày khoảng một giờ. Sử dụng các loại máy (euthyscope, synoptophore, co-ordinator,…) để điều trị tương ứng võng mạc bất thường, đồng thời phục hồi định thị trung tâm hoàng điểm.
– Điều trị bằng thuốc: Các trường hợp lác trong điều tiết nhưng không thể đeo kính thì có thể dùng thuốc. Các loại thuốc co đồng tử mạnh sẽ gây co quắp điều tiết, làm giảm nhu cầu điều tiết khi nhìn gần. Đồng thời giảm mức độ quy tụ do điều tiết ở mắt. Tuy nhiên, chỉ nên dùng các loại thuốc này trong ngắn hạn vì có thể làm xuất hiện nang mống mắt.
>>>>>Xem thêm: Giải đáp: loạn thị 0.5 độ có nên đeo kính gọng thường xuyên
Nhược thị do lác mắt có thể phục hồi nếu được phát hiện và điều trị từ sớm
3.3 Phẫu thuật
Phương pháp này thường được áp dụng khi không thể điều trị lác mắt bằng các cách thông thường. Theo đó, bác sĩ sẽ thực hiện điều chỉnh lại các cơ bám trên mắt. Từ đó, giúp mắt trở nên thăng bằng và hết lác.
Trong mổ mắt, một hoặc nhiều cơ vận động nhãn cầu sẽ được thay đổi. Có thể tăng cường, yếu đi hoặc được di chuyển đến vị trí khác. Điều này nhằm giúp cải thiện hướng nhìn cho mắt.
Mổ mắt lác thường được tiến hành như một thủ thuật ngoại trú trong khoảng 20 – 40 phút. Sau mổ, bệnh nhân có thể xuất viện về ngay và tái khám theo chỉ định của bác sĩ.
Như vậy, trên đây là lời giải đáp cho câu hỏi “Lác mắt có chữa khỏi được không?”. Thông qua bài viết, chắc hẳn bạn đọc đã có được câu trả lời cho mình. Với những vấn đề thắc mắc liên quan, hãy liên hệ với chúng tôi sớm để được tư vấn nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.