Phù hoàng điểm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực nếu người bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để trang bị cho bản thân những kiến thức để nhận biết bệnh phù hoàng điểm là gì, cách điều trị ra sao…
Bạn đang đọc: Bệnh phù hoàng điểm là gì, có nguy hiểm không?
1. Bệnh phù hoàng điểm là gì?
Hoàng điểm (điểm vàng) là một cơ quan quan trọng của võng mạc, cho phép ánh sáng đi vào mắt và tập trung tại đây để mọi người nhìn rõ mọi vật. Phù hoàng điểm xảy ra khi dịch trong hoàng điểm bị tích tụ khiến hoàng điểm dày lên. Tầm nhìn của người bệnh mắc phù hoàng điểm thường bị biến dạng, thị lực giảm.
Phù hoàng điểm không gây đau và không biểu hiện thành các triệu chứng rõ rệt khi ở giai đoạn đầu. Người bệnh chỉ có thể nhận biết bản thân đã mắc phù hoàng điểm khi có các triệu chứng như:
– Tầm nhìn trung tâm bị mờ
– Tầm nhìn trung tâm gợn sóng
– Không nhìn thấy màu sắc
– Thay đổi màu sắc đồ vật
– Thị lực giảm
– Gặp khó khăn khi đọc…
Nếu thấy bản thân có các dấu hiệu kể trên, người bệnh cần tới bệnh viện để được thăm khám sớm. Việc phát hiện sớm đóng vai trò quan trọng để bác sĩ có thể chủ động điều trị kịp thời, bảo vệ thị lực và giảm thiểu nguy cơ biến chứng.
Bệnh phù hoàng điểm là gì theo các chuyên gia, đây là hậu quả của nhiều vấn đề khác nhau ở mắt
2. Nguyên nhân gây bệnh
Theo các chuyên gia, phù hoàng điểm thường xảy ra khi bị tụ và rò rỉ dịch bất thường ở trong hoàng điểm. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này được các định là do một số vấn đề sau:
– Bệnh võng mạc tiểu đường: Bệnh khiến mạch máu võng mạc bị tổn thương, sưng mô xung quanh và phù hoàng điểm. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh và nếu không được điều trị kịp thời, nguy cơ mù lòa là rất lớn.
– Phẫu thuật mắt: Một số phẫu thuật như điều trị đục thủy tinh thể, glocom, bệnh võng mạc có thể khiến mắt bị ảnh hưởng và tiềm ẩn nguy cơ phù hoàng điểm. Tình trạng này thường kéo dài nhưng mức độ khá nhẹ và việc điều trị không quá phức tạp.
– Thoái hóa điểm vàng: Thoái hóa điểm vàng do tuổi tác quá cao cũng là nguyên nhân dẫn tới hoàng điểm bị phù do mạch máu tăng sinh bất thường, khiến dịch bị rò rỉ vào trong hoàng điểm của mắt.
– Tắc nghẽn mạch máu võng mạc: Máu không thể chảy ra ngoài đúng cách cũng dẫn tới rò rỉ vào trong võng mạc, gây ra tình trạng phù hoàng điểm.
– Viêm võng mạc: Viêm màng bồ đào gây sưng, phá hủy các mô mắt và làm tổn thương, phá vỡ các mô trong hoàng điểm.
Thoái hoá điểm vàng do tuổi tác có thể là nguyên nhân gây phù hoàng điểm
3. Chẩn đoán và điều trị
3.1. Chẩn đoán bệnh
Để chẩn đoán bệnh phù hoàng điểm, các bác sĩ sẽ tiến hành khám mắt và đánh giá các bất thường ở võng mạc. Một số thủ thuật sẽ được chỉ định để bác sĩ có thể kết luận chính xác hơn về bệnh và mức độ bệnh:
– Kiểm tra thị lực: Đánh giá thị lực bị ảnh hưởng bởi bệnh phù hoàng điểm bằng việc che một mắt và đọc to chữ trên bang đo thị lực.
– Kiểm tra mắt giãn đồng tử: Quan sát rõ hơn trạng thái của võng mạc để đánh giá, phát hiện các vấn đề bất thường, mạch máu rò rỉ hoặc u nang ở trong mắt.
– Chụp mạch huỳnh quang: Bác sĩ tiêm thuốc cản quang vào cánh tay của người bệnh, máy sẽ ghi lại những nơi có thuốc cản quang. Nếu mạch máu bị tắc, thuốc cản quang không thể đi qua thì sẽ thể hiện thành màu tối giúp bác sĩ có thể đánh giá tổn thương của hoàng điểm.
– Chụp cắt lớp quang học OCT: Đánh giá chi tiết các tế bào bên trong võng mạc thông qua việc xác định độ dày mỏng của võng mạc.
– Lưới Amsler: Giúp bác sĩ đánh giá mức độ thay đổi của tầm nhìn trung tâm khi bị ảnh hưởng bởi bệnh phù hoàng điểm.
Tìm hiểu thêm: Mắt bị sụp mí có ảnh hưởng đến thị lực?
Kiểm tra thị lực để đánh giá và xác định người bệnh có mắc phù hoàng điểm hay không
3.2. Điều trị bệnh
Nguyên tắc điều trị phù hoàng điểm phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Trước đây, phương pháp chính được áp dụng là quang hóa bằng laser tập trung. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các chuyên gia đã chuyển từ trị liệu laser sang tiêm thuốc trực tiếp vào mắt.
– Tiêm Anti-VEGF: Bác sĩ sẽ tiêm cho bệnh nhân thuốc có tên là ức chế tăng sinh tân mạch (Anti-VEGF) với tác dụng ngăn chặn nội mô mạch máu tăng trưởng hoạt động (VEGF). Điều này sẽ giúp làm giảm nguy cơ mạch máu rò rỉ, vỡ gây phù hoàng điểm cho người bệnh và làm chậm tiến trình hoàng điểm bị phù.
– Điều trị viêm: Sử dụng thuốc corticosteroid (steroid) để giảm viêm dưới dạng thuốc nhỏ mắt, hoặc thuốc uống, thuốc tiêm. Thuốc sẽ làm giảm sự phát triển của tình trạng phù hoàng điểm.
– Phẫu thuật cắt dịch kính: Trường hợp người bệnh mắc phù hoàng điểm kèm theo thủy tinh thể có điểm vàng, tích tụ máu trong thủy tinh thể thì sẽ được bác sĩ chỉ định phẫu thuật. Phẫu thuật có tác dụng loại bỏ dịch kính để giảm áp lực và tổn thương tới hoàng điểm. Phần lớn các ca bệnh phẫu thuật cắt dịch kính đều được thực hiện rất nhanh chóng và người bệnh có thể về luôn trong ngày.
Việc sử dụng thuốc hay tiêm, phẫu thuật để điều trị phù hoàng điểm cần có sự chỉ định của bác sĩ sau khi thăm khám kỹ lưỡng. Người bệnh cần tuân thủ phác đồ của bác sĩ để kết quả điều trị khả quan nhất. Đồng thời, sau khi điều trị y khoa, người bệnh cũng cần xây dựng một chế độ sinh hoạt đảm bảo khoa học và lành mạnh để bảo vệ sức khỏe thị lực một cách tối ưu. Trong quá trình phục hồi tại nhà, người bệnh cần theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của bản thân và đi tái khám ngay nếu thấy có các dấu hiệu bất thường ở mắt.
>>>>>Xem thêm: Tròng kính chiết suất cao có tốt không?
Bệnh phù hoàng điểm cần được thăm khám và điều trị sớm để bảo toàn thị lực tối ưu
Bài viết đã mang tới cho bạn những thông tin hữu ích về tình trạng bệnh phù hoàng điểm là gì. Hiện nay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ y khoa, việc điều trị bệnh không còn quá khó khăn như trước. Tuy nhiên để duy trì và bảo vệ thị lực tối ưu nhất, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị và sinh hoạt tại nhà mà bác sĩ đã hướng dẫn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.