Bệnh động kinh (co giật kinh phong) xảy ra do rối loạn hệ thần kinh trung ương, khiến người bệnh có những bất thường trong hành vi, cảm xúc và ý thức. Nếu được phát hiện sớm, điều trị phù hợp, người bệnh có thể cắt được cơn và sinh hoạt như bình thường. Ngược lại nếu không được điều trị, người bệnh có thể phải đối mặt nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bạn đang đọc: Những thông tin cần biết về bệnh động kinh
1. Bệnh động kinh là gì?
Động kinh hay còn gọi là co giật kinh phong xảy ra khi hệ thống thần kinh bị rối loạn. Khi đó hoạt động của não bất thường, sinh ra các cơn co giật hoặc các bất thường về hành vi, thái độ thậm chí có bệnh nhân còn mất nhận thức.
Bệnh động kinh không phân biệt độ tuổi, giới tính. Bệnh thường khởi phát từ khi còn nhỏ hoặc bắt đầu ở những người ngoài 60 tuổi. Hiện tại, bệnh chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn mà sẽ kéo dài suốt đời. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị phù hợp, tình trạng bệnh sẽ có những cải thiện đáng kể.
Động kinh không phân biệt tuổi tác, giới tính nên ai cũng cần trang bị kiến thức để ngăn ngừa bệnh
2. Triệu chứng nhận biết từng dạng động kinh khác nhau
Theo Liên đoàn Quốc tế Chống động kinh ILAE, bệnh co giật kinh phong được chia thành 2 nhóm. Các triệu chứng của từng nhóm sẽ có sự khác nhau:
2.1. Bệnh động kinh dạng cục bộ
Đây là dạng động kinh chỉ xảy ra tại một số vùng nhất định của não bộ:
Động kinh cục bộ đơn giản
Chỉ xuất hiện cơn co giật ở một số bộ phận kèm theo ảo giác về âm thanh, hình ảnh, mùi vị, … Những ảo giác này xuất hiện trong thời gian ngắn, không làm mất ý thức của người bệnh.
Động kinh cục bộ phức tạp
So với động kinh cục bộ đơn giản, động kinh cục bộ phức tạp xuất hiện cơn co giật phạm vi lớn hơn. Ví dụ, cả chân tay hoặc nửa người, tồn tại không quá 2 phút. Có khoảng 80% cơn động kinh dạng này xuất phát từ vùng não gần tai. Từ đó làm cho người bệnh mất ý thức, mất khả năng ngôn ngữ, mất khả năng kiểm soát hành vi, cảm xúc, …
Tìm hiểu thêm: Cách điều trị bệnh cơ tim phì đại
Thăm khám Nội thần kinh thường xuyên để kiểm tra sức khỏe, chức năng não bộ nhằm phát hiện những bất thường để kịp thời ngăn ngừa
2.2. Bệnh động kinh dạng toàn thể
Với dạng này, cơn động kinh sẽ xảy ra ở mọi vùng của não bộ, gồm 5 kiểu như sau:
Động kinh co giật – co cứng
Sẽ có 2 giai đoạn co cứng. Giai đoạn đầu, các cơ co lại đột ngột khiến bệnh nhân thường bị ngã, mất ý thức trong khoảng 10-20 giây. Ở giai đoạn kế tiếp, các cơn co giật liên tục trong 2-3 phút rồi giãn dần các cơ. Lúc này, người bệnh mất cảm giác và không biết trước đó xảy ra sự việc gì.
Co giật đơn thuần – động kinh co cứng
Trường hợp này hiếm khi xảy ra. Thường chỉ là các cơn co giật hoặc co cứng toàn thân đơn thuần.
Động kinh vắng ý thức
Người bệnh mất ý thức đột ngột với triệu chứng như đang làm việc, học tập thì dừng lại, mắt nhìn chăm chú vào một vật bất kỳ trong khoảng 3-30 giây. Sau đó tỉnh và trở lại làm việc như bình thường. Đồng thời, họ không thể nhớ trước đó trải qua chuyện gì.
Động kinh rung giật cơ
Cơ bắp co giật đột ngột và mất khả năng tự chủ ở một phần cơ thể hoặc toàn thân. Triệu chứng của người bệnh khá giống với hiện tượng sốc điện.
Mất trương lực cơ
Một nhóm cơ bị mất trương lực đột ngột nên người bệnh ngã xuống đất đột ngột, mí mắt sụp xuống, buông bỏ đồ vật đang cầm trên tay khi ý thức vẫn còn.
3. Chớ nên chủ quan với bệnh co giật kinh phong
3.1. Mức độ nguy hiểm của cơn động kinh
Ở trong một số tình huống nhất định, cơn động kinh có thể gây ra sự nguy hiểm cho người bệnh, cụ thể là:
– Bị té ngã đột ngột gây ra chấn thương, gãy xương.
– Đuối nước nếu như cơn động kinh xuất hiện trong lúc đi bơi.
– Gây tai nạn giao thông nếu động kinh đi kèm suy giảm ý thức, các cơ tay chân mất kiểm soát.
– Với thai phụ, cơn động kinh đặc biệt nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Ngoài ra một số loại thuốc chống động kinh làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh.
– Người bệnh động kinh dễ gặp các vấn đề về tâm lý, sinh ra các cảm xúc tiêu cực, thậm chí muốn tự tử.
– Trạng thái động kinh xuất hiện liên tục với thời gian từ 5 phút trở lên hoặc thường xuyên tái phát khiến người bệnh liên tục mất ý thức. Điều này khiến não tổn thương hoàn toàn.
– Đột tử: thường xảy ra do các bệnh liên quan đến đường hô hấp hoặc tim mạch.
>>>>>Xem thêm: Những nguy cơ khôn lường từ bệnh hẹp động mạch vành
Cơn động kinh xảy ra khiến người bệnh dễ bị té ngã, tai nạn
3.2. Lưu ý cách sơ cứu cho người bị động kinh
Khi gặp người bị động kinh, hãy cố gắng giữ bình tĩnh và kêu gọi sự giúp đỡ những người xung quanh.
– Tìm mọi cách để nới lỏng cà vạt, cổ áo, cúc quần để họ dễ thở hơn.
– Đặt họ nằm nghiêng sang một bên, kê cao đầu lên. Lưu ý để bệnh nhân nằm xa những nơi nguy hiểm như hồ nước, lòng đường, lối đi, …
– Tuyệt đối không trói bệnh nhân với hi vọng làm giảm cơn co giật.
– Khi họ có cơn co giật không được cho người bệnh ăn hay uống bất kỳ thứ gì. Khi đó họ không thể kiểm soát bản thân nên dễ bị sặc gây nguy hiểm.
– Theo dõi và ghi nhận các triệu chứng người bệnh đang gặp phải để báo với bác sĩ hoặc nhân viên y tế. Điều này rất có ích cho việc điều trị sau này.
– Theo dõi đồng hồ để tính thời gian của các cơn co giật, gọi cấp cứu hoặc tìm nhân viên y tế hỗ trợ nhanh nhất.
Căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất cho người bệnh mà còn gây ra nhiều vấn đề về tâm lý. Nhiều người bệnh thấy mặc cảm, tự ti và khó hòa nhập trở lại. Vì vậy, để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân, điều quan trọng hàng đầu là người thân hãy luôn động viên tinh thần cho người bệnh. Từ đó giúp mang lại nguồn năng lượng tích cực để người bệnh có thể hồi phục.
Trên đây là một số thông tin về bệnh động kinh, hi vọng qua bài viết bạn đọc sẽ có thêm thông tin hữu ích để điều trị và ngăn ngừa bệnh hiệu quả. Nếu còn thắc mắc về bệnh, mời bạn đọc để lại số điện thoại để được Thu Cúc TCI hỗ trợ tư vấn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.