U mạch máu mí mắt là một khối u lành tính, khởi phát chủ yếu ở trẻ nhỏ do tình trạng tăng sinh mạch máu mí mắt (động mạch, tĩnh mạch, mao mạch). Mặc dù lành tính, u mạch máu mi mắt không được điều trị tích cực, vẫn có thể hạn chế hoạt động của hệ thị giác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh.
Bạn đang đọc: U mạch máu mí mắt và các phương pháp điều trị
1. Về u mạch máu
U mạch máu mi mắt là một dạng u mạch máu. U phát sinh trên mí mắt trẻ nhỏ. Ngoài mí mắt, u mạch máu còn có thể xuất hiện tại một hoặc một vài vị trí khác của cơ thể. Cụ thể, 80% u mạch máu xuất hiện tại một vị trí, 20% xuất hiện phối hợp tại nhiều vị trí. Trong đó, 60% u mạch máu nằm ở vùng đầu, mặt, cổ. Như vậy có thể thấy, u mạch máu mi mắt là một dạng phổ biến của u mạch máu nói chung.
U mạch máu mí mắt là một dạng u mạch máu phổ biến
2. Phân loại u mạch máu mí mắt
2.1. Phân loại dựa trên đặc điểm khối u
Dựa trên đặc điểm khối u, u mạch máu mi mắt được phân loại thành u tổn thương mạch máu mắc phải và u bệnh lý mạch bẩm sinh:
– U tổn thương mạch máu mắc phải: Vẫn khởi phát chủ yếu ở trẻ nhỏ. U mạch máu mi mắt dạng này tiến triển qua 2 thời kỳ: Tăng sinh và thoái triển. Trong đó, quá trình tăng sinh diễn ra mạnh mẽ trong 12 tháng đầu đời và dừng lại khi trẻ 2 tuổi. Khoảng 50% u thoái triển sau 5 tuổi và biến mất hoàn toàn sau 7 – 10 tuổi. Ở người lớn, u tổn thương mạch máu mắc phải không phát triển như ở trẻ nhỏ và thường phối hợp với các bệnh lý khác như thông thương động tĩnh mạch do chấn thương, bệnh lý ác tính mạch máu.
– U bệnh lý mạch bẩm sinh: Phát sinh do dị dạng mạch máu bẩm sinh, bắt nguồn từ sai lệch cấu tạo mạch máu ở thời kỳ phôi thai, như là dị dạng dòng chảy chậm (dị dạng mạch, mao mạch, dị dạng mạch tĩnh mạch, dị dạng mạch bạch huyết), dị dạng dòng chảy nhanh (dị dạng động mạch) và hỗn hợp dị dạng dòng chảy nhanh – chậm. Sau chào đời, theo thời gian những tổn thương này phát triển ngày càng rộng.
2.2. Phân loại dựa trên giải phẫu bệnh lý và dấu hiệu lâm sàng
Dựa trên giải phẫu bệnh lý và dấu hiệu lâm sàng, u mạch máu mi mắt có ba dạng là u phẳng, u gồ và u dưới da.
– U phẳng: Hình thành từ sự quy tụ của nhiều mạch máu, chiếm khoảng 50%, có hình thái là những bớt đỏ trên mí mắt, đa số bẩm sinh hoặc xuất hiện khi bệnh nhân còn ít tuổi. Ngoài màu đỏ, những u này có thể có màu nâu xám, vàng, xanh, hồng.
– U máu gồ: Nổi trên mí mắt thành từng chùm như chùm dâu, màu đỏ máu. Tuy nhiên, u máu gồ mí mắt không nhiều, u máu gồ chủ yếu xuất hiện ở mặt và cơ thể.
– U máu dưới da: Nằm sâu dưới da, có thể cảm nhận rõ ràng sự chắc như những hạt sạn cứng khi sờ những u này.
Tìm hiểu thêm: Cách phòng và chữa bệnh đau mắt đỏ
U máu gồ nổi trên mí mắt thành từng chùm như chùm dâu, màu đỏ máu
3. Điều trị u mạch máu mí mắt
Hơn 50% u mạch máu mi mắt sẽ biến mất theo năm tháng mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một vài u mạch máu mi mắt diễn biến phức tạp, lớn bất thường và nằm tại những vị trí đặc biệt, đe dọa hạn chế hoạt động hệ thị giác và thẩm mỹ người bệnh trầm trọng. Những u này phải được xử lý chủ động bởi chuyên gia nhãn khoa. Theo đó, điều trị u mạch máu mi mắt bao gồm điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.
3.1. Điều trị nội khoa u mạch máu mí mắt
Phương pháp này được áp dụng với các u mạch máu mi mắt trẻ nhỏ đang trong giai đoạn tăng sinh. Chuyên gia nhãn khoa sẽ chỉ định một hoặc một vài loại thuốc sau, người bệnh có thể tham khảo: Corticoid, Interferon, Vincristine, Propranolol (liều khởi đầu cho một trẻ khỏe mạnh là 40mg Propranolol uống cách nhật trong 20 ngày, sau đó giảm liều lượng xuống 20mg – 10mg – 5mg – 2,5mg. Mỗi giai đoạn kéo dài 20 ngày và vẫn uống cách nhật),…
Ở thời điểm này, cơ chế tác dụng của Corticoid lên tổ chức u mạch máu mi mắt vẫn còn là một ẩn số. Theo suy đoán của nhiều chuyên gia nhãn khoa, chìa khóa kiểm soát u mạch máu của Corticoid rất có thể nằm ở khả năng ức chế hoạt động của Fibrin (tại thành mạch máu), Plasminogen cũng như khả năng tăng cường sự nhạy cảm của cơ thắt tiền mao mạch đối với các Amin khi chúng kết hợp với các tế bào có nguồn gốc từ Heparin. Hay nói cách khác là nằm ở khả năng ức chế tăng sinh tân mạch. Mặc dù vậy, đánh giá tác dụng của Corticoid lên tổ chức u mạch máu mi mắt ở 432 trẻ nhỏ đã cho thấy kết quả vô cùng khả quan, với 85% trẻ nhỏ đáp ứng tích cực với điều trị.
Ngoài các thuốc trên, trước đây, người bệnh còn có thể được điều trị nội khoa u mạch máu mi mắt bằng cách tiêm các chất gây xơ và tia xạ. Tuy nhiên, hiện nay, các phương pháp này không còn được áp dụng bởi những biến chứng như ung thư tuyến giáp,… mà chúng có thể đem đến cho người bệnh.
>>>>>Xem thêm: Cơ nâng mi trên: Cấu trúc, chức năng và cách chăm sóc
Thăm khám u mạch máu mi mắt tại cơ sở y tế chuyên khoa Mắt
3.2. Điều trị ngoại khoa u mạch máu mí mắt
– Điều trị phẫu thuật: Được chỉ định cho những trường hợp u mạch máu mi mắt có kích thước lớn hoặc xuất hiện ở người trưởng thành. Theo đó, nếu là u máu phẳng, bệnh nhân có thể được cắt, ghép da hoặc áp lạnh bằng nitơ lỏng. Nếu là u máu gồ và u máu dưới da, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cắt bỏ.
– Laser: Đây là phương pháp có triển vọng nhất hiện nay. Phương pháp này được thực hiện nhằm biến đổi huyết sắc tố, làm đông đặc mạch máu mà không gây tổn thương cho lớp thượng bì, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nạo vét sạch sẽ u khu trú.
Như vậy, u mạch máu mi mắt có thể tự biến mất mà không cần can thiệp y tế. Trong trường hợp bắt buộc phải giải quyết chủ động, u mạch máu có thể được điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa. Tùy thuộc tình trạng u mạch máu, chuyên gia nhãn khoa sẽ chỉ định phương pháp phù hợp cho bệnh nhân.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.