5 loại đột quỵ lỗ khuyết và cách chẩn đoán

Đột quỵ lỗ khuyết hay đột quỵ ổ khuyết là tình trạng hoại tử các mạch máu não do tắc nghẽn các mạch máu rất nhỏ, nằm sâu bên trong não. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ về 5 loại đột quỵ lỗ khuyết và cách chẩn đoán, điều trị căn bệnh này.

1. Đột quỵ lỗ khuyết là gì?

Lỗ khuyết não (lacunar syndrom) là thuật ngữ để gọi các hốc nhỏ ở mô não bị nhồi máu hoại tử do tắc các nhánh xuyên vào của động mạch não có kích thước rất nhỏ, đường kính từ 108 – 400micromet.

Các nghiên cứu cho thấy nhồi máu não lỗ khuyết chiếm khoảng 25% các ca nhồi máu não. Các vị trí thường gặp của đột quỵ lỗ khuyết thường ở đồi thị, hạch nền, tiểu não, cầu não, chất trắng của bao trong. Trong các trường hợp đột quỵ lỗ khuyết, khoảng 80% tổn thương được tìm thấy ở quanh não thất, trong chất trắng não, hạch nền hoặc đồi thị; 20% còn lại khu trú ở tiểu não và cầu não.

Tình trạng thoái hóa mỡ dạng kính, vi xơ vữa mạch máu não, xơ vữa động mạch tim, tăng huyết áp, đái tháo đường là những nguyên nhân chủ yếu gây đột quỵ lỗ khuyết.

5 loại đột quỵ lỗ khuyết và cách chẩn đoán

Đột quỵ lỗ khuyết là tình trạng tổn thương những mạch máu nhỏ, đường kính từ 108 – 400micromet, nằm sâu bên trong não.

2. Tìm hiểu 5 loại đột quỵ lỗ khuyết

2.1 Đột quỵ lỗ khuyết vận động đơn thuần – phổ biến nhất trong 5 loại đột quỵ lỗ khuyết

Đột quỵ vận động đơn thuần (Pure motor hemiparesis) là loại phổ biến nhất của đột quỵ lỗ khuyết, chiếm 45 – 50% trong tất cả các trường hợp. Biểu hiện thường gặp là liệt ở một bên mặt, chân tay đối bên. Nên dạng này còn được goi là “liệt nửa người vận động đơn thuần”.

Đột quỵ vận động đơn thuần thường liên quan tổn thương ở các vị trí vành tia, bao trong, cầu não, tháp tủy. Các khu vực này đều chứa các sợi kết nối với “vỏ não”, có chức năng điều khiển các vận động như đi bộ, dậm chân, kích hoạt các cơ bắp để cơ thể có thể di chuyển. Tình trạng đột quỵ làm cho những khu vực này mất chức năng, dẫn tới liệt vận động.

Ở dạng này, sự tê yếu xảy ra ở cả tay và chân, chừa lại phần mặt, hoặc yếu cả ở mặt, tay và chân. Tuy nhiên, các triệu chứng bất ổn về vận động kể trên cũng có thể chỉ xuất hiện ở một bộ phận nào đó. Ngoài ra, loại đột quỵ này sẽ không gây ra các triệu chứng làm mất cảm giác, thị lực hoặc lời nói.

2.2 Đột quỵ lỗ khuyết cảm giác đơn thuần

Loại đột quỵ này có tên khoa học là Pure sensory Stoke. Đa phần đột quỵ lỗ khuyết cảm giác đơn thuần do ảnh hưởng đến vùng đồi thị – phần não tạo ra cảm giác tại hầu hết các cơ quan trong cơ thể như xúc giác, đau, nhiệt độ, áp lực, thị lực, thính giác và vị giác.

Đột quỵ lỗ khuyết cảm giác đơn thuần chiếm khoảng 7% số ca mắc. Các triệu chứng bất thường ở dạng đột quỵ này chỉ liên quan đến cảm giác bao gồm:

– Tê liệt, mất cảm giác hoặc có cảm giác bất thường (dị cảm) ở mặt, các cơ quan như tay, chân, ngực, bộ phận sinh dục, hậu môn, nhưng chỉ xảy ra ở một bên của cơ thể

– Dị cảm ở các ngón tay, bàn chân, hoặc miệng một bên cơ thể

– Rối loạn nhận thức bất thường về đau đớn, nhiệt độ hay áp suất

– Đau trung ương, thường gắn liền với hội chứng Dejerine Roussy

5 loại đột quỵ lỗ khuyết và cách chẩn đoán

Đột quỵ lỗ khuyết vận động thường gây cảm giác dị cảm, châm chích, tê bì ở tay.

2.3 Đột quỵ lỗ khuyết vận động – cảm giác

Ở loại đột quỵ này, do khu vực cảm giác và vận động của não đều bị tổn thương nên các triệu chứng bao gồm cả mất cảm giác (tổn thương ở vùng đồi thị) và liệt nửa người (tổn thương vùng bao trong). Những bất thường về cảm giác và vận động thường nằm cùng 1 bên.

2.4 Thất điều – 1 trong 5 loại đột quỵ lỗ khuyết thường gặp

Thất điều (Ataxic hemiparesis) là loại đột quỵ thường xảy ra do thiếu máu đến một trong những vùng sau của não như bao trong, vành tia, cầu não. Tỷ lệ mắc của loại đột quỵ này là khoảng 18 – 20%. Triệu chứng tương đối giống với đột quỵ vận động đơn thuần như run rẩy, yếu ở cánh tay hoặc chân ở một bên của cơ thể. Ở dạng này, mặt của bệnh nhân thường không bị ảnh hưởng.

2.5 Loạn vận ngôn kèm hội chứng bàn tay vụng về

Loại đột quỵ này có tên khoa học là Clumsy hand-dysarthia, liên quan đến cầu não hoặc bao trong. Thường ở dạng này bệnh nhân sẽ bị yếu cơ vận ngôn gây khó nói, khó phát âm.

Ngoài loạn vận ngôn, người bệnh còn gặp phải tình trạng vụng về bàn tay khi di chuyển tay ở một bên của cơ thể. Lực ở các tay này vẫn bình thường, nhưng bệnh nhân lại khó vận động trong các hoạt động cần sự khéo léo như viết, cột dây hay chơi đàn dương cầm.

3. Chẩn đoán và điều trị hội chứng lỗ khuyết bằng cách nào?

Các thống kê cho thấy khoảng 40% trường hợp đột quỵ lỗ khuyết có xuất hiện cơn thiếu máu não cục bộ tạm thời trước đó, 50% khởi phát như một nhồi máu não do vữa xơ động mạch, rồi diễn biến tăng dần các triệu chứng.

Đột quỵ dạng này thường có sự xảy ra ở những người trên 60 tuổi, đặc biệt là người có tiền sử tăng huyết áp. Người bệnh không có biểu hiện đau đầu, nôn, rối loạn thị giác.

Tùy theo nguyên nhân và các nguy cơ, người bệnh sẽ được chỉ định các phương pháp thích hợp để chẩn đoán. Trong đó, chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) não – mạch não là những phương pháp chụp chiếu quan trọng để chẩn đoán đột quỵ lỗ khuyết.

Để phân biệt với các tổn thương não khác, các bác sĩ có thể chỉ định thêm một số phương pháp chẩn đoán bổ sung. Từ đó, đưa ra các biện pháp điều trị phù hợp như dùng thuốc tiêu sợi huyết, phẫu thuật…

5 loại đột quỵ lỗ khuyết và cách chẩn đoán

Đột quỵ ổ khuyết được chẩn đoán bằng các phương pháp hiện đại như chụp CT, chụp MRI não.

4. Phòng ngừa đột quỵ lỗ khuyết

Xơ động mạch, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, bệnh tim… là những yếu tố nguy cơ rất quan trọng có thể dẫn đến đột quỵ lỗ khuyết. Vì vậy, thăm khám để có thể phát hiện sớm các yếu tố này sẽ giúp ngăn ngừa bệnh xảy ra.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *