Với khả năng gây tổn thương và hoại tử tế bào não trong một thời gian rất ngắn, đột quỵ não là mối nguy lớn đối với sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Khi nào đột quỵ dễ xảy ra và cách phòng tránh ra sao là băn khoăn của nhiều người.
Bạn đang đọc: Khi nào đột quỵ dễ xảy ra và cách phòng tránh
1. Đột quỵ dễ xảy ra vào những thời điểm nào?
1.1 Khi nào đột quỵ dễ xảy ra trong ngày?
Sáng sớm là thời điểm dễ khởi phát đột quỵ
Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, nguy cơ đột quỵ cao hơn gần 80% trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa.
Một nghiên cứu được thực hiện tại bệnh viện đầu ngành tại Việt Nam cho thấy có đến 62,9% bệnh nhân bị đột quỵ vào sáng sớm (5-8 giờ).
Nguyên nhân của tình trạng này được lý giải như sau:
Vào buổi sáng khi mới thức dậy, cơ thể chuyển từ tư thế đang nằm sang tư thế vận động. Điều này làm thay đổi nồng độ các hormone trong cơ thể. Cụ thể khi thức dậy, cơ thể sẽ tiết ra adrenaline và các hormone gây căng thẳng khác, làm tăng áp lực máu và nhu cầu cung cấp oxy. Lúc này nhịp tim và huyết áp tăng lên, đồng thời làm tăng trương lực của động mạch và làm tăng nguy cơ đột quỵ não.
Sau một giấc ngủ dài, cơ thể mất đi một lượng nước lớn, máu dễ trở nên cô đặc hơn khiến tim phải làm việc nhiều để bơm đẩy máu đi khiến tim trở nên bất ổn, làm tăng nguy cơ tổn thương, tróc vỡ các mảng xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ hình thành huyết khối gây tắc mạch não và đột quỵ thiếu máu não cấp.
Vào buổi sáng, lượng nitric oxit (NO) trong cơ thể thường rất thấp. Đây là chất có vai trò quan trọng trong việc cầm máu, mở rộng các mạch máu giúp tăng dòng chảy đưa oxy và các chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể. Quá trình tiêu thụ lượng NO lớn gây ra tình trạng thiếu NO vào sáng sớm và dẫn đến đột quỵ.
Khoảng 18 – 19 giờ hàng ngày
Khoảng thời gian từ 18 đến 19 giờ hàng ngày là thời điểm huyết áp tăng cao. Tăng huyết áp tổn thương thành mạch máu, tăng nguy cơ vỡ ở những mạch máu não nhỏ, gây xuất huyết não. Bên cạnh đó, quá trình tổn thương mạch máu do tăng huyết áp cũng tạo điều kiện hình thành các mảng xơ vữa và cục máu đông, làm tắc mạch máu và dẫn đến đột quỵ. Do vậy 18 đến 19 giờ hàng ngày cũng là khoảng thời gian nguy hiểm, nhiều ca đột quỵ đã xảy ra.
Sáng sớm là thời điểm xảy ra 80% tổng số ca đột quỵ.
1.2 Khi nào đột quỵ dễ xảy ra trong năm?
Các chuyên gia cho biết, vào các thời điểm giao mùa trong năm, số lượng bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ thường gia tăng. Bởi sự thay đổi nhiệt độ từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại có thể khiến các mạch máu giãn nở không kịp, gây rối loạn lưu thông máu và tổn thương mạch máu.
Đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do đột quỵ não có xu hướng tăng cao vào mùa lạnh. Những người có nguy cơ cao bị đột quỵ chuyển mùa thường là những người mắc huyết áp cao, vỡ xơ mạch, tắc nghẽn mạch máu, người cao tuổi, người mắc bệnh lý như đái tháo đường, mỡ máu, dị dạng mạch máu não…
Đa phần các yếu tố nguy cơ này thường xuất hiện trước đó và tiến triển trong một khoảng thời gian. Khi gặp điều kiện thuận lợi là thời tiết chuyển mùa, các yếu tố này càng dễ gây ảnh hưởng đến cơ thể, dễ dẫn đến đột quỵ.
2. Khi nào đột quỵ xảy ra và những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ
Khi đột quỵ xảy ra, người bệnh có thể có nhiều biểu hiện khác nhau như:
2.1 Nhìn mờ
Người bị đột quỵ có thể có sự thay đổi về thị lực, rõ nhất là biểu hiện nhìn mờ hoặc mất hẳn thị lực ở cả 2 hoặc 1 bên mắt. Tuy nhiên, triệu chứng này thường chỉ có bản thân người bệnh cảm nhận được nên nếu thấy mình có biểu hiện này, cần báo ngay với người thân để được đưa đến cơ sở y tế kịp thời.
2.2 Khó nói hoặc nói ngọng
Gặp khó khăn trong giao tiếp, phát âm, thậm chí không nói được có thể là những dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ mà người bị đột quỵ dễ gặp phải. Một số người bị giảm khả năng nhận biết và hiểu lời nói của người khác.
2.3 Méo miệng, liệt mặt
Khuôn mặt của người bị đột quỵ thường mệt mỏi, ủ rũ, nhợt nhạt. Khi được yêu cầu mỉm cười, họ thường cười một cách khó khăn, da chùng xuống, mặt yếu dần.
2.4 Yếu, liệt tay chân
Đây là một trong những những dấu hiệu khá phổ biến ở người bị đột quỵ. Họ thường cảm thấy cánh tay hoặc chân yếu dần đi, khó cử động, thậm chí tê liệt. Các chi liệt sẽ nằm ở phía đối diện của vùng não bị đột quỵ.
Khi được yêu cầu giang rộng 2 tay trong 10 giây, cánh tay yếu hơn có thể sẽ bị buông thõng xuống, báo hiệu cơn đột quỵ.
Tìm hiểu thêm: Những triệu chứng cơ bản của cao huyết áp
Khó cử động tay chân là một dấu hiệu của đột quỵ.
2.5 Chóng mặt hoặc mất thăng bằng
Chóng mặt có thể là dấu hiệu của cơn đột quỵ tuy nhiên không điển hình, rất dễ nhầm lẫn với dấu hiệu của các căn bệnh khác. Cần quan sát các dấu hiệu khác để nhận diện đột quỵ trong trường hợp này.
2.6 Đau nhức đầu dữ dội
Cơn đau đầu dữ dội và đột ngột thường là triệu chứng xảy ra ở những người bị đột quỵ nặng, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi và có tiền sử đau nửa đầu.
Các triệu chứng này thường được đúc kết lại bằng nguyên tắc F.A.S.T và B.E.F.A.S.T để làm tiêu chuẩn nhận diện đột quỵ.
3. Dự phòng cơn đột quỵ thế nào?
Việc nắm rõ khi nào đột quỵ dễ xảy ra có ý nghĩa quan trọng. Để ngăn đột quỵ xảy ra vào các thời điểm trên, mỗi người cần chú ý:
– Sau khi tỉnh giấc, nên dành thời gian cho cơ thể quen dần với trạng thái mới trước khi bước ra khỏi giường. Có thể nằm trên giường và thực hiện một vài động tác nhẹ nhàng duỗi chân duỗi tay, xoa mặt…
– Buổi tối trước khi đi ngủ, nên uống một ly nước ấm để tránh tình trạng mất nước vào sáng hôm sau.
– Vào mùa đông, cần chú ý giữ ấm cơ thể bằng cách mặc đầy đủ quần áo, phụ kiện khi ra ngoài trời, tránh tắm nước lạnh, nhất là vào buổi tối.
Ngoài ra, để tránh đột quỵ xảy ra, cần luyện tập thể dục, thể thao, tránh hút thuốc lá, uống rượu bia kết hợp với chế độ ăn hợp lý.
>>>>>Xem thêm: Hiểu rõ về bệnh mạch vành mạn để nhận diện và điều trị hiệu quả
Thăm khám, tầm soát sớm các yếu tố nguy cơ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả.
Các chuyên gia cho biết, hầu hết các bệnh nhân đột quỵ não đều mang trong mình các yếu tố nguy cơ trước đó, bao gồm các bệnh lý như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, mỡ máu. Phát hiện sớm, theo dõi chặt chẽ và điều trị hiệu quả các yếu tố nguy cơ là điều then chốt cho việc dự phòng đột quỵ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.