Viêm tủy thị thần kinh là một bệnh ảnh hưởng đến mắt và tủy sống của chúng ta. Đây là bệnh lý không hề phổ biến, tuy nhiên lại khá nguy hiểm nếu không may mắc phải. Để bạn đọc có thêm thông tin cơ bản về căn bệnh này, hãy cùng Hệ thống y tế Thu Cúc TCI tìm hiểu ngay quay bài viết dưới đây nhé!
Bạn đang đọc: Viêm tủy thị thần kinh có điều trị được không?
1. Viêm tủy thị thần kinh
1.1 Khái niệm
Bệnh viêm tủy thị thần kinh (Neuromyelitis optica – NMO) hay còn được gọi là bệnh Devic. Bệnh xảy ra do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công tới các tế bào khỏe mạnh tại hệ thống thần kinh trung ương (tủy sống và não).
Những đợt tấn công diễn ra trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần liền được gọi là viêm đơn pha. Trường hợp tái đi tái lại nhiều tháng hoặc nhiều năm được gọi là viêm tái phát. Đối với thể tái phát, triệu chứng có thể biến mất nhưng sẽ xuất hiện trở lại và nặng hơn theo thời gian.
Bệnh xảy ra do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công tới các tế bào khỏe mạnh tại hệ thống thần kinh trung ương
Cả nam và nữ đều có tỷ lệ mắc viêm đơn pha là như nhau. Tuy nhiên, ở thể tái phát, nữ giới thường có tỷ lệ mắc nhiều hơn so với nam giới. Ngoài ra, trẻ em cũng có nguy cơ mắc phải bệnh lý này.
1.2 Nguyên nhân
Hiện nay, y học vẫn chưa chắc chắn được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý. Bệnh dường như không xảy ra do yếu tố di truyền, nhưng nhiều người mắc bệnh lý này cũng mắc các bệnh lý tự miễn khác. Hoặc họ có các thành viên trong gia đình mắc các bệnh lý tự miễn. VD: Đái tháo đường, thấp khớp, vảy nến, bệnh bạch biến,…
1.3 Triệu chứng
Về triệu chứng, dấu hiệu của bệnh lý được chia thành 2 loại chính. Hãy đến gặp các bác sĩ nếu như bạn nhận thấy một trong các triệu chứng sau:
– Viêm dây thần kinh thị giác: Viêm ở dây thần kinh thị – nơi phụ trách dẫn truyền thông tin từ mắt đến não. Bạn có thể đột ngột cảm thấy đau mắt, sau đó không nhìn rõ. Trong một số trường hợp thậm chí mất thị lực và dẫn tới mù lòa. Bệnh thường xuất hiện ở một bên mắt, nhưng cũng có trường hợp xuất hiện ở cả hai mắt.
– Viêm tủy ngang: Đây là tình trạng xảy ra viêm tại tủy sống. Điều này có thể gây ra các triệu chứng ở chân và tay của người bệnh. VD: Đau, yếu, tê hoặc thậm chí là liệt chân, tay. Bệnh cũng có thể gây mất kiểm soát ở bàng quang và ruột của người bệnh. Do đó, khiến người bệnh cảm thấy buồn nôn, nấc cụt, cứng cổ hoặc đau đầu.
– Ngoài ra, đối với các trường hợp là trẻ em có thể bị lú lẫn, co giật hoặc hôn mê.
Cần lưu ý rằng bệnh lý không phải là bệnh đa xơ cứng. Trước đây, các bác sĩ từng cho rằng bệnh lý là một dạng của bệnh đa xơ cứng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu hiện nay chỉ ra rằng giữa chúng có sự khác nhau:
– Bệnh đa xơ cứng thường diễn ra chậm và lâu hơn
– Viêm thị thần kinh có xét nghiệm máu để chẩn đoán nhưng đa xơ cứng thì không có
– Chụp cộng hưởng từ (MRI) thường bình thường nếu bạn bị viêm thị thần kinh lần đầu. Tuy nhiên đối với bệnh đa xơ cứng thì không như vậy.
– Viêm thị thần kinh có thể gây ra buồn nôn, nấc cụt ở người bệnh. Những triệu chứng này gần như không thường gặp trong bệnh đa xơ cứng.
Tìm hiểu thêm: Viêm bờ mi mắt có nguy hiểm không?
Cần lưu ý rằng viêm thị thần kinh không phải là bệnh đa xơ cứng
2. Chẩn đoán bệnh lý
Để chẩn đoán bệnh lý, các bác sĩ cần dựa trên nhiều yếu tố khác nhau.
VỀ LÂM SÀNG:
– Bệnh khởi phát một cách tương đối đột ngột. Người bệnh có thể xuất hiện cùng lúc triệu chứng giảm thị lực và liệt hai chi dưới. Hoặc đôi khi triệu chứng thị giác xuất hiện trước chừng vài ngày (hay vài tuần).
– Rối loạn thị giác được biểu hiện bằng việc đột nhiên giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt. Thường có ám điểm trung tâm và thị trường thu hẹp. Gai thị có hiện tượng phù viêm, giảm thị lực từ giai đoạn nhẹ cho tới khi mù hẳn tương đối nhanh.
– Sau khoảng một đến hai ngày (hoặc một tuần) có triệu chứng cắt ngang tủy sống, rối loạn vận động và rối loạn cảm giác kiểu đường dẫn truyền, rối loạn cơ tròn.
– Có thể đi kèm các triệu chứng về não: Đau đầu, rối loạn ý thức nhẹ, co giật kiểu động kinh, có khi là động kinh tủy sống (co cứng ở hai chi dưới, đau đớn).
VỀ CẬN LÂM SÀNG:
– Dịch não tủy: Đa số vẫn bình thường, đôi khi trong một số trường hợp có tăng protein nhẹ.
– Chụp cộng hưởng từ sọ não, tủy sống phát hiện thấy có tổn thương.
3. Phương pháp điều trị
Điều đáng tiếc là cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để bệnh viêm thị thần kinh. Tuy nhiên, vẫn có những loại thuốc và cách điều trị giúp giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh. Cụ thể:
– Thuốc phòng ngừa các đợt bệnh bùng phát: Hai loại thuốc thường được chỉ định là Eculizumab (Soliris) và Inebilizumab-cdon (Uplizna). Chúng hoạt động bằng cách nhắm vào các kháng thể tấn công tế bào khỏe mạnh của cơ thể. Bác sĩ có thể kê thêm các thuốc khác để ức chế hệ thống miễn dịch.
– Steroids hoặc corticosteroid: Trong một số trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định để giúp giảm viêm. Các loại thuốc khác có thể khiến các kháng thể không tấn công vào các tế bào khỏe mạnh, đồng thời phòng ngừa các đợt bùng phát trong tương lai.
– Thay huyết tương: Đây là quá trình lọc bỏ những kháng thể có hại ra khỏi máu. Một thiết bị sẽ phân tách các thành phần khác nhau ở bên trong máu. Sau đó huyết tương của người bệnh sẽ được thay thế bằng một số chất thay thế khác. Cuối cùng, máu đã được lọc và thay thế sẽ được truyền trở lại vào bên trong cơ thể.
>>>>>Xem thêm: Khám bệnh mất ngủ ở đâu?
Cho đến thời điểm hiện tại, y học vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để đối với bệnh lý viêm thị thần kinh
Tóm lại, trên đây là những chia sẻ về bệnh viêm tủy thị thần kinh mà chúng tôi muốn gửi đến bạn. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đọc đã có thêm những hiểu biết về bệnh lý này. Để được giải đáp thêm các thắc mắc liên quan, hay liên hệ sớm với chúng tôi và nhận tư vấn nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.