Những nguy hiểm “rình rập” mà đột quỵ gây ra cho người bệnh rất khó mà đong đếm được. Bởi vậy, đột quỵ phải làm sao để nhận diện, xử trí như thế nào và phòng ngừa sao cho hiệu quả là băn khoăn của rất nhiều người.
Bạn đang đọc: Đột quỵ phải làm sao: Cách sơ cứu và phòng tránh
1. Đột quỵ là gì?
Đột quỵ là biến cố thần kinh cấp tính nguy hiểm, có thể gây tổn thương và hoại tử một phần hoặc toàn bộ não. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong ở bệnh nhân là rất cao. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong do đột quỵ lên tới 50%. Hơn 80% bệnh nhân gặp phải các di chứng sau đột quỵ, trong đó 30% trường hợp không có khả năng phục hồi.
Phải làm gì khi phát hiện bản thân có dấu hiệu đột quỵ? Làm sao khi nghi ngờ người thân hoặc những người xung quanh bị đột quỵ? Cách nhận diện và xử trí ra sao? Đây là băn khoăn của rất nhiều người hiện nay trước những mối nguy từ căn bệnh này.
Khoảng 50% bệnh nhân đột quỵ tử vong và 80% gặp phải các di chứng sau đột quỵ.
2. Đột quỵ phải làm sao để nhận diện và cấp cứu
2.1 Đột quỵ phải làm sao để nhận diện cho đúng?
Các triệu chứng của đột quỵ rất đa dạng, có thể biểu hiện khác nhau ở mỗi người tùy theo vị trí và mức độ tổn thương não. Các triệu chứng cảnh báo đột quỵ có thể gồm:
– Tê liệt ở mặt
Nếu vùng não điều khiển các dây thần kinh và cơ mặt bị ảnh hưởng, người bệnh có thể bị yếu hoặc tê liệt đột ngột ở một bên mặt. Bên yếu sẽ xệ xuống gây tình trạng liệt, méo miệng, khiến nhân trung lệch. Để kiểm tra tình trạng liệt mặt, bạn hãy yêu cầu bệnh nhân cười lớn hoặc nhe răng. Nếu bị đột quỵ các biểu hiện trên sẽ càng rõ rệt.
– Khó cử động tay, chân
Tình trạng này thường xảy ra ở một bên cơ thể của người bị đột quỵ. Để kiểm tra một người có bị đột quỵ hay không, hãy yêu cầu họ giơ cả hai tay lên đầu cùng lúc. Nếu họ không thể giơ tay lên cao qua đầu hoặc giơ lên được nhưng rất khó khăn hoặc một cánh tay bắt đầu buông thõng xuống ngay sau đó thì rất có thể người đó đã bị đột quỵ não. Tình trạng này xảy ra có thể cảnh báo tổn thương ở vùng não điều khiển vận động của cơ thể.
– Rối loạn khả năng nói
Gặp khó khăn khi phát ra âm thanh, giọng nói thay đổi về âm sắc, nói lắp, nói ngọng, nói mất chữ, không diễn đạt được lời nói, nói lặp đi lặp lại hoặc không hiểu lời người khác… đều là những biểu hiện rối loạn ngôn ngữ và có thể xảy ra ở người bị đột quỵ. Nếu thấy nghi ngờ, bạn hãy kiểm chứng bằng cách yêu cầu họ nhắc lại một cụm từ đơn giản. Nếu bị đột quỵ họ sẽ không nhắc lại được hoặc diễn đạt một cách khó khăn.
– Thay đổi thị lực
Một hoặc cả hai mắt đột ngột bị mờ hoặc nhìn đôi (song thị) cũng là dấu hiệu đột quỵ. Tuy nhiên điều này chỉ có người bệnh mới cảm nhận được. Vì vậy khi thấy bản thân có dấu hiệu này, cần thông báo ngay cho người nhà.
– Đau đầu dữ dội
Đau đầu dữ dội, đột ngột và kèm theo nôn mửa, chóng mặt có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị đột quỵ. Cùng với đó người bệnh có thể bị vấp ngã hoặc chóng mặt tức thời, mất thăng bằng hay mất sự phối hợp của cơ thể.
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu cách chữa rối loạn nhịp tim tại nhà
Đau đầu dữ dội có thể là một triệu chứng của đột quỵ
2.2 Đột quỵ phải làm sao để sơ cứu đúng cách?
Nếu nghi ngờ một người bị đột quỵ, bạn cần gọi cấp cứu 115 ngay. Trong lúc chờ xe cấp cứu đến, bạn nên thực hiện sơ cứu đột quỵ cho bệnh nhân bằng những bước sau:
– Nếu người bệnh vẫn còn tỉnh, để người bệnh nằm nghỉ ngơi thoải mái, phần đầu cao khoảng 30 – 40 độ, có thể nghiêng sang một bên.
– Nếu bệnh nhân nôn mửa thì phải giữ bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng để chất nôn ói không đi vào họng gây tắc đường thở. Đồng thời trấn an tinh thần, giữ cho bệnh nhân tỉnh táo bằng cách trò chuyện.
– Nếu bệnh nhân ngất xỉu, rơi vào trạng thái hôn mê thì bạn cần kiểm tra mạch đập và nhịp thở của bệnh nhân. Khi thấy người bệnh thở yếu hoặc ngừng thở thì phải xoa bóp hoặc ép tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo, nới lỏng quần áo để cho bệnh nhân dễ thở hơn.
– Quan sát cẩn thận và ghi chép sự thay đổi nào của bệnh nhân để nói lại cho nhân viên y tế biết khi họ đến.
2.3 Những sai lầm nên tránh khi sơ cứu người bệnh đột quỵ
– Cạy miệng bệnh nhân, cho uống thuốc hay uống nước.
– Bế xốc nạn nhân, dễ gây tổn thương dập tủy sống cổ. Thay vào đó hãy di chuyển người bệnh với một tấm gỗ, cố định chỗ xương gãy nếu bị gãy xương rồi mới được đưa người bệnh đến nơi cấp cứu.
– Châm cứu, cạo gió, chích máu 10 đầu ngón tay.
Khi được chuyển tới cơ sở y tế, bệnh nhân sẽ được thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu để xác định loại đột quỵ và mức độ tổn thương của não trong đột quỵ.
>>>>>Xem thêm: Những lưu ý cho người bệnh cao huyết áp vào mùa lạnh
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như CT, MRI sẽ giúp xác định loại đột quỵ, mức độ tổn thương của não.
3. Cần làm gì để phòng tránh đột quỵ?
Để bệnh đột quỵ không xảy ra, các chuyên gia khuyến cáo mỗi người nên:
– Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn ít thực phẩm giàu chất béo, bổ sung nhiều rau xanh để tăng cường chất xơ và vitamin, tránh xa uống rượu bia, thuốc lá…
– Tập thể dục đều đặn là cách đơn giản giúp tăng cường tuần hoàn trong cơ thể, giảm cholesterol xấu, góp phần nâng cao sức khỏe nói chung. Theo các chuyên gia tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 lần trong một tuần có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, từ đó tránh nguy cơ đột quỵ.
Đặc biệt, cần chủ động thăm khám tại cơ sở y tế uy tín để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, đặc biệt là các bệnh lý kể trên.
Hi vọng qua bài viết trên đây bạn đã biết “đột quỵ phải làm sao?” và chủ động nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, phòng chống đột quỵ. Nếu có nhu cầu kiểm tra các yếu tố nguy cơ đột quỵ, vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được tư vấn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.