Mắt lác là gì và cách chữa mắt lác thế nào hiện đang là thắc mắc của rất nhiều người mắc phải hoặc có người thân mắc phải bệnh này. Mắt lác là loại bệnh lý không hiếm gặp, nó là sự lệch trục của hướng nhìn và có kèm theo các chứng rối loạn thị giác và ảnh hưởng đến thẩm mỹ khá nhiều. Mắt lác có thể thấy ở nhiều độ tuổi nhưng thường nhiều nhất là ở trẻ em. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến khả năng nhìn lâu dài, thậm chí mù lòa. Chính vì vậy, rất nhiều người, đặc biệt là các bậc phụ huynh đều rất quan tâm về vấn đề này.
Bạn đang đọc: Nguyên nhân bệnh lác và những cách chữa lác mắt
1.Khái niệm về mắt lác
1.1. Mắt lác là như thế nào?
Mắt lác là một tình trạng bệnh lý, khi đó hai mắt không cùng hướng về một phía khi nhìn mà sẽ hướng theo hai phía khác nhau. Một mắt có thể nhìn đúng hướng cần nhìn nhưng một mắt lại hướng lên trên, xuống dưới, sang trái hoặc phải. Mắt bên bệnh và không bệnh có thể đảo chức năng của nhau. Sự lệch hướng cũng có thể không thay đổi, nhưng cũng có thể thay đổi tùy theo người bệnh.
Lác mắt là bệnh thường xuất hiện ở trẻ em nhưng cũng có một số người lớn bị bệnh. Lác có khả năng di truyền giữa những thành viên trong gia đình. Dấu hiệu nhận biết bên ngoài của bệnh lác mắt dễ nhận ra nhất là hai mắt nhìn song thị (còn gọi là nhìn đôi). Có một số người có biểu hiện lác mắt khi cảm thấy nhức mỏi mắt nhiều.
Mắt lác có ở trẻ em và người lớn
Bệnh mắt lé có hai loại chính đó là:
-Lác hai mắt đồng hành hay còn gọi là lác cơ năng. Là loại lác mà mắt bên bệnh luôn cùng hướng di chuyển với bên mắt lành. Đối tượng hay bị bệnh lác này thường rơi vào trẻ em là chính.
-Lác bất đồng hành (còn gọi là lác liệt): Đây là trường hợp mà các cơ vận động ở mắt bị liệt, từ đó việc chuyển động của mắt sẽ bị ảnh hưởng. Đối tượng bị lác kiểu này thường là người lớn.
1.2. Nguyên nhân của bệnh lý lé mắt
Có hai nguyên nhân chính hay dẫn đến tình trạng lé mắt đó là:
– Lé mắt do bẩm sinh
Ngay khi sinh hoặc trong vòng 6 tháng đầu đã có thể nhận thấy trẻ bị mắt lác với những biểu hiện khá rõ ràng. Nguyên nhân chính dẫn đến lé mắt bẩm sinh đó là do bị liệt cơ vận nhãn một cách bẩm sinh.
Thường có khoảng 1/4 các trường hợp mắt lác là có liên quan đến các yếu tố di truyền. Bên cạnh đó, việc trẻ bị sinh non hoặc sinh nhẹ cân cũng có thể là những yếu tố gây ra nguy cơ mắt lác ở trẻ.
– Lé mắt do thứ phát
Là hiện tượng mắt bị mắc phải bệnh lác sau khi đã bị một số chứng bệnh khác về mắt như:
+ Mắc các tật khúc xạ như cận, viễn, loạn nhưng không đeo kính sớm và đeo đúng độ.
+ Mắc các bệnh lý làm giảm thị lực của mắt như: đục thủy tinh thể, sẹo giác mạc, các bệnh lý về võng mạc hoặc ung thư nguyên bào võng mạc
+ Do người bệnh mắc các tổn thương ở não, dẫn đến sự không bình thường ở các cơ vùng sọ mặt, từ đó gây ra liệt cơ vận động mắt hoặc có sự bất thường về bám của cơ mắt.
+ Mắc các bệnh lý khác như đái tháo đường, basedow,u…
+ Do yếu tố môi trường: Khi người bệnh nhìn khoảng cách gần trong một thời gian quá dài cũng có khả năng mắc bệnh lé thứ phát.
1.3. Có cách chữa mắt lác không?
Với sự phát triển của nền y học hiện nay, việc chữa mắt lác là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên mức độ hiệu quả của việc chữa trị cũng phụ thuộc và nhiều yếu tố như nguyên nhân gây ra bệnh là thế nào và thời gian mắc phải đã lâu hay vừa mới.
Tìm hiểu thêm: Bệnh khúc xạ và điều tiết mắt bị rối loạn khác nhau thế nào?
Bệnh mắt lác có thể chữa được
Có những mục tiêu khác nhau trong điều trị bệnh mắt lác:
– Đối với người lớn mắc phải bệnh lác, sẽ mong muốn chữa trị để cải thiện yếu tố thẩm mỹ. Có một phần nhỏ bị lác mắt ảnh hưởng quá nhiều đến khả năng nhìn của bệnh nhân thì họ mới mong muốn chữa để cải thiện thị lực.
– Đối với trẻ em, ngoài yếu tố thẩm mỹ, các bậc cha mẹ thường quan tâm đến các vấn đề về bệnh lý mắt hơn, mong muốn khôi phục khả năng nhìn cho con em mình.
– Trong nhãn khoa, mục tiêu điều trị bệnh lác là giúp 2 mắt đều đạt được tối ưu thị lực, giúp người bệnh nhìn được rõ các hình ảnh, đạt được nhiều sự thuận lợi trong công việc, sinh hoạt, học tập.
Khả năng chữa lành của bệnh lác mắt là khá cao nếu thời gian phát hiện và chữa sớm. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh khi thấy con em mình bị lé hoặc những người bỗng nhiên phát hiện mắt của mình bị lé thì nên đến chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị sớm nhất có thể.
Với những trẻ em bị lác mà được chữa trị trước năm 4 tuổi thì khả năng thành công gần như hoàn toàn. Với những trẻ chữa muộn hơn, khả năng thành công sẽ thấp dần đi.
2. Phương pháp điều trị mắt lác
2.1. Cách chữa mắt lác bằng chỉnh quang
Những trường hợp bị lác điều tiết thông thường, việc chỉnh kính là điều không thể thiếu khi điều trị mắt lé. Đeo kính là việc làm cần thiết để tạo những điều kiện thuận lợi trong việc phối hợp thị giác hai mắt, đem lại những hình ảnh rõ nét hơn cho người bệnh.
Hầu hết những tật khúc xạ mà trẻ mắc phải nếu không được đeo kính từ sớm hoàn toàn có thể dẫn đến lác mắt và suy giảm thị lực. Do đó với những trẻ bị các tật khúc xạ khi mắt lác cần được đeo kính ngay.
2.2. Cách chữa mắt lác bằng cách phẫu thuật
Ngoài những phương pháp điều trị mắt lác như đeo kính, che mắt hoặc làm mờ một bên mắt, tiêm botulinum hoặc là kết hợp các phương pháp trên, thì có một cách chữa trị khác trong điều trị lác mắt, đó là phẫu thuật. Việc phẫu thuật có thể giúp điều chỉnh các cơ của nhãn cầu, giúp cho mắt nhìn thẳng.
>>>>>Xem thêm: Bệnh viêm bờ mi: Dấu hiệu nhận biết và nguyên tắc điều trị
Phẫu thuật là một trong những cách điều trị lác
Phẫu thuật lác cho trẻ sẽ giúp trẻ có khả năng sớm hồi phục hoàn toàn những vấn đề về thị lực. Đối với người lớn, việc phẫu thuật là điều trị chuyên khoa giúp lấy lại thẩm mỹ diện mạo khuôn mặt như người bình thường. Đồng thời cũng giúp cải thiện những vấn đề về thị lực, giúp việc hoạt động, lao động, làm việc thuận lợi hơn.
Khi phẫu thuật mắt lác, các cơ vận nhãn được tăng cường hoặc bị làm yếu đi, thay đổi vị trí để điều chỉnh hướng nhìn. Phẫu thuật được coi là điều trị ngoại trú, không cần nhập viện.
Như vậy, đối với thắc mắc của nhiều người rằng có cách chữa mắt lác không, thì câu trả lời được đưa ra trong bài viết này là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, muốn việc điều trị mang lại hiệu quả cao, cần phải đi khám và chữa từ sớm.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.