Đột quỵ rất phổ biến và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng cho đến nay vẫn còn những quan niệm sai lầm về đột quỵ, gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Bạn đang đọc: Những quan niệm sai lầm về đột quỵ cần thay đổi
1. Đột quỵ là gì?
Đột quỵ hay được biết đến là bệnh tai biến mạch máu não. Đây là một bệnh lý nguy hiểm do mạch máu bị tắc (nhồi máu) hoặc bị vỡ (xuất huyết) làm cho một phần não bị biến dạng hoặc mất đi.
Đột quỵ là nguyên nhân tử vong và tàn tật hàng đầu tại Việt Nam trong 10 năm qua. Không chỉ gia tăng tỷ lệ tử vong, đột quỵ còn để lại các di chứng nghiêm trọng gây ảnh hưởng lâu dài đến người thân, cộng đồng và xã hội. Bất cứ ai cũng đều có thể là nạn nhân của đột quỵ.
Đột quỵ có thể gây tử vong hoặc tàn tật vĩnh viễn cho người bệnh.
Do đó, mỗi cá nhân cần chủ động thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh để góp phần phòng ngừa đột quỵ, giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Theo khuyến cáo của các chuyên gia đầu ngành, 80-90% đột quỵ có thể phòng tránh được hoàn toàn với những biện pháp đơn giản.
Tuy nhiên, nhiều người lại có những quan niệm sai lầm về đột quỵ, dẫn tới không có biện pháp phòng ngừa đột quỵ hiệu quả, gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.
2. Một số quan niệm sai lầm về đột quỵ
2.1. Chỉ gặp ở người cao tuổi là quan niệm sai lầm về đột quỵ
Trước đây đột quỵ chủ yếu xảy ra ở người già (trên 65 tuổi). Tuy nhiên theo các báo cáo gần đây tại Việt Nam, có khoảng 25% trường hợp đột quỵ xảy ra ở người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi).
Nguyên nhân xuất phát từ việc lạm dụng bia rượu, thuốc lá và các chất kích thích, cộng với việc xuất hiện ngày càng nhiều người “béo phì văn phòng”. Đây là yếu tố làm tăng các nguy cơ mắc bệnh tim mạch và dẫn tới đột quỵ.
Vì vậy, chúng ta cần thường xuyên chú ý đến sức khoẻ thông qua việc thăm khám định kỳ để phát hiện sớm những yếu tố nguy cơ gây bệnh như rung nhĩ, cao huyết áp, rối loạn lipid máu…
2.2. Trúng gió và đột quỵ là một là quan niệm sai lầm về đột quỵ
Mặc dù những triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu hoàn toàn có thể gặp ở trúng gió và đột quỵ. Tuy nhiên, thực tế trúng gió và đột quỵ là 2 khái niệm khác nhau.
Trúng gió thể hiện tình trạng cơ thể bị nhiễm lạnh và cảm cúng. Trong khi đó, đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là bệnh lý xảy ra khi có sự tắc nghẽn trong lưu thông máu dẫn đến việc cấp máu lên não bị gián đoạn từ đó dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề.
Việc nhận biết tai biến và đột quỵ cần nhờ đến quy tắc B.E.F.A.S.T. (tìm hiểu thêm về quy tắc BE FAST để phát hiện nhận biết sớm những triệu chứng đột quỵ tại đây.
Tìm hiểu thêm: Dân văn phòng đối mặt nguy cơ bệnh tim mạch
Quy tắc BE FAST giúp nhận biết nhanh dấu hiệu và tránh các quan niệm sai lầm về đột quỵ.
2.3. Đột quỵ rất hiếm gặp là quan niệm sai lầm
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong ở Việt Nam (21,7%), với khoảng 200,000 trường hợp mỗi năm. Đặc biệt người có bị những rối loạn về nhịp tim chẳng hạn như rung nhĩ hay cao huyết áp sẽ có khả năng mắc đột quỵ cao hơn 5 lần so với người bình thường. Do đó, việc phát hiện và ngăn ngừa đột quỵ góp phần không nhỏ trong việc làm giảm nguy cơ tử vong cũng như những biến chứng mà đột quỵ gây ra.
2.4. Người gầy không bị đột quỵ
Thừa cân, béo phì là nguyên nhân chính dẫn tới nhiều bệnh lý tim mạch, trong đó có đột quỵ. Tuy nhiên, mặc dù gầy nhưng bạn cũng sẽ nằm trong nhóm có nguy cơ mắc đột quỵ nếu bạn có một lối sống không khoa học, lười vận động và dùng các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá) hay bạn có mắc các bệnh lý mãn tính như rung nhĩ, đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu…
2.5. Không thể phòng ngừa đột quỵ
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (gọi tắt là AHA) việc điều chỉnh lối sống bao gồm tập thể dục, giảm cân và bỏ các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá) đóng góp một phần quan trọng trong việc ngăn chặn đột quỵ ở mọi lứa tuổi.
Tuy nhiên nếu bạn nằm trong nhóm nguy cơ mắc những bệnh lý mãn tính khác như rung nhĩ, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường thì việc tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ là điều then chốt đối với việc ngăn ngừa cơn đột quỵ.
2.6. Đột quỵ sẽ không tái phát
Khoảng 26% bệnh nhân sau khi bị đột quỵ sẽ tái phát. Với tỷ lệ tái phát đột quỵ năm đầu tiên lên đến 11% do đó việc tuân thủ điều trị là rất cần thiết với nhóm bệnh nhân trên qua đó làm giảm thiểu tỷ lệ tái phát đột quỵ để đảm bảo sức khoẻ và tính mạng của bệnh nhân.
2.7. Không thể hồi phục sau khi bị đột quỵ
Bạn hoàn toàn có thể hồi phục sau đột quỵ nếu bạn được cấp cứu và điều trị kịp thời. Thời gian vàng để cấp cứu điều trị đột quỵ là khoảng 0-9 giờ đầu sau khi bị đột quỵ.
B.E F.A.S.T là yếu tố then chốt trong việc phát hiện sớm cơn đột quỵ để bệnh nhân bị đột quỵ được cấp cứu kịp thời. Phát hiện sớm giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong cũng như tàn phế do đột quỵ gây ra.
2.8. Tập luyện thể thao liên tục làm giảm nguy cơ đột quỵ
Tập thể dục luôn là cách tốt giúp tăng cường thể lực và làm giảm thiểu những nguy cơ bị đột quỵ. Thế nhưng, không có nghĩa tập càng nhiều càng tốt. Việc tập luyện quá sức hay thể thao quá độ khiến cho toàn bộ cơ thể bị mỏi mệt, làm phản tác dụng. Thậm chí tập luyện quá cường độ làm tăng các vấn đề về tim mạch, dễ dẫn tới đột quỵ.
Đối với những người đã từng bị đột quỵ hay có các yếu tố nguy cơ bị đột quỵ (rung nhĩ, cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu) cần có sự tham vấn của chuyên gia y tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
>>>>>Xem thêm: Chuyên gia chia sẻ thực đơn dành cho người đột quỵ
Tham khảo ý kiến bác sĩ về cách thức và cường độ tập luyện thể thao để phòng đột quỵ hiệu quả.
Đừng để những quan niệm sai lầm về đột quỵ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của chúng ta. Bất cứ ai, đặc biệt là những người có triệu chứng nghi ngờ hoặc bệnh lý liên quan, cần thăm khám tầm soát nguy cơ đột quỵ ngay để phát hiện và ngăn chặn các mầm mống đột quỵ kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.